Nghĩ thêm về Nghi Sơn (Kỳ cuối)

07:00 | 26/11/2019

3,531 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Có người đồ rằng, mạch núi Biện Sơn khởi nguồn đâu như chỗ Tam Điệp chạy thoai thoải về Nam đến Nghi Sơn của Tĩnh Gia thì chồm ra biển cũng là xứ địa linh, vậy nên đã sinh ra một nhân kiệt là Đào Duy Từ?    

Kỳ cuối: Chứng tích của một việc buồn

Vùng Nghi Sơn không chỉ đặt uỵch thô ráp xù xì một trung tâm lọc hóa dầu mà bên cạnh có địa danh một di tích lịch sử khá độc đáo. Đó là xã Nguyên Bình, quê hương cụ Đào Duy Từ.

nghi them ve nghi son ky cuoi
Khi nhà máy lên đèn

Có người đồ rằng, mạch núi Biện Sơn khởi nguồn đâu như chỗ Tam Điệp chạy thoai thoải về Nam đến Nghi Sơn của Tĩnh Gia thì chồm ra biển cũng là xứ địa linh, vậy nên đã sinh ra một nhân kiệt là Đào Duy Từ?

Tôi mạo muội nghĩ, nếu ai có viết về Đào Duy Từ thì cũng phải biên đủ những năm tháng còn trẻ, rằng Đào Duy Từ đã sớm phát lộ tài học chứ không phải đợi cho đến lúc lớn lộc ngộc cắp sách đi thi Hương mà hệ thống hành chính của nhà Lê Trịnh vì phát hiện ra Đào Duy Từ là con một kép hát (xướng ca vô loài) nên cấm cửa không cho thi như trước nay chính sử vẫn nói và dân tình vẫn nghĩ. Điều đó là chuẩn nhưng mãi sau này, “giọt nước” cấm cửa không cho con trai của Đào Tá Hán (kép hát nổi tiếng trong một gánh hát chèo) đi thi Hương mới làm “tràn cái ly” quyết chí vô Nam theo chúa Nguyễn.

Thân mẫu Đào Duy Từ họ Vũ - Vũ Thị Mạch. Thấy con trai sáng láng thông tuệ nhưng luật lệ triều đình là con cái của những người làm nghề xướng ca thì không được đi thi. Bà mẹ đã nghĩ ra kế là gom tiền bạc đút lót cho viên xã trưởng họ Lưu tại làng Hoa Trai, ở quê nhà để nhờ đổi họ Đào của con thành họ Vũ của mẹ, để Đào Duy Từ được đi thi. Từ lâu nhan sắc của vợ người kép hát đã lọt vào nhỡn lực dê cụ của xã trưởng. Viên xã trưởng bắt bà khi thực hiện xong việc thì phải… lấy lão ta.

Nhờ có việc đổi họ, năm 1593, Đào Duy Từ dự thi Hương và đỗ Á Nguyên, sau đó ông lại tiếp tục dự kỳ thi Hội. Thấy việc đổi họ cho Đào Duy Từ đi thi đã hoàn tất và anh con trai người kép hát đã danh giá, viên xã trưởng bắt mẹ Đào Duy Từ phải thực hiện giao ước, nhưng bà không ưng thuận. Thế là tóe loe ra cái việc xã trưởng tố cáo với quan trên. Tin gian lận được loan khắp. Bài thi của Đào Duy Từ bị hủy bỏ.

Đến đây lại có một khúc quanh của sử hay là sự đan xen giữa chính sử và dã sử. Năm Quý Tỵ (1593) sau khi đánh thắng quân Mạc, vua Lê từ Vạn Lại (Thanh Hóa) ra kinh đô Thăng Long. Nguyễn Hoàng từ dinh Thuận Quảng ra kinh đô yết kiến, chúc mừng thắng lợi, sau đó Nguyễn Hoàng lưu lại kinh đô tới 8 năm. Thời gian này, Nguyễn Hoàng lang thang khắp đất Bắc và xứ Thanh. Nghe đâu Nguyễn Hoàng đã gặp viên Thái phó Nguyễn Hữu Liêu. Liêu dốc bầu tâm sự, trong đó có khúc nhôi đổi họ của Đào Duy Từ. Nguyễn Hoàng được Liêu cho xem bài thi của Đào Duy Từ, thấy bài thi tầm cỡ thủ khoa lại lấp lánh trí tuệ tầm lương đống rường cột. Nguyễn Hoàng biết đây là nhân tài có thể thu dụng ở phương Nam, tìm cách liên lạc với Đào Duy Từ. Và sau này, Đào Duy Từ đã vào hầu chúa Nguyễn và làm nên sự nghiệp.

Theo chính sử, mùa đông năm Ất Dậu, tức năm 1627, Đào Duy Từ trốn vô Đàng Trong theo chúa Nguyễn. Chỉ có 8 năm ở với chúa Nguyễn Phúc Nguyên, Đào Duy Từ đã xây dựng cho nhà Nguyễn một cơ sở xã hội vững chắc, một quân đội hùng mạnh (công trình Lũy Thầy). Năm 1634, con người tài danh ấy trút hơi thở cuối cùng ở đất phương Nam, thọ 63 tuổi và được hậu thế tôn vinh là đệ nhất khai quốc công thần nhà Nguyễn.

Tôi nhớ mình có kể cho một người quen là Lê Đình Thọ chuyện ấy nhân bữa chúng tôi đi thăm khu tái định cư Liên hiệp Lọc hóa dầu Nghi Sơn (LHDNS), nhằm ngày mồng 2 Tết Canh Dần, năm 2010. Khi đó Thọ đang là Giám đốc phụ trách Khu kinh tế Nghi Sơn. Thọ xuất thân từ một vùng quê không có những huyền thoại tức tưởi như thổ Nghi Sơn của đất Biện Sơn mà hơi bị hào sảng. Vùng quê ấy nghèo nhưng là dưới chân Ngàn Nưa - nơi dấy binh đánh giặc thiên triều của Bà Triệu oai phong lẫm lẫm. Phần việc gian nan của Thọ là làm sao giữ đúng tiến độ giải phóng mặt bằng cho LHDNS.

Trên đường về, Thọ có đưa tôi đến đền thờ Đào Duy Từ gần khu tái định cư nhà máy lọc hóa dầu. Dâng hương tại đền thờ tiền nhân xong, nghe kể lại chuyện Đào Duy Từ, Thọ cảm khái bộc bạch rằng, bản chất dân Nghi Sơn nói riêng và xứ Thanh nói chung vẫn như thuở nào, dũng cảm, siêng năng, cần cù, chịu khó và đầy sự nhẫn nại, hy sinh. Mà cụ thể là những mất mát, hẫng hụt của người dân Nghi Sơn góp cho sự nghiệp công nghiệp hóa, trước là tỉnh nhà, sau là đất nước với trọng điểm là trung tâm lọc hóa dầu...

Có một lúc vội nghĩ, tôi đã đồ rằng lớp dân Nghi Sơn đi mở cõi phương Nam thời vua Lê Thánh Tông và cụ Đào Duy Từ vào giúp chúa Nguyễn thuở ấy dường như đã mang đi những tinh túy lẫn hồn cốt xứ này? Bữa mồng 2 Tết dâng hương vội ở đền thờ Đào Duy Từ ấy, tôi nghĩ vội nhưng chả dám khấn khứa trước anh linh Lộc Khê Đào Duy Từ rằng, khi bị ruồng rẫy cay đắng phải rời đất Nghi Sơn vô Nam làm mưu sĩ cho chúa Nguyễn, với căn tướng hơn người, khác người, ngài có để lại lời nguyền chi với xứ cố hương không?

Phỏng đoán như thế để mà băn khoăn, để mà thắc mắc cho một vùng đất mênh mông từ Bỉm Sơn đến Biện Sơn đây bao năm mà vẫn cứ nghèo khó mãi? Cái làng Tĩnh Hải đang là nền cho LHDNS kia từng có một quá vãng buồn. Nhớ thời điểm những tháng ba ngày tám của hơn hai chục năm trước chứ đâu xa xôi gì lắm, thứ nuôi sống lẫn cầm hơi dân vùng này chỉ có khoai, thứ khoai lang nấu phải rướn cổ lên mà nuốt với chút cá vụn kho mặn chát!...

Nhưng theo lẽ dịch biến, “đất có tuần nhân có vận” nữa là một tỉnh đông dân nhất nước như xứ Thanh? Và ngay sát quê cụ Đào là một trung tâm lọc hóa dầu lớn nhất nước. Quốc gia nào trên đường phát triển kinh tế cũng ước mong có nhà máy lọc dầu. Nhà máy lọc dầu là hạt nhân, là nền tảng của ngành hóa dầu, một hoạt động căn bản trong tiến trình phát triển khoa học công nghệ, như thiên hạ vẫn nắc nỏm là “một kỹ nghệ sinh ra những kỹ nghệ khác”.

Cái lần áp Tết Kỷ Hợi (năm 2019) ghé Nguyên Bình, quê cụ Đào Duy Từ, được Tuấn, một yếu nhân của Ban quản lý LHDNS nhiệt thành dẫn đi. Quá ngạc nhiên, bởi mấy gian thờ ọp ẹp 8 năm trước, nay đã khang trang một khu di tích hay gọi là khu tưởng niệm cũng được. Qua câu chuyện với Tuấn loáng thoáng được biết thêm đâu như Ban Quản lý LHDNS cũng có công đức với khu di tích này, cụ thể bao nhiêu thì chưa biết. Nhưng riêng Thanh Hóa đã bỏ ra 43 tỉ đồng cho giai đoạn 1 của khu di tích qua mấy năm xây cất lẫn tu tạo. Sau một thời gian triển khai xây dựng, tu bổ, đến nay đền thờ Đào Duy Từ đã hoàn thành giai đoạn 1, Ban Quản lý di tích cấp quốc gia đền thờ Đào Duy Từ đã tổ chức lễ an vị tại đền thờ mới, để đáp ứng nhu cầu văn hóa, tâm linh của du khách thập phương trong dịp đầu xuân Kỷ Hợi khi về chiêm ngưỡng LHDNS.

Thả bước bên nghi môn cùng đền thờ chính được xây mới nhưng vẫn giữ được chút cốt cách của một quá vãng, thầm biết ơn nghĩa cử của hậu thế đã làm sinh sắc không hổ thẹn với tiền nhân qua cái câu “Quang tiền dụ hậu”, đời trước mở mang đời sau bồi đắp. Nhớ trong chính sử, Hoằng quốc công Đào Duy Từ từng được vua Gia Long rước vào thờ ở miếu khai quốc công thần. Thì nay tại Nguyên Bình xứ Hoa Trai quê của cụ, ngay bên cạnh một công trình hiện đại lại nghiêm ngắn, uy nghi một công trình tưởng niệm tiền nhân như là một nghĩa cử với một con người tài danh của xứ Thanh.

Và biết đâu đó cũng là thông điệp sinh động về việc trọng dụng hiền tài thời nay vậy.

Thanh Hóa đã bỏ ra 43 tỉ đồng cho giai đoạn 1 của khu di tích qua mấy năm xây cất lẫn tu tạo. Sau một thời gian triển khai xây dựng, tu bổ, đến nay đền thờ Đào Duy Từ đã hoàn thành giai đoạn 1, Ban quản lý di tích cấp quốc gia đền thờ Đào Duy Từ đã tổ chức lễ an vị tại đền thờ mới.

Xuân Ba

DMCA.com Protection Status