Indonesia ban hành nhiều ưu đãi đầu tư vào năng lượng tái tạo

14:00 | 23/09/2022

5,277 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Chính phủ Indonesia đang cố gắng thu hút nhiều đầu tư hơn vào lĩnh vực xanh, khi quốc gia phụ thuộc nhiều vào than này đang tìm cách chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.
hIndonesia
Hình ảnh từ buổi hội thảo "Tiềm năng đầu tư xanh và những ưu đãi hấp dẫn" diễn ra tại Aryaduta Tugu Tani ở Jakarta vào ngày 21/9/2022.

Indonesia đang đặt mục tiêu 23% năng lượng tái tạo trong hỗn hợp năng lượng của mình vào năm 2025. Quốc gia này cũng đã đặt mục tiêu đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060 hoặc sớm hơn.

Quốc gia lớn nhất Đông Nam Á có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo lớn, theo báo cáo của chính phủ là đạt con số khổng lồ 3.686 gigawatt. Tuy nhiên, trên thực tế, việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo sẽ không phải là điều dễ dàng.

Ngoài việc phụ thuộc nhiều vào than, quá trình chuyển đổi năng lượng đòi hỏi đầu tư đáng kể. Chính phủ cũng dự kiến ​​rằng họ sẽ cần 1.108 tỷ USD đầu tư để đạt được mục tiêu không phát thải ròng vào năm 2060.

Hồi tháng 11/2020, Tổng thống Joko Widodo đã ban hành Luật Omnibus nhằm hợp lý hóa môi trường pháp lý phức tạp của Indonesia. Theo Ban Điều phối Đầu tư (BKPM), Luật Omnibus trở thành cơ sở cho chiến lược của Indonesia trong việc thu hút các nhà đầu tư, bao gồm cả những người tham gia vào các ngành công nghiệp xanh.

"Luật Omnibus mang đến sự dễ dàng trong việc cấp phép, cũng như sự minh bạch, rõ ràng trong vấn đề đất đai. Như chúng ta đã biết, điều chủ yếu ngăn cản các nhà đầu tư đầu tư là đất đai", Saribua Siahaan, Giám đốc xúc tiến đầu tư BKPM khu vực Đông Nam Á, New Zealand và Thái Bình Dương phát biểu tại một hội nghị về đầu tư xanh tại Jakarta hôm 21/9 vừa qua.

"Luật Omnibus cho thấy khi đầu tư vào Indonesia, các nhà đầu tư chỉ cần mang theo vốn và công nghệ của họ. Chúng tôi sẽ lo tất cả các giấy phép và chúng tôi cũng đã sắp xếp hợp lý mọi thứ", ông Saribua nói.

Theo quan chức BKPM, hệ thống nộp hồ sơ trực tuyến của Chính phủ - một hệ thống cấp phép điện tử - cũng sẽ giúp các nhà đầu tư có được giấy phép dễ dàng hơn. Ông Saribua cũng nói thêm rằng, nền kinh tế xanh của Indonesia có tiềm năng đáng kinh ngạc.

"Chính phủ đang nghĩ đến việc tạo ra một hệ thống để các nhà đầu tư trong lĩnh vực (xanh) này thực sự quan tâm đến tác động môi trường của họ", Saribua nói.

Ưu đãi thuế và miễn thuế nhập khẩu

Hiện có một số ưu đãi dành cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo: cụ thể là miễn thuế, trợ cấp thuế.

Chính phủ có thể cho các nhà đầu tư cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp lên tới 100% trong 5-20 năm, tùy thuộc vào số tiền họ đầu tư. Tuy nhiên, số tiền đầu tư ít nhất phải là 500 tỷ Rp (khoảng 33,3 triệu USD).

Ngoài ra, còn có một "kỳ nghỉ thuế nhỏ" cho những nhà đầu tư từ 100 tỷ Rp đến 499 tỷ Rp. Theo chương trình này, các nhà đầu tư có thể được cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp tới 50% trong 5 năm.

Đối với khoản trợ cấp thuế, các nhà đầu tư có thể được khấu trừ thuế thu nhập ròng của doanh nghiệp bằng 30% tổng vốn đầu tư của họ - được chia theo tỷ lệ 5% trong suốt sáu năm.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng được miễn thuế nhập khẩu hai năm khi nhập khẩu nguyên liệu thô.

Việc miễn thuế nhập khẩu có thể kéo dài đến bốn năm nếu công ty sử dụng máy móc có hàm lượng nội địa tối thiểu là 30%.

Tuần trước, Tổng thống Widodo đã ban hành một quy định nhằm tạo động lực cho sự phát triển năng lượng tái tạo trong nước.

"Hy vọng rằng quy định mới này có thể khuyến khích các bộ và cơ quan chính phủ ủng hộ", Andriah Feby Misna, Giám đốc phụ trách mảng năng lượng mới và tái tạo tại Bộ Tài nguyên Khoáng sản nói.

"Chẳng hạn như bằng cách cung cấp các ưu đãi tài chính và phi tài khóa, dễ dàng cấp phép cho phát triển năng lượng tái tạo và đảm bảo cho ngành công nghiệp của địa phương" bà Misna nói thêm.

Đầu tư vào năng lượng tái tạo

Năm 2021, đầu tư của Indonesia vào lĩnh vực năng lượng đạt 28,2 tỷ USD, trong đó chỉ 1,4 tỷ USD đến từ lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Dữ liệu cho thấy, dầu và khí đốt chiếm phần lớn doanh thu đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của năm ngoái, lên tới 15,9 tỷ USD.

Năm nay, Chính phủ Indonesia đang đặt mục tiêu đầu tư vào lĩnh vực năng lượng ở mức 32,6 tỷ USD. Khoảng 3 tỷ USD sẽ phục vụ đầu tư vào năng lượng tái tạo.

Indonesia cập nhật luật Omnibus và các quy định với ngành dầu khí Indonesia cập nhật luật Omnibus và các quy định với ngành dầu khí

Bình An

DMCA.com Protection Status