Hợp tác dầu khí Việt - Nga qua góc nhìn của chuyên gia Nga

Kỳ XIV: Những tấn dầu đầu tiên

07:00 | 14/11/2021

4,473 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Tấn dầu đầu tiên khai thác được đã mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử phát triển ngành Dầu khí Việt Nam. Số ngoại tệ thu được từ Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro là một sự hỗ trợ lớn đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trở thành “gối đệm” cho thị trường.

Năm 1982, nhờ nỗ lực của các tổ chức xây dựng ở Việt Nam, “khu lắp ráp số 0” đã được đưa vào hoạt động tại Vũng Tàu. Đây là khu xưởng tạm thời, được thiết kế để lắp ráp 5.000 tấn kết cấu kim loại mỗi năm. Kích thước mỗi chiều của khu xưởng là 200m, xưởng nằm gần bờ và có đường thả xuống nước, có móng xoay dưới dưỡng khoan để lắp panel chân đế. Khi các cụm thiết bị được đưa tới xưởng thì bắt đầu công việc lắp giàn khoan cố định số 1.

Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng giàn khoan cố định số 1, Bộ Công nghiệp Khí đốt Liên Xô đã điều hai tàu trục lắp ráp “Vityaz” và “Thuyền trưởng Dolopolov” tới Việt Nam. Việc xây dựng được giao cho Liên đoàn Caspmorneftegazprom và vì mục đích này mà vào tháng 8 và 9-1983, gần 40 chuyên gia lắp ráp cao cấp đã được đưa tới Việt Nam từ thành phố Baku.

Cuối năm 1983, trạm điện KAS-500 được hoàn thành lắp ráp và đưa vào sử dụng, giúp bảo đảm việc hoạt động liên tục và đều đặn của cơ sở trên bờ, mặc dù tình hình cung cấp năng lượng, đặc biệt là tại các cơ sở phi sản xuất vẫn còn rất nhiều khó khăn. Lãnh đạo Xí nghiệp Liên doanh đã lên kế hoạch sẽ hoàn thành lắp ráp giàn khoan cố định số 1 vào tháng 12-1983, giàn khoan số 2 vào tháng 8-1984, giàn công nghệ trung tâm vào tháng 11-1985, nhưng để đạt được mục tiêu này cần bảo đảm cung cấp các vật tư cần thiết và đội ngũ nhân lực đầy đủ. Hội đồng Xí nghiệp Liên doanh đã thông qua lịch trình xây dựng dàn khoan cố định số 1 và dự kiến sẽ bắt đầu khoan giếng từ giàn khoan này vào tháng 10-1984. Theo lịch, tổng cộng trong năm 1984 phải khoan được 11 .650m từ tàu khoan Mikhail Mirchink, giàn khoan nổi tự nâng Ekhabi và giàn khoan cố định số 1, ngoài ra còn phải bắt đầu khoan 2 giếng nữa từ tàu khoan và giàn khoan nổi tự nâng.

ky xiv nhung tan dau dau tien
Tàu khoan Mikhail Mirchink nhận dòng dầu công nghiệp từ tầng trầm tích của mỏ Bạch Hổ

Ngày 4-11-1983, giàn khoan cố định số 1 bắt đầu được chuyển sang ponton để tiếp tục di chuyển tới địa điểm lắp giàn khoan và 12 ngày sau đó mới dựng xong giàn khoan. Mọi việc đã chuẩn bị xong, nhưng thời tiết bỗng xấu đi đột ngột, phải đợi đến tận mùa xuân mới ra biển được, ảnh hưởng đáng kể tới lịch trình dự kiến. Chỉ tới ngày 17-3-1984, đoàn Caravan tàu biển chở chân đế đầu tiên của giàn khoan cố định số 1 mới bắt đầu xuất phát từ vùng nước Vũng Tàu, di chuyển về hướng mỏ dầu Bạch Hổ. Một năm sau, vào ngày 8-5-1985, việc lắp ráp thiết bị trên giàn khoan cố định số 1 đã hoàn tất. Giờ đây, giàn khoan đã sẵn sàng cho công việc khoan giếng.

Trước đó, tháng 2-1983, nhóm đề tài của Trung tâm nghiên cứu khoa học và thiết kế thuộc Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro đã tổng hợp và phân tích một khối lượng lớn các thông tin địa chất và địa vật lý về cấu trúc của Bạch Hổ, đồng thời xây dựng bản đồ cấu trúc về mái của vỉa có ích thuộc trầm tích Miocen dưới, Oligocen và trên bề mặt của đá móng; đồng thời xác định được kết cấu địa chất của cấu tạo. Các chuyên gia đã phát hiện ra rằng, những phá hủy kiến tạo trước đó dự kiến là có tồn tại, với đặc tính tách cấu trúc thành các khối nhỏ, thực ra không tồn tại, vì thế có thể phải điều chỉnh trình tự cũng như khối lượng các công việc về thăm dò địa chất. Thì ra, một trong các cấu tạo định đưa vào khoan (gọi là cấu tạo số 3) hoàn toàn không tồn tại, còn cấu tạo Ba Vì cần được nghiên cứu thêm và chưa sẵn sàng cho việc khoan thăm dò. Vì vậy theo ý tưởng của ban lãnh đạo Xí nghiệp Liên doanh, để thực hiện “Chương trình 1985” phải tập trung vào công việc ở hai mỏ Bạch Hổ và Rồng, nên cần khoan thêm 4 giếng khoan thăm dò.

Tàu khoan Mikhail Mirchink nhận hợp đồng thầu trong giai đoạn từ tháng 1 tới tháng 6-1984 có nhiệm vụ khoan giếng khoan thăm dò số 5-BT tại cấu tạo Bạch Hổ. Kết quả là lại một lần nữa phát hiện ra mỏ dầu ở các vỉa thuộc tầng Miocen dưới. Giếng khoan được đục thông trong khoảng 2.782 - 2.826m và nhận được dòng dầu đầu tiên là 26,2m3 mỗi ngày, ngoài ra còn 2.600 mét khối khí đốt và 5m3 nước vỉa.

Ngày 24-5-1984 được coi là ngày phát hiện ra dòng dầu công nghiệp đầu tiên ở mỏ Bạch Hổ và ngày 6-11-1984 Vietsovpetro hạ thủy chân đế giàn khoan cố định MSP-1 tại mỏ Bạch Hổ.

Ngày 27-2-1985, tàu Mikhail Mirchink bắt đầu tiến hành khoan tại cấu tạo Rồng. Giếng khoan này dừng lại ở độ sâu 2.571m vì đã xuyên qua gần hết lớp vỏ trầm tích và gần lật tới tầng đá móng. Một dòng dầu đã phun lên trong khi thử nghiệm giếng. Vậy là vào tháng 5-1985, nhờ có giếng khoan đầu tiên mà đã phát hiện ra mỏ Rồng.

ky xiv nhung tan dau dau tien
Tàu chứa Crưm giao lô hàng dầu Việt Nam đầu tiên vào ngày 26-3-1987

Ngày 26-6-1986, khai thác tấn dầu thô thương mại đầu tiên ở mỏ Bạch Hổ trên thềm lục địa Việt Nam, từ giàn MSP-1.

Theo dự án thiết kế ban đầu, hai sà lan sẽ đảm nhiệm việc rót dầu không bến trên biển. Hai sà lan này dự kiến được sản xuất tại Nhà máy Đóng tàu Ba Son, thành phố Hồ Chí Minh nhưng đã không thực hiện được. Ngày 6-1-1984, Ủy ban Liên ngành dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Khí đốt Liên Xô V. A. Dinkov đã quyết định chuyển tàu chứa Crưm từ Bộ Hạm đội Liên Xô cho Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro để sử dụng tạm thời, trong thời gian 3-4 năm, cho tới khi xây dựng xong Trung tâm chứa hàng của Vietsovpetro trên bờ. Ngày 9-9-1986, con tàu thả neo gần trạm rót dầu không bến được đặt trên biển. Tuyến ống ngầm đã được lắp theo lộ trình giàn khoan cố định số 3 tới giàn khoan cố định số 1, sau đó tới trạm rót dầu không bến.

Nhờ đưa vào sử dụng những công trình trên, Vietsovpetro đã hoàn thành vượt mức kế hoạch khoan thăm dò: Thay vì 7.900m theo kế hoạch, thực tế đã khoan được 10 .583m. Khoan khai thác đạt được 12. 157m thay vì 8.700m theo kế hoạch. Điều này cho phép đạt được kế hoạch về khai thác dầu.

Tổng cộng trong năm 1987 Vietsovpetro đã bán được 235. 700 tấn dầu Việt Nam với tổng giá trị hợp đồng là 31 triệu USD.

Nếu đứng từ góc độ hiện đại mà xem xét thì những con số đó có vẻ quá khiêm tốn, nhưng đối với những người tham gia dự án vô cùng khó khăn này, đặc biệt là đối với người Việt Nam, thì việc thu được dầu và cải thiện đáng kể tổ chức công việc khai thác dầu có ý nghĩa tinh thần vô cùng quan trọng.

Trong suốt quãng thời gian kể từ năm 1981 tới cuối năm 1987, Liên Xô đã chuyển sang Việt Nam một khối lượng hàng lớn, gửi hàng ngàn chuyên gia sang công tác, tổ chức công việc cho một xí nghiệp liên doanh mới và cuối cùng, điều quan trọng nhất là Việt Nam có được tấn dầu công nghiệp đầu tiên. Con đường của dự án khai thác dầu khí không hề dễ dàng, trước hết bởi vì bản thân ý tưởng ban đầu đã rất vĩ đại, không một ai trong số các tác giả của dự án hình dung thấy hết quy mô công việc chờ đợi họ ở phía trước. Chỉ có các chuyên gia của Bộ Công nghiệp Khí đốt Liên Xô và Tổng cục Dầu khí Việt Nam, những người đã bằng sức lao động của mình, bằng cái giá của những sai lầm và bằng niềm vui của các thành công, mới cảm nhận được toàn bộ mức độ phức tạp của dự án. Bất chấp tất cả, họ đã giúp một đất nước Việt Nam đang bị cô lập với cả thế giới bên ngoài nhận được tấn dầu công nghiệp đầu tiên, có được cơ hội thiết lập mối quan hệ kinh tế bình đẳng, đôi bên cùng có lợi với các nước khác trên thế giới.

(Xem tiếp kỳ sau)

Kỳ XV: Chương mới trong hợp tác dầu khíKỳ XV: Chương mới trong hợp tác dầu khí
Kỳ XIII: Xây dựng đội ngũ hùng hậuKỳ XIII: Xây dựng đội ngũ hùng hậu

Ngân Hà

DMCA.com Protection Status