Kỳ tích từ lòng quyết tâm

08:00 | 10/12/2014

1,165 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Những ngày này, tại Nhà máy Chế tạo giàn khoan thuộc Công ty CP Chế tạo Giàn khoan Dầu khí (PV Shipyard), hàng chục khối thép khổng lồ siêu trường siêu trọng đang được những người thợ PV Shipyard ngày đêm miệt mài hàn, lắp. Từ đây, công trình giàn khoan tự nâng 120m nước lớn nhất của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đang ngày một nên hình rõ dạng.

Năng lượng Mới số 381

Thành công và thách thức

Kỹ sư Lê Thành Huy - Xưởng trưởng Xưởng Kết cấu, một trong những kỹ sư kỳ cựu của PV Shipyard từ những ngày đầu thành lập. Anh cũng là người trực tiếp tham gia chế tạo giàn Tam Đảo 03 - giàn khoan tự nâng 90m nước đầu tiên của Việt Nam do PV Shipyard thực hiện.

Chúng tôi được biết rằng, trước đây các đơn vị ngành Dầu khí trong nước đã mua 6 giàn khoan tự nâng từ nước ngoài. Nhưng với nhu cầu thăm dò và khai thác dầu khí từ nay đến năm 2020, dự kiến Việt Nam sẽ cần khoảng 8 đến 9 giàn khoan tự nâng nữa. Nếu không tự chế tạo giàn khoan mà tiếp tục phải mua hoặc thuê từ nước ngoài thì Việt Nam sẽ mất một khoản ngoại tệ rất lớn. Và không chỉ hoạt động đóng mới giàn khoan, các công việc bảo dưỡng, sửa chữa và hoán cải giàn khoan phục vụ cho công tác thăm dò, khai thác dầu khí tại vùng biển Việt Nam và trong khu vực cũng bị bỏ ngỏ do chưa có đơn vị trong nước nào có đủ điều kiện vật chất và nhân lực thực hiện.

Từ thực tế thách thức đó, năm 2009 PVN đã ra một quyết định đột phá và chiến lược là tự đầu tư đóng mới giàn khoan tự nâng phục vụ khai thác dầu khí trên vùng biển Việt Nam và giao cho PV Shipyard - một thành viên non trẻ của ngành Dầu khí vừa được thành lập vào tháng 7/2007 - sứ mệnh thực hiện.

Một block thuộc Dự án Tam Đảo 05 đang được thi công

Nhớ lại những ngày đầu, khi PV Shipyard nhận nhiệm vụ chế tạo giàn Tam Đảo 03, dẫu đã có nhiều năm kinh nghiệm nhưng anh Huy vẫn không khỏi băn khoăn, lo lắng. Những băn khoăn đó là hoàn toàn có cơ sở, bởi vì đây là sản phẩm ứng dụng công nghệ cao, phức tạp với các tiêu chuẩn khắt khe, phải chịu được các điều kiện khắc nghiệt như sóng, gió, dòng chảy, ăn mòn, động đất… mà không nhiều quốc gia trên thế giới có thể thực hiện được.

Dự án Tam Đảo 03 thành công đã trở thành bước ngoặt lớn đưa ngành công nghiệp cơ khí chế tạo giàn khoan lên một tầm cao mới, mở ra cơ hội để mang các loại giàn khoan do Việt Nam chế tạo vươn ra thế giới.

Thành công của dự án đầu tiên đã giúp PV Shipyard có được sự tín nhiệm của các đơn vị trong và ngoài nước, từ đó tạo nên uy tín và kinh nghiệm, mang về cho PV Shipyard cơ hội thực hiện những dự án lớn hơn mà điển hình là giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05 cho chủ đầu tư Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro.

Trưởng thành từ  Dự án Tam Đảo 03

Với sự nỗ lực của tập thể cán bộ, kỹ sư và người thợ dầu khí, trong suốt hơn 1/3 chặn đường thi công chế tạo giàn khoan Tam Đảo 05 với những kinh nghiệm của lần chế tạo giàn khoan Tam Đảo 03, những người thợ đã tự tin hơn trước, đỡ vất vả hơn trước vì nay tay đã quen việc, những khó khăn đã dần dần được khắc phục.

Chúng tôi gặp anh Trần Quốc Bình - Tổ trưởng tổ lắp ráp 1, Xưởng Kết cấu 2 của nhà máy trong lúc anh đang tất bật với công việc chế tạo, lắp ráp tổ hợp hệ thống tự nâng. Dù bận túi bụi nhưng anh rất vui khi hướng dẫn và giải thích cho chúng tôi từng chi tiết bộ phận, máy móc công nghệ trong phần việc của mình. Anh cho biết, tổ hợp này gồm ba hệ thống vận hành được ốp vào ba chân trụ của giàn khoan. Giàn Tam Đảo 05 muốn nâng lên hay hạ xuống đều phải hoàn toàn phụ thuộc vào hệ thống này.

“Đối với giàn Tam Đảo 03, nếu trước đây thiết bị này phải nhập từ nước ngoài, anh em chỉ làm thêm phần giá đỡ thì nay đội ngũ kỹ sư PV Shipyard đã hoàn toàn thiết kế, chế tạo được giàn Tam Đảo 05” - anh Bình nói.

Tuy nhiên, việc lần đầu chế tạo hệ thống tự nâng khiến anh cùng các anh em khác gặp không ít khó khăn lẫn áp lực. Để chế tạo mỗi hệ thống chỉ nặng khoảng… 100 tấn này có khi phải huy động đến 60 nhân lực. Dù đã nắm vững các kiến thức kỹ thuật, tay nghề rèn luyện trong bao nhiêu năm, nhưng khi tiến hành đấu nối các thiết bị các anh vẫn phải tập trung cực kỳ cao độ. Bởi lẽ chỉ cần phạm một sai số nhỏ trên 0,02 li thôi cũng đủ làm hư hại toàn hệ thống.

Anh Phạm Thế Long, công nhân hàn bậc 4 chia sẻ: “Tôi tham gia từ đầu Dự án Tam Đảo 03. Lúc mới vào làm nghề chỉ được nhìn qua mấy cái hình vẽ, nên khi  chế tạo thành công một giàn khoan khổng lồ thật sự, tôi cảm thấy sung sướng, tự hào lắm”. Anh Long nói rằng tham gia chế tạo giàn khoan đầu tiên còn bỡ ngỡ, nhưng giàn khoan thứ hai thì “vô tư”.

Kỹ sư Lê Thành Huy nhận định, đội ngũ kỹ sư và thợ Việt Nam có tính sáng tạo rất cao, tiếp cận nhanh với công nghệ mới. Anh tự tin khẳng định rằng: “Thiết kế giàn khoan Tam Đảo 03 có sự hợp tác của chuyên gia nước ngoài. Sau giàn khoan này, trình độ thiết kế của kỹ sư PV Shipyard đã được nâng lên đáng kể, chủ động hơn rất nhiều trong quá trình thực hiện Dự án Tam Đảo 05”.

Tin ở tay nghề công nhân Việt

Kỹ sư Phan Hồng Sơn - Phó giám đốc Nhà máy Chế tạo Giàn khoan khẳng định: Lợi thế nổi bật nhất của PV Shipyard chính là nguồn nhân lực. Anh nói: “Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào tay nghề cơ khí của công nhân Việt Nam, thậm chí còn giỏi hơn tay nghề của công nhân kỹ thuật nhiều nước trên thế giới. Riêng tại PV Shipyard, anh em kỹ sư trẻ có năng lực ngoài ý chí, quyết tâm còn rất đam mê học hỏi. Đó là cơ sở để chúng tôi có thể chế tạo những giàn khoan hiện đại hơn, vươn ra thực hiện các hợp đồng dịch vụ sửa chữa, cải tạo, nâng cấp giàn khoan cho các đơn vị trong nước và quốc tế”.

Anh Sơn cho biết, phần thiết kế giàn Tam Đảo 05 bắt đầu từ thiết kế cơ sở của nước ngoài, sau đó PV Shipyard thiết kế chi tiết.

Theo báo cáo kỹ thuật của PV Shipyard, tổng khối lượng dự kiến của giàn Tam Đảo 05 khoảng 18.000 tấn được thiết kế theo mẫu JU-2000E của Friede and Goldman (Hoa Kỳ) có kích thước 70,4m chiều dài, 76m chiều rộng, 9,5m chiều cao, có thể chứa được 140 người. Giàn có chiều dài chân 147m, có thể kéo dài đến 167m, hoạt động ở độ sâu nước biển hơn 120m nước, có khả năng khoan tới mỏ dầu khí với độ sâu 9km và khả năng chuyên chở tối đa 6.488 tấn. Giàn khoan Tam Đảo 05 có khả năng chịu được điều kiện khắc nghiệt của môi trường như sóng cao 20,7m (tương ứng chu kỳ 14,7s), sức gió 36m/s và có thể đạt đến cực hạn 51,4m/s. Có thể nói, Dự án Tam Đảo 05 vượt xa Tam Đảo 03 cả về quy mô, công nghệ lẫn yêu cầu kỹ thuật.

Với khối lượng công trình đồ sộ như vậy, đội ngũ kỹ sư của PV Shipyard hiện phải thiết kế 800 bộ bản vẽ chi tiết: bố trí thiết bị, chạy hệ thống đường ống, phân bổ không gian... Mặc dù giá trị chỉ chiếm 6% của dự án, nhưng thành công của dự án thiết kế chi tiết lại chiếm vai trò rất quan trọng, bởi chỉ một sai sót trong thiết kế chi tiết sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ dự án.

Trước đây, dự án chế tạo giàn khoan Tam Đảo 03 phải thuê 8 chuyên gia nước ngoài hỗ trợ thiết kế chi tiết, thì nay đối với giàn khoan Tam Đảo 05 chỉ thuê 2 chuyên gia nước ngoài cho khâu giám sát an toàn và quản lý tổng thể dự án. Với đội ngũ hơn 70 kỹ sư thiết kế trẻ, PV Shipyard đảm nhận hoàn toàn các khâu thiết kế chi tiết, đầu bài mua sắm, bản vẽ chế tạo, phương án thi công và quy trình chạy thử.

Lãnh đạo PV Shipyard luôn mong muốn xây dựng một đội ngũ người lao động vươn lên bằng chính tài năng, trí tuệ và lòng say mê công việc của mình. Môi trường làm việc thân thiện, trẻ trung, cởi mở nhưng cũng đầy tính năng động, cạnh tranh và thách thức đã thu hút nhiều người trẻ tìm đến PV Shipyard, cùng bắt tay nhau làm việc.

Trong những ngày này, nếu tận mắt chứng kiến toàn bộ kỹ sư, công nhân của PV Shipyard đang tập trung cao độ, ngày đêm làm việc không ngừng cho Dự án Tam Đảo 05 thì mới thấy hết được sức người quả là “vô hạn”. Những anh em công nhân kỹ thuật nơi đây, tuy không nói ra nhưng chúng tôi có thể cảm nhận được ngọn lửa đam mê sáng tạo đang cháy bừng lên trong họ. Những căng thẳng, lo âu bỗng chốc tan biến và từng gương mặt vụt sáng bừng mỗi khi giải quyết xong một “nút thắt” khó khăn trong hàng ngàn đầu việc khiến chúng tôi không khỏi cảm phục ý chí, quyết tâm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của những người con dầu khí.

Nguyên Phương

 

DMCA.com Protection Status