Kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng bộ Vietsovpetro: Chúng tôi dựa vào nền tảng của tình hữu nghị hai dân tộc

08:16 | 28/05/2012

316 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Cuối tháng 5/2012, Đảng bộ Vietsovpetro tròn 30 tuổi, trải qua 3 thập niên với 9 nhiệm kỳ Đại hội, Đảng bộ Vietsovpetro đã không ngừng lớn mạnh cả về quy mô và chất lượng, trở thành nhân tố quan trọng bậc nhất trong sự thành công của Liên doanh Việt Nga Vietsovpetro đơn vị liên doanh đầu tiên và hoạt động hiệu quả hàng đầu Việt Nam. Nhân dịp này, đồng chí Đặng Minh Hồng Bí thư Đảng ủy Liên doanh Việt Nga Vietsovpetro đã dành cho Báo Năng lượng Mới cuộc phỏng vấn.

Đồng chí Đặng Minh Hồng

PV: Đảng bộ Vietsovpetro đã trở thành một trong những hình mẫu của tổ chức cơ sở Đảng trong doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài cần được nghiên cứu và nhân rộng. Vậy theo đồng chí, đâu là những yếu tố mang lại thành công cho Đảng bộ Vietsovpetro?

Đồng chí Đặng Minh Hồng: Yếu tố quan trọng thứ nhất là, ngay từ khi doanh nghiệp Vietsovpetro thành lập, Ban Bí thư TƯ, Đặc khu ủy Vũng Tàu – Côn Đảo yêu cầu có ngay tổ chức cơ sở Đảng. Lãnh đạo cấp cao Nhà nước đã thấy rõ tầm quan trọng của doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài. Và trong suốt 30 năm qua, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo địa phương, lãnh đạo ngành Dầu khí luôn luôn quan tâm đến việc chỉ đạo, lãnh đạo Đảng bộ Vietsovpetro. Thứ hai, chúng ta đã có quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống rất bền chặt lâu đời giữa Việt Nam và Liên Xô, Việt Nam với Nga ngày nay.

Có thể nói rằng, thành công của liên doanh này khác với thành công ở các liên doanh khác chính là dựa vào nền tảng của tình hữu nghị của hai dân tộc. Thứ ba, bản thân Đảng bộ Vietsovpetro luôn luôn phát huy truyền thống đoàn kết nội bộ, ngay từ đầu Đảng bộ đã xác định được những mục tiêu rõ ràng của mình, xác định rõ nhiệm vụ của Đảng bộ trong các nhiệm vụ 5 năm, 10 năm và nhiều năm.

Cụ thể, trên thực tế lãnh đạo Đảng, Nhà nước chỉ đạo Vietsovpetro phải hoàn thành bốn nhiệm vụ cơ bản đã đề ra ngay từ đầu. Nói vắn tắt nhiệm vụ thứ nhất là “Nhanh chóng tìm ra dầu khí công nghiệp và đưa vào khai thác sớm”; nhiệm vụ thứ hai là, “Dựa vào Liên Xô để đào tạo cán bộ, công nhân dầu khí cho Việt Nam, vươn lên tự chủ, làm chủ khai thác dầu khí trong thời gian ngắn”; thứ ba là, “Xây dựng cơ sở hạ tầng để phục vụ các hoạt động dầu khí trên biển” trong điều kiện nền kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn; thứ tư là, “Phát triển các dịch vụ dầu khí của Vietsovpetro, đưa các dịch vụ dầu khí nước ngoài vào Việt Nam và làm nòng cốt để phát triển dịch vụ dầu khí Việt Nam”.

Những năm qua, Đảng bộ Vietsovpetro đã lãnh đạo Vietsovpetro bám sát vào 4 nhiệm vụ này, đã thực hiện thành công và đã góp phần đáng kể vào phát triển đất nước. Phải nói rằng, chúng ta rất tự hào là Việt Nam đã sớm khai thác được dầu, đào tạo được đội ngũ cán bộ, công nhân viên, xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển ngành công nghiệp dầu khí từ hai bàn tay trắng. Ngày nay, hầu hết các dịch vụ dầu khí đều do Việt Nam làm.

PV: Theo đồng chí, Đảng bộ Vietsovpetro đóng vai trò như thế nào trong quan hệ đối tác với phía bạn Nga và tình hữu nghị hai Quốc gia Việt Nam – Liên Xô trước đây và Nga ngày nay?

Đồng chí Đặng Minh Hồng: Qua nhiều nhiệm kỳ, Đảng bộ Vietsovpetro luôn xác định việc xây dựng Đảng, xây dựng quan hệ hữu nghị hợp tác quốc tế như là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Cụ thể, thông qua việc 10 năm đầu là hai Đảng trong liên doanh họp liên tịch, rất lý thú là họp để cùng ra những nghị quyết liên tịch giao nhiệm vụ cho các đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô. Và từ Tổng giám đốc Vietsovpetro cho đến các vị lãnh đạo, giám đốc cơ sở đều có những nhiệm vụ cụ thể trong việc tổ chức hoạt động sản xuất trong tất cả các lĩnh vực, đồng thời tổ chức các phong trào thi đua quốc tế.

Trong thời gian đó Đảng bộ có nhiều thuận lợi, thế nhưng những năm 90 của thế kỷ trước Đảng Cộng sản Liên Xô tan rã, Đảng bộ Liên Xô trong Vietsovpetro ngừng hoạt động và tư tưởng của cán bộ, đảng viên cũng rất quan tâm lo lắng. Trong thời gian ngắn, Vietsovpetro cũng bị rơi vào tình trạng khó khăn là nguồn cung cấp vật tư bị gián đoạn, trong điều kiện như vậy Đảng bộ đã động viên CBCNV không chỉ là người Việt Nam mà còn cả với các bạn, đồng nghiệp Liên Xô trước sau như một, tin tưởng vào sự hợp tác làm ăn giữa hai Bên. Đặc biệt là sau khi chúng ta ký Hiệp định sửa đổi 16/7/1991 thì chúng ta vẫn chứng tỏ sự hợp tác rất chân tình, gần như là không có sự thay đổi nào và luôn coi mối quan hệ với phía Liên Xô tiếp đó là với Liên bang Nga trong Liên doanh là bất di bất dịch.

Đảng bộ Vietsovpetro cũng chỉ đạo cho các tổ chức như là Công đoàn tiếp tục duy trì các mối quan hệ thường xuyên, hợp tác với tổ chức Công đoàn phía Nga. Nhiều năm qua, hai tổ chức công đoàn phối hợp với nhau tổ chức các phong trào thi đua hàng năm, đồng thời đội ngũ cán bộ, công nhân viên Đảng bộ phải thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ tìm kiếm thăm dò khai thác và tăng cường việc thu lợi nhuận cho cả hai phía tham gia trong liên doanh. Đó là nền tảng là chất keo gắn bó các thành viên trong tổ chức Vietsovpetro.

Thời gian này, phía Bạn cũng nhiều băn khoăn nhưng thông qua tiếp xúc với cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ Vietsovpetro họ rất tin cậy vào sự hợp tác với Việt Nam. Vào thời điểm đó, đất nước Nga gặp rất nhiều khó khăn nên họ càng thấy đường lối đổi mới của Đảng ta là rất đúng đắn. Rất nhiều nhà khoa học, nhà kỹ thuật giỏi vẫn gắn bó với Việt Nam mặc dù có những chỗ mà các công ty dầu khí bên Nga có mức lương thu hút hơn mời gọi. Chính việc tăng cường đoàn kết đó, các nhà khoa học Nga đã giúp cho chúng ta xây dựng được công nghệ khai thác dầu mỏ và chúng ta đã khai thác có hiệu quả.

Trong điều kiện những năm 90 của thế kỷ trước thì trình độ khoa học kỹ thuật của chúng ta cũng chưa đủ độ chín để đi trên đôi chân mình. Chúng ta rất trân trọng, khi trong những năm 90, mặc dù Liên Xô khó khăn như vậy, các nhà khoa học Liên Xô vẫn nhiệt tình ở lại cùng với đội ngũ khoa học Việt Nam xây dựng nên các Sơ đồ công nghệ khai thác mỏ Bạch Hổ, và qua 24 năm, công nghệ khai thác mỏ Bạch Hổ do các nhà khoa học Liên Xô và Việt Nam đề xuất vẫn là công nghệ hiệu quả nhất.

PV: Liên doanh Vietsovpetro từ những năm đầu thành lập đến nay, một trong những thành công lớn nhất là đào tạo những thế hệ kỹ sư cán bộ dầu khí. Theo đồng chí, vai trò của Đảng bộ trong chiến lược đào tạo con người như thế nào?

Đồng chí Đặng Minh Hồng: Đảng bộ Vietsovpetro xác định, một trong bốn nhiệm vụ quan trọng nhất là công tác đào tạo đội ngũ, đó là theo chỉ đạo của Đảng, của các đồng chí lãnh đạo nhà nước Việt Nam, nhằm nâng cao tính tự chủ, tiến tới tự lực. Thế thì mục tiêu của chúng ta trước hết là đào tạo để thay thế những vị trí mà người Nga đang đảm nhiệm; đào tạo có nhiều cách như đào tạo tại chỗ, đào tạo tại Nga, đào tạo tại các cơ sở khác. Phải nói rằng thành công nhất là đào tạo tại chỗ vì vừa rẻ tiền mà vừa đúc kết được nhiều kinh nghiệm, các bạn Nga, theo đề nghị của phía Việt Nam, cứ một người Nga thì kèm một người Việt. Đến những năm 1990, 1/3 vị trí lãnh đạo chủ chốt của các đơn vị do phía Việt Nam nắm giữ.

Chúng ta đào tạo được như vậy là nhờ vào tình hữu nghị của ta với Liên Xô, Liên bang Nga và tấm lòng của họ. Nhưng thực ra thì người Nga cũng vừa dạy, cũng vừa coi Vietsovpetro như là một trường học. Ngay từ khi Xí nghiệp liên doanh ra đời, chúng ta đặt vấn đề đào tạo lên hàng đầu, đó là tầm nhìn rất xa của Đảng ta và Đảng bộ Vietsovpetro đã thực hiện tốt chủ trương ấy. Các thế hệ lãnh đạo Vietsovpetro luôn coi đào tạo là một vấn đề sống còn và không ai có thể làm thay cho Đảng, Đảng bộ Vietsovpetro xem đó là mục tiêu là kế hoạch phải làm.

PV: Một người bạn Nga ví Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro như một trường Đại học dầu khí, cũng có nghĩa, học viên có thể sẽ ra đi khi đủ trưởng thành, trên thực tế, Vietsovpetro cũng bị chảy máu chất xám, đã có lúc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của Vietsovpetro. Đảng bộ Vietsovpetro đã đóng vai trò như thế nào để duy trì sự phát triển của Vietsovpetro?

Đồng chí Đặng Minh Hồng: Trong thời gian từ năm 2006 đến nay, Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam phát triển thành Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thì nhu cầu về nhân lực của Tập đoàn rất lớn cho cả các đơn vị của tập đoàn và các công ty liên doanh. Thực tế ở Vietsovpetro có rất nhiều cán bộ trẻ ra đi và điều này có lúc ảnh hưởng tương đối nghiêm trọng cho đội ngũ cán bộ, kỹ sư, phần khó khăn do bị đóng cứng biên chế.

Từ năm 2009 đến nay, Đảng ủy Vietsovpetro, cùng với sự quyết tâm của đồng chí Tổng giám đốc đã xin mở rộng cơ chế ra, tiếp nhận thêm các cán bộ trẻ tức là lực lượng kỹ sư, công nhân trẻ, đưa họ vào đào tạo, đồng thời phát huy truyền thống là đào tạo tại chỗ. Trước đây người Nga đào tạo người Việt còn bây giờ người Việt lành nghề, những người sắp nghỉ hưu sẽ kèm cặp cán bộ, kỹ sư, công nhân trẻ. Hiện nay, tình hình đào tạo đã được đáp ứng được một phần cho các công trình. Nhưng đó cũng đang là một thử thách đối với Vietsovpetro bởi vì đào tạo một kỹ sư khoan có thể tự chủ để thay thế các kíp trưởng thì phải qua đào tạo mất khoảng 5 năm, và để có một cán bộ địa chất làm việc một cách hiệu quả thì cũng không dưới 5 năm, không phải đào tạo ngày một, ngày hai và công tác vận hành các cụm công nghệ trên biển cũng thế.

Đây cũng là thử thách không nhỏ. Hiện nay ở các Đảng bộ Xí nghiệp Khai thác, Đảng bộ Xí nghiệp Khoan và sửa giếng rất tích cực trong việc chỉ đạo tổ chức việc đào tạo. Như Đảng bộ Khoan và sửa giếng, cứ một thợ cũ thì đào tạo một thợ mới, đảm bảo khi về hưu thì có thợ mới thay thế, thậm chí phải phấn đấu người thợ cũ chưa nghỉ hưu thì người thợ mới đã có thể làm việc.

PV: Đảng bộ liên doanh có những đặc thù riêng, có những điểm chung. Vậy cơ chế hoạt động có gì thuận lợi, có gì vướng mắc so với các Đảng bộ khác. Thưa đồng chí?

Đồng chí Đặng Minh Hồng: Trước đây, có thời điểm Đảng bộ Vietsovpetro với hơn 1.500 đảng viên nhưng chỉ có hai cán bộ chuyên trách, vừa hoạt động sản xuất kinh doanh, vừa kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ Đảng giao phó, hoạt động của Đảng gặp không ít khó khăn. Các đồng chí kiêm nhiệm công tác Đảng và chuyên trách đảng ở Vietsovpetro đã làm việc theo cái tâm, theo trách nhiệm của họ. Nếu đánh giá đúng mức thì họ đã vượt qua khó khăn, nhờ cái tâm và trách nhiệm của người đảng viên và họ đã xây dựng Đảng bộ Vietsovpetro nhiều năm liền trong sạch vững mạnh.

Từ năm 2010 trở lại đây, Đảng bộ đã có bộ máy chuyên trách giúp việc cho cả Đảng ủy Vietsovpetro cũng như các đơn vị cơ sở và các cán bộ kiêm nhiệm đều được hưởng phụ cấp, có phụ cấp trách nhiệm từ năm 2010. Đó là do Đảng ủy Tập đoàn và Ban lãnh đạo cả hai phía Việt Nam cũng như Nga đã đồng thuận tạo điều kiện kinh phí hoạt động từ chi phí sản xuất. Hiện nay, hoạt động của Đảng bộ đã thuận lợi hơn trong khi quy mô lớn hơn.

PV: Được biết, thời gian qua Vietsovpetro luôn thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, Công tác cán bộ là công tác trọng tâm xây dựng Đảng”. Nhưng làm thế nào để công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ Vietsovpetro không vướng những căn bệnh như “cục bộ”, “bè phái”, đảng viên không tiêu cực, sai phạm?

Đồng chí Đặng Minh Hồng: Vietsovpetro làm được điều này mà có thể các đảng bộ khác chưa làm được là chuẩn hóa đội ngũ, tuy cái quy hoạch là giống nhau. Ở Vietsovpetro, cán bộ được đề đạt phải hội đủ bốn điều kiện bắt buộc: thứ nhất, phải là đảng viên; thứ hai, phải có trình độ đại học chuyên môn phù hợp với công việc đang phụ trách; thứ ba, phải tốt nghiệp các lớp trung cấp/cao cấp lý luận chính trị theo từng chức vụ; thứ tư, đã học lớp quản trị doanh nghiệp cao cấp. Từ bốn tiêu chuẩn này, xây dựng ngược lại đòi hỏi phải có quy hoạch cán bộ hàng năm và có kế hoạch bồi dưỡng, phát triển đảng viên từ số quần chúng ưu tú và tạo điều kiện, kinh phí cho họ được tham gia các lớp đào tạo để đạt chuẩn.

Tiêu chuẩn bổ nhiệm cán bộ phải là đảng viên có thể có những ý kiến khác nhau. Nhưng thực tế chứng minh ở trong đơn vị chúng tôi, một cán bộ, kỹ sư là đảng viên thì cách ứng xử, điều hành khác hẳn người chưa vào Đảng. Và cho đến ngày hôm nay, qua mấy nhiệm kỳ, Đảng ủy Vietsovpetro vẫn giữ nguyên 4 tiêu chuẩn về cán bộ như vậy. Tiếp theo là việc luân chuyển, tuy không thể chuyển một người từ chuyên môn nọ qua chuyên môn kia được, nhưng đối với cán bộ quản lý thì cần được luân chuyển từ đơn vị nọ sang đơn vị kia, từ bộ máy điều hành xuống đơn vị cơ sở, từ cơ sở này sang cơ sở khác.

Trong đó, cá nhân tôi cũng được luân chuyển qua nhiều vị trí, đầu tiên làm ở văn phòng sau đó làm giám đốc đơn vị, rồi sang làm chủ tịch Công đoàn và bây giờ làm công tác đảng. Nhiều đồng chí cán bộ khác từng được luân chuyển qua các vị trí trong Vietsovpetro sau đó được thuyên chuyển, bổ nhiệm vào các vị trí cao hơn ở các đơn vị khác trong Tập đoàn, và họ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tôi có thể kể đến những người như anh Nguyễn Vũ Trường Sơn, Nguyễn Phan Phúc, Cao Mỹ Lợi… Để thực hiện được tiêu chuẩn hóa cán bộ phải có kế hoạch đào tạo.

Việc kiểm tra kiểm soát, tổ chức thanh tra hàng năm của cấp ủy, chính quyền diễn ra rất thường xuyên nên công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong mấy năm vừa qua là đạt yêu cầu, không xảy ra những vụ tiêu cực. Có vài trường hợp thư nặc danh. Chúng tôi tổ chức xác minh nhưng các thư nặc danh không đúng sự thật. Đảng bộ Vietsovpetro trong năm 2011 được tôn vinh là 1 trong 100 Đảng bộ tiêu biểu trong các doanh nghiệp trên toàn quốc.

Trong hoạt động của Vietsovpetro, nếu không làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, quản lý đảng viên và kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên thì vấn đề tham nhũng rất dễ xảy ra, Lý do là hàng năm, công tác mua sắm vật tư, thiết bị và dịch vụ phục vụ sản xuất của Vietsovpetro rất lớn. Chính vì vậy, Đảng ủy và Ban Tổng giám đốc Vietsovpetro qua nhiều thời kỳ đã xây dựng và hoàn thiện các quy chế, quy định rất chặt chẽ. Ngoài việc đào tạo cho đội ngũ cán bộ đảng viên công nhân viên về thực hiện Luật đấu thầu, ở Vietsovpetro còn có những quy chế cho riêng để phù hợp với đặc thù của mình. Các cán bộ, đảng viên liên quan đến công tác đấu thầu đều phải được đào tạo kỹ về Luật đấu thầu và các quy định của pháp luật.

PV: Hiện nay, Vietsovpetro có bao nhiêu đảng bộ đạt cơ sở trong sạch vững mạnh, các đơn vị, loại hình nào còn gặp khó khăn hay anh em ở giàn khoan sinh hoạt Đảng có khó khăn không? Đặc thù công việc 15 ngày ở đất liền, 15 ngày đi biển thì việc sinh hoạt Đảng như thế nào?

Đồng chí Đặng Minh Hồng: Hiện nay, Đảng bộ Vietsovpetro có 2.103 đảng viên sinh hoạt ở 15 Đảng bộ cơ sở gồm 152 chị bộ, trong đó có một số Đảng bộ lớn như Đảng bộ Xí nghiệp Khai thác. Từ năm 2008 đến nay, chúng tôi đã cơ cấu lại các chi bộ cho phù hợp, chẳng hạn như: đối với những người đi biển cùng nhau thì cấu tạo thành một chi bộ để khi vào bờ là họ có thể sinh hoạt cùng với nhau, nghĩa là cùng ca cùng kíp thì cùng chi bộ và không để chi bộ đông quá 30 người. Các chi bộ Đảng thực hiện rất nghiêm túc chế độ sinh hoạt Đảng.

Đương nhiên, các chi bộ ở Đảng bộ Xí nghiệp Xây lắp công trình biển thì gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt vì có lúc họ phải làm việc 1-2 tháng không vào đất liền. Vấn đề này chúng tôi cải tiến theo hình thức nếu trên bờ có đủ trên 50% đảng viên thì sinh hoạt qua mạng. Nhìn chung, việc sinh hoạt Đảng của Đảng bộ Vietsovpetro luôn đạt yêu cầu. Trong nhiều năm vừa qua có 3 trong tổng số 152 chi bộ là hoàn thành nhiệm vụ còn 149 chi bộ đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh.

Có lẽ chúng tôi là đơn vị duy nhất tổ chức các lớp học theo ca kíp, và chỉ có Trường Chính trị tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu mới đáp ứng những yêu cầu như vậy trong nhiều năm nay. Học theo ca kíp biển, cứ mỗi lớp học chia ra 3 tổ, mỗi tổ học theo lịch riêng, chẳng hạn tổ 1 từ ngày 13 – 27, tổ 2 học từ ngày 27 – 13; tổ 3 dành cho những người còn lại. Các thầy, cô trường Chính trị tỉnh phải đi làm cả buổi tối, cả thứ bảy, chủ nhật. Đây là đặc thù của Vietsovpetro. Rất may là chúng tôi luôn nhận được sự thông cảm của các thầy, cô và nhà trường.

PV: Xin cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi này!

Thuận Thiên (thực hiện)

(Năng lượng Mới số 123, ra thứ Sáu ngày 25/5/2012)

DMCA.com Protection Status