Hà Nam đảm bảo lưu thông hàng hóa trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19

06:34 | 24/09/2021

333 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Sở Công Thương Hà Nam đã xây dựng Phương án “Đảm bảo cung ứng, lưu thông hàng hóa thiết yếu và nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân ứng phó với dịch Covid-19 trong trường hợp thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn”.

Theo Phương án "Đảm bảo cung ứng, lưu thông hàng hóa thiết yếu và nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân ứng phó với dịch Covid-19 trong trường hợp thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn”, Sở Công Thương cho biết, sẽ theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu; có kiến nghị, đề xuất các giải pháp bình ổn thị trường, điều tiết hàng hóa khi cần thiết. Thiết lập đầu mối tiếp nhận thông tin của Sở, liên hệ kết nối với UBND các huyện, thị xã, thành phố để phối hợp điều tiết, cung ứng hàng hóa tránh việc đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa.

Đồng thời, phân công cán bộ nắm bắt tình hình dự trữ, cung ứng, lưu thông hàng hóa tại các siêu thị, chợ, đơn vị cung ứng phân phối hàng hóa thiết yếu...

Phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố khác cung cấp và tổng hợp thông tin danh sách các doanh nghiệp có nguồn cung các mặt hàng thiết yếu và hàng hóa khác tại các tỉnh, thành phố có thể cung cấp và kết nối hoặc đề nghị các tỉnh, thành phố hỗ trợ cung ứng hàng hóa cho Hà Nam.

Đồng thời, phối hợp với Cục Quản lý thị trường, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá đột biến đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân tại các siêu thị, chợ, cửa hàng kinh doanh tổng hợp.

Hà Nam đảm bảo lưu thông hàng hóa trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19
Ảnh minh họa.

Thông tin chính xác, kịp thời tình hình dịch bệnh Covid-19 qua trang thông tin điện tử, đầu mối tiếp nhận thông tin của Sở, điện thoại... để các đơn vị sản xuất, kinh doanh hàng thiết yếu, chợ đầu mối... có kế hoạch dự trữ hàng hóa để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.

Đối với các đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn sẽ phải báo cáo thường xuyên với Sở Công Thương về tình hình cung cầu, giá cả hàng hóa mặt hàng thiết yếu tại các đơn vị sản xuất, kinh doanh; tình hình dự trữ, phương án vận chuyển mặt hàng thiết yếu để ứng phó với dịch bệnh. Đảm bảo tối đa nguồn cung để cung cấp cho thị trường trong tỉnh. Xây dựng phương án bố trí lực lượng, phương tiện vận chuyển thực hiện điều tiết hàng hóa đến khu vực khi có yêu cầu của UBND tỉnh, Sở Công Thương, UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Trên cơ sở xây dựng các phương án, Sở Công Thương Hà Nam cũng đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố duy trì hoạt động của các chợ truyền thống, đồng thời chỉ đạo UBND các xã/phường/thị trấn tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng chống dịch theo thông điệp 5K, dừng hoạt động ngay đối với các chợ không đảm bảo an toàn phòng chống dịch theo quy định.

Đồng thời đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ban ngành phối hợp, nhằm thực hiện công tác phòng chống dịch và đảm bảo cung ứng, lưu thông hàng hóa thiết yếu cho người dân.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cũng đã ký ban hành Chỉ thị số 08/CT-BGTVT về tăng cường công tác vận tải hỗ trợ tiêu thụ nông sản và các sản phẩm nông nghiệp trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19.

Bộ GTVT cho biết, dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản. Còn có hiện tượng nhiều mặt hàng nông sản bị tồn đọng với khối lượng lớn, giá giảm sâu. Một số chuỗi sản xuất bị đứt gãy, ảnh hưởng tới nguồn cung trong thời gian tới.

Nhằm tạo điều kiện cao nhất để vận chuyển, lưu thông hàng hóa, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất, nông sản, vật tư đầu vào bảo đảm an toàn, liên thông, thống nhất, thông suốt giữa các tỉnh, thành phố, địa bàn, Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị trực thuộc có biện pháp kiểm soát chặt chẽ tại điểm đầu và điểm cuối trong chuỗi cung ứng, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, đồng thời chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19.

TP Phủ Lý, Hà Nam giãn cách theo Chỉ thị 16

Theo Quyết định số 1690/QĐ-UBND, ngày 23/9/2021, kể từ 18h ngày 23/9/2021 sẽ áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn thành phố Phủ Lý.

Thời gian áp dụng: 14 ngày, theo nguyên tắc: Gia đình cách ly với gia đình; thôn, tổ dân phố cách ly với thôn, tổ dân phố; xã, phường cách ly với xã, phường; phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm các quy định phòng, chống dịch Covid-19.

Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra đường trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu và các trường hợp khẩn cấp khác; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng...

Hàng không hoạt động như thế nào sau nới giãn cách?Hàng không hoạt động như thế nào sau nới giãn cách?
Kế hoạch tổ chức vận tải khi các địa phương nới quy định phòng chống dịchKế hoạch tổ chức vận tải khi các địa phương nới quy định phòng chống dịch
Đề xuất tăng mạnh mức phạt nhiều hành vi vi phạm giao thôngĐề xuất tăng mạnh mức phạt nhiều hành vi vi phạm giao thông
Tháo gỡ vướng mắc về nguồn vật liệu thi công dự án cao tốc Bắc - NamTháo gỡ vướng mắc về nguồn vật liệu thi công dự án cao tốc Bắc - Nam
Ngành giao thông nỗ lực đảm bảo lưu thông tiêu thụ nông sảnNgành giao thông nỗ lực đảm bảo lưu thông tiêu thụ nông sản
Doanh nghiệp vận tải cần khẩn trương lắp camera giám sát trước 31/12Doanh nghiệp vận tải cần khẩn trương lắp camera giám sát trước 31/12

Xuân Hinh