Một người “đốt” lửa

08:00 | 05/06/2013

1,188 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(Petrotimes) - Ông hỏi tôi: “Cậu đoán tôi bao nhiêu tuổi?”. Tôi trả lời: “Cháu biết bác đã gần 90 tuổi rồi ạ”. Ông nói: “Đúng hơn là 87 tuổi tây và 88 tuổi ta”. Thực ra, ở tuổi này rất nhiều cụ cũng đã đạt và vượt nhưng thật vui là ông vẫn hoạt bát, minh mẫn và khỏe mạnh. Ông cười vui: “Có lẽ những năm tháng ở chiến trường đã trui rèn cho tôi bản lĩnh sống”. Ông sống giản dị nhưng câu chuyện ông kể ra toàn những việc quốc gia đại sự, không chỉ liên quan đến tầm vĩ mô mà còn liên quan đến những ngành nghề thuộc lĩnh vực an ninh quốc phòng, an ninh năng lượng quốc gia, đó là cung cấp xăng dầu cho chiến trường và phát triển khoa học dầu khí. Ông là Trần Xanh, cựu cán bộ xăng dầu đầu tiên của quân đội.

Một thời lính xăng dầu

Bảo đảm xăng dầu phục vụ chi viện chiến trường và mọi hoạt động quốc tế - dân sinh thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước là một trọng trách hết sức nặng nề của ngành xăng dầu nói chung và xăng dầu quân đội nói riêng. Cũng vì vậy mà kho xăng dầu, các đoàn xe vận chuyển trên các tuyến đường ống chiến lược luôn là mục tiêu đánh của địch. Tiền tuyến cần xăng như cơ thể cần máu. Đã có lúc hàng trăm chiến sĩ ngành hậu cần đã oằn lưng cõng từng can xăng, gùi xăng vượt trọng điểm, vượt Trường Sơn đưa xăng vào mặt trận.

Với nhãn quan chiến lược và được sự giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, trực tiếp là tướng Đinh Đức Thiện và tập thể lãnh đạo, chỉ huy Tổng cục Hậu cần đã đề xuất, tổ chức xây dựng đường ống xăng dầu, tạo được một phương thức đảm bảo xăng dầu hiện đại, ưu việt, hạn chế thiệt hại do kẻ địch đánh phá. Được đào tạo cơ bản về kỹ thuật xây dựng đường ống, đồng chí Trần Xanh là một trong những cán bộ xăng dầu quân đội đầu tiên vinh dự được giao nhiệm vụ tổ chức tuyến đường ống xăng dầu chi viện chiến trường và nhận nguồn chi viện của quốc tế.

Ông Trần Xanh, nguyên Phó viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam

Khi chuẩn bị làm đường ống, đồng chí Đinh Đức Thiện chú ý đặc biệt đến công tác vận tải, sử dụng mọi phương tiện vận tải thô sơ và hiện đại, nhanh chóng tạo được vận tải cơ giới. Ngày đêm, đồng chí lo lắng xây dựng lực lượng vận tải cơ giới mạnh, nhưng muốn phát triển cơ giới thì phải lo đảm bảo xăng dầu. Năm 1967, tuyến đường 559 và miền Bắc, là một trong những mục tiêu hàng đầu của kẻ thù nhằm xóa sổ cho được các kho xăng, các phương tiện chở xăng, nhất là chở vào tuyến vận tải chiến lược.

Tháng 5/1967, khi ông Xanh và các đồng môn vừa đào tạo ở Trung Quốc về nước, đồng chí Đinh Đức Thiện đón tiếp và hướng dẫn chuẩn bị để triển khai công tác đường ống và tiếp tục theo sát diễn biến ở bàn đàm phán Paris. Đồng chí Đinh Đức Thiện cùng tập thể lãnh đạo, chỉ huy Tổng cục Hậu cần đã có quyết định cực kỳ mạnh dạn và sáng suốt về việc triển khai sớm tuyến đường ống xăng dầu và bảo đảm trước tiên cho tuyến vận tải chiến lược 559, phải hành động gấp, bí mật để địch không phát hiện ra và không kịp trở tay. “Tôi thấy quyết tâm và sự sáng suốt của đồng chí Đinh Đức Thiện đã được cán bộ cấp cao ở tuyến trên cũng như ở tuyến sau, kể cả các cấp Trung ương Đảng và Chính phủ ủng hộ, tán thành” - ông Xanh nhớ lại.

Tháng 3/1969, lúc về nhận nhiệm vụ Trưởng phòng Kỹ thuật Cục Xăng dầu, ông Xanh đã nhìn thấy tất yếu phải chuyển Phòng Kỹ thuật thành một viện kỹ thuật thì mới đảm đương hết nhiệm vụ bảo đảm kỹ thuật cho quân đội. Giữa năm 1970, Nhà nước chủ trương xây dựng mạng đường ống xăng dầu trên toàn quốc với sự ủy nhiệm và phân công của Chính phủ và Bộ Quốc phòng, Tổng cục Hậu cần giao cho ngành xăng dầu quân đội phải có Viện Kỹ thuật Xăng dầu Quân đội vững mạnh càng trở nên cấp thiết. Năm 1971, Viện Kỹ thuật Xăng dầu Quân đội đã được hình thành và tách ra khỏi Cục Xăng dầu Tổng cục Hậu cần. Đồng chí Trần Xanh được thủ trưởng Tổng cục Hậu cần và Cục Xăng dầu chỉ định làm Viện trưởng. Có lẽ những năm tháng phụ trách Viện về kỹ thuật xăng dầu cùng với những thành công trong xây dựng các tuyến xăng dầu chiến lược cho đất nước đã giúp ông có thêm kinh nghiệm để sau này về Viện Dầu khí Việt Nam tiếp tục phát huy “chất lính” của mình.

Trong câu chuyện ông kể, ông luôn nhấn mạnh việc mỗi bước đường thành công của ông đều có sự chỉ đạo sát sao, tư duy làm việc hiện đại của “Tướng Thiện”. Ông Xanh luôn nhớ đến “tướng Thiện” là một cán bộ cao cấp của Đảng, một Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần tài ba và tận tụy với công tác bảo đảm vật chất cho quân đội trong hai cuộc chiến tranh, một người thầy hết mực gương mẫu, luôn khao khát muốn đổi mới hiệu suất, ứng dụng khoa học kỹ thuật để tăng hiệu suất và hiệu quả công tác. Trải qua 37 năm công tác dưới sự chỉ đạo của đồng chí Đinh Đức Thiện (1951-1987); nhất là giai đoạn thiết kế, thi công bảo đảm kỹ thuật đường ống dẫn dầu (1967-1977), ông Xanh đã được “tướng Thiện” chỉ bảo và dìu dắt trưởng thành. Có lẽ, trong đời lính xăng dầu của ông, ngoài công việc chuyên môn, người có ảnh hưởng lớn nhất đến ông Xanh chính là “tướng Thiện” - một người anh cả không chỉ của ngành xăng dầu quân đội mà cả của ngành Dầu khí Việt Nam.

Từ năm 1958 đến 1977 là 20 năm ông Xanh được học và làm đường ống hết sức khó khăn gian khổ, song Trần Xanh đều vượt qua. Mặt khác để hoàn thành nhiệm vụ của mình, ông cũng được giúp đỡ bởi tập thể Viện Kỹ thuật xăng dầu quân sự, cả những người thầy, người bạn thân thiết. Sau một thời gian dài công tác trong ngành Xăng dầu quân đội với chức vụ cao nhất là Cục phó Cục Xăng dầu, năm 1977 ông Xanh và một số anh em chuyển sang Tổng cục Dầu khí. Nói là chuyển ngành nhưng cũng nằm trong dòng chảy liên tục - dòng chảy xăng dầu.

Tận tụy với Viện Dầu khí

Xây dựng Viện Dầu khí là một chủ trương lớn của Nhà nước. Việc đó đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp lãnh đạo. Trong chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp năm 1977, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đến thăm Viện Dầu mỏ Pháp và đặt nền móng cho mối quan hệ mới. Viện Dầu khí Việt Nam vinh dự được chọn làm đối tác hợp tác với Viện Dầu mỏ Pháp từ thời kỳ đó. Những cuộc đàm phán tiếp theo đưa đến kết quả chủ yếu ở hai nội dung là đào tạo cán bộ kỹ thuật cho phía Việt Nam và viện trợ cho Việt Nam 11 phòng thí nghiệm.

Năm 1977, Tổng cục Dầu khí cử 2 cán bộ của ngành Dầu khí Việt Nam là đồng chí Trần Xanh và kỹ sư Đỗ Quang Toàn, sang Học viện Dầu mỏ Pháp (IFP) để nghiên cứu cơ cấu tổ chức, các trang thiết bị phục vụ cho nghiên cứu phân tích, tìm hiểu các bộ môn chuyên môn của Viện và đặc biệt tạo mối liên kết hỗ trợ lẫn nhau trong nghiên cứu khoa học, phục vụ sản xuất và kinh doanh.

Ông Trần Xanh (thứ hai phải qua) và các đồng chí nguyên lãnh đạo Viện Dầu khí Việt Nam

Trong ba tuần làm việc tại Học viện Dầu mỏ Pháp đã giúp cho các cán bộ Việt Nam nhiều bài học bổ ích về chức năng nhiệm vụ của một Viện chuyên ngành về dầu khí; đặc biệt là bộ phận đào tạo (trường trong Viện), chuyên đào tạo các chuyên gia tầm cỡ quốc tế cho ngành dầu khí với đủ mọi ngành nghề cần thiết. Ông Xanh nhớ lại: Học viên được tuyển vào trường của IFP là những người đã tốt nghiệp ưu tại các trường đại học thuộc các ngành kinh tế kỹ thuật. Nhà trường sẽ đào tạo họ thành những nhà kinh tế kỹ thuật có chuyên môn cao trong ngành Dầu khí. Chính vì vậy ai đã tốt nghiệp ở IFP ra thì đi đâu trên khắp thế giới cũng “đắt giá”. Một nghịch lý là Pháp không có mỏ dầu nào, nhưng trình độ công nghệ khai thác chế biến dầu mỏ lại đứng vào hàng đầu trên thế giới. Rất nhiều chuyên viên các nước được đào tạo bài bản tại đây, rồi ra trường đi các nơi làm chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực khai thác, chế biến dầu. Chuyến đi nghiên cứu khảo sát này cũng mở đầu cho quan hệ hợp tác của Học viện Dầu lửa Pháp và Viện Dầu khí Việt Nam sau này.

Lần tìm trong đống tài liệu cao ngất trong nhà, ông Xanh cũng tìm thấy được một “bằng chứng” cho những tháng ngày trọng đại ấy. Đó là một bức thư bằng tiếng Pháp được thảo ngày 25/11/1977 do đồng chí Đinh Đức Thiện ký, gửi Viện trưởng Viện Dầu mỏ Pháp Jean Claude Balaceanu. Nội dung thư viết: “Tháng 3 vừa rồi, trong chuyến thăm tới Viện Dầu mỏ Pháp, chúng tôi (đồng chí Đinh Đức Thiện và đoàn lãnh đạo Tổng cục Dầu khí) đã có buổi nói chuyện với ngài về sự giúp đỡ mà Viện Dầu mỏ Pháp sẽ dành cho chúng tôi trong việc thiết kế dự án, hỗ trợ kỹ thuật và thành lập một viện dầu mỏ ở Việt Nam, nhằm đáp ứng những nhu cầu hiện tại và những nhu cầu phát triển ngành công nghiệp dầu mỏ trong tương lai, trên cả phương diện khoa học và kỹ thuật. Tại chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Việt Nam tại Pháp, ngài đã có thiện chí đưa ra lời hứa sẽ góp phần vào việc thực hiện dự án hỗ trợ này. Hôm nay, chúng tôi xin cử một phái đoàn kỹ thuật tới Pháp, gồm có: ông Trần Xanh, lãnh đạo VPI và ông Đỗ Quang Toàn, kỹ sư - nhà hóa học nhằm thực hiện một chuyến thăm tới Viện Dầu mỏ Pháp và đồng thời thảo luận với ngài về việc thực hiện Dự án Viện Dầu mỏ ở Việt Nam và về khóa đào tạo nhân viên kỹ thuật Việt Nam tại Pháp.

Chúng tôi hy vọng gặp lại ngài vào đầu năm 1978 tại Hà Nội để đưa ra được quyết định cuối cùng cho vấn đề thành lập Viện Dầu mỏ ở Việt Nam. Nhân dịp này, chúng tôi cũng xin bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc tới ngài, cũng như tới tất cả các cán bộ và nhân viên của Viện Dầu mỏ Pháp đã tận tình giới thiệu các hoạt động của Viện, đào tạo nhân lực cho chúng tôi và đã đưa ra nhiều ý tưởng quý báu liên quan đến việc thành lập Viện Dầu mỏ ở Việt Nam…”.

Được biết, trước khi sang Pháp, ông đã soạn thảo một văn bản với tựa đề “Nhiệm vụ, chức trách, tổ chức biên chế và các bước tiến hành xây dựng Viện Dầu khí Việt Nam”. Quả thực khi đọc văn bản này, dù chỉ là do ông soạn thảo nhưng cũng thấy được tầm nhìn của người lãnh đạo trước vận mệnh của Viện Dầu khí Việt Nam. Hơn nữa, nội dung của văn bản khá sát với nhiệm vụ và phương hướng của Viện Dầu khí Việt Nam hiện nay. Tuy có một vài chỗ thay đổi cho phù hợp với tình hình thực tế nhưng đề xuất chiến lược của ông đã giúp cho Viện Dầu khí Việt Nam có bước đi vững chắc, ổn định.

Ông chia sẻ về câu chuyện “Vì sao phải đặt trụ sở Viện tại Hà Nội?”: “Cơ sở trung tâm của Viện đặt ở Hà Nội để tiện hợp tác, trao đổi kinh nghiệm và kết quả nghiên cứu với các viện, các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học và để Tổng cục Dầu khí Việt Nam kịp thời chỉ đạo mọi hoạt động của Viện. Ngoài ra, có một số phân viện, phòng nghiên cứu hoặc phân xưởng chế thử có thể để ở cơ sở sản xuất, cạnh nhà máy lọc dầu, hóa dầu hoặc mỏ dầu khí”. Thời đó, tinh thần xây dựng Viện được ông Xanh thảo ra rất rõ ràng: “Sau lúc được duyệt địa điểm, thông qua nhiệm vụ thiết kế thì phải xây dựng 2 năm 1978, 1979 mới xong. Lắp ráp thiết bị năm 1980 có thể xong các phần chủ yếu. Đào tạo và bổ sung cán bộ phải làm liên tục đến 1982-1984 mới có đủ”. Để làm được những việc đó, trước mắt Viện cần tiến hành 3 việc: việc gấp rút là xây dựng Trung tâm Nghiên cứu thí nghiệm Dầu khí ở Hà Nội với 8 phòng nghiên cứu, đào tạo và 10 phòng thí nghiệm; việc thứ hai là chấn chỉnh Đoàn 36B thành một cơ sở phân tích dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ, kết hợp xây dựng cơ sở cho phân viện lọc dầu - hóa dầu và phân viện ứng dụng sản phẩm dầu mỏ; việc thứ ba là chuẩn bị triển khai phân viện kỹ thuật biển ở Vũng Tàu.

Ít lâu sau, ngày 22/5/1978, Tổng cục trưởng Tổng cục Dầu khí Nguyễn Văn Biên ký Quyết định số 655/DK-QĐ TC về việc giao nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Viện Dầu khí Việt Nam. Ban lãnh đạo đầu tiên của Viện Dầu khí Việt Nam là các ông Nguyễn Văn Tời - Bí thư Đảng ủy, Trần Xanh - Viện phó phụ trách, Hồ Đắc Hoài - Viện phó. Thế là cái tâm nguyện của ông cũng đã trở thành hiện thực. Tuy Viện không to, đồ sộ và hiện đại như ngày nay nhưng Viện ra đời cũng đồng nghĩa đã đặt viên gạch đầu tiên cho ngành khoa học dầu khí Việt Nam. Sau khi Viện ra đời, một tin vui bay về Việt Nam là việc Cộng hòa Pháp tài trợ 10 triệu franc cho 11 phòng thí nghiệm rất hiện đại thời bấy giờ, bao gồm máy móc, thiết bị xử lý số liệu địa vật lý, hóa lý, dầu thô, địa hóa, thạch học, cổ sinh, cơ lý, PVT, ăn mòn, xúc tác, dung dịch khoan và một xưởng cơ khí sửa chữa nhỏ. Trừ một số bộ môn vẫn tiếp tục các phương pháp phân tích mẫu truyền thống nhưng đạt chất lượng cao hơn, hiệu quả cao hơn do có thiết bị mới chính xác hơn, có độ phân dải cao hơn, các bộ môn như hóa dầu, địa hóa, PVT...

Ngoài ra, phía bạn còn tài trợ thêm 5 triệu franc cho các danh mục bổ sung. Sau đó, chuyên gia Pháp sang hướng dẫn lắp ráp và vận hành các phòng thì nghiệm. Trước kia, phòng thí nghiệm 36B trang bị máy móc của Liên Xô nên hạn chế trong khâu phân tích, đánh giá kết quả thí nghiệm.

Ông Xanh rất chú trọng công tác nghiên cứu khoa học, thế nên công tác nghiên cứu khoa học đã thu được những kết quả thiết thực phục vụ sản xuất và định hướng cho công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí, song nhìn chung vẫn còn ở mức độ khiêm tốn. Vì vậy trước, trong và sau khi thành lập Viện đã có chủ trương, một mặt, học tập mô hình Viện Nghiên cứu Địa chất dầu mỏ toàn Liên bang của Liên Xô, mặt khác, nghiên cứu tiếp thu mô hình của Viện Dầu mỏ Pháp (IFP). Ý tưởng  này vẫn còn nguyên giá trị đến ngày nay. Viện Dầu khí đã đạt được một số kết quả và vẫn đang phát triển theo hướng này.

Những sự kiện chính trong giai đoạn 1978 đến những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước khi ông Xanh làm Phó viện trưởng phụ trách là sự sát nhập một bộ phận lớn của Đoàn 36C (giải thể năm 1979); tiếp nhận 11 phòng thí nghiệm của Pháp (1980); xây dựng Phân Viện Dầu khí phía nam (1982)… Bước đầu chuyển một bộ phận nghiên cứu về Hà Nội (80 người) vào năm 1982, xây dựng địa điểm mới của Viện ở Hà Nội (1983)…

Nhưng có lẽ kỷ niệm đáng nhớ nhất của ông chính là việc Viện Dầu khí Việt Nam được cử 8 cán bộ sang đào tạo ở Viện Dầu mỏ Pháp trong năm 1978-1979 gồm các đồng chí Phan Huy Quynh, Nguyễn Văn Hội (cổ sinh), Trần Công Tào, Lê Như Tiêu (địa hóa), Nguyễn Văn Huần (dầu thô), Vũ Văn Thư (PVT), Phạm Đăng Phú (thạch học), Lê Đình Thám (địa chất dầu khí). Nhờ có phòng thí nghiệm và cán bộ kỹ thuật của Viện được đào tạo thực hành quy trình phân tích mẫu mới ở Viện Dầu mỏ Pháp, trong bộ môn địa hóa của Viện Dầu khí Việt Nam đã có sự thay đổi căn bản như một “cuộc cách mạng” về kỹ thuật. Các chuỗi tham số địa hoá được phân tích đồng bộ cho phép đánh giá được mẫu đá đó có đủ tiêu chuẩn là đá mẹ giàu hay nghèo, trưởng thành hay chưa trưởng thành, có khả năng sinh dầu hay sinh khí và môi trường địa chất hình thành loại đá mẹ đó...

Giờ đây dẫu đã ngót 90 nhưng ông Xanh vẫn đau đáu một điều: Làm sao để cán bộ của Viện Dầu khí được tiếp cận công nghệ, kỹ thuật phân tích của nước ngoài càng nhanh càng tốt. Ông là vậy, vẫn là Trần Xanh của những năm 1980 của thế kỷ trước, vẫn luôn hướng về Viện Dầu khí Việt Nam dù đã rời xa vị trí công tác được hơn 20 năm.

Đức Chính

DMCA.com Protection Status