Hợp đồng dầu khí mẫu mới và những vướng mắc

07:34 | 23/12/2014

10,244 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Sau gần 4 năm thực hiện nghị quyết chuyên đề số 34 về “tăng cường và ưu tiên đầu tư tạo bước đột phá trong lĩnh vực tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí” của Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tập đoàn đã ký được 17 hợp đồng dầu khí trong nước, 4 hợp đồng ở nước ngoài và đang chuẩn bị ký tiếp một số hợp đồng mới.

Năng lượng Mới số 384

Ý nghĩa của hoạt động đầu tư

Việc ký kết những hợp đồng này mang ý nghĩa rất đặc biệt đối với một đất nước như chúng ta, trong bối cảnh kinh tế thế giới đầy bất ổn, khó đoán định.

Hợp đồng dầu khí ở đây muốn nói đến là các hợp đồng liên quan đến hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí, hay còn gọi là hợp đồng khâu thượng nguồn (upstream). Đây là một trong những loại hợp đồng có quy mô đầu tư tài chính lớn, có cấu trúc nội dung đặc thù, tiên lượng mức độ rủi ro khó hơn nhiều so với các hợp đồng kinh tế khác. Nhưng nếu thành công thì có thể thu được lợi nhuận rất cao.

Khoa học kỹ thuật hiện đại có thể giúp con người “với” lên tới mặt trăng, sao hỏa, sao kim nhưng mỗi mét chiều sâu xuống trái đất vẫn luôn là thách thức đầy bí ẩn. Các loại công nghệ khảo sát địa chất tân tiến nhất cũng chỉ giúp con người tăng thêm cơ sở phán đoán và tính toán, không có đáp số tuyệt đối đúng. Chính vì vậy, hàng trăm triệu đôla “đổ xuống sông xuống biển” là chuyện rất thường thấy.

Tập đoàn Gazpom (LB Nga) thăm dò dầu khí tại Lô số 112 thềm lục địa Việt Nam

Ngày nay, hầu như không một quốc gia nào phiêu lưu tự “làm tất ăn cả” từ khâu đầu đến khâu cuối quy trình tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí. Những nước có hoặc dự đoán có tài nguyên dầu khí nhưng không có vốn đầu tư, nhân lực chuyên môn, công nghệ hiện đại để tự thực hiện hoạt động dầu khí thường mời gọi các công ty dầu khí nước ngoài đầu tư. Từ đó hợp đồng dầu khí ra đời.

Các công ty dầu khí ký hợp đồng dầu khí với nước chủ nhà (có thể ký trực tiếp với cơ quan quản lý về dầu khí của nước chủ nhà hoặc thông qua đại diện của nước chủ nhà) để giành độc quyền triển khai hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí trong một diện tích xác định (thường gọi là lô dầu khí). Bên nhà thầu dầu khí (nhà đầu tư) bỏ ra tiền tài, vật lực, công nghệ, bên chủ nhà (hoặc đại diện nước chủ nhà) cam kết tạo mọi điều kiện về chính sách đối với nhà thầu (bao gồm cả nhà thầu quốc tế và Việt Nam đều được đối xử công bằng) và hỗ trợ cần thiết để nhà thầu thực hiện việc tìm kiếm, thăm dò, thẩm lượng, phát triển và khai thác dầu khí. Nếu thành công, nhà thầu được quyền thu hồi chi phí đã đầu tư và phải thực hiện các nghĩa vụ tài chính như nộp các loại thuế, phí…, phần còn lại là lãi thì được chia giữa nhà thầu và nước chủ nhà theo tỷ lệ của thang sản lượng đã quy định ngay từ đầu trong hợp đồng dầu khí. Ngược lại, thất bại thì nhà thầu phải gánh chịu toàn bộ rủi ro.

Loại hợp đồng này gọi là Hợp đồng chia sản phẩm Dầu khí (PSC-Production Sharing Contract). Ngoài PSC còn có các loại hợp đồng dầu khí khác như Hợp đồng Đặc nhượng (Concession Contract), Hợp đồng Liên doanh (Joint Venture Contract), Hợp đồng Dịch vụ (Service Contract).

 Do khuôn khổ bài viết nên ở đây chỉ đề cập đến Hợp đồng chia sản phẩm Dầu khí. Những điều khoản cơ bản của hợp đồng này hiện nay tuân theo thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế được chấp nhận chung; đồng thời cũng có những điều khoản phải tuân theo các quy định  pháp luật của mỗi quốc gia.

Luật Dầu khí của Việt Nam được ban hành năm 1993, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khí được ban hành năm 2000 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khí được ban hành năm 2008 đã quy định, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) với tư cách là công ty dầu khí quốc gia được tiến hành các hoạt động dầu khí và ký kết hợp đồng dầu khí với tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động dầu khí theo quy định của pháp luật.

Kể từ hợp đồng đầu tiên được ký kết năm 1988 đến nay, Petrovietnam đã ký khoảng 105 hợp đồng dầu khí với các nhà thầu dầu khí cả nước ngoài và trong nước. Từ khi Hợp đồng mẫu ban hành kèm theo Nghị định số 139/2005/NĐ-CP ngày 11/11/2005 ra đời đã ký khoảng 58 hợp đồng.

Ngày 22/4/2013, bằng Nghị định số 33/2013/NĐ-CP, Chính phủ đã ban hành Hợp đồng mẫu mới của Hợp đồng chia sản phẩm Dầu khí, có hiệu lực từ 8/6/2013. Bản Hợp đồng mẫu mới nhằm sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực dầu khí đã sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới; đồng thời để thích ứng với tình hình thực tiễn hoạt động dầu khí trên thế giới cũng như của Việt Nam.

Tuy nhiên, đến nay sau hơn 1 năm thực hiện trên thực tế, qua quá trình đàm phán ký kết với các đối tác, nhà thầu đã phát sinh một số vướng mắc cần được tiếp tục điều chỉnh, bổ sung.

Những đề xuất hiệu chỉnh

Bài viết xin đề cập một số vấn đề vướng mắc gặp phải trong quá trình đàm phán hợp đồng trên cơ sở Hợp đồng mẫu. Những vướng mắc này đã được Petrovietnam báo cáo lên các cấp có thẩm quyền.

Ví dụ, tại Chương I, Điều 1.1.39 có định nghĩa về “Kế hoạch Phát triển” là kế hoạch… để tiến hành các hoạt động xây dựng công trình, lắp đặt thiết bị và khai thác vỉa sản phẩm, tầng sản phẩm hoặc mỏ.

Định nghĩa này chưa đầy đủ, cũng không cần thiết phải liệt kê các hoạt động vì còn nhiều hoạt động khác. Trong Hợp đồng mẫu này đã có khái niệm rõ ràng về các “Hoạt động Phát triển”, do đó phần định nghĩa về “Kế hoạch Phát triển” chỉ cần ghi: “Kế hoạch Phát triển” là kế hoạch… để tiến hành các Hoạt động Phát triển.

Một ví dụ khác, tại Chương II, Điều 2.1.7 có ghi: “Trong trường hợp Bất Khả kháng hoặc trong trường hợp đặc biệt khác, các bên có thể thỏa thuận phương thức tạm dừng việc thực hiện một số quyền và nghĩa vụ trong Hợp đồng và phụ thuộc vào phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.”

Định nghĩa này không đảm bảo logic vì theo quy định của Luật Dầu khí và quy định tại Chương 19, khi xảy ra “Bất khả kháng” thì nhà thầu có quyền dừng hoạt động dầu khí mà không phụ thuộc vào phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.

Nên chăng cần tách riêng hai trường hợp “Bất khả kháng” và “trường hợp đặc biệt khác” hoặc sửa lại điều này như sau: “2.1.7. Trong trường hợp đặc biệt khác, phụ thuộc vào phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, các bên có thể thỏa thuận phương thức tạm dừng việc thực hiện một số quyền và nghĩa vụ trong Hợp đồng”.

Trường hợp "Bất khả kháng" có thể không cần nhắc tới trong chương này vì hợp đồng đã có quy định cụ thể cho trường hợp “Bất khả kháng” trong Chương 19.

Ở Điều 2.1.8 có nêu: “Trường hợp vì lý do quốc phòng, an ninh, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét, quyết định việc gia hạn thêm giai đoạn tìm kiếm thăm dò Hợp đồng. Chậm nhất 90 ngày trước ngày kết thúc giai đoạn tìm kiếm thăm dò hoặc chậm nhất 1 năm trước ngày kết thúc hợp đồng, nhà thầu gửi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”.

Quy định này không chính xác vì việc gia hạn giai đoạn tìm kiếm thăm dò chỉ xảy ra trong và cuối thời kỳ tìm kiếm thăm dò chứ không xảy ra trước khi kết thúc hợp đồng.

Tại Chương VIII, Điều 8.2.1, trong nội dung có nhắc tới việc giá khí được thỏa thuận giữa người mua và người bán và có lưu ý rằng “bao gồm nhưng không chỉ giới hạn giá condensate được tạo thành từ khí”. Nội dung câu chữ ở đây không rõ ràng, gây khó hiểu. Nên bỏ nội dung nhắc đến condensate trong nội dung của điều này vì thực tế trong nội dung của khái niệm Dầu Thô đã bao gồm cả Condensate được tạo thành từ khí nên đương nhiên được xử lý theo dầu.

Một ví dụ nữa, trong Điều 17 của Chương XVII, quy định rằng, trong trường hợp khẩn cấp, Chính phủ Việt Nam có thể yêu cầu nhà thầu bán tại thị trường Việt Nam nhiều hơn lượng Dầu Thô theo kế hoạch đã thỏa thuận... nhưng không có quy định về nguyên tắc xử lý đối với các chi phí phát sinh liên quan đến lượng dầu bán bổ sung cho nội địa đó (các chi phí phát sinh không thực hiện được hợp đồng đối với bên thứ ba bởi phải tăng lượng bán ở thị trường nội địa vì lý do khẩn cấp). Trong trường hợp này, nếu nhà thầu yêu cầu hoàn trả các chi phí (với điều kiện nhà thầu phải cung cấp các chứng từ hợp lệ) thì cũng là hợp lý...

Trong khuôn khổ một bài báo khó có thể dẫn chiếu hết các ví dụ về những vướng mắc trong hợp đồng mẫu, còn một số điều rất cần được hiệu chỉnh lại nội dung hoặc câu chữ để đảm bảo sự chính xác, rõ ràng khi đàm phán ký kết hợp đồng với các nhà thầu đầu tư vào tìm kiếm, thăm dò khai thác nhằm chia lợi nhuận trên thềm lục địa nước ta.

Được biết, kết cấu của hợp đồng dầu khí mẫu với 21 chương gồm các quy định có điều khoản bắt buộc thực hiện (không đàm phán), những quy định này liên quan đến các quy định của pháp luật về thuế, an toàn, môi trường, quyền và nghĩa vụ cơ bản của Nhà nước, nhà thầu dầu khí, Petrovietnam… Cũng có một số điều khoản mang tính "mở" và linh hoạt để tạo cơ sở nhà thầu và Petrovietnam đàm phán cho phù hợp với đặc điểm của từng Lô dầu khí như: tỷ lệ chia dầu khí lãi, số lượng thành viên của Ủy ban quản lý v.v…

Trong tình hình thế giới nhiều biến động như hiện nay, các quốc gia đều thường xuyên thay đổi các chính sách chính trị, ngoại giao, kinh tế, thậm chí “xoay trục” quan hệ, mở rộng các hoạt động đàm phán ký kết hợp tác song phương, đa phương… thì việc sửa đổi, điều chỉnh hoạt động thương mại, đổi mới nội dung, phương thức ký kết các hợp đồng kinh tế cho phù hợp với thông lệ quốc tế và xu hướng toàn cầu hóa là bình thường và cần thiết.

Hy vọng rằng, hợp đồng dầu khí mẫu mới ban hành bằng Nghị định số 33/2013/NĐ-CP sẽ được các cơ quan có thẩm quyền xem xét chỉnh lý kịp thời để tạo môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch nhằm thu hút các công ty dầu khí thế giới vào làm ăn với Việt Nam.

 Nguyễn Tiến Dũng

DMCA.com Protection Status