Nghĩ thêm về Nghi Sơn (Kỳ 2)

07:00 | 22/11/2019

5,079 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Năm 2018, dự án đã nộp ngân sách khoảng trên 8.000 tỉ đồng, đưa tổng thu ngân sách của tỉnh Thanh Hóa lên 23.000 tỉ đồng, cao nhất từ trước tới nay. Thu nhập bình quân của công nhân làm việc cho các nhà thầu khoảng 8 triệu đồng/tháng. Dự án có 1.327 lao động, chủ yếu là các kỹ sư, chuyên gia, lao động có tay nghề kỹ thuật cao...    

Kỳ 2: Được mất với Xứ Thanh

Tôi từng được ké một buổi họp căng thẳng giữa các bên để giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc nổi cộm trong việc giải phóng mặt bằng để Liên hiệp Lọc hóa dầu Nghi Sơn (LHDNS) đứng chân. Một lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã phải thốt lên một câu chắc cũng để giải tỏa cho không khí bớt căng rằng, “nếu Thanh Hóa không đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng thì chúng tôi đành phải kéo nhà máy lọc dầu đi… tỉnh khác”. Chắc cũng dọa vui thế thôi? Với lại đời nào Thanh Hóa lại lơi, lại bỏ cú hích cho nền kinh tế xứ Thanh? Đời nào lại để tuột cơ hội một động lực kinh tế vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ?

nghi them ve nghi son ky 2
Xuất bán sản phẩm tại Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn

Thời điểm khởi công, tôi ngồi cùng ông Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia và biên vào sổ vài con số. Trong 80.000 dân của thành phố trẻ Nghi Sơn này có đến gần 50% thanh niên đang ở độ tuổi trung học phổ thông. 43.000 người trong độ tuổi lao động. Số lao động đang làm việc là 37.000 người. Lao động nông nghiệp chiếm đến 73,2%, trong đó lao động là công nhân và sản xuất thủ công chiếm 13,1%. Dịch vụ khác 13,7%.

Nhìn vào cơ cấu ấy thấy hơi giật mình cho lao động có kỹ thuật lẫn tay nghề sẽ cung ứng cho LHDNS mai kia hở lẫn hổng đến như thế nào! Bao nhiêu lao động của địa phương sẽ may mắn ấm chân ở LHDNS? Liệu có đất đứng ở khu công nghiệp hóa dầu lớn nhất nước này không và ở ngay chính quê mình hay lại đi tìm sự dung thân ở chốn khác?

Lại ngồi với một lãnh đạo ngành Dầu khí, còn hoảng hơn khi ông thẳng băng rằng, cần phải quán triệt là đặc thù của cái anh lọc dầu tạo công ăn việc làm và tạo ra chỗ làm mới rất hạn chế. Lọc dầu và hóa dầu là những kỹ nghệ có cường độ tư bản cao nhất; đầu tư 1-2 tỉ đôla Mỹ mà chỉ tạo ra được 1-2 nghìn công ăn việc làm, gần tới cả triệu đôla Mỹ mới được một việc, trong khi đó thì phần lớn kỹ nghệ khác chỉ cần một vài chục nghìn đôla Mỹ là tạo được một việc làm.

Những khe hẹp ấy lao động huyện Tĩnh Gia và Nghi Sơn liệu có cơ may nào để lách?

Hình như để ứng và xứng với thực trạng hôi hổi, tươi mới, lãnh đạo Thanh Hóa nói chung và Khu kinh tế Nghi Sơn nói riêng đã có những cách làm sinh động bắt kịp với sự năng động của người dân như kiểu “tưới tắm” kịp thời cho những mầm sống mới ló dạng?

…Bữa mới đây, một anh bạn kéo tôi vào một quán quen ở Nghi Sơn. Nghi Sơn giờ nhan nhản quán ăn. Nhưng cái quán quen của anh bạn chỉ có ba thứ, cháo lươn, bánh cuốn và bánh lá răng bừa gần như đặc sản của xứ Thanh. Nhiều quán có thứ ấy nhưng không phải quán nào cũng níu được khách. Công nhận khoản cháo lươn với bánh lá ở quán này khá bắt miệng. Có lẽ bởi thế mà khách ăn cứ tơi tới lại qua. Hầu hết đều là công nhân, là người của khu công nghiệp và lọc hóa dầu. Câu chuyện dài thêm với ông chủ quán tên Hiến bên chai rượu nút lá chuối.

LHDNS là nhân tố thúc đẩy gia tăng số lượng doanh nghiệp trên địa bàn huyện Tĩnh Gia. Đến nay, huyện có khoảng hơn 800 doanh nghiệp, dự án đầu tư vào Khu kinh tế Nghi Sơn liên tục tăng qua các năm, đến nay là 175 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn 113.379 tỉ đồng và 19 dự án FDI với tổng vốn 12.860 triệu USD.

Đời ông bà, bố mẹ Hiến từng lênh đênh trên con đò nan, rồi đò gỗ trên sông Ghép vòng về Ba Làng, rồi ven bể Tĩnh Hải. Đến đời Hiến cũng vậy. Nghe có Khu kinh tế Nghi Sơn rồi nhà máy lọc hóa dầu, Hiến dong thuyền về Nghi Sơn. Bữa rượu trên bờ ấy với mấy người quen đã khiến con đò của gia đình Hiến cắm sào ở đây như vĩnh viễn. Cũng định thử chút vốn còm với nồi cháo lươn. Thấy tạm ổn. May mắn Hiến có bà vợ khéo tay, khéo cả miệng nữa nên quán bắt khách lắm. Chính thức lên cạn từ cuối năm 2012 đến nay, gia đình Hiến đã vững chân ở đất Nghi Sơn và có số vốn cũng khơ khớ định sang năm là xây nhà mới. Con cái Hiến lại được đi học, không phải vừa thoát nạn mù chữ như bố mẹ chúng…

Tôi coi lại những dòng biên chép tại LHDNS và UBND tỉnh Thanh Hóa.

Tại Nhà máy Lọc hóa dầu:

“Lượng dầu thô nhập về trong năm 2018 đạt hơn 4 triệu tấn. Đã sản xuất gần 3 triệu tấn. Tổng sản lượng các sản phẩm trong năm 2018 đạt khoảng 4,5 triệu tấn. Năm 2018, dự án đã nộp ngân sách khoảng trên 8.000 tỉ đồng, đưa tổng thu ngân sách của tỉnh Thanh Hóa lên mức 23.000 tỉ đồng, cao nhất từ trước tới nay. Thu nhập bình quân của công nhân làm việc cho các nhà thầu khoảng 8 triệu đồng/tháng. Đến nay, khi đi vào vận hành, dự án có 1.327 lao động, lực lượng lao động này chủ yếu là các kỹ sư, chuyên gia, lao động có tay nghề kỹ thuật cao, với mức lương bình quân đạt 36,745 triệu đồng. Toàn bộ lao động được bố trí phòng ở tại khu nhà dành cho chuyên gia và cán bộ, công nhân viên của NSRP”.

Tại UBND tỉnh Thanh Hóa (đoạn này hình như tỉnh Thanh Hóa có đề cập đến trường hợp Hiến đò dọc?):

“Trong suốt thời gian triển khai xây dựng từ 2013-2016, dự án đã giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động địa phương. Thời kỳ cao điểm nhất trên công trường dự án có tới 30.000 lao động làm việc (trong đó chủ yếu là lao động địa phương thực hiện các công việc của nhà thầu thi công).

LHDNS là nhân tố thúc đẩy gia tăng số lượng doanh nghiệp trên địa bàn huyện Tĩnh Gia. Đến nay, huyện có khoảng hơn 800 doanh nghiệp, dự án đầu tư vào Khu kinh tế Nghi Sơn liên tục tăng qua các năm, đến nay là 175 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn 113.379 tỉ đồng và 19 dự án FDI với tổng vốn 12.860 triệu USD.

Thúc đẩy phát triển dịch vụ: Bên cạnh sự phát triển của các ngành công nghiệp, dự án còn mang lại sự tăng trưởng từ các ngành dịch vụ, các dự án đầu tư cảng biển, nhà hàng, khách sạn, nhà ở cho chuyên gia, trường học, bệnh viện cũng tăng nhanh, đáp ứng nhu cầu phát triển của khu kinh tế.

Trong thời gian vận hành dự án, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có đủ điều kiện, năng lực được tham gia thực hiện các hợp đồng cung cấp dịch vụ, đồ dùng, văn phòng phẩm, dọn dẹp vệ sinh môi trường xung quanh khu vực nhà máy lọc hóa dầu, trồng và chăm sóc cây xanh, bảo vệ, bảo dưỡng các hệ thống kỹ thuật”…

10 năm trước từng giật thột với những con số nhiều nghìn tỉ đồng chi dùng cho cuộc di dân hàng nghìn hộ của xã Tĩnh Hải, xã Hải Yến phải dời làng. Những cơ sở vật chất có thể tạm tính, nhưng những tổn thất về tình cảm tâm linh của cái việc “làng ta di động nên có đất nhà máy dầu” khó mà đo đếm được?

Chợt nhớ trong bữa vui ở Nghi Sơn ngày khởi công, một ông rành rẽ: “Cái lợi của nhà máy lọc hóa dầu so với việc phải đi mua xăng dầu như thế nào?”. Một ông khác cự: “Anh chỉ vẽ! Nào có khác chi việc vác chai đi mua rượu với việc nấu rượu. Nấu rượu còn có bã nuôi lợn, còn được lời bán rượu và nữa, được uống thoải mái”.

Mới 10 năm thôi, có lẽ cái được vẫn là thứ dễ thấy, nhỡn tiền?

(Xem tiếp kỳ sau)

nghi them ve nghi son ky 2Nghĩ thêm về Nghi Sơn

Xuân Ba

DMCA.com Protection Status