Mỏ Thăng Long - Đông Đô chuẩn bị cho dòng dầu thương mại đầu tiên

16:08 | 06/06/2014

1,761 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Ngày 5/6/2014, Đoàn công tác của Bộ Công Thương và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã có chuyến thăm, làm việc, kiểm tra công tác chạy thử, hoàn thiện các công trình giàn Thăng Long, giàn Đông Đô và tàu FPSO PTSC Lam Sơn trước khi mỏ Thăng Long – Đông Đô cho dòng dầu thương mại đầu tiên.

Đoàn công tác có Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang; ông Trần Thanh Tùng, Vụ trưởng Vụ Thăm dò Khai thác Dầu khí Tổng cục Năng lượng; Phó Tổng giám đốc Petrovietnam Nguyễn Vũ Trường Sơn; ông Lê Ngọc Sơn, Trưởng Ban khai thác Petrovietnam; cùng đại diện nhà điều hành Công ty Điều hành Chung Lam Sơn (Lam Sơn JOC) ông Tổng giám đốc Phùng Đắc Hải; đại diện các nhà thầu dịch vụ ông Lê Mạnh Cường, Phó TGĐ Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC) và ông Phạm Tiến Dũng, Tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling) và đại diện của PVEP và Petronas.

Mỏ Thăng Long – Đông Đô được phát hiện tại lô 01/97 và 02/97 thuộc bể trầm tích Cửu Long, cách vùng biển Vũng Tàu 160 km về phía Đông do Lam Sơn JOC làm chủ đầu tư và là nhà điều hành. Kế hoạch phát triển mỏ Thăng Long – Đông Đô bao gồm 2 giàn (WHP) và một kho nổi chứa, xử lý và xuất dầu (FPSO). Giàn Thăng Long và giàn Đông Đô do Công ty Cơ khí Hàng Hải (PTSC MC), đơn vị thành viên của Tổng công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC) làm tổng thầu từ thiết kế, mua sắm, xây dựng (EPC) đến vận chuyển và lắp đặt giàn ngoài khơi (T&I).

Đoàn công tác Bộ Công Thương, PVN thăm và làm việc trên giàn Đông Đô

Đồng thời, PTSC còn là nhà cung cấp FPSO dự án phát triển mỏ Thăng Long – Đông Đô. Ông Lê Mạnh Cường, Phó TGĐ PTSC chia sẻ: Với một khối lượng công việc khổng lồ khi tiếp quản dự án từ nhà thầu Fred Olsen (đơn vị nước ngoài trúng thầu nhưng sau đó đã từ chối thực hiện dự án do một số lý do chủ quan và khách quan), PTSC đã đứng ra thu xếp vốn và triển khai dự án trong khoảng thời gian cực kỳ gấp rút. Dự án FPSO PTSC Lam Sơn là dự án FPSO lần đầu tiên PTSC đảm nhận làm toàn bộ việc thực hiện dự án từ khâu thiết kế, mua sắm, sửa chữa, vận chuyển, lắp đặt và chạy thử. PTSC đã tận dụng và phát huy tối đa nội lực của các thành viên trong toàn Tổng công ty vì sự thành công chung của dự án.

Tàu FPSO PTSC Lam Sơn

Bên cạnh đó, việc PTSC mua lại con tàu Poisedon M để thực hiện sửa chữa, hoán cải thành FPSO là một sự hỗ trợ lớn cho một đơn vị thành viên của Petrovietnam là PVTrans trong lúc đơn vị này gặp khó khăn.

Mặc khác, dự án cung cấp FPSO cho mỏ Thăng Long – Đông Đô còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc hiện thực hóa chiến lược phát triển dịch vụ kinh doanh kho nổi chứa và xử lý xuất dầu thô FSO/FPSO của PTSC nói riêng và chiến lược phát triển kinh tế biển của Petrovietnam nói chung.

FPSO sau khi hoàn thành có sức chứa tối thiểu 350.000 thùng, khả năng xử lý 18.000 thùng/ngày và làm việc liên tục (không phải lên Dock) trên 10 năm tại mỏ. Hệ thống công nghệ xử lý, lọc tách dầu thô rất phức tạp; bao gồm các hệ thống: phát điện, nồi hơi, bồn tách/lọc, khí nén, nước/khí ép vỉa, cấp điện cho các giàn khai thác, đo đếm, an toàn, cứu sinh, neo và 05 risers, 02 umbilicals. Hiện tại đây là một trong những kho nổi có công nghệ cao nhất Việt Nam. FPSO PTSC Lam Sơn là dự án kho nổi thứ 6 do PTSC đầu tư và trực tiếp triển khai.

TGĐ Lam Sơn JOC và Phó TGĐ PTSC ký kết giấy chứng nhận sẵn sàng đón dòng dầu đầu tiên

TGĐ Lam Sơn JOC Phùng Đắc Hải đánh giá rất cao các nhà thầu dịch vụ, đặc biệt là PTSC và PV Drilling đã góp phần đắc lực để dự án phát triển mỏ Thăng Long – Đông Đô đúng tiến độ yêu cầu đề ra, sau bao nhiêu khó khăn, thử thách.

Phó TGĐ Petrovietnam Nguyễn Vũ Trường Sơn khẳng định, khi dự án phát triển mỏ Thăng Long – Đông Đô cho dòng dầu thương mại sẽ bổ sung sản lượng dầu hằng năm cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Hợp đồng phát triển mỏ ký từ năm 2003, và trong suốt 11 năm qua có rất nhiều thách thức, khó khăn trong qua trình phát triển mỏ. Tuy nhiên, bằng quyết tâm rất cao của Tập thể người lao động nhà điều hành Lam Sơn JOC, các nhà thầu dịch vụ PTSC, PVD cùng các đối tác thì mỏ chuẩn bị cho dòng dầu thương mại đầu tiên theo như dự kiến.

Thứ trưởng Lê Dương Quang chúc mừng và tặng quà lưu niệm tàu FPSO PTSC Lam Sơn

Thay mặt Bộ Công thương, Thứ trưởng Lê Dương Quang chúc mừng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, đặc biệt là Lam Sơn JOC, PTSC, PV Drilling, PVEP… và tất cả đối tác của dự án phát triển mỏ Thăng Long – Đông Đô. Đồng thời, Thứ trưởng bày tỏ sự cảm ơn lực lượng kỹ sư, công nhân làm việc trực tiếp trên công trình đã lao động không ngừng trong điều kiện nhiều hiểm nguy, vất vả để góp phần mang những dòng dầu về làm giàu cho đất nước.

Công trình này đã khẳng định trình độ, năng lực của các thành viên của Petrovietnam. “Tôi rất ấn tượng quá trình làm việc vô cùng áp lực, vất vả của các đơn vị tham gia công trình này. Chính sự thành công trong quá trình phát triển mỏ Thăng Long- Đông Đô sẽ giúp Việt Nam bản lĩnh, tự tin làm chủ trong các dự án phát triển mỏ có độ phức tạp tương tự hoặc khó khăn hơn trong tương lai. Bên cạnh đó, mỏ Thăng Long – Đông Đô có ý nghĩa quan trọng trong việc đóng góp cho sự phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh khó khăn như hiện nay. Đồng thời, trong giai đoạn có nhiều căng thẳng trên Biển Đông thì mỏ Thăng Long – Đông Đô rất có ý nghĩa về mặt chính trị, góp phần khẳng định chủ quyền tổ quốc trên Biển Đông”.

Đoàn công tác thăm và làm việc trên giàn Thăng Long

Như vậy, với việc kiên trì trong công tác tìm kiếm, thăm dò và phát triển mỏ Thăng Long – Đông Đô của nhà điều hành Lam Sơn JOC trong hơn 10 năm qua, cùng với đó là sự khẳng định vượt trội thương hiệu PTSC trong việc đóng mới hai giàn Thăng Long – Đông Đô và công tác sửa chữa, hoán cải và lắp đặt FPSO PTSC Lam Sơn… cùng các nhà thầu dịch vụ khác thì chúng ta tiếp tục tin tưởng vào sự thành công của Petrovietnam trong các dự án phát triển mỏ tiếp theo.

Thiên Thanh

DMCA.com Protection Status