Khép lại Quý I, II/2020, dù tình hình vô cùng bất lợi do ảnh hưởng đại dịch Covid - 19 và tình trạng hạn hán xâm nhập mặn phức tạp ngay tại thị trường trọng điểm, nhưng bằng nỗ lực vượt bậc, Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC – HOSE: DCM) đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu quan trọng. Từ đâu Đạm Cà Mau có được những kết quả khả quan trên, PetroTimes đã có cuộc trò chuyện với ông Văn Tiến Thanh – Tổng giám đốc PVCFC để tìm hiểu rõ hơn về doanh nghiệp đang nằm trong chiếm lĩnh Top đầu thị trường phân bón trong nước hiện nay.
PV: Được biết 6 tháng đầu năm 2020, kết quả kinh doanh khả quan đã góp phần giúp thị giá cổ phiếu DCM tăng trên 50%; hoạt động tiêu thụ hàng tự doanh và các sản phẩm mới khác cũng được đẩy mạnh, tăng sản lượng tiêu thụ, giảm hàng tồn kho trong điều kiện diện tích canh tác trong nước bị thu hẹp bằng cách xuất khẩu trên 30.000 tấn ure sang các thị trường tiềm năng. Ngoài ra, một số dự án PVCFC đang đầu tư cũng đã đi vào quỹ đạo, tiến độ được kiểm soát. Từ đâu Đạm Cà Mau có được những kết quả khả quan trên, thưa ông?
Tổng giám đốc Văn Tiến Thanh: Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh Covid-19 kéo dài, sản xuất, tiêu thụ nông sản bị đình trệ làm giảm nhu cầu phân bón. Thị trường chính Tây Nam Bộ của Đạm Cà Mau chịu đợt hạn mặn kỷ lục, thiếu nước để sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, lợi nhuận của công ty vẫn vượt cao so với kế hoạch.
Nguyên nhân thứ nhất là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá dầu giảm sâu nên giá khí cũng giảm, bình quân bằng khoảng 80% giá kế hoạch, dẫn đến chi phí vốn trong kỳ thấp. Thứ hai, dịch Covid-19 khiến giá lúa gạo, nông sản, thực phẩm tăng, tạo động lực cho nông dân một số vùng không bị ảnh hưởng hạn mặn quay trở lại canh tác lúa gạo, lượng tiêu thụ urê vẫn duy trì không kém hơn những năm trước. Thứ ba là nhờ nguồn cung cấp khí ổn định, nhà máy Đạm Cà Mau duy trì sản xuất ở công suất 110%, ổn định, an toàn; bên cạnh đó là đẩy mạnh các giải pháp tiết kiệm, tiết giảm chi phí bán hàng, chi phí quản trị doanh nghiệp, tối ưu hóa và tiết kiệm năng lượng…
Nhưng đặc biệt hơn cả, không thể không kể đến yếu tố nội lực là tập thể CBNV - người lao động của công ty. Đội ngũ nhân sự PVCFC hiện nay đã trở nên chuyên nghiệp, hiệu quả hơn rất nhiều cả về năng lực lẫn kinh nghiệm. Năm 2019, những sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tối ưu hóa hoạt động sản xuất do đội ngũ CBNV - người lao động PVCFC đóng góp đã mang lại hiệu quả kinh tế cho công ty lên tới 173 tỷ đồng, đạt tỷ trọng rất lớn trong lợi nhuận năm. Hiệu quả của những sáng kiến đó dự kiến sẽ vẫn tiếp tục phát huy mạnh mẽ trong năm nay và những năm tiếp theo.
Yếu tố cuối cùng là nhờ công tác quản trị doanh nghiệp hiệu quả. Công nghệ kỹ thuật số được đưa vào ứng dụng ngày càng sâu vào việc vận hành các hệ thống quản trị doanh nghiệp (ERP), hệ thống quản lý kênh phân phối (DMS), xây dựng kho dữ liệu khách hàng… Một trong những mục tiêu lớn trong năm 2020 của Đạm Cà Mau là sẽ cố gắng đưa đến 80% các hoạt động của Công ty được thực hiện trên nền tảng công nghệ thông tin, bao gồm từ việc đào tạo online cho đến công tác giao nhận, quản lý hệ thống phân phối, quản lý hệ thống bán hàng, v.v…
Tất cả những yếu tố trên đã mang lại lợi nhuận vượt bậc của quý I, và dự kiến lợi nhuận 6 tháng đầu năm của Đạm Cà Mau khả năng đạt xấp xỉ 330 tỷ đồng, vượt rất xa so với kế hoạch cả năm đã được phê duyệt là 54 tỷ đồng.
Riêng về dự án NPK, hiện nay đang trong giai đoạn chạy thử, chuẩn bị bàn giao. Tuy nhiên, việc triển khai dự án vào giai đoạn chạy thử cũng chịu ảnh hưởng rất lớn từ dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là kế hoạch huy động nhân sự phục vụ chạy thử, bởi các nhân sự của nhà bản quyền Espindesa, các nhà cung cấp thiết bị cho dự án từ Nhật Bản, Ý, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Mỹ... đều phải thay đổi kế hoạch sang Việt Nam do bị dừng nhập cảnh. Mặc dù vậy, chúng tôi đã chủ động phối hợp với nhà thầu EPC để tiếp tục triển khai vận hành chạy thử mà không có các chuyên gia nước ngoài. Đến nay đã hoàn thành được 4/5 giai đoạn và khả năng sẽ hoàn thành vào cuối tháng 7/2020. Ngoài ra, đội ngũ vận hành Nhà máy cũng chủ động chuẩn bị các phần việc liên quan đến quy trình vận hành, nguyên liệu, hóa chất, phụ trợ…, đào tạo nhân sự để sẵn sàng tiếp nhận vận hành hoạt động hiệu quả ngay khi nhận bàn giao từ nhà thầu. Đồng thời, chúng tôi cũng đã và đang tiếp tục triển khai các hoạt động chuẩn bị cho công tác phân phối sản phẩm NPK Cà Mau như phát triển thị trường, hệ thống phân phối và tăng độ nhận biết về NPK Cà Mau tại các thị trường mục tiêu.
PV: Đại hội Cổ đông thường niên 2020 của PVCFC, bên cạnh công bố các báo cáo quan trọng về tình hình sản xuất kinh doanh năm qua, Đại hội cũng sẽ thông qua kế hoạch hoạt động 2020 với hàng loạt mục tiêu chiến lược, bài bản trên cơ sở sát sao thị trường, phát huy mọi nguồn lực để tiếp tục phát triển ổn định trước thách thức mới? Ông có thể chia sẻ rõ hơn về các nội dung trên?
Tổng giám đốc Văn Tiến Thanh: Cuối năm 2019, Ban lãnh đạo PVCFC đã xây dựng và trình Tập đoàn Dầu khí Việt Nam kế hoạch chiến lược phát triển 5 năm, tầm nhìn 10 năm tiếp theo; dự kiến năm 2025 tổng doanh thu sẽ đạt mức 15 nghìn tỷ đồng. Trong đó mục tiêu trọng tâm của Đạm Cà Mau trong giai đoạn này là tiếp tục các giải pháp tiết kiệm năng lượng, tối ưu hóa sản xuất; sau khi thực hiện Bảo dưỡng tổng thể năm 2021 nghiên cứu nâng công suất xưởng urê lên 115% so với thiết kế; trước năm 2023 tìm được nguồn nguyên liệu thay thế nguồn khí PM3-CAA như LNG, Biomass, Lô B,...; phát triển bộ sản phẩm phân bón ngoài urê đáp ứng theo yêu cầu của thị trường như NPK, phân bón hữu cơ vi sinh… Ngoài ra, PVCFC cũng sẽ phát triển các dịch vụ tư vấn liên quan đến dịch vụ vận hành bảo dưỡng cho các nhà máy, dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao, tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp an toàn như tư vấn phương thức canh tác, chuyển giao công nghệ trồng trọt...
PV: Trải qua 10 năm hình thành và phát triển, PVCFC đã tạo dựng được một nền tảng vững chắc về “văn hóa doanh nghiệp” và góp phần vào sự đa dạng bản sắc của văn hóa ngành Dầu khí. Làm thế nào để PVCFC có thể tạo ra một nét văn hoá doanh nghiệp mang bản sắc riêng của mình?
Tổng giám đốc Văn Tiến Thanh: Ngay từ những ngày đầu thành lập, PVCFC đã có sự thống nhất và quyết tâm cao trong toàn thể cán bộ công nhân viên về việc triển khai xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Tuy nhiên, ở đây chúng tôi không dùng từ là “xây dựng” mà là “tái tạo”, bởi trong mỗi cá nhân, tập thể vốn đã tồn tại một nền tảng văn hóa kể từ khi bắt đầu hình thành, phát triển. Còn nền tảng văn hóa đó có rõ nét, có đặc sắc hay không còn tùy thuộc vào sự bồi đắp của cá nhân, tập thể đó. Việc “tái tạo văn hóa doanh nghiệp” tại PVCFC được cụ thể hóa bằng các mục tiêu, phải phù hợp với những nét riêng và định hướng phát triển chiến lược của công ty.
Dự án “Tái tạo văn hóa PVCFC” gồm 2 giai đoạn. Đầu tiên là giai đoạn xây dựng văn hóa nền tảng, thông qua giáo dục, đào tạo, trang bị cho mỗi người lao động PVCFC văn hóa phổ quát, một hệ thống lý luận về “mục đích của cuộc sống”; giúp mọi người biết cách “quản trị cuộc đời”, “làm chủ bản thân”. Giai đoạn này bao gồm những khóa đào tạo về “quản trị cuộc đời”, “7 thói quen hiệu quả”, “tốc độ niềm tin”… cho toàn thể CBCNV. Mỗi thành viên sẽ ý thức được phải tự thay đổi mình, từ đức tin, bản tính, giá trị ở sâu bên trong con người tới hành vi và thái độ bên ngoài. Khi bản thân thay đổi sẽ dẫn đến sự đổi thay của nhiều thứ liên quan từ công việc đến đời sống, xã hội. Từ đó, không chỉ bản thân CBNV PVCFC có những thay đổi tích cực mà gia đình, tổ chức cán bộ đó đang làm việc cũng sẽ thay đổi theo. Kết thúc giai đoạn này, Đạm Cà Mau đã bước đầu tạo được môi trường khuyến khích CBCNV hành xử theo tinh thần “7 thói quen” giúp mọi người hoàn thiện bản thân, công việc hiệu quả hơn, sống hạnh phúc hơn. Chương trình đã mang đến sự thay đổi cho nhiều cá nhân, dẫn tới nhiều tập thể cũng thay đổi giúp mọi người sống và làm việc hiệu quả hơn, chia sẻ và hợp tác tốt hơn.
Giai đoạn thứ hai là tái tạo văn hóa bản sắc Đạm Cà Mau, nhằm làm sống dậy những giá trị tốt đẹp, đồng thời nhận diện và củng cố những giá trị hiện hữu đang tồn tại. PVCFC thống nhất hệ giá trị cốt lõi: “Tiên phong - Trách nhiệm - Ân cần - Hài hòa” – từ đó triển khai các hoạt động xây dựng văn hóa bản sắc Đạm Cà Mau. Sổ tay văn hóa của công ty được xây dựng nhằm định hướng hành động, ứng xử của CBCNV phù hợp với giá trị cốt lõi này; đồng thời công ty cũng tích cực tạo dựng môi trường và điều kiện để giúp CBCNV hành xử theo định hướng của sổ tay văn hóa, tích hợp các hoạt động văn hóa vào các hoạt động và chính sách của công ty.
Ngoài ra, một nét nổi bật khác trong văn hóa doanh nghiệp tại Đạm Cà Mau là những lãnh đạo cao nhất của công ty qua từng thời kỳ luôn cam kết thực hành làm mới bản thân, sống tích cực theo đúng tinh thần và thói quen mà công ty đề ra. Từ đó, quá trình xây dựng và hình thành văn hóa PVCFC có tính kế thừa theo từng giai đoạn và được bồi dưỡng liên tục, hình thành nên một đơn vị dầu khí không ngừng học hỏi, tu dưỡng và rèn luyện bản thân. Ban lãnh đạo công ty tin tưởng văn hoá PVCFC sẽ được duy trì và phát triển hướng đến tính bền vững nhằm giúp văn hóa nền tảng, văn hóa bản sắc của PVCFC có sức sống mạnh mẽ, trở thành “vũ khí” đắc lực giúp công ty nâng cao năng lực cạnh tranh, vượt qua mọi khó khăn, thử thách hiện nay để tiếp tục phát triển và thành công.
PV: Trong giá trị cốt lõi của văn hóa PVCFC có nhấn mạnh đến trách nhiệm, sẻ chia với cộng đồng. Là doanh nghiệp sản xuất phân bón hàng đầu cả nước, trách nhiệm sẻ chia của PVCFC với những khó khăn của bà con nông dân và cộng đồng, đặc biệt là với bà con ĐBSCL được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Tổng giám đốc Văn Tiến Thanh: Triết lý kinh doanh của Đạm Cà Mau là đem đến những giải pháp dinh dưỡng cho sản xuất nông nghiệp và cho bà con nông dân. Xuất phát từ triết lý này, trong quá trình duy trì và phát triển thị trường, Đạm Cà Mau luôn hướng đến việc nâng cao và đảm bảo chất lượng sản phẩm; tập trung nghiên cứu các sản phẩm mới phù hợp, hiệu quả hơn trong sản xuất nông nghiệp, không chỉ với đối tượng cây trồng mà còn ứng phó được với điều kiện hạn mặn, những thách thức về thời tiết, hướng đến cung ứng nguồn phân bón dinh dưỡng chất lượng, tốt cho đất, xanh cho cây, an toàn về môi trường, lợi cho người nông dân và góp phần phát triển nông nghiệp bền vững. Thứ hai, chúng tôi luôn đồng hành cùng bà con trong các chương trình xúc tiến thương mại bằng cách nghiên cứu những nhu cầu cấp thiết, thiết thực của bà con nông dân để hỗ trợ. Ví dụ như trong đợt hạn mặn vừa rồi, PVCFC đã trang bị hơn 300 bồn chứa nước đạt chuẩn cỡ lớn 500 lít cho bà con nông dân ở 6 tỉnh/ thành chịu tổn thất nặng nề nhất, nhằm chia sẻ khó khăn với bà con trong nhu cầu tưới tiêu, định hướng tái canh tác giai đoạn tiếp theo. Hiện tại chúng tôi cũng đang phối hợp với trường ĐH Cần Thơ tổ chức một loạt hội thảo nghiên cứu giải pháp ứng phó với điều kiện hạn mặn ở ĐBSCL và các vùng duyên hải. Chú trọng thực hiện những hoạt động đáp ứng nhu cầu thiết thực của bà con nông dân như vậy, theo tôi đó mới chính là triết lý kinh doanh mang tính lâu dài, mang đến sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Nội dung: Thuận Thiên
Thiết kế: Duy Tiến