Hungary ngăn EU áp đặt lệnh cấm vận đối với dầu mỏ của Nga

16:42 | 05/05/2022

1,601 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ý muốn của Liên minh châu Âu cấm nhập khẩu dầu của Nga và áp đặt các biện pháp trừng phạt mới với Nga liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine đã bị Tổng thống Hungary Viktor Orban ngăn chặn vào hôm thứ Tư.
Hungary ngăn EU áp đặt lệnh cấm vận đối với dầu mỏ của Nga

Dự luật "không thể được thông qua ở tình hình hiện tại. Với tất cả trách nhiệm, chúng tôi không thể bỏ phiếu cho nó", Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto thông báo.

Giải thích trước Nghị viện châu Âu, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đề nghị trong gói trừng phạt thứ 6 "cấm đối với tất cả dầu, thô và tinh luyện, vận chuyển bằng đường biển và đường ống của Nga" vào cuối năm 2022.

Lĩnh vực tài chính cũng được nhắm mục tiêu với việc loại trừ ngân hàng quan trọng nhất của Nga, Sberkank, chiếm 37% thị trường và hai cơ sở khác của hệ thống tài chính quốc tế Swift. Và ba kênh truyền hình của Nga, bao gồm Russia 24 và Russia RTR, sẽ bị cấm phát sóng ở EU, theo AFP.

Người đứng đầu Chính thống giáo Nga, Thượng phụ Kirill, cũng là một trong những nhân vật mới trong danh sách đen của EU cùng với gia đình của phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov, và nhiều binh sĩ Nga khác.

"Chúng tôi đang gửi một tín hiệu mạnh mẽ khác tới tất cả những ai đang tiến hành cuộc chiến ở Điện Kremlin: chúng tôi biết bạn là ai và bạn sẽ phải chịu trách nhiệm về hành động của mình", bà Ursula von der Leyen nói.

Đề xuất đã được gửi tới các quốc gia thành viên và đại sứ của họ tại Brussels và các nước đã có cuộc họp đầu tiên vào thứ Tư. Một nhà ngoại giao châu Âu cho biết: “Một số quốc gia thành viên đã bày tỏ quan ngại về lệnh cấm vận”.

Mục tiêu đưa dự luật này có hiệu lực vào ngày lễ kỷ niệm 72 năm ngày Châu Âu ngày 9 tháng 5. Ngày này cũng được tổ chức ở Nga với tên gọi "Ngày Chiến thắng" Đức Quốc xã.

"Mong muốn trừng phạt của Mỹ, châu Âu và các quốc gia khác là một con dao hai lưỡi. Bằng cách cố gắng làm tổn thương chúng tôi, họ cũng sẽ phải trả giá đắt. Họ đã phải trả giá rồi. Và cái giá của các biện pháp trừng phạt đối với công dân châu Âu sẽ tăng từng ngày”, ông Dmitry Peskov cảnh báo.

Bộ trưởng Năng lượng Đức Robert Habeck thừa nhận: “Chúng tôi không thể đảm bảo trong tình huống này rằng sẽ không có sự gián đoạn nào về nguồn cung dầu ở Đức”.

EU đã quyết định ngừng mua than và tìm các nhà cung cấp khác ở Hoa Kỳ để thay thế cho một phần ba lượng khí đốt mua của Nga.

Bà von der Leyen cho biết việc ngừng nhập khẩu dầu sẽ được thực hiện "từ từ và có trật tự, nhằm thiết lập các tuyến cung cấp thay thế và giảm thiểu tác động (của quyết định này) đối với các thị trường thế giới".

Bà nói: “EU nên từ bỏ nguồn cung cấp dầu thô của Nga trong vòng sáu tháng và các sản phẩm tinh chế vào cuối năm nay”.

Hungary ngăn EU áp đặt lệnh cấm vận đối với dầu mỏ của Nga

Một số quốc gia "phụ thuộc nhiều vào năng lượng của Nga", bà von der Leyen thừa nhận. Một sự ngoại lệ được đề xuất cho phép Hungary và Slovakia tiếp tục mua hàng từ Nga cho đến cuối năm 2023, bởi vì hai quốc gia này phụ thuộc vào đường ống Drujba, hai quan chức châu Âu nói với AFP.

Hungary lấy làm tiếc vì không có "bảo đảm" cho an ninh năng lượng của mình. Về phần mình, Cộng hòa Séc cũng yêu cầu được hưởng điều khoản ngoại lệ này và cùng với Slovakia, họ muốn có thể tiếp tục mua dầu của Nga trong hai hoặc ba năm nữa.

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kouleba cho rằng các nước thành viên EU từ chối đặt lệnh cấm vận đối với dầu mỏ của Nga sẽ là "đồng phạm" với chiến tranh.

Một quan chức châu Âu cho biết: “Mỗi gói trừng phạt mới đối với Nga đều khó được thông qua hơn vì nó áp đặt các lựa chọn chính trị lên mỗi quốc gia thành viên”. Nhà ngoại giao này cho biết: “Công việc kỹ thuật dày đặc được lên kế hoạch trong vài ngày tới để cố gắng thông qua gói thứ 6 trước cuối tuần này”.

Năm 2021, Nga cung cấp 30% dầu thô và 15% sản phẩm dầu mỏ cho EU và 150 tỷ m3 khí hàng năm.

Thủ tướng Ý Mario Draghi cho biết các hoạt động mua dầu khí của châu Âu đang tài trợ cho nỗ lực chiến tranh của Nga. Các hoạt động này đem lại cho ngân sách Nga lên tới 800 triệu euro mỗi ngày.

Theo nghiên cứu của Crea, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Phần Lan, kể từ khi bắt đầu cuộc chiến của Nga ở Ukraine, nhập khẩu khí đốt, dầu và than của châu Âu đã mang lại 44 tỷ euro cho Điện Kremlin. Bốn khách hàng chính là Đức, Ý, Hà Lan và Pháp.

Đức để ngỏ khả năng ủng hộ EU cấm vận dầu mỏ NgaĐức để ngỏ khả năng ủng hộ EU cấm vận dầu mỏ Nga
Một số thành viên EU sẽ phủ quyết lệnh cấm vận dầu mỏ của NgaMột số thành viên EU sẽ phủ quyết lệnh cấm vận dầu mỏ của Nga
EU chia rẽ về lệnh cấm vận dầu mỏ của Nga, cân nhắc các bước đi khácEU chia rẽ về lệnh cấm vận dầu mỏ của Nga, cân nhắc các bước đi khác

Nh.Thạch

AFP