Gỡ “nút thắt” cho doanh nghiệp sản xuất phân bón

20:45 | 18/12/2023

8,505 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Nhằm giải quyết khó khăn, bất cập trong hơn 8 năm thực hiện Luật số 71/2014/QH13, doanh nghiệp sản xuất phân bón, Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn… đã liên tục kiến nghị sửa đổi Luật Thuế số 71 theo hướng đưa phân bón vào diện chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT); các chuyên gia khuyến nghị áp dụng thuế GTGT 5% đối với mặt hàng phân bón. Việc áp thuế xuất hợp lý đối với mặt hàng phân bón sẽ gỡ khó cho ngành phân bón, giúp các doanh nghiệp hạ giá thành sản phẩm, phân bón trong nước có thêm điều kiện cạnh tranh với phân bón nhập khẩu…

Gánh lỗ hàng tỷ đồng

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế số 71/2014/QH13 (Luật Thuế 71) quy định phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Theo đó, phân bón từ mặt hàng chịu thuế GTGT 5% được điều chỉnh thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT từ ngày 1.1.2015, nhằm giảm gánh nặng cho nông dân. Tuy nhiên, thực tế khi áp dụng Luật Thuế 71, mục đích giảm gánh nặng giá phân bón cho nông dân không đạt được, thậm chí còn gây tác dụng ngược khi giá thành phân bón bị tăng thêm 5 - 8% tùy loại.

Gỡ “nút thắt” cho doanh nghiệp sản xuất phân bón
Doanh nghiệp phân bón trong nước kỳ vọng tháo gỡ "nút thắt" 8 năm qua Ả̉nh: Nguyên Huân

Theo Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Huỳnh Tấn Đạt: qua hơn 8 năm đi vào cuộc sống, Luật Thuế 71 đã bộc lộ nhiều bất cập, đẩy giá thành phân bón sản xuất trong nước tăng. Nguyên nhân do quy định phân bón không chịu thuế GTGT, các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước không được khấu trừ, hoàn thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ đầu vào (nguyên liệu, vật tư cho sản xuất, sửa chữa máy móc, thiết bị…), kể cả thuế GTGT của hàng hóa mua vào hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định dùng cho sản xuất phân bón. Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam TS. Phùng Hà cho biết, ước tính, với quy mô ngành phân bón và tỷ lệ thuế toàn ngành không được khấu trừ ở mức 5% các đơn vị toàn ngành gánh chịu 3.000 - 4.000 tỷ đồng/năm.

Điển hình như tại Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), mỗi năm, tính riêng số tiền các đơn vị sản xuất phân bón của Tập đoàn không được hoàn thuế xấp xỉ 900 tỷ đồng. Con số này đã lên tới hơn 6.000 tỷ đồng từ năm 2015 đến nay. Với 2 đơn vị sản xuất phân bón lớn của Tập đoàn Dầu khí, con số còn lớn hơn nhiều lần: Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau mỗi năm không được khấu trừ gần 350 tỷ đồng tiền thuế; Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (PVFCCo - Đạm Phú Mỹ), không được khấu trừ khoảng hơn 3.000 tỷ đồng. Cũng theo số liệu của Bộ Công thương, ước tính khi thực hiện Luật 71, giá thành phân đạm tăng 7,2 - 7,6%; phân DAP tăng 7,3 - 7,8%; phân supe lân tăng 6,5 - 6,8%; phân NPK và hữu cơ tăng từ 5,2 - 6.1%.

Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam Nguyễn Phú Cường cho biết: vấn đề có tính chất cơ bản và lâu dài cho ngành phân bón cần được “gỡ” từ năm 2015 đến nay là kiến nghị Bộ Tài chính trình Quốc hội sửa đổi Luật Thuế số 71/2014/QH13 theo hướng chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế GTGT.

Kiến nghị áp thuế giá trị gia tăng 5% cho phân bón

Để giải quyết những khó khăn, bất cập trong hơn 8 năm thực hiện Luật số 71/2014/QH13, doanh nghiệp sản xuất phân bón, Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn… đã liên tục kiến nghị sửa đổi, có văn bản gửi Bộ Tài chính; đồng thời có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu việc sửa đổi Luật Thuế số 71 theo hướng đưa phân bón vào diện chịu thuế GTGT với mức thuế suất phù hợp để hỗ trợ ngành sản xuất phân bón trong nước. Tại Nghị quyết số 23/2021/QH15, Quốc hội Khóa XV đã yêu cầu khẩn trương sửa đổi, hoàn thiện một số luật thuế, nhất là Luật Thuế GTGT, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt…

Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần DAP 1 Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: sửa đổi Luật Thuế số 71 là một giải pháp then chốt, cần thiết, không những với ngành sản xuất phân bón mà còn với ngành sản xuất nông nghiệp trong nước. Khi luật thuế được sửa đổi, giá thành sản phẩm được giảm xuống, doanh nghiệp tăng được sản lượng sản xuất, tăng công suất nhà máy, phát huy hết công suất thiết kế, gia tăng lợi nhuận; đồng thời, sẽ có cơ hội đầu tư lại tốt hơn cho máy móc thiết bị và đầu tư chiều sâu hơn cho lực lượng nhân sự kỹ thuật. Từ đó có cơ hội cạnh tranh công bằng với các phân bón nhập khẩu trong thị trường trong nước.

Bên cạnh đó, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, phân bón là mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp nên chính sách thuế GTGT của nhiều nước được thiết kế theo hướng ưu đãi hơn so với các mặt hàng thông thường khác. Các chuyên gia khuyến nghị chuyển đổi phân bón từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng áp dụng thuế GTGT 5%. Việc áp thuế xuất hợp lý đối với mặt hàng phân bón sẽ giúp các doanh nghiệp hạ giá thành sản phẩm, giúp ngành phân bón trong nước có thêm điều kiện cạnh tranh với phân bón nhập khẩu.

Thanh Hóa khởi tố, bắt giam 4 bị can liên quan sản xuất phân bón giảThanh Hóa khởi tố, bắt giam 4 bị can liên quan sản xuất phân bón giả
Phân bón chịu nhiều áp lực tăng giáPhân bón chịu nhiều áp lực tăng giá
Nguồn khí đang được điều tiết thế nào để đảm bảo an ninh năng lượng và lương thực?Nguồn khí đang được điều tiết thế nào để đảm bảo an ninh năng lượng và lương thực?
Vì sao doanh nghiệp phân bón kiến nghị giảm thuế xuất khẩu 5% cho ure?Vì sao doanh nghiệp phân bón kiến nghị giảm thuế xuất khẩu 5% cho ure?

Theo Báo đại biểu nhân dân

DMCA.com Protection Status