Khung pháp lý hoạt động dầu khí ở Ai Cập (Kỳ X)

16:52 | 01/12/2021

4,590 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Các văn bản pháp lý về hoạt động dầu khí ở Ai Cập đưa ra một số quy định liên quan đến hoạt động đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí.
Khung pháp lý hoạt động dầu khí ở Ai Cập (Kỳ X)
Một trong 4 tô nhượng thăm dò dầu khí tại Siwa, Western Desert, Ai Cập được ký ngày 19/12/2019. Ảnh: Daily News Egypt.

Về đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí ở Ai Cập

Tuy không có yêu cầu đặc biệt nào về thành lập văn phòng ở Ai Cập để thực hiện các hoạt động dầu khí, như thường được yêu cầu trong các hợp đồng tô nhượng, các Nhà thầu phải có một “văn phòng” tại Ai Cập để tiếp nhận các thông báo. Theo đó, các nhà thầu nước ngoài thường có xu hướng thành lập các văn phòng chi nhánh (branch office) nước ngoài khi bắt đầu hoạt động tại địa phương. Việc thiết lập chi nhánh này cũng giúp xử lý các hoạt động kinh doanh hàng ngày một cách hiệu quả hơn (như ký hợp đồng với bên thứ ba và nhân viên hoặc giao dịch với các cơ quan có thẩm quyền).

Chi nhánh không có sự tồn tại hợp pháp riêng biệt với công ty mẹ, do đó được coi là một phần mở rộng của công ty mẹ (tức là không có tư cách pháp nhân riêng biệt). Nếu tất cả các tài liệu yêu cầu phải nộp đều ổn và việc kiểm tra lý lịch tư pháp, hồ sơ an ninh đối với ứng cử viên quản lý nước ngoài được thông qua, việc đăng ký chi nhánh nước ngoài chỉ mất từ 7 đến 10 ngày.

Quy định về vốn, lao động và các yêu cầu khác

Thông thường, các hợp đồng tô nhượng cho phép Nhà thầu tự do chuyển ra và giữ ở nước ngoài tất cả các khoản tiền có được hoặc tạo ra ở Ai Cập, bao gồm cả tiền thu được từ việc chia sản phẩm, bằng đô la Mỹ hoặc bất kỳ loại tiền tệ chuyển đổi nào khác có thể chuyển ra nước ngoài.

Ngoài ra, các hiệp ước đầu tư thương mại song phương (BITs) có điều khoản đảm bảo tự do chuyển lợi nhuận được tạo ra từ khoản đầu tư tuân thủ các quy định và luật pháp của Ai Cập, được áp dụng một cách bình đẳng và công bằng. Việc chuyển tiền phải được thực hiện thông qua các ngân hàng được cấp phép ở Ai Cập và tất cả các tài liệu hỗ trợ phải được nộp một cách hợp lệ.

Khung pháp lý hoạt động dầu khí ở Ai Cập (Kỳ X)
Ai Cập đã ký 12 hợp đồng tô nhượng thăm dò và khai thác dầu khí tại Western Desert và Địa Trung Hải với các công ty dầu khí Mỹ, Anh, Pháp, Kuwait và UAE trong năm 2021. Ảnh: Giàn khoan ngoài khơi/Zawya.com

Một Văn phòng chi nhánh không được sử dụng quá 10% lực lượng lao động là công dân nước ngoài (tỷ lệ 9: 1) hoặc trả hơn 20% tổng biên chế hàng năm cho nhân viên nước ngoài, ngoại trừ công dân nước ngoài được bổ nhiệm làm quản lý. Nhân viên nước ngoài phải có giấy phép làm việc và giấy phép cư trú trước khi bắt đầu làm việc tại Ai Cập. Trên thực tế, các Nhà thầu thường được miễn các yêu cầu nêu trên (tùy thuộc vào nhu cầu hoạt động của họ) theo khuyến nghị của Tổng Công ty Dầu khí Ai Cập EGPC/Công ty Cổ phần Khí đốt Tự nhiên Ai Cập EGAS, và với điều kiện là Nhà thầu đã áp dụng các chương trình đào tạo phù hợp cho nhân viên địa phương.

Về quy định chống tham nhũng trong lĩnh vực dầu khí

Cho đến nay, trong khung pháp lý của Ai Cập không có luật đặc biệt nào dành riêng cho việc chống tham nhũng ở Ai Cập. Tuy nhiên, một số luật của Ai Cập có đề cập các quy định khác nhau liên quan đến việc đấu tranh và phòng chống tham nhũng. Những luật này về cơ bản bao gồm: (i) Bộ luật Hình sự Ai Cập số 58 năm 1937 (hình sự hóa hành động hối lộ liên quan đến công chức); (ii) Bộ luật Tố tụng Hình sự; (iii) Luật Thu lợi bất hợp pháp và Luật Phòng chống rửa tiền số 80 năm 2002; (iv) Luật Công chức số 81 năm 2016; và (v) Luật Mua sắm số 182 năm 2018. Hiến pháp Ai Cập cũng nêu một số nguyên tắc chung để chống tham nhũng. Ai Cập đã gia nhập Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng năm 2003 và phê chuẩn theo Nghị định số 307 năm 2004 của Tổng thống. (Còn nữa)

Thanh Bình

DMCA.com Protection Status