Minh giải địa chấn trong thăm dò và khai thác dầu khí

Minh giải địa tầng phân tập - Phần 1

08:22 | 29/03/2023

6,627 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Minh giải địa tầng phân tập dựa trên cơ sở từ nguồn tài liệu địa chấn, đường cong ĐVLGK, mẫu lõi và vết lộ được sử dụng phổ biến trong tìm kiếm thăm dò dầu khí.

Minh giải địa tầng phân tập dựa trên cơ sở từ nguồn tài liệu địa chấn, đường cong ĐVLGK, mẫu lõi và vết lộ được sử dụng phổ biến trong tìm kiếm thăm dò dầu khí, cho phép nhận dạng và phân tích các mặt ranh giới địa tầng và các phân vị địa tầng như tập (sequences), hệ thống (system tracts)... Đây được coi là một công cụ quan trọng để phân tích địa tầng cả môi trường trầm tích vụn (clastic) và carbonat, đặc biệt có hiệu quả với các tập hỗn hợp (composite sequences) với chu kỳ bậc 3 (0.5-3 tr./năm) tương ứng với khả năng phân giải của tài liệu địa chấn.

Trên hình 10.53 là hình ảnh quá trình nghiên cứu địa tầng phân tập bao gồm phân tích tài liệu thực địa với các mẫu và đường cong ĐVL GK, phân tích các tập trầm tích, nhận dạng các thể địa chất, phân tích kiến tạo, quá trình tạo đá, phân tích địa chấn địa tầng xây dựng khung địa tầng phân tập.

Minh giải địa tầng phân tập - Phần 1
Hình 10.53 - Sơ đồ tích hợp tài liệu xây dựng khung địa tầng phân tập

Minh giải các ranh giới địa tầng phân tập

Trong địa tầng phân tập, việc xác định các mặt ranh giới các tập trầm tích và các hệ thống trầm tích rất quan trọng. Ngoài các bất chỉnh hợp do bào mòn và gián đoạn trầm tích (SU) còn phải xác định các mặt ranh giới quan trọng khác như mặt chỉnh hợp liên kết (CC), mặt biển tiến (TS), mặt ngập lụt cực đại (MFS)...

Các ranh giới tập thường liên quan đến các mặt bất chỉnh hợp do bào mòn, gián đoạn trầm tích hoặc các mặt chỉnh hợp liên kết được. Các dấu hiệu nhận biết bất chỉnh hợp địa chấn liên quan đến đặc điểm tiếp xúc của các pha phản xạ như bất chỉnh hợp đáy (gá đáy, phủ đáy, bao bọc), bất chỉnh hợp nóc (bào mòn cắt xén, chống nóc, đào khoét...) và bất chỉnh hợp ngang (bờ dốc, hẽm ngầm...).

Mặt bất chỉnh hợp bào mòn trên bề mặt được tiếp nối với mặt chỉnh hợp liên kết ở phần dưới biển liên quan đến đáy hoặc nóc của trầm tích biển lùi bắt buộc. Đáy của trầm tích biển lùi bắt buộc thường là nóc hệ thống trầm tích biển cao đây cũng chính là thời điểm mực nước biển đạt cao nhất và bắt đầu hạ xuống rất mạnh, tạo nên các quạt đáy biển với các trầm tích dòng chảy rối. Nóc của trầm tích biển lùi bắt buộc là thời điểm mực nước biển đạt mức thấp nhất để bắt đầu nâng lên để tạo nên các trầm tích biển lùi bình thường. Đặc điểm xác định ranh giới này là sự khác biệt tướng địa chấn. Các trầm tích biển lùi bắt buộc thường là các quạt đáy bể hoặc quạt sườn thể hiện tướng địa chấn hỗn độn so với tướng dạng xiên chéo, sigma... phản ảnh các nêm lấn của trầm tích biển cao nằm ở phía dưới và trầm tích biển lùi bình thường cuối giai đoạn trầm tích biển thấp ở phía trên.

Mặt biển tiến là nóc của hệ thống trầm tích biển thấp thường có biểu hiện chống nóc vì phía dưới là các nêm lấn cuối giai đoạn biển lùi và phía trên có tướng địa chấn dạng song song trong hệ thống trầm tích biển tiến.

Mặt ngập lụt cực đại thường có dạng phủ đáy vì phía trên là các nêm lấn có dạng sigma, xiên chéo…. trong hệ thống trầm tích biển cao phủ lên các trầm tích mịn với tướng địa chấn có dạng song song của quá trình biển tiến.

Trên hình 10.54 là hình ảnh lát cắt địa chấn trước và sau khi minh giải thể hiện một số dấu hiệu phủ đáy, gá đáy, chống nóc liên quan đến hệ thống trầm tích và mặt ranh giới tập. Hình 10.55 là thí dụ thể hiện các mặt bất chỉnh hợp, mặt biển tiến, mặt chỉnh hợp liên kết, mặt đáy biển lùi bắt buộc trên lát cắt địa chấn, trong đó các trầm tích biển lùi bắt buộc giai đoạn sớm (A) liên quan đến trầm tích dòng chảy rối, các trầm tích biển lùi bắt buộc giai đoạn muộn vùng biển sâu (B). Trên hình 10.56 nêu thí dụ xác định một số mặt ranh giới trong các hệ thống trầm tích biển thấp và hệ thống trầm tích biển tiến.

Minh giải địa tầng phân tập   Phần 1
Hình 10.54 - Hình ảnh lát cắt địa chấn trước và sau minh giải thể hiện một số dấu hiệu phủ đáy, gá đáy, chống nóc liên quan đến hệ thống trầm tích và mặt ranh giới tập
Minh giải địa tầng phân tập   Phần 1
Hình 10.55 - Hình ảnh lát cắt địa chấn trước và sau minh giải thể hiện các mặt bất chỉnh hợp, mặt biển tiến, mặt chỉnh hợp liên kết, mặt đáy biển lùi bắt buộc
Minh giải địa tầng phân tập   Phần 1
Hình 10.56 - Xác định các mặt ranh giới trong các hệ thống trầm tích thấp và hệ thống trầm tích tiến

Minh giải các tập trầm tích

Để minh giải các tập cần dựa trên cơ sở xác định đặc điểm các ranh giới có liên quan bằng các dấu hiệu của địa chấn địa tầng. Các mặt ranh giới cần xác định bao gồm các mặt bất chỉnh hợp ranh giới tập và các mặt ranh giới khác như mặt nóc quạt đáy biển (mặt biển lùi cực đại), mặt biển tiến, mặt ngập lụt cực đại...

Trên hình 10.57 là hình ảnh một mô hình minh giải tập trầm tích theo tài liệu địa chấn. Hình 10.58 là đặc điểm các yếu tố phản xạ địa chấn nhận dạng tập và hệ thống trầm tích.

Minh giải địa tầng phân tập   Phần 1
Hình 10.57 - Mô hình phân tích tập trầm tích theo tài liệu địa chấn
Minh giải địa tầng phân tập   Phần 1
Hình 10.58 - Đặc điểm các yếu tố phản xạ địa chấn nhận dạng tập và hệ thống trầm tích

Theo Minh giải địa chấn trong thăm dò và khai thác dầu khí

Phân tập và nhóm phân tậpPhân tập và nhóm phân tập
Các mặt ranh giới trong địa tầng phân tậpCác mặt ranh giới trong địa tầng phân tập
Địa tầng phân tập với đá carbonatĐịa tầng phân tập với đá carbonat
Địa tầng phân tập các loại bể hồĐịa tầng phân tập các loại bể hồ
Địa tầng phân tập vùng biển nước sâuĐịa tầng phân tập vùng biển nước sâu

DMCA.com Protection Status