Huyền thoại ở một nhà máy “trẻ” (Tiếp theo và hết)

07:00 | 05/11/2019

3,631 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Và thế là tôi tìm gặp chị Nhung. Lúc này chị đang bận phục vụ cho đoàn Kiểm toán Nhà nước. Xung quanh chị là hơn 1.000 bộ hồ sơ chất đống và chị tâm sự rằng, chỉ huy công trường xây dựng với hàng nghìn công nhân, cộng thêm hàng chục nghìn tấn thiết bị xem ra còn dễ hơn là phục vụ các ông bà kiểm toán.

Bởi lẽ họ làm kiểm toán thì họ tuân theo quy định của các bộ, ngành; các thông tư, chỉ thị; các quy định, biểu giá… về công tác xây dựng chứ họ không đếm xỉa đến những tính đặc thù của nơi xây dựng. Một ví dụ đơn giản, Bộ Xây dựng quy định làm một cái móng với những thông số cụ thể, nhưng quy định đó chỉ phù hợp với những nơi có nền đất vững chắc, còn ở Cà Mau, để làm được một cái móng thì khối lượng đất đào đổ đi phải gấp 5-10 lần bình thường, vì đất là đất bùn, lại là “đất không chân” nên phải đào cực rộng để bùn không tràn vào hố móng. Một hố móng thiết kế có diện tích 4m2, nhưng khi làm phải mở rộng ra 20m2… Nhưng giải thích các vấn đề về xây dựng với những người không biết thì chẳng khác gì nói với... người điếc. Mà kiểm toán không theo các phát sinh do hoàn cảnh thực tế, cái gì cũng “theo văn bản”.

huyen thoai o mot nha may tre tiep theo va het

Một góc Nhà máy Xử lý khí Cà Mau

Qua các câu chuyện chị Nhung kể và thông qua nhiều người nói lại, tôi mới hiểu tại sao lãnh đạo PV GAS lại chọn chị là chỉ huy trưởng công trường xây dựng.

Chị Nguyễn Kim Nhung từng học chuyên ngành xây dựng ở Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh. Học xong, chị về làm ở Trung tâm Điện lực Phú Mỹ. Làm ở đó tuy lương bổng cao, nhàn nhã, nhưng… “buồn”. Thế là chị xin về PV GAS, khi đó đang làm đường ống Nam Côn Sơn nên cần người. Rồi chị tham gia chỉ huy xây dựng ở các công trường lớn như Kho cảng Thị Vải, Nhà máy Đạm Phú Mỹ giai đoạn 2, Nhà máy Nhiệt điện Phú Mỹ… Chị từng chỉ huy thành công việc san lấp, làm hố móng cho Kho cảng Thị Vải. Và còn một điều đặc biệt nữa ở chị, đó là chị nói tiếng Anh rất giỏi, đến mức có thể “cãi nhau” tay đôi với các nhà thầu người Mỹ, Australia hay Hàn Quốc, Nhật Bản.

Khi Huỳnh Quang Hải mời chị Nhung về làm chỉ huy trưởng công trường thì chị biết đây là một nhiệm vụ đặc biệt khó khăn. Nhưng là một phụ nữ có cá tính mạnh mẽ, đã được thử sức ở nhiều công trình lớn nên chị dũng cảm nhận lời. Chị Nhung có mặt nhận nhiệm vụ ở công trường vào ngày 20-8-2015.

Khi về công trường, qua quan sát và tìm hiểu, chị thấy ngay những gì đang cản trở tiến độ thi công. Ngoài những việc như thiếu thợ, thiếu cát, mùa mưa… thì tình trạng vô kỷ luật, nhậu nhẹt, say xỉn của công nhân trên công trường đang là một đại nạn. Với công nhân xây dựng trên công trường, hết giờ là họ lại vùi đầu vào bia, rượu và cả cờ bạc nữa. Rồi cũng giống như tất cả công nhân Việt Nam trên các công trường, họ thích nghỉ là nghỉ, lý do để nghỉ thì vô vàn, nào là lễ tết, giỗ chạp, ngày mùa, lễ nọ hội kia…

Cho nên, việc đầu tiên của chị trên công trường là đi vận động công nhân không được uống rượu.

Anh em kể lại giai thoại rằng, có lần chị đến một tốp công nhân đang nhậu rượu đế. Khi chị khuyên can anh em đừng uống rượu thì có một anh ngất ngưởng bảo rằng, nếu chị dám uống rượu say với họ một bữa thì từ mai họ thề không uống rượu nữa. Chị nhận lời và gọi tất cả đến để chứng kiến. Các nam công nhân hào hứng hưởng ứng và thế là đã có một cuộc “đấu rượu” giữa chị và một số công nhân. Rượu đế Cà Mau cũng không phải là nhẹ. Đám công nhân thấy chị “xin phép” uống trước… hai bát để “làm quen” thì phát hoảng và vội tôn chị làm sư phụ. Từ đó tình trạng nhậu nhẹt trên công trường đã cơ bản chấm dứt.

Tôi có hỏi một số anh em về giai thoại này, người bảo “có”, người bảo “làm gì có”… Và thực sự chị Nhung cũng không uống được rượu. Nhưng có một điều mà ai cũng xác nhận là: Từ khi có chị Nhung về, nạn nhậu nhẹt và nghỉ vô tổ chức giảm đáng kể.

huyen thoai o mot nha may tre tiep theo va het

Bồn chứa LPG tại GPP Cà Mau Ảnh: Hiền Anh

Công nhân cũng rất nể và thương chị khi thấy chị thức đêm lăn lộn ngoài công trường và họ thấy xấu hổ khi làm việc không hết sức mình. Còn nhà thầu Posco Engineering của Hàn Quốc thì thực sự kính nể chị, bởi lẽ họ thấy một phụ nữ hầu như đêm nào cũng lọ mọ ngoài công trường để đốc thúc và giám sát thi công. Đầu tiên, họ tuyên bố rằng không làm ban đêm, nhưng chính họ cũng cảm thấy ngượng trước tinh thần và nhiệt huyết của chị Nhung nên họ cũng phải đi làm đêm.

Có thời gian, chị ở tại công trường tới 2 tháng không về nhà. May mắn là chị có đức lang quân rất thương vợ, hoàn toàn thông cảm với đặc thù công việc của vợ, nên anh còn tạo điều kiện giúp đỡ vợ thêm.

GPP Cà Mau được xây dựng trong bối cảnh khó khăn như vậy nhưng chỉ chậm tiến độ có 2 tháng, đó thực sự là một thành công rất lớn.

Nói về nhà máy, Giám đốc Nguyễn Phúc Tuệ tự hào rằng, GPP Cà Mau có đội ngũ cán bộ, công nhân viên trẻ nhất trong toàn PVN với độ tuổi trung bình chỉ ngoài 30 và toàn bộ việc vận hành nhà máy do người Việt đảm nhiệm. Đây là một bước tiến rất lớn trong công tác đào tạo nguồn nhân lực của KCM. Tuyển dụng người vào làm việc tại nhà máy không khác gì sàng… quặng vàng. Ngay khi nhà máy đang xây dựng, công ty đã chuẩn bị nhân lực vận hành. Hồ sơ dự tuyển là 2.000 người, nhưng qua sàng lọc bước một chỉ còn 700 người. Sau phỏng vấn lần thứ nhất còn 200 và đến phỏng vấn lần hai thì còn được 100 người. Số người này được đưa đi đào tạo cơ bản 2 năm, rồi đưa về Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố học và làm, rồi ra Kho cảng Thị Vải làm thợ, xong lại đưa về KCM học tiếp và sau một khóa đào tạo nâng cao nữa mới được nhận về làm việc. Để có một người thợ làm việc tại nhà máy phải đào tạo mất ít nhất là 2 năm và hiện nay, mỗi vị trí làm việc trong nhà máy có 2-3 người đảm nhiệm.

Với GPP Cà Mau, công tác an toàn được đặt lên hàng đầu. Ở đây, ai chỉ cần hút thuốc lá sai vị trí quy định là bị đuổi việc, còn ai khi vào nhà máy, nếu kiểm tra hơi thở mà có nồng độ cồn thì cầm chắc bị trừ lương rất nặng. Chính vì thế, cán bộ, công nhân viên nhà máy hầu như không có người hút thuốc lá và không có chữ “ nhậu” trong đầu mọi người.

Theo anh Nguyễn Phúc Tuệ, bây giờ, nhà máy đã đi vào vận hành hoàn hảo. Năm 2018, doanh thu của nhà máy là 2.500 tỉ đồng, lợi nhuận là hơn 700 tỉ đồng và nộp ngân sách Nhà nước 230 tỉ đồng… Tuy nhiên, lãnh đạo PV GAS và KCM đang có một mối lo mới, đó là nguy cơ thiếu khí.

Nguồn khí cho GPP Cà Mau là từ mỏ PM3, khai thác chung với Malaysia ở vùng biển chồng lấn. Trước kia, nguồn khí ở đây do PVN nhận hết và vì thế mới có điều kiện để làm Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau. Nhưng từ giữa năm 2019, Việt Nam hết quyền nhận khí và sẽ giảm hơn 1 tỉ m3. Khó khăn này, lãnh đạo PVN qua các thời kỳ từ 2005 đến nay đã thấy và hy vọng nguồn khí từ Lô B - Ô Môn sẽ bổ sung. Nhưng bởi nhiều lý do mà cho tới nay, Lô B - Ô Môn vẫn chưa khởi động được, nguy cơ thiếu khí cho Điện - Đạm Cà Mau đã hiện hữu.

May mắn là mới đây, lãnh đạo PV GAS đã đàm phán thành công với Petronas của Malaysia để mua lại nguồn khí của họ với giá rất hợp lý. Tuy nhiên, lại nảy sinh ra vấn đề là trước đây, chúng ta sản xuất urê và điện bằng nguồn khí giá rẻ, cho nên giá thành của urê và điện khá tốt. Bây giờ phải mua khí giá cao hơn nhiều so với trước dẫn đến giá thành sản xuất sẽ cao, lợi nhuận sẽ giảm.

Đây là bài toán mà muốn giải được phải có những quyết sách của Chính phủ và Bộ Công Thương, còn với PV GAS, điều quan trọng nhất là phải có đủ khí cho các nhà máy này vận hành.

huyen thoai o mot nha may tre tiep theo va het

Huyền thoại ở một nhà máy “trẻ”

Nguyễn Như Phong

DMCA.com Protection Status