Kinh nghiệm quốc tế gợi ý khung pháp lý cho điện hạt nhân tại Việt Nam
![]() |
Thành viên HĐTV Petrovietnam Bùi Minh Tiến phát biểu khai mạc tọa đàm |
Ngày 12/5, Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) đã tổ chức Tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm triển khai dự án điện hạt nhân - góc nhìn pháp lý” nhằm tiếp cận những bài học thực tiễn và các thông lệ pháp lý quốc tế, góp phần xây dựng hành lang pháp lý vững chắc cho triển khai dự án điện hạt nhân tại Việt Nam.
Tham dự Tọa đàm có các Thành viên HĐTV Petrovietnam Bùi Minh Tiến, Nguyễn Văn Mậu; Anh hùng Lao động, TS. Nguyễn Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam; Thành viên HĐTV EVN Đặng Huy Cường; cùng đại diện các phòng/ban chuyên môn 2 tập đoàn.
Tại Tọa đàm, Thành viên HĐTV Petrovietnam Bùi Minh Tiến nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của điện hạt nhân trong bảo đảm an ninh năng lượng và thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Trong bối cảnh nhu cầu điện năng tăng cao nhằm đáp ứng mục tiêu tăng trưởng GDP cao của Chính phủ, việc phát triển điện hạt nhân được xem là giải pháp cấp bách, mang tính dài hạn và bền vững.
Petrovietnam đã nhận thức rất rõ điện hạt nhân không chỉ là bài toán công nghệ, kinh tế mà còn là bài toán về an toàn môi trường, trách nhiệm quốc tế và pháp lý thực hiện, cần phải nhận thức kỹ lưỡng trong quá trình triển khai.
![]() |
Tọa đàm là buổi trao đổi chuyên môn giữa các cán bộ của Petrovietnam, EVN và các chuyên gia pháp lý quốc tế |
Theo các chuyên gia pháp lý quốc tế, điện hạt nhân không đơn thuần là một dự án năng lượng, mà là một hệ sinh thái phức hợp. Quá trình triển khai các dự án điện hạt nhân cần đặc biệt lưu ý đến các vấn đề pháp lý then chốt. Một trong những điểm nổi bật của điện hạt nhân so với các dự án năng lượng khác là trách nhiệm pháp lý đối với các sự cố. Theo thông lệ quốc tế, bên vận hành nhà máy điện hạt nhân thường phải chịu trách nhiệm chính về bồi thường nếu xảy ra sự cố. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về cơ chế bảo hiểm hạt nhân toàn diện và rõ ràng.
Rủi ro của các dự án điện hạt nhân trên thế giới là nguy cơ đội vốn và kéo dài tiến độ. Do đó, đơn vị tư vấn luật quốc tế khuyến nghị Việt Nam nên ưu tiên lựa chọn công nghệ đã được vận hành thành công tại các quốc gia khác, nhằm tránh phát sinh chi phí và rủi ro không cần thiết.
Về mặt kinh tế, các chuyên gia đánh giá điện hạt nhân có chi phí đầu tư ban đầu rất lớn nhưng vận hành lại tiết kiệm và ổn định trong suốt vòng đời có thể kéo dài từ 50 đến 60 năm. Với tính chất đầu tư dài hạn và độ phức tạp cao, các dự án điện hạt nhân thường cần sự tham gia bảo lãnh và điều phối mạnh mẽ từ Chính phủ, đồng thời có những cơ chế đặc thù phù hợp.
Vấn đề an toàn điện hạt nhân cũng được đặt lên hàng đầu. Việc xây dựng một hệ thống kiểm tra, giám sát và cấp phép vận hành độc lập, minh bạch để đảm bảo tiêu chuẩn an toàn cao nhất, đồng thời tăng độ tin cậy đối với các tổ chức tài chính quốc tế là rất cần thiết. Bên cạnh đó, cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thông qua các chương trình đào tạo chuyên sâu và liên kết với các quốc gia có kinh nghiệm vận hành nhà máy điện hạt nhân.
![]() |
Thành viên HĐTV Petrovietnam Nguyễn Văn Mậu đặt câu hỏi cho các chuyên gia |
Về xử lý rác thải phóng xạ sau khi kết thúc vòng đời nhà máy, các chuyên gia lưu ý chi phí và phương án xử lý phải được tính toán ngay từ đầu, có thể cân nhắc giải pháp gửi nhiên liệu đã qua sử dụng trở lại quốc gia cung cấp công nghệ.
Tọa đàm ghi nhận nhiều câu hỏi thảo luận từ cán bộ của 2 Tập đoàn về các vấn đề như tỷ lệ nội địa hóa, quản trị rủi ro tăng giá và kinh nghiệm phối hợp giữa các cơ quan quản lý trong điều phối chính sách và đảm bảo tiến độ dự án...
Điện hạt nhân không chỉ là một dự án năng lượng, mà còn là một cam kết lâu dài về mặt chiến lược quốc gia, đòi hỏi tư duy dài hạn, sự đồng thuận xã hội và một nền pháp lý đầy đủ, linh hoạt. Qua Tọa đàm, Petrovietnam và EVN đã có thêm nhiều góc nhìn sâu sắc từ các luật sư quốc tế, đặc biệt là các bài học pháp lý thực tiễn, để làm nền tảng cho việc triển khai hiệu quả các dự án điện hạt nhân tại Việt Nam.
Phương Thảo - Minh Đức