Một thoáng... ông Thoảng

00:00 | 15/04/2011

78 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Nhiều nhà quản lý, nhà khoa học lớn trong khu vực và trên thế giới cảm thấy vinh hạnh được là đồng nghiệp, đối tác của ông.

Tôi quen ông vì công việc vào lúc ông đã về nghỉ sau trên dưới mười năm giữ trọng trách là người đứng đầu tại Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam). Trước khi gặp ông, tôi tưởng tượng ông là một người lạnh lùng, khó gần. Có hai căn cứ để tôi nghĩ như vậy. Thứ nhất, ông có quá nhiều năm vô tình trở thành đối tượng của sự cầu cạnh. Điều này quá dễ hiểu, vì ở vào vị trí của ông, trong suốt 10 năm, có thể nói, ông đã có trong tay hầu hết những gì khiến người khác muốn cầu thân hoặc qụy lụy, kể cả khi ông không muốn. Thứ hai, ông là một trong những nhà khoa học hàng đầu, không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn trên thế giới. Sau này tôi được biết, chỉ riêng công trình nghiên cứu về hóa học của ông được công bố đã lên đến con số 200! Không phải ai cũng mơ có được thành quả này. Nhiều nhà quản lý, nhà khoa học lớn trong khu vực và trên thế giới cảm thấy vinh hạnh được là đồng nghiệp, đối tác của ông. Một người như vậy, ở bất cứ xã hội nào cũng là yếu nhân, có tiếng nói quan trọng trong nhiều vấn đề của quốc gia. Trên thực tế chính ông Võ Văn Kiệt, khi còn làm Thủ tướng, đã đích thân đề nghị ông về làm Tổng giám đốc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam ở vào giai đoạn chuyển đổi có tính chất bước ngoặt về mặt quản lý Nhà nước.

Một thoáng... ông Thoảng
Tổng Bí thư Đỗ Mười thăm một công trình của ngành Dầu khí (ông Hồ Sỹ Thoảng người thứ hai từ phải sang)

Vì nghĩ như vậy nên theo phản ứng tự vệ bản năng của một người dễ bị tổn thương (thực chất là rất quê mùa!), tôi sắp sẵn một bộ mặt “mục hạ vô nhân” đến gõ cửa nhà ông ở một con hẻm nhỏ phố Nguyễn Kiệm, thành phố Hồ Chí Minh. Trong khi chờ mở cổng, tôi còn cẩn thận hỏi lại người của Tập đoàn có nhiệm vụ dẫn đường, xem anh ta đã làm việc trước với ông Thoảng chưa. Những “bố lớn” này cứ phải làm việc trước, họ đồng ý tiếp thì hẵng đến, kẻo bẽ mặt. Cô giúp việc ra mở cổng và cúi gập người xuống chào chúng tôi, nói là “ông cháu” đang chờ trong phòng khách. Dân gian bảo cứ xem người giúp việc là biết chủ thế nào. Nghĩ vậy tôi cảm thấy có chút yên lòng. Bất ngờ lớn nhất đập vào mắt tôi là nơi ở của ông Tổng giám đốc (sau đó là Chủ tịch HĐQT) của một Tổng công ty hàng đầu đất nước, lại chả khác gì nơi ở của một viên chức trung bình. Căn nhà quá cũ kỹ và lạc hậu về thiết kế (nghe nói cách đây hơn một năm ông mới cho xây lại), những thứ đồ đạc bày biện phần lớn là bình dân. Ông Thoảng đang chơi với đứa cháu ngoại, gặp chúng tôi là khoe ngay bằng nụ cười hiền lành với vẻ rất mãn nguyện. Tôi nhanh chóng phát hiện ra, mọi âm thanh phát ra trong căn nhà ấy đều rất nhỏ nhẹ, từ nụ cười của vợ và con gái ông, đến cái giọng miền Trung của ông nhờ cô bé giúp việc pha nước sau khi mời chúng tôi ngồi. Tất cả đều ấm áp và tin cậy, ở trong đó hề thấy bóng dáng của sự quan cách, kiêu ngạo mà tôi vẫn đinh ninh. Sau khi nghe anh cán bộ của Tập đoàn nói về mục đích chuyến thăm, ông cười hồn hậu bảo chưa biết cụ thể công việc nhưng nếu ông giúp được gì thì ông xin sẵn sàng.

Chuyến ấy, vừa trở về tới Hà Nội là tôi ngồi ngay vào bàn làm việc, viết chân dung ông, với nguyên vẹn những cảm xúc tươi rói về một con người học thức đầy mình nhưng có lối sống vô cùng bình dị. Tôi viết nhanh đến mức chính tôi cũng không ngờ. Hầu như tôi chẳng cần phải thêm bớt gì, chẳng cần dụng công tạo dựng cái gọi là kết cấu của một chân dung bằng ngôn từ như mọi người vẫn làm, mà chỉ chép lại những gì mình nghe và cảm nhận. Cái giọng kể nhỏ nhẹ, ấm áp, khiêm nhường của ông được chuyển tải gần như nguyên vẹn. Tôi cũng không hiểu sao mình lại giữ được ấn tượng về ông sinh động và gần gũi như vậy. Sau đó tôi gửi bản thảo cho ông, nhờ ông đính chính giúp những chỗ liên quan đến chuyên môn và “nếu thấy cần thì bác cứ thêm bớt thoải mái” - tôi viết thêm như vậy để ông đỡ ngại khi muốn thay đổi chi tiết nào đó.

Nhưng ông chỉ thực hiện phần đầu của đề nghị, nghĩa là chỉnh sửa thuật ngữ chuyên môn, một vài tên chữ Nga phiên âm hay tên các tổ chức viết tắt bằng tiếng Anh, những chi tiết liên quan đến thời gian diễn ra sự kiện cũng như vài số liệu… còn lại ông giữ nguyên. Theo cách riêng, tôi đánh dấu vào tên file chữ “r”, tức là rồi, coi như hoàn chỉnh, không cần sửa nữa. Bỗng hai ngày sau tôi nhận được thư điện tử của ông, đính kèm file bài tôi viết. Trong thư ông đề nghị nếu đưa in thì xin dùng bản ông vừa gửi kèm. Tôi mở ra xem ông sửa thêm chỗ nào nhưng tìm mãi không thấy. Cuối cùng thì tôi cũng tìm ra, nhờ ông bôi mầu chữ ông sửa. Đó là chữ anh, thay vào chữ ông trong đoạn nguyên văn: “Ngày ra mắt cơ quan mới, tôi chỉ biết ông Trương Thiên và ông Nguyễn Hiệp…”, thành: “Ngày ra mắt cơ quan mới, tôi chỉ biết anh Trương Thiên và anh Nguyễn Hiệp…”. Là người viết và cũng vào loại kỹ chữ nên tôi nhận ra ngay hiệu ứng tình cảm khác nhau giữa hai cách gọi trên. Nếu để nguyên từ ông sẽ có gì đó lạnh lùng, xa cách, coi nhau như đối tác… trong khi từ anh tạo ra ấn tượng ấm áp của tình đồng nghiệp, bạn bè, anh em cùng chí hướng, là người trong nhà. Tiếng Việt kỳ diệu ở chỗ ấy. Không phải là người từng trải, lịch lãm và tinh tế sẽ không thể phát hiện ra điều ấy. Sửa xong vào bản chính theo yêu cầu của ông, tôi ngồi thừ ra, thấm thía một bài học về tính cẩn trọng. Khi sách in ra, nhiều người khen bài viết về ông, trước hết bởi tính trung thực của các sự kiện, nhưng có lẽ mọi người khen hơn cả ở tính điềm đạm, khiêm nhường của người kể, đúng như tính cách ông.

Một thoáng... ông Thoảng
Ông Hồ Sỹ Thoảng

Sau đó ông và tôi thiết lập tự nhiên một mối quan hệ thân tình, theo kiểu bạn vong niên. Tôi luôn giữ lễ của một người em, còn ông thì luôn lịch lãm, cẩn thận, chu đáo trong từng động tác nhỏ nhất, đúng với tác phong của một người anh lớn, một nhà giáo. Những dịp lễ lạt bao giờ ông cũng có thư chúc mừng. Thỉnh thoảng có tin gì vui, có bài gì đáng đọc, ông lại gửi cho tôi. Qua đó tôi biết ông rất trăn trở với nhiều vấn đề của đất nước, đặc biệt là vấn đề năng lượng thay thế trong tương lai, khi nguồn năng lượng truyền thống cạn kiệt. Có thể nói ông không ngừng suy nghĩ về chuyện đó bằng nỗi lo lắng và trách nhiệm của một nhà khoa học. Chẳng hạn mới đây, cuốn sách viết chung ông gửi tặng tôi có tên: Năng lượng cho thế kỷ XXI, những thách thức và triển vọng, là bằng chứng về điều đó. Ông dành nhiều tâm huyết cho việc tìm các dạng năng lượng mới. Cũng nhờ ông mà lần đầu tiên tôi biết đến thuật ngữ băng cháy!

Nhưng chuyện tôi muốn kể, như một nét chân dung ông, thì bây giờ mới bắt đầu.

Một lần, hồi đó là cuối năm 2006, ông Hồ Sỹ Thoảng ra Hà Nội họp và gọi điện mời tôi đi ăn sáng tại nhà khách ở phố Ngô Quyền (nếu tôi nhớ không nhầm). Hôm đó là Chủ nhật. Tôi đến cùng với cô con gái, lúc đó 14 tuổi, đang học lớp 8. Tôi muốn cháu phải thông thạo tiếng Anh, thứ mà tôi học mãi không thành và ngấm đủ nỗi nhục khi ra nước ngoài, nên quyết tâm đầu tư cho cháu học tại Trung tâm Apolo. Nhưng có vẻ như những gì tôi nói với cháu, gồm cả những chuyện cười ra nước mắt của một vài người bạn của tôi đi dự hội thảo không biết tiếng Anh đến khi được mời lên phát biểu phải giả vờ chui vào nhà vệ sinh, ở tịt trong đó hàng tiếng, vẫn chưa thể khiến nó chú ý đúng mức về tầm quan trọng sống còn của việc học ngoại ngữ này. Ông Thoảng rất mừng khi thấy có cả con gái tôi đi cùng. Sau màn chào hỏi, chúng tôi ăn sáng theo ý thích, thi thoảng ông lại ngẩng lên bắt chuyện thân tình với con gái tôi. Khi biết cháu đang theo học tiếng Anh ở trung tâm Apolo, thì mắt ông bỗng sáng lên với một niềm thích thú hiện hết lên khuôn mặt. Ông bắt đầu hỏi và con gái tôi bẽn lẽn trả lời, rồi hai bác cháu nhanh chóng trở nên thân tình. Sau đó hầu như ông quên hẳn có tôi đang ngồi bên cạnh, say sưa nói chuyện về chủ đề tiếng Anh với con gái tôi. Toát lên điều ông muốn nói với cháu và thế hệ của cháu là chúng nhất định phải thông thạo tiếng Anh. Đó chính là một cách để biểu thị lòng tự trọng dân tộc. Ông bảo với con gái tôi (và tất nhiên cả với tôi) rằng, tiếng Anh không phải là một nghề nghiệp, mà là một công cụ. Nó như chiếc chìa khóa mở cánh cửa đầu tiên của tòa lâu đài Hy Vọng. Tòa lâu đài đó còn nhiều cánh cửa khác dẫn vào các kho báu, nhưng nếu cánh cửa đầu tiên đã không mở được, thì kể cả các cửa khác mở toang cũng mãi chỉ đừng ngoài thôi, đừng bao giờ bị là người ngoài cuộc. Ông dẫn ví dụ về sự trả giá cho sai lầm trong đối sử với tiếng Anh của Malaysia. Hơn ba mươi năm trước, Malaysia từng coi việc quay lưng lại với tiếng Anh như một hành động khôn ngoan và tự trọng, đề cao tính dân tộc. Thế rồi người Malaysia phải trả số tiền gấp nhiều lần để đưa tiếng Anh trở lại, sửa chữa sai lầm do nông nổi và kiêu ngạo của một số nhà chính trị. Đó là chưa kể số thiệt hại không sao tính được, hậu quả của việc phần lớn công dân không biết tiếng Anh. Trong khi đó, ngay từ đầu Singapore đã biết rằng, họ chỉ có thể hiện đại hóa đất nước bằng một thế hệ thông thạo tiếng Anh. Và ông kết luận, người Singapore đã đi đúng nên họ thành công, trở thành con rồng châu Á, được cả thế giới nể trọng, mà không hề mất đi bản sắc, còn người Malaysia vẫn chỉ là nước có thu nhập trung bình.

Thấy con gái tôi chăm chú lắng nghe, ông bèn kể tiếp câu chuyện học tiếng Anh của ông. Ông vốn du học ở Nga nên ngoại ngữ chính là tiếng Nga, còn tiếng Anh ông chỉ biết vừa đủ để đọc những bài báo ngắn và trao đổi đơn giản. Do mải công việc nên ông cứ lần lữa mãi trong việc nâng cao vốn tiếng Anh. Thế rồi ông được bầu làm Chủ tịch Liên hiệp các Hội Hóa học châu Á. Trước đó đã vài lần đi dự với tư cách thành viên, ông chưa thấy vốn tiếng Anh có vấn đề gì, bởi khó quá thì đã có phiên dịch. Nhưng rồi một lần, với cương vị chủ tịch, ông phải điều hành cả một cuộc hội thảo lớn, bao gồm hàng trăm nhà khoa học hàng đầu của châu lục, là người điều hành mà không thông thạo tiếng Anh có chết không. Không có thông lệ cho việc dùng phiên dịch trong trường hợp ấy. Ông bảo với con gái tôi ông nhớ y nguyên cái cảm giác muốn vỡ tung đầu hôm đó, thêm nữa là nỗi xấu hổ, thế là khi trở về ông đặt quyết tâm phải thành thạo tiếng Anh, thứ tiếng toàn cầu.

Nói đến đây ông nheo mắt nhìn con gái tôi:

- Bây giờ bác có thể tự tin điều hành bất cứ hội nghị quốc tế nào, một cách hoàn toàn chủ động, đương nhiên là bằng tiếng Anh. Cháu thấy không, cứ có lòng tự trọng, có quyết tâm lớn là việc gì, dù khó mấy cũng có thể làm được.

Ngừng một lát ông nói thêm:

- Học ở Trung tâm Apolo là nhất rồi, chỉ còn phụ thuộc vào ý chí của cháu nữa thôi. Bố cháu là nhà văn, nhà văn kể cả nổi tiếng, cũng chẳng mấy ai giàu, nhưng vẫn cho cháu học tiếng anh ở Apolo, là thương và lo cho cháu lắm đó.

Lúc chia tay, ông vẫn muốn níu lấy cháu để nhắc lại với nó việc học tiếng Anh là vô cùng quan trọng, như trách nhiệm mà ông phải làm. Trở về, con gái tôi bỗng ưu tư khác thường. Sau đó nó hỏi kỹ tôi về ông. Tôi nói với cháu những gì tôi biết, cháu lắng nghe, nó có vẻ rất tự hào vì đã được ăn sáng, được trò chuyện thân tình, cởi mở với một nhà khoa học, một nhà quản lý tầm cỡ. Không phải ai cũng cứ muốn là được, nhưng điều khiến cháu suy nghĩ nhiều hơn cả là tinh thần ham học của ông, thái độ của ông khi nói về tiếng Anh. Hơn nữa, ở tuổi như ông mà học được tiếng Anh đến thành thạo, thật xứng đáng là một tấm gương lớn cho thế hệ trẻ.

Tôi nhận ra sự thay đổi quan trọng của con gái tôi, trước hết là những tiến bộ rõ rệt về kết quả học tập. Có thể nói, sau một thời gian qua những khóa học ở Apolo, cháu luôn dẫn đầu. Trong một khóa luyện âm cao cấp, chỉ một mình cháu được nhận bằng đỏ, với lời nhận xét trân trọng của thầy giáo người Anh: Em là số ít người Việt tránh được lỗi khi phát âm tiếng Anh. Chúc mừng em và hy vọng em sẽ thành công.

Tôi biết rằng bài giảng ngẫu hứng theo kiểu tâm truyền của ông với con gái tôi là vô giá với cả tôi và cháu. Ông có sức hút kỳ lạ với bọn trẻ, cả vẻ bề ngoài thân thiện, lẫn lối nói chuyện nhỏ nhẹ, giàu ẩn dụ và luôn lấp ló một nụ cười. Khi đó ông là một nhà sư phạm bậc thầy, dày dạn kinh nghiệm. Nhưng hơn tất cả, ông là người luôn đầy ưu tư về tương lai. Bọn trẻ vốn nhạy cảm nên chúng nhanh chóng thu nhận được điều đó. Và, dù chỉ một thoáng chốc, chưa đủ để tôi ký họa ông một bức chân dung, ở mức đơn giản nhất, nhưng đã đủ để in sâu vào tâm trí con gái tôi - và có thể theo nó suốt cuộc đời - hình ảnh sắc nét, đầy ấn tượng về một con người có khả năng đồng hành với chúng trong tương lai.

Xúc tác chế biến dầu khí tại Việt Nam: Cần một cách tiếp cận mới

Xúc tác chế biến dầu khí tại Việt Nam: Cần một cách tiếp cận mới

Đối với ngành công nghiệp dầu khí nói chung và lĩnh vực lọc hóa dầu nói riêng, công nghệ xúc tác và hấp phụ có vai trò cực kỳ quan trọng, tham gia vào gần như toàn bộ quá trình sản xuất, quyết định chất lượng đầu ra của nhiên liệu và nguyên liệu cho sản xuất các sản phẩm hóa dầu. Báo điện tử PetroTimes có cuộc phỏng vấn GS.TSKH Hồ Sỹ Thoảng (nguyên Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp các hội Hóa học châu Á) về hiện trạng và các kết quả nghiên cứu ở trong nước cũng như trên thế giới xung quanh vấn đề này.

Nhà văn Tạ Duy Anh

DMCA.com Protection Status