Hội Dầu khí Việt Nam kiến nghị mở rộng đối tượng mua bán điện trực tiếp

23:39 | 30/05/2024

10,269 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Ngày 29/5/2024, Trung ương Hội Dầu khí Việt Nam (Hội DKVN) đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ và Bộ Công Thương về việc Góp ý kiến Dự thảo Nghị định Quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn.

Hội DKVN khẳng định, dự thảo Nghị định do Bộ Công Thương soạn thảo, được xây dựng trên tinh thần tạo điều kiện và tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách cho các tổ chức, doanh nghiệp trong việc phát triển dự án điện năng lượng tái tạo, cũng như các khách hàng sử dụng điện lớn. Từ đó tác động tích cực vào sự cạnh tranh trong ngành năng lượng, giúp giải quyết vấn đề về cung cầu năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió), giảm gánh nặng cho ngành điện trong việc đầu tư các nguồn phát, đường dây truyền tải; đồng thời thúc đẩy sự tham gia đầu tư nhiều hơn của các doanh nghiệp tư nhân ngoài ngành điện, góp phần thu hút đầu tư vào việc phát triển bền vững năng lượng tái tạo, góp phần gia tăng phụ tải/sản lượng điện cung cấp cho nền kinh tế, giảm nguy cơ thiếu điện toàn hệ thống và cục bộ.

Tuy nhiên, để giải quyết một cách tổng thể, toàn diện hơn nữa về cơ chế chính sách liên quan đến công tác phát triển các dự án điện nói chung, ngoài các dự án phát triển điện năng lượng tái tạo, căn cứ vào tình hình thực tế khách quan, cũng như những phản ánh của các doanh nghiệp, đơn vị đầu tư trong lĩnh vực điện và mong muốn, nhu cầu của các khách hàng sử dụng điện lớn, Hội DKVN đã đưa ra một số ý kiến về căn cứ xây dựng Nghị định và đối tượng, phạm vi áp dụng để tham gia đóng góp vào dự thảo Nghị định.

Hội Dầu khí Việt Nam kiến nghị mở rộng đối tượng mua bán điện trực tiếp
Năng lượng tái tạo - Nguồn: Internet

Cụ thể, để phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, cũng như chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, Hội DKVN đề nghị bổ sung các căn cứ xây dựng Nghị định, gồm: Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 893/QĐ-TTg ngày 26/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Điện VIII).

Theo phản ánh của các doanh nghiệp, đơn vị đầu tư trong lĩnh vực điện khí thiên nhiên và LNG, sau khi xem xét, đánh giá tình hình thực tế khách quan cũng như ý kiến phản hồi của các đơn vị, trên cơ sở nghiên cứu dự thảo Nghị định Quy định về cơ chế phát triển các dự án điện sử dụng khí thiên nhiên và LNG do Bộ Công Thương soạn thảo, ngày 2/5/2024, Hội DKVN đã có Công văn số 202/CV-HDKVN gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương, Ban soạn thảo Nghị định để tham gia đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện hơn trong quá trình soạn thảo và ban hành chính sách, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển và hoạt động có hiệu quả.

Hội Dầu khí Việt Nam kiến nghị mở rộng đối tượng mua bán điện trực tiếp
Lãnh đạo Hội DKVN tham quan một nhà máy phát điện

Tuy nhiên, cơ chế nêu trên hiện vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện để trình cơ quan có thẩm quyền ban hành. Để sớm tạo điều kiện trước mắt, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tổ chức trong đầu tư phát triển điện khí thiên nhiên và LNG, cũng như đảm bảo các dự án hoạt động hiệu quả, Hội DKVN cũng đề nghị xem xét, sửa đổi bổ sung đối với nội dung về đối tượng và phạm vi áp dụng, cụ thể:

Về phạm vi điều chỉnh, Hội DKVN đề nghị sửa đổi, bổ sung như sau: “Nghị định này quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo, điện khí thiên nhiên, LNG với Khách hàng sử dụng điện lớn qua đường dây riêng và qua lưới điện quốc gia”.

Đồng thời, Hội DKVN đề nghị sửa đổi, bổ sung đối tượng và phạm vi điều chỉnh như sau: “Nghị định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo, điện khí thiên nhiên, LNG và Khách hàng sử dụng điện lớn, cụ thể như sau: Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo sở hữu nhà máy điện gió hoặc mặt trời (sau đây viết tắt là Đơn vị phát điện); Đơn vị phát điện, sở hữu nhà máy điện khí; Khách hàng sử dụng điện lớn. Các đơn vị điện lực bao gồm: Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Đơn vị điều độ hệ thống điện và thị trường điện; Đơn vị truyền tải điện; Tổng công ty Điện lực trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Đơn vị bán lẻ điện trong khu công nghiệp”.

Về giải thích từ ngữ, Hội DKVN đề nghị sửa đổi điểm 7 Điều 3 như sau: “Đơn vị phát điện là đơn vị điện lực được cấp giấy phép hoạt động điện lực hoặc được miễn trừ giấy phép lĩnh vực phát điện theo quy định sở hữu một hoặc nhiều nhà máy điện gió hoặc mặt trời, nhà máy điện khí”.

Ngoài ra, về nguyên tắc của hình thức mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia, Hội DKVN đề nghị sửa đổi, bổ sung tiết b khoản 1 Điều 9 như sau: “Trong giai đoạn đầu, cho phép Đơn vị phát điện sở hữu nhà máy điện gió hoặc mặt trời, nhà máy điện khi đấu nối vào hệ thống điện quốc gia tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp”.

Dự thảo Nghị định tại đây

Hội Dầu khí Việt Nam: Điều kiện cần và đủ để tháo gỡ vướng mắc cho các dự án điện khí tự nhiên, chuỗi dự án LNGHội Dầu khí Việt Nam: Điều kiện cần và đủ để tháo gỡ vướng mắc cho các dự án điện khí tự nhiên, chuỗi dự án LNG
Hội Dầu khí Việt Nam làm việc với Hội Dầu khí Cà Mau và PVCFCHội Dầu khí Việt Nam làm việc với Hội Dầu khí Cà Mau và PVCFC
Hội Dầu khí Việt Nam làm việc với Hội Dầu khí Tây Đô, thăm NMNĐ Sông Hậu 1Hội Dầu khí Việt Nam làm việc với Hội Dầu khí Tây Đô, thăm NMNĐ Sông Hậu 1

P.V

DMCA.com Protection Status