Khâu sau - trong giai đoạn cạnh tranh và hội nhập

06:56 | 22/03/2017

1,232 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Khâu sau - được đánh giá là lĩnh vực mang lại doanh thu và lợi nhuận với tỷ trọng lớn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Song trong giai đoạn hiện nay, trước sự đổi thay “chóng mặt” của môi trường kinh doanh, cùng những diễn biến mới về thị trường toàn cầu… đã tạo ra những rủi ro lớn, khiến cho khâu sau của PVN trở nên phức tạp hơn, cạnh tranh hơn và thử thách hơn... 

Những kết quả đáng ghi nhận

Trước tình hình ấy, ngày 10-3-2017, PVN đã tổ chức hội thảo “Nâng cao công tác quản trị cho các doanh nghiệp (DN) khâu sau Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong giai đoạn cạnh tranh và hội nhập”. Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo các ban chuyên môn PVN, lãnh đạo các công ty khâu sau trong ngành Dầu khí như Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo), Tổng Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC), Viện Dầu khí Việt Nam (VPI); các học giả về quản trị doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Phóng viên Báo Năng lượng Mới lược ghi những vấn đề cốt lõi của hội thảo.

khau sau trong giai doan canh tranh va hoi nhap
Ông Lê Mạnh Hùng

Ông Lê Xuân Huyên, Trưởng ban Chế biến Dầu khí PVN cho biết: Doanh thu, lợi nhuận lĩnh vực chế biến dầu khí chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu, lợi nhuận của PVN. Những con số này tịnh tiến với nhịp độ nhanh và chắc chắn. Nếu như năm 2011 và 2012 là 18%, thì đến năm 2013 tăng hơn 4%, đạt 22,4%. Ấn tượng hơn, năm 2015 là 30% và năm 2016 là 38%. Những con số biết nói trên đây không chỉ khẳng định sự đóng góp to lớn của khâu sau vào tổng doanh thu, lợi nhuận của Tập đoàn, mà còn góp phần to lớn, nếu không muốn nói là quyết định tới sự phát triển trực tiếp cho công nghiệp, kinh tế và xã hội tại các địa phương.

Minh chứng thêm cho ý kiến này, ông Trần Ngọc Nguyên - Tổng giám đốc BSR cho biết: Kết quả lũy kế thực hiện các chỉ tiêu sản xuất - kinh doanh (SX-KD) của BSR từ khi đưa Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất đi vào hoạt động đến tháng 2-2017, đã sản xuất được 45.345 nghìn tấn sản phẩm xăng dầu các loại. Đã xuất bán 45.135 nghìn tấn, chiếm 40% nhu cầu xăng dầu của cả nước. Doanh thu 814.173 tỉ đồng (tương đương 38 tỉ USD). Nộp ngân sách Nhà nước 137.393 tỉ đồng (tương đương 6,5 tỉ USD). Như vậy, tính đến thời điểm này giá trị nộp ngân sách Nhà nước của BSR đã gấp đôi so với tổng mức đầu tư xây dựng nhà máy (khoảng 3 tỉ USD).

Tương tự, PVCFC với mức đầu tư 700 triệu USD, sau 6 năm đi vào hoạt động đã sản xuất và tiêu thụ xấp xỉ 4 triệu tấn sản phẩm các loại, với tổng doanh thu 28.119 tỉ đồng, lợi nhuận 3.355 tỉ đồng. Hiện PVCFC có hệ thống phân phối trên cả nước, chiếm gần 40% thị phần urê nội địa. Đang từng bước mở rộng mạng lưới sang các thị trường khu vực và thế giới như: Campuchia, Philippines, Thái Lan, Bangladesh, Hàn Quốc… Ngoài việc đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, đáp ứng cho nhu cầu của công ty. PVCFC còn là đơn vị đầu tiên của PVN xuất khẩu chuyên gia trong lĩnh vực chế biến ra nước ngoài. Và cũng là nơi cung cấp nguồn nhân lực cho các nhà máy trong nước như: Đạm Ninh Bình, TXơ sợi Đình Vũ, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam…

Hạn chế

khau sau trong giai doan canh tranh va hoi nhap
Ông Trần Ngọc Nguyên

Vai trò của khâu sau đối với PVN nói riêng, với nền kinh tế đất nước nói chung là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trước những thách thức như đã nêu trên, khâu sau còn bộc lộ nhiều hạn chế gồm cả quản trị tài chính, vận hành sửa chữa, tiết giảm chi phí… dẫn đến năng lực cạnh tranh còn thấp.

Chỉ ra những hạn chế này, Phó tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng nêu bật những đặc thù như: các doanh nghiệp khâu sau có quy mô tài sản lớn. Cụ thể, NMLD Dung Quất có vốn đầu tư hơn 3 tỉ USD; Đạm Phú Mỹ là 340 triệu USD, Đạm Cà Mau tài sản khoảng 700 triệu USD. Các nhà máy này có công nghệ kỹ thuật hiện đại và hết sức phức tạp.

Vì vậy, muốn các DN khâu sau của ngành Dầu khí phát triển bền vững cần đánh giá đúng những đặc thù này để có giải pháp về quản trị. Các giải pháp ấy hết sức chiến lược: từ việc nhận diện và đánh giá, đến dự báo những cơ hội và thách thức… được coi là quan trọng bậc nhất trong công tác quản trị. Đặc biệt khi đất nước ta đã ký hàng chục hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều khu vực. Các vấn đề về FTA là một thách thức không nhỏ. Điều này đặt ra những xu hướng mới trong việc toàn cầu hóa.

Một khi các hàng rào thuế quan về cùng một mặt phẳng, thì tính chất cạnh tranh càng trở nên gay gắt. Vì vậy, việc quy hoạch phát triển ngành Dầu khí, theo chiến lược phát triển ngành Dầu khí đã được Bộ Chính trị và Chính phủ phê duyệt là vô cùng quan trọng. Cùng với đó các doanh nghiệp khâu sau cần hợp tác với những tập đoàn lớn trên thế giới có những đặc thù giống chúng ta để rút ra những bài học kinh nghiệm về quản trị.

Trước tình hình này, từ lãnh đạo Tập đoàn đến các DN cần cập nhật các diễn biến, nhận định chính xác các xu hướng. Đặc biệt, cần đẩy mạnh việc dự báo, tăng cường quản trị rủi ro. Lâu nay, các DN khâu sau “mạnh ai lấy làm”, mỗi nơi làm một cách. Phó tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng đề nghị lãnh đạo Viện Dầu khí đánh giá công tác quản trị rủi ro của các DN khâu sau, trên cơ sở đó đề xuất cho từng DN những giải pháp phù hợp.

khau sau trong giai doan canh tranh va hoi nhap
Nhà máy Đạm Phú Mỹ

Về xây dựng mô hình, Phó tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh: Cần phải nghiên cứu xây dựng mô hình quản trị DN và mô hình kinh doanh của các DN khâu sau một cách hoàn chỉnh. Ví dụ như BSR lâu nay chỉ bán buôn, không có hệ thống phân phối, nên khi các đối tác giảm việc mua là hàng bị bị tồn kho lớn. Vấn đề đặt ra là các DN phải lên danh sách những tập đoàn, đơn vị nào cần hợp tác. Và hợp tác thế nào cho phù hợp. Có như thế thì công tác quản trị mới có thể làm tốt được.

Một điều đáng lưu tâm nữa là: Việc hội nhập toàn cầu, toàn cầu hóa đang diễn ra rất nhanh. Xu hướng mới trong việc gia tăng chuỗi giá trị, ở đây có thể hiểu không chỉ là hóa dầu, hóa chất; không chỉ làm hóa chất cho nông nghiệp mà còn là những lĩnh vực khác. Chúng ta phải vươn tới những sản phẩm ở phân khúc cao, chỉ có như vậy mới không bị thua thiệt, mới đủ bù đắp cho chi phí sản xuất…

Những thách thức đặt ra

khau sau trong giai doan canh tranh va hoi nhap
Ông Lê Xuân Huyên

Ông Lê Xuân Huyên, Trưởng ban Chế biến Dầu khí PVN nêu vấn đề: Các DN khâu sau của Tập đoàn hiện nay có nhiều cơ hội, nhưng cũng gặp phải rất nhiều thách thức. Thuận lợi là có sự quan tâm lớn của Đảng và Chính phủ thông qua Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 23-7-2015 của Bộ Chính trị, Quyết định số 1748 và 1749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến “Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2035”.

Tuy nhiên về cơ chế, chính sách vẫn còn nhiều bất cập như: Luật Dầu khí chỉ áp dụng cho khâu thượng nguồn. Tức là lĩnh vực chế biến dầu khí mặc dù là đặc thù nhưng chưa có quy định cụ thể. Quy định của Nhà nước về đầu tư xây dựng, đấu thầu còn nhiều khác biệt so với thông lệ quốc tế. Ví dụ như trong thông lệ quốc tế, các bước về thiết kế khác hoàn toàn các bước của Luật Xây dựng Việt Nam dẫn đến nhiều khó khăn trong quá trình triển khai. Thêm vào đó, các chính sách ưu đãi về thuế, hàng rào kỹ thuật... cho các dự án, sản phẩm chế biến dầu khí không còn và khó thực hiện đối với các dự án đã cấp ưu đãi khi Việt Nam tham gia hội nhập.

Về vấn đề thị trường, Việt Nam có thị trường tiềm năng, nhu cầu lớn và liên tục tăng trưởng. Về thị trường khu vực cũng có nhiều hy vọng khi Việt Nam nằm ở vị trí thuận lợi cho phân phối, vận chuyển, cung ứng sản phẩm lọc hóa dầu cho các nước châu Á.

Song bên cạnh đó cũng gặp khó khăn từ áp lực cạnh tranh gay gắt từ các tổ hợp lọc hóa dầu trong khu vực và trên thế giới. Từ lợi thế “đi trước” các tổ hợp này hầu như đã khấu hao xong, cùng với đó là kinh nghiệm quản lý, vận hành lâu năm… nên họ hoàn toàn giành ưu thế về giá thành.

Về vấn đề quản trị của PVN nói chung và các đơn vị khâu sau nói riêng có nguồn nhân lực dồi dào, dễ tuyển dụng; cán bộ trẻ khi được đào tạo thì nắm bắt rất nhanh kỹ thuật, kinh nghiệm, có nhiệt huyết và gắn bó với ngành.

Tuy nhiên như thế là chưa đủ. Cái yếu, cái thiếu chính là thiếu cán bộ lãnh đạo cấp quản lý cao (ở tầm CEO), thiếu cán bộ kỹ thuật, chuyên gia vận hành, thiết kế… có kinh nghiệm. Đội ngũ cán bộ chưa toàn diện, có năng lực chuyên môn, thì lại thiếu năng lực quản lý và ngược lại. Trình độ ngoại ngữ còn hạn chế, còn thụ động, chưa phát huy sáng kiến, sáng chế…

Đồng quan điểm với ông Lê Xuân Huyên, Tiến sĩ Võ Trí Thành nhấn mạnh đến những thách thức trong hội nhập. Theo ông, trong thế giới phẳng vẫn còn không ít “gồ ghề”. Tính bất định và cùng với nó là rủi ro gia tăng. Chấp nhận “sân chơi” hội nhập là chấp nhận các cú sốc diễn ra thường xuyên. Những cú sốc ấy là: sốc giá, sốc do đảo chiều dịch chuyển vốn, sốc do việc áp dụng các hàng rào bảo hộ kỹ thuật, sốc do khủng hoảng, sốc do đột ngột thay đổi chính sách, sốc do biến động địa - chính trị, sốc do thảm họa thiên tai… Chính những thách thức này đòi hỏi việc tạo dựng năng lực quản trị phải được quan tâm hơn bao giờ hết. Điều này được quyết định bằng chính yếu tố nhân lực chất lượng.

Chính vì vậy, trong thời gian tới, phải tập trung vào các giải pháp quản trị, áp dụng các công nghệ, ứng dụng đồng bộ trong quản trị. Đẩy mạnh phát triển, sáng tạo, tối ưu hóa, đa dạng sản phẩm và ứng dụng các giải pháp tiết kiệm chi phí. Tích hợp tổ hợp công trình dự án, nâng cao giá trị chuỗi; xây dựng cập nhật chiến lược trung và dài hạn cho các DN, phân tích rõ các rủi ro, tìm bằng được giải pháp để quản trị. Đồng thời cần triển khai đào tạo, quy hoạch cán bộ chuyên sâu có trình độ cao, gắn liền với ứng dụng thực tế vào sản xuất, kinh doanh.

Có thể nhận thấy, qua 15 năm phát triển, lĩnh vực chế biến dầu khí đã cơ bản được hình thành, tuy nhiên chưa phát triển đúng tầm, chưa tận dụng hết cơ hội. Đến thời điểm hiện nay, phát triển khâu chế biền dầu khí gặp nhiều khó khăn, thách thức hơn là thuận lợi trong tất cả các khâu quan trọng gồm: nguyên liệu, thị trường, chính sách, khả năng cạnh tranh, nhân sự... Công tác quản trị phải được chú trọng trong tất cả các khâu từ vận hành sản xuất, kinh doanh, quản trị chiến lược, rủi ro. Những điều này phải thực hiện thường xuyên, liên tục. Cuối cùng là phải đẩy mạnh áp dụng các công cụ về quản trị; tăng cường minh bạch hóa, tự động hóa trong quản trị, điều hành.

Hội nhập là yếu tố sống còn

khau sau trong giai doan canh tranh va hoi nhap
Tiến sĩ Võ Trí Thành

Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương đã khẳng định như vậy trong phần tham luận của mình. Ông chân thành trao đổi rằng, thời điểm hiện nay, không chỉ các DN khâu sau mà là cả PVN đang ở trong một giai đoạn không những khó khăn mà còn hết sức phức tạp.

Những khó khăn, phức tạp ấy, ông nói một cách hình ảnh là bao gồm cả “ngoại công” và “nội kích”. “Ngoại công” là giá dầu thô trên thế giới bất ổn và vấn đề công nghệ. Đặc biệt là công nghệ thông tin, vừa góp phần đẩy nhanh tiến trình toàn cầu hóa, vừa tạo ra những tiềm năng to lớn hơn cho việc phát triển ngành nghề mới, nhất là khu vực có dịch vụ, có hàm lượng tri thức và giá trị gia tăng cao… Với ngành Dầu khí Việt Nam chúng ta, chỉ là một nước rất nhỏ trên bàn cờ dầu mỏ thế giới, chính vì vậy một khi xuất hiện các yếu biến động chính trị trên thế giới, là ngay lập tức chúng ta chịu ảnh hưởng một cách trực tiếp và gay gắt.

Về vấn đề “nội kích”, như chúng ta đều đã biết khu vực DN Nhà nước đang gặp những khó khăn nhất định. Điều đó thể hiện qua việc chững lại trong tăng trưởng của một số tập đoàn kinh tế Nhà nước. Ngành năng lượng có những đặc thù riêng, vốn nhiều; tài sản lớn; nhân lực cao cấp; công nghệ phức tạp nhưng thay đổi nhanh chóng. Ngoài ra, năng lượng còn có 2 yếu tố rất đặc thù là chính trị và an ninh quốc gia.

Trong thời gian tới xu hướng năng lượng sạch sẽ lên ngôi. Nhu cầu năng lượng cũng tăng cấp số cộng và số nhân. Bài toán cho các DN của PVN là cần thấm nhuần chiến lược hội nhập của Việt Nam là mở rộng thị trường, mở rộng sản phẩm, tăng cường bạn hàng, tăng cường kết nối giữa các nhà máy và được tự chủ.

Cũng nên lưu ý rằng, chúng ta đang sống trong một thế giới đầy rủi ro. Vậy nên học quản trị rủi ro là vô cùng quan trọng. Các chiến lược của Việt Nam bị quốc tế chê nhiều nhất là không nói gì đến việc quản trị rủi ro. Ví dụ như việc huy động vốn, nếu không huy động được thì sao, có phương án nào dự phòng hay không. Rủi ro thì có nhiều thứ, như tỉ giá, giá dầu...

Nếu đi cụ thể hơn vào PVN, ngoài việc khâu đầu và khâu sau thì còn một khâu rất quan trọng là các dịch vụ kết nối như: xây lắp, vận tải, phân phối... Chúng ta phải chú ý đến các yếu tố để hội nhập: hợp tác với ai, hợp tác như thế nào... Hội nhập là một yếu tố sống còn của ngành Dầu khí.

Bài học Singapore

khau sau trong giai doan canh tranh va hoi nhap
PGS.TS Vũ Minh Khương

PGS.TS Vũ Minh Khương - Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia (ĐHQG) Singapore trình bày tham luận tại hội thảo, ông giành nhiều thời gian nói về công tác quản trị.

Lọc dầu là khởi điểm của ngành hóa dầu. Có một đặc điểm là công suất, kết cấu của ngành Dầu khí, theo nhận định của ông thì Việt Nam đang ở sau các nước khá xa. Quy mô lọc dầu của các nhà máy chúng ta cũng còn khá nhỏ. Về mặt hiệu quả cũng là vấn đề lớn trong thời gian tới.

Ông cho rằng, để có công tác quản trị tốt thì việc xây dựng chiến lược, quản lý chiến lược phải được chú trọng hàng đầu, phải triển khai một cách quyết liệt. Phát triển là một quá trình vận động liên tục và phức tạp, bao gồm nhiều lĩnh vực, có sự tương tác qua lại. Chính vì vậy, quản lý chiến lược giúp chúng ta vượt qua những khó khăn trước mắt để xác lập tầm nhìn sâu rộng và xây dựng nền móng vững chắc cho công cuộc phát triển.

Quản lý chiến lược tốt giúp quá trình phát triển đi đúng hướng với tính nhất quán cao, nắm bắt kịp xu hướng của thời đại. Quản lý chiến lược còn giúp tổ chức, DN có sức đổi mới mạnh mẽ, kịp thời thích ứng với thực tế đang đổi thay một cách nhanh chóng. Từ đó biến khó khăn thành sức mạnh, thành thời cơ để phát triển tạo nên thành quả.

Singapore là một nước không có một giọt dầu thô nhưng nhờ vào tầm nhìn toàn cầu và nỗ lực khai thác lợi thế vị trí chiến lược nên đã trở thành một trong những tổ hợp hóa dầu lớn nhất thế giới, xuất khẩu gần 100 tỉ USD sản phẩm mỗi năm. Cụ thể là việc hình thành tổ cụm công nghiệp hóa dầu. Tại đây, có mặt các tập đoàn dầu khí hàng đầu thế giới nhu BASF, ExxonMobil, Lanxess, Mitsui Chemicals, Shell...

Ông hiến kế: Việt Nam muốn phát triển tốt thì các đơn vị khâu sau của ngành Dầu khí cũng nên hình thành việc phát triển tổ cụm công nghiệp dầu khí. Đây là tổ cụm các công ty và định chế trong một lĩnh vực công nghiệp nhất định, trên một địa bàn giới hạn, có gắn kết với nhau qua các quan hệ cung ứng, bổ trợ, chia sẻ nguồn lực và thị trường.

Các công ty này vừa hợp tác, vừa cạnh tranh. Việc này sẽ mang lại lợi ích như tăng mức chuyên môn hóa và tác động bổ trợ, cộng hưởng; thúc đẩy học hỏi sáng tạo, trao đổi thông tin, lan tỏa công nghệ. Đồng thời, giảm tốn phí, nâng cấp độ và quy mô nguồn lực, tăng năng suất và hiệu quả; tạo sức sống động trong phát triển nguồn nhân lực.

Đặng Trung Hội

DMCA.com Protection Status