Hành trình tiếp lửa của các thế hệ địa vật lý giếng khoan

07:13 | 05/12/2013

796 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Những con người từng cống hiến cho ngành Dầu khí buổi đầu sơ khai đã có hành trình xuôi về phương Nam để sống lại một thời hào hùng. Chuyến đi như tiếp thêm ngọn lửa nhiệt huyết bùng cháy trong lòng thế hệ kế thừa tại vùng đất mũi Cà Mau.

Những ngày “hội tụ” của các thế hệ

Những ngày cuối tháng 11, các thế hệ cựu công nhân viên địa vật lý giếng khoan lại có dịp hội ngộ cùng nhau từ mọi miền đất nước về TP Vũng Tàu. Những con người của dầu khí năm xưa ấy, giờ đây tóc đã bạc, da đã mồi. Thậm chí, có bác đã gần 90 tuổi vẫn tham dự buổi gặp mặt. Họ cùng ôn lại những ký ức của thời tuổi trẻ, là những con người tiên phong trong lĩnh vực khai thác dầu khí cho nước nhà. Còn nhớ, tháng 6-1983, Xí nghiệp Địa vật lý Giếng khoan ra đời chỉ có 14 cán bộ, công nhân viên, trong đó có 9 người Việt Nam và 5 chuyên gia Liên Xô. Ông Nguyễn Hiệp, người sau này là Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam nhớ lại ngành Dầu khí nước nhà khi còn sơ khai: “Máy móc thời đó cũng chỉ là một số thiết bị đo địa vật lý đơn giải do Liên Xô chế tạo”.

Các hế thệ ngành địa vật lý giếng khoan trong đêm giao lưu với PVCFC

Cũng cách đây 40 năm, Đội Karota của Liên đoàn 36 đã ra đời và không ngừng lớn mạnh. Những con người gặp gỡ tại TP Vũng Tàu đã cống hiến trọn cả cuộc đời cho ngành Dầu khí. Trong giây phút quây quần bên nhau, họ lần lượt nhắc đến những địa danh mang tên đất, tên người đi vào lịch sử của ngành Dầu khí. Ở Hưng Yên có Nhà Thành, khu chợ Gạo, thị xã Hưng Yên xưa có trụ sở của Đoàn Địa chất DL 36, trụ sở Liên đoàn 36 và Đoàn 36B - Viện Dầu khí. Tại Xí nghiệp Khai thác khí Tiền Hải, Thái Bình, hiện nơi đây có tấm bia tưởng niệm dòng dầu khí đầu tiên khai thác tại giếng khoan 61. Rất nhiều địa danh được nhắc đến từ thời ngành Dầu khí được xem là “khai thiên lập địa” như khu chợ Đậu, thị xã Thái Bình có khu nhà 2 tầng từng là trụ sở của Công ty Dầu khí 1. Trong tâm trí của các cựu công nhân viên vẫn không quên được khách sạn chuyên gia Liên Xô tại thị trấn Xuân Thủy, tỉnh Nam Định từng ở Việt Nam để giúp đỡ công tác thăm dò khai thác.  

“Chương trình gặp mặt các thế hệ công nhân viên địa vật lý giếng khoan” đã để lại không ít những giọt nước mắt và tất nhiên những nụ cười viên mãn. Các bác, các cô từng tiên phong cho sự phát triển của ngành Dầu khí một thời, nay đã lên hàng ông, bà và cũng có những người đã qua đời vì tuổi cao, sức yếu. Họ đến với ngành Dầu khí để quyết tâm đưa lên lòng đất những giọt dầu của ước mơ phồn vinh đất nước.

Trên chuyến xe về đất mũi Cà Mau, may mắn tôi được ngồi gần Tiến sĩ Nguyễn Huy Quý, Tổng thư ký Hội Dầu khí Việt Nam và đặt câu hỏi: “Bác làm ở ngành Dầu khí lâu chưa?”. Với vẻ hóm hỉnh và câu trả lời rất dí dỏm của Tiến sĩ Quý: “Vừa tốt nghiệp ra trường là bác về đầu quân cho tập đoàn đến khi nhìn lại, chợt tóc mình đã bạc trắng như bây giờ”. Dù đã ở tuổi nghỉ ngơi, lo sum vầy với con cháu, nhưng Tiến sĩ Nguyễn Huy Quý vẫn còn nhiệt huyết và ở lại với Hội để tham gia các hoạt động vì sự phát triển vững mạnh của ngành Dầu khí.

Không ít lần, hành trình từ Vũng Tàu về Cà Mau bị chững lại do xe liên tục trục trặc. Hôm ấy, xe số 1, dẫn đầu đoàn gặp sự cố và dừng đỗ nhiều lần trong hành trình. Trên xe còn có hai cụ Phan Minh Bích và Trần Trọng Đính tuổi cao nhưng chẳng hề phàn nàn lấy một lời. Trong chuyến đi, các bác hào hứng ca hát, ngâm thơ làm mọi người trên xe như quên đi hành trình dài từ TP Vũng Tàu về đến TP Cà Mau.

“Thổi lửa” cho thế hệ kế thừa

Vẫn nhiệt huyết như thuở nào, các bác, các cô xem nhẹ chuyện xe hỏng và không làm mất đi ý nghĩa của hành trình về Đất Mũi. Đến quá trưa, đoàn xe số 1 quyết định ở lại trạm dừng chân ven nhánh sông dưới chân cầu Cần Thơ để đợi đổi xe khác. Chờ đợi ở bên sông, các bác, các cô tranh ôn lại văn nghệ cho buổi giao lưu vào tối hôm sau. Vẫn tiếng hát, giọng hò nồng nhiệt, các thành viên trong đoàn như quên đi hơn 2 giờ đồng hồ chờ đợi. Họ quý từng giây, từng phút ngồi lại bên nhau hơn cuộc vui đang ở phía trước.

Đến hơn 20 giờ cùng ngày, đoàn xe số 1 cũng đã đến TP Cà Mau. Các anh chị của Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) ra đón các bác từ khi xe lăn bánh vào đến thành phố. Các anh chị luôn ghi nhớ công lao và đóng góp của thế hệ đi trước, dành cho đoàn cựu công nhân viên dầu khí tình cảm chân thành và tốt đẹp nhất.

Một góc Nhà máy Đạm Cà Mau

Ngày cuối lưu lại TP Cà Mau, đoàn đi thăm Nhà máy PVCFC, niềm tự hào của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Nhà máy nằm cách trung tâm TP Cà Mau hơn 10km. Khi cánh cổng của nhà máy mở toang, đoàn tiến vào bên trong, những cặp mắt dõi về những công trình đồ sộ vượt tầm cỡ khu vực. Được chứng kiến bao sự đổi thay và có được như ngày hôm nay, công sức của các thế hệ đi trước, thế hệ cha anh đã tuôn những giọt mồ hôi như thấm đẫm ở vùng đất Cà Mau ngày nào. Phó tổng giám đốc PVCFC Văn Tiến Thanh đã ôn lại những thời khắc cộng hưởng công sức, trí tuệ cùng đơn vị thi công cho đến suốt quá trình vận hành nhà máy. Cà Mau đã trở thành nơi “đất lành chim đậu” cho PVCFC.  

Công suất nhà máy sản xuất trăm ngàn tấn đạm mỗi năm, thu về hàng trăm tỉ đồng để góp phần phát triển kinh tế xã hội cho tỉnh Cà Mau nói riêng và cho đất nước nói chung. PVCFC đã mang lại những kết quả nhất định cho sự phồn vinh cho tỉnh nghèo ở cực Nam của Tổ quốc. Những nhân chứng sống đã làm nên lịch sử cho ngành Dầu khí trong lần gặp mặt giao lưu “Các thế hệ địa vật lý giếng khoan”. Các bác, các cô không khỏi bùi ngùi khi nhắc đến từng cái tên đã từng phục vụ cho ngành ở thời kỳ sơ khai như: Phạm Ngọc Diến, Nguyễn Thị Ngọc, Nguyễn Thị Mai, Hồ Xuân Dục… Những người tiên phong đã để lại một thế hệ vàng kế thừa ở những thập niên 80 gồm: 54 kỹ sư, trong đó 36 kỹ sư được đào tạo ở nước ngoài. Đến thập niên 90, các kỹ sư địa vật lý giếng khoan đã vào TP Vũng Tàu công tác tại Liên doanh Dầu khí Việt Xô. Đây cũng chính là lực lượng kỹ thuật nòng cốt của Xí nghiệp Địa vật lý Giếng khoan Liên doanh thời kỳ đầu.

Đêm giao lưu với thế hệ kế thừa của PVCFC, ông Nguyễn Hiệp, nguyên Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam, Trưởng ban Liên lạc hưu trí Dầu khí Tập đoàn nhớ lại, ngành Dầu khí đã nhắc đến từng cái tên đã gắn bó với ngành. Ông chợt chùn giọng khi chương trình gặp mặt thiếu vắng đến 27 đồng nghiệp, trong đó, 10 người đã mất, 12 người sức yếu không đi được và 5 người không tìm được địa chỉ.

Trong đêm gặp mặt đậm đà truyền thống này, Phó tổng giám đốc PVCFC Văn Tiến Thanh đã hứa với các bác, các cô, những thế hệ đi trước, sẽ luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao để không phụ lòng mong mỏi và công sức bậc tiền nhân đã tiên phong để có được thành quả cho PVCFC có được như ngày hôm nay.

Đỗ Hưng

DMCA.com Protection Status