Giá khí đầu vào tăng: Đạm Cà Mau có thể chịu cú sốc lớn

15:25 | 19/09/2018

4,202 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Năm 2018 là năm cuối cùng Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC, HOSE: DCM) được đảm bảo về giá khí nguyên liệu đầu vào của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Hết thời hạn này, nếu không có những cam kết của Tập đoàn, của Chính phủ về giá khí đầu vào cho DCM, doanh nghiệp này có thể gặp phải những rủi ro lớn do chi phí sản xuất tăng cao.  
gia khi dau vao tang dam ca mau co the chiu cu soc lonNhà máy Đạm Cà Mau sẵn sàng cho đợt bảo dưỡng tổng thể lớn nhất từ trước đến nay
gia khi dau vao tang dam ca mau co the chiu cu soc lonPVCFC hoàn thành 85% kế hoạch nộp ngân sách nhà nước năm 2018
gia khi dau vao tang dam ca mau co the chiu cu soc lonĐảm bảo nguồn cung và cơ chế giá khí cho Đạm Cà Mau: Mũi tên trúng nhiều đích

Chi phí nguyên liệu tăng cao

Thời hạn kết thúc việc đảm bảo giá khí đầu vào của PVN dành cho DCM đang cận kề, bức tranh về thoái vốn của PVN tại DCM xuống còn 51% và thông tin sáp nhập DCM và DPM gần đây… khiến nhà đầu tư quan tâm hơn về chính sách giá khí cũng như nguồn khí với DCM. Bởi chi phí sản xuất của DCM phụ thuộc chủ yếu vào giá khí. Chi phí sản xuất Urea bao gồm khí đầu vào (khí tự nhiên), khấu hao và các nguyên vật liệu khác như chất xúc tác, nước, điện… Do đó, khi giá khí tăng cao, lợi nhuận và dòng tiền của DCM có thể sụt giảm mạnh, gây cú sốc cho doanh nghiệp.

Giá khí cung cấp cho DCM giai đoạn 2015 - 2018 được PVN hỗ trợ nhằm đảm bảo DCM duy trì lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 12%. Đến nay, thời hạn ưu đãi sắp kết thúc nhưng giá khí với DCM hiện vẫn chưa được đảm bảo. Và theo thông tin chúng tôi tìm hiểu được, giá khí đang được Chính phủ xem xét lại cao hơn so với khi lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án và cao hơn so với giá thị trường cũng như giá khí cho các nhà máy sản xuất phân đạm trên thế giới. Bên cạnh đó, việc phát triển dự án khí Lô B chậm hơn so với kế hoạch dẫn đến nguồn cung suy giảm nhanh so với tính toán ban đầu khiến DCM có thể còn đứng trước nguy cơ thua lỗ nếu nguồn khí không đủ cho 100% công suất thiết kế.

gia khi dau vao tang dam ca mau co the chiu cu soc lon
Sản xuất phân bón tại Nhà máy Đạm Cà Mau

Các rủi ro trên càng gia tăng hơn với số nợ nước ngoài khi xây dựng dự án mà DCM còn phải trả gần 200 triệu USD; nhà máy vẫn chưa hết khấu hao; váp lực cạnh tranh từ hàng nhập khẩu giá rẻ, bởi nguyên liệu đầu vào để sản xuất phân bón ở các nước trên thế giới và khu vực khá rẻ. Nhiều quốc gia trên thế giới như Ấn Độ, Pakistan, Indonesia đều có chính sách ưu đãi thuế, giá khí để đảm bảo duy trì ổn định giá phân bón, hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp.

Nếu giá khí áp dụng cho DCM sau năm 2018 cao hơn so với khi lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, có nguy cơ khiến DCM có thể là dự án tiếp theo của ngành phân bón thua lỗ.

Điều mà cổ đông mong muốn và chờ đợi ở thời điểm này, một sự cam kết và đảm bảo của Chính phủ, của Bộ ngành, của PVN là nguồn khí và giá khí hợp lý nhất áp dụng với DCM, đảm bảo cho DCM tiếp tục hoạt động hiệu quả như thời gian vừa qua, tiếp tục hoàn thành nghĩa vụ trả nợ cho Nhà nước.

Đóng góp quan trọng cho phát triển nông nghiệp

Việc giá khí đầu vào cho sản xuất tăng cao không những là nỗi lo riêng của DCM mà còn là nỗi lo của đông đảo bà con nông dân đang sử dụng phân bón DCM như là một phần của quá trình sản xuất nông nghiệp.

DCM gia nhập thị trường vào cuối năm 2011 với sản phẩm chính là Urea hạt đục. Tại Việt Nam, loại Urea này được sản xuất duy nhất ở DCM tính tới thời điểm hiện tại. Urea hạt đục có ưu điểm vượt trội so với các loại phân đạm khác ở khả năng chậm phân giải, giúp cây trồng hấp thu dinh dưỡng hiệu quả, cỡ hạt đồng đều, không mạt nên dễ rải, dễ phối trộn. Nhờ đó DCM nhanh chóng chiếm lĩnh phần lớn thị phần trong nước và là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong ngành phân bón trong những năm gần đây.

Thị phần của DCM chiếm khoảng 40%, là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu thị trường phân bón hiện nay. Tuy nhiên, DCM lại là nhà sản xuất duy nhất sản xuất được Urea hạt đục. Đó cũng là lý do, thương hiệu DCM có chỗ đứng vững chắc ở thị trường trong nước và xuất khẩu, đặc biệt tại khu vực ĐBSCL. Có thể thấy rõ, từ khi có DCM, thị trường phân bón ổn định hơn, mỗi khi vụ mùa đến, nông dân không còn nỗi lo sốt phân sốt giá, giảm đáng kể việc nông dân sử dụng phân bón giả, kém chất lượng. Sau 6 năm đi vào sản xuất, DCM đã cung cấp ra thị trường trên 5 triệu tấn phân Urea và hàng trăm tấn phân bón chuyên dụng khác giúp tiết kiệm gần 1,5 tỷ USD nếu phải nhập khẩu từ nước ngoài.

gia khi dau vao tang dam ca mau co the chiu cu soc lon
Người lao động chuẩn bị cho công tác bảo dưỡng tổng thể Nhà máy Đạm Cà Mau năm 2018

Trong những năm trở lại đây, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành phân bón đối mặt với nhiều khó khăn do giá cả biến động mạnh, tình hình thiên tai như hạn hán, xâm nhập mặn, khô hạn, thiếu nước trầm trọng... Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, DCM vẫn vững bước phát triển với hệ thống phân phối đã được đầu tư, phát triển theo chiều sâu; hiệu quả của kênh phân phối được cải thiện rõ rệt, duy trì ổn định thị phần tại các thị trường mục tiêu, đồng thời tiếp tục mở rộng, phát triển mạng lưới phân phối ở các địa bàn trọng điểm trong nước và Campuchia. Trong khi tình trạng của các doanh nghiệp cùng ngành đang có chiều hướng đi xuống, DCM vẫn tăng trưởng doanh thu, tiếp tục giữ vững vị thế là một doanh nghiệp mạnh trong ngành, có sức cạnh tranh với các tập đoàn nông nghiệp nước ngoài.

Từ đó có thể thấy, DCM với nhiều nỗ lực trong hoạt động SXKD đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của nền nông nghiệp nước nhà, trở thành sản phẩm tin dùng của đông đảo bà con nông dân, đặc biệt là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm – ĐBSCL. Tuy nhiên, cùng với những nỗ lực đó, do đặc thù sản xuất, hiệu quả DCM vẫn phụ thuộc vào nguồn khí và giá khí.

Theo định hướng của Chính phủ trong thời gian tới, nông nghiệp vẫn là ngành được chú trọng trọng tâm do Việt Nam có nhiều lợi thế trong sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng nông sản.

Hơn bao giờ hết, vai trò đồng hành với nông dân của doanh nghiệp, Chính phủ và các cơ quan chức năng cần phải thể hiện trong các quyết sách đúng đắn về nguồn khí và giá khí đầu vào cho DCM, hỗ trợ người dân được tiếp cận với việc sử dụng sản phẩm chất lượng, giá cả phải chăng để đảm bảo canh tác có lãi và góp phần ổn định thị trường phân bón, giảm nhập khẩu. Bởi khi giá khí - nguyên liệu chính sản xuất phân bón tăng sẽ đẩy chi phí sản xuất của DCM tăng thêm, người nông dân sẽ là người cuối cùng chịu thiệt thòi nhất.

Mai Phương

DMCA.com Protection Status