Tái cơ cấu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

Góc nhìn của chuyên gia kinh tế

18:48 | 02/09/2017

1,207 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Danh mục doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2017-2020 đã được Chính phủ phê duyệt vào tháng 8/2017. Điều này cho thấy Chính phủ quyết tâm “xốc lại” quá trình cổ phần hóa DNNN, trong đó có PVN. Tuy nhiên, cổ phần hóa PVN không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, đang và sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, cả khách quan và chủ quan. Những ý kiến của các chuyên gia kinh tế là những đóng góp thiết thực, những kinh nghiệm từ thực tế, mang tới những góc nhìn đa chiều về hoạt động cổ phần hóa PVN, rất đáng tham khảo.

TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương: Thực chất, hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng

goc nhin cua chuyen gia kinh te

Nếu như Quyết định 37/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ không có danh mục DNNN phải thoái vốn, tỷ lệ phần trăm vốn Nhà nước đang nắm giữ, thì Quyết định 58/2016/QĐ-TTg đã đưa ra 4 danh mục DNNN thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016-2020 và tỷ lệ phần trăm vốn Nhà nước đang nắm giữ, thậm chí Nhà nước chỉ giữ 50% vốn tại 106/240 DNNN. Điều đó cho thấy Chính phủ đang thể hiện quyết tâm mạnh mẽ hơn đối với việc sắp xếp lại DNNN.

Hội nghị Trung ương 6 khẳng định phải thu hẹp lại phạm vi hoạt động của DNNN, nhưng vai trò, vị trí của DNNN chưa thay đổi. DNNN vẫn là nòng cốt của nền kinh tế, là lực lượng vật chất quan trọng và là công cụ để Nhà nước điều tiết nền kinh tế.

Một trong những cải cách quan trọng của Việt Nam là mở cửa thị trường, nhưng lâu nay lại vướng vấn đề “chủ sở hữu”. Một trong những nội dung quản trị hiện đại là phải tách biệt chủ sở hữu, thay đổi lại vị trí của doanh nghiệp (DN), tách biệt chức năng kinh doanh và chức năng xã hội. Nhưng đến nay, việc áp dụng các nguyên tắc quản trị hiện đại trong các tập đoàn kinh tế Nhà nước lại hầu như chưa có gì.

goc nhin cua chuyen gia kinh te

Yêu cầu bức thiết là phải tổ chức thực hiện tái cơ cấu các DN thuộc PVN một cách thực chất, hiệu quả hơn, từ đó tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng. Hiệu quả sử dụng vốn tại DN nếu tăng thêm 1 điểm phần trăm sẽ có thêm 3-4 tỉ USD phục vụ tăng trưởng kinh tế. Muốn vậy, cần khẩn trương tái cơ cấu lại danh mục tài sản Nhà nước đầu tư nhằm thu hồi tối đa vốn Nhà nước từ cổ phần hóa, đồng thời tiếp tục nâng cao hiệu quả quản trị DN.

Theo hướng đó, thời gian tới, PVN cần tập trung loại bỏ các hỗ trợ bất hợp lý để tạo áp lực và động lực cho DN kinh doanh theo nguyên tắc thị trường, khẩn trương thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII về thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại DN.

TS Lê Đăng Doanh - thành viên Ủy ban Chính sách phát triển của Liên Hiệp Quốc: Thu hút nhà đầu tư chiến lược là thách thức không nhỏ

goc nhin cua chuyen gia kinh te

Cổ phần hóa PVN là rất cần thiết. Cổ phần hóa sẽ giúp huy động được lượng vốn không nhỏ. Với lượng vốn này, Nhà nước có thể tái cơ cấu PVN và đầu tư vào lĩnh vực khác phù hợp hơn. Muốn vậy, trước hết phải hoàn thiện khung pháp luật về cổ phần hóa, thoái vốn đối với DNNN, trong đó phải thay đổi tỷ lệ nắm giữ cổ phần đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Nếu tỷ lệ vẫn thấp như hiện nay, nếu Nhà nước vẫn nắm giữ tỷ lệ chi phối, sẽ rất khó thu hút các nhà đầu tư chiến lược.

Trên thực tế, cổ đông chiến lược rất quan trọng, quyết định thành công của quá trình cổ phần hóa, bởi họ có uy tín, tiềm lực tài chính, công nghệ và thị trường. Sự có mặt của nhà đầu tư chiến lược có thể cải thiện đáng kể giá trị cổ phiếu của DN trên thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, việc thu hút nhà đầu tư chiến lược cho PVN thời gian tới là một thách thức không nhỏ, đòi hỏi phải có chính sách cởi mở trong quá trình thương lượng, tỷ lệ cổ phần nhà đầu tư được mua, giá cổ phiếu... cũng như có sự bảo đảm vị thế pháp lý của nhà đầu tư chiến lược trong các DN của PVN sau cổ phần hóa.

Cổ phần hóa là câu chuyện rất nghiêm túc, không thể làm theo kiểu cũ. Toàn bộ quá trình cổ phần hóa PVN phải được công khai, minh bạch. Các vấn đề tài chính phải được đánh giá độc lập và phải được xử lý rõ ràng. Về nợ, cần có kế hoạch xử lý rõ ràng, bởi vì không có nhà đầu tư nào sẵn sàng bỏ tiền mua “gánh nặng nợ”. Về đất đai, phải có phương án xử lý riêng, nếu tính tất cả số đất của PVN vào giá trị của DN thì giá tăng lên rất cao.

PGS.TS Võ Đại Lược - Tổng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Á - Thái Bình Dương: Phải lên sàn chứng khoán

goc nhin cua chuyen gia kinh te

Tái cơ cấu PVN đã được Chính phủ khẳng định là việc phải làm ngay. Việc thoái vốn ra khỏi các ngành, lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ để giảm tỷ trọng DNNN trong GDP từ 34-35% hiện nay xuống còn 15-20%, ngang mức các nền kinh tế thị trường trong khu vực, là giải pháp quan trọng. Tuy nhiên, cần đẩy mạnh cổ phần hóa PVN nói riêng, DNNN nói chung, theo hướng tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược có khả năng quản lý, phát triển DN hiệu quả. Sau khi các DN này được đổi mới, kinh doanh hiệu quả, phải niêm yết trên sàn chứng khoán. DN được quản lý theo chế độ quản lý hiện đại: Chế độ pháp nhân DN, chế độ trách nhiệm hữu hạn, chế độ quản lý khoa học, công khai minh bạch.

Tái cơ cấu DN là việc làm hết sức phức tạp, đụng chạm đến lợi ích của nhiều thành phần khác nhau, nhiều nhóm lợi ích. Cho nên, đề án chi tiết tái cơ cấu các DN trong PVN không nên chỉ do một cơ quan trình duyệt, mà cần có thêm các viện nghiên cứu, các nhà khoa học đề xuất ý kiến và được thảo luận công khai. Đề án sau khi được phê duyệt, cần thành lập một tiểu ban chỉ đạo thực hiện, chỉ rõ quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu và các thành viên.

TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế: Cổ phần hóa PVN được thụ hưởng những chính sách mới

goc nhin cua chuyen gia kinh te

Việc Chính phủ ban hành danh mục cổ phần hóa PVN một cách chi tiết sẽ giúp các nhà đầu tư có thông tin cụ thể để chủ động và an tâm trong việc chuẩn bị và ra quyết định đầu tư. Đặc biệt, việc nêu rõ danh mục từng DN với các mức tỷ lệ Nhà nước nắm giữ vốn và trách nhiệm cụ thể của từng bộ, ngành, tập đoàn và địa phương trong xác định lộ trình và thời hạn hoàn tất các công việc đã tạo cơ sở và áp lực pháp lý thống nhất chấm dứt chuyện chậm trễ cổ phần hóa của PVN.

Về nguyên tắc, cổ phần hóa PVN cũng giống như cổ phần hóa các tập đoàn kinh tế khác.

Thứ nhất, cổ phần hóa PVN phải gắn với thị trường chứng khoán.

Thứ hai, phải được tính đúng, tính đủ các giá trị để tổ chức đấu giá.

Thứ ba, thực hiện cổ phần hóa một cách minh bạch, công khai, rõ ràng.

Thứ tư, cổ phần hóa phải nằm trong lộ trình đã được cấp trên phê duyệt.

Đấy là những nguyên tắc cơ bản, song cổ phần hóa PVN còn được thụ hưởng những chính sách mới như loại bỏ các giới hạn của nhà đầu tư chiến lược, không nhất thiết phải bán hết cổ phần khi IPO...

GS.TS Nguyễn Quang Thái - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Việt Nam: Tăng cường chất lượng quản trị theo chuẩn mực quốc tế

goc nhin cua chuyen gia kinh te

Mục đích của cổ phần hóa PVN là chuyển đổi sở hữu, có thể tạo điều kiện để nâng cao chất lượng quản trị DN. Tuy nhiên, việc định giá DN cổ phần hóa là vấn đề không đơn giản, bởi phụ thuộc nhiều yếu tố.

Năm 2016, việc định giá và bán DNNN đã thận trọng hơn, kể cả việc thoái vốn với số vốn Nhà nước được thoái tại 106 DN, giá trị sổ sách gần 5.000 tỉ đồng, nhưng đã thu hồi được hơn 18.000 tỉ đồng, bằng 3,76 lần giá sổ sách, trong khi năm 2015 chỉ ở mức 1,5 lần. Đặc biệt, tại Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), giá trị được nâng lên 5 lần.

Cổ phần hóa PVN cần xem xét kỹ lưỡng việc định giá tài sản. Quá trình này phải được công khai và tuân thủ các nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch. Sự giám sát của cán bộ, công nhân viên DN và các cơ quan quản lý sẽ làm cho việc định giá chính xác hơn, gần với thị trường hơn.

Không phải DN nào thuộc PVN cũng thuộc hàng “sáng giá”. Do đó, cần chuẩn bị cả kế hoạch kinh doanh sau cổ phần hóa và thoái vốn nhờ tăng cường chất lượng quản trị theo chuẩn mực quốc tế. Như vậy, nhà đầu tư sẽ mua giá trị tương lai, thay vì phải mua “đống sắt vụn”. PVN nên tập trung quản lý chặt chẽ số vốn Nhà nước đang nằm trong các DN, nâng cao chất lượng quản trị để tăng hiệu quả mọi mặt.

Hải Vân (thực hiện)

DMCA.com Protection Status