Nhà máy Lọc dầu Dung Quất:

Ngọn lửa không bao giờ tắt

10:00 | 02/06/2014

969 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Những ngày tháng 5/2014, công trường Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất nóng bỏng trong tiết trời miền Trung vào hè, hàng nghìn công nhân, kỹ sư của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) và các nhà thầu đang hối hả chạy đua cùng thời gian để hoàn thành đợt bảo dưỡng tổng thể lần II đúng tiến độ, chất lượng.

Năng lượng Mới số 326

Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoài Giang, Chủ tịch Hội đồng Thành viên BSR và ông Đinh Văn Ngọc, Tổng giám đốc BSR về những bài học quý báu mà những người đang trực tiếp lao động sản xuất lĩnh hội được khi triển khai cuộc vận động học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cũng như kinh nghiệm vận dụng những bài học đó vào công việc hằng ngày.

Học tập và làm theo Bác…

PV: Thưa ông, vào lúc BSR đang căng mình cho nhiệm vụ quan trọng là bảo dưỡng nhà máy, chúng tôi lại muốn trao đổi về một điều sâu xa hơn. Những năm qua, phong trào vận dụng việc học tập và làm theo Bác gắn với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của BSR đã thu được những kết quả rất đáng phấn khởi. Theo ông, điều tâm đắc nhất, thực tế nhất mà người Lọc dầu Bình Sơn học được ở Bác là gì?

Ông Nguyễn Hoài Giang: Nếu nói công tác vận hành NMLD Dung Quất là một quá trình quản lý - kỹ thuật tích hợp hàm lượng chất xám rất lớn và kỹ năng phức tạp thì việc bảo dưỡng định kỳ nhà máy là tâm điểm quan trọng nhất của quá trình đó. Hay nói một cách đơn giản là chúng ta phải dừng cỗ máy khổng lồ với hàng triệu chi tiết này lại, tháo tung ra để kiểm tra và xử lý kỹ thuật, sau đó lắp ráp và khởi động lại từ đầu. Đây là một kế hoạch định kỳ và dù khó khăn đến đâu chúng ta cũng phải hoàn thành. Đây là lần thứ 2 chúng tôi tiến hành công tác bảo dưỡng tổng thể kể từ ngày nhà máy chính thức vận hành thương mại. BSR bước vào chiến dịch này với những con số rất ấn tượng về vận hành, sản xuất. Quý I/2014, chúng tôi đã  sản xuất hơn 2 triệu tấn sản phẩm, tạo ra 50 ngàn tỉ đồng doanh thu, lợi nhuận 2.100 tỉ đồng và nộp ngân sách Nhà nước 2.700 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Hoài Giang

Như chúng ta đã biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ thiên tài của dân tộc ta, nhà văn hóa lớn của nhân loại. Ở Người hội tụ những phẩm chất cao quý nhất, tinh hoa nhất không những của dân tộc Việt Nam mà còn của thế giới. Chúng tôi không có tham vọng học được hết tất cả những phẩm chất cao quý của Người mà chỉ luôn tâm niệm rằng sẽ cố gắng học những điều đơn giản nhất, dễ hiểu nhất và thực tế nhất từ tấm gương của Bác để có thể áp dụng một cách thiết thực nhất vào công việc hằng ngày, để mong sao quản lý tốt việc vận hành, sản xuất kinh doanh và phát triển NMLD Dung Quất an toàn, hiệu quả, bền vững.

Bài học đầu tiên cũng là phương châm của BSR là cùng nhau làm cho mọi việc phức tạp trở thành đơn giản, đơn giản trở thành đơn giản hơn nữa và cuối cùng là hiệu quả công việc phải đạt được ở mức cao nhất, tối ưu nhất có thể. Đó là con đường mà BSR đã, đang và sẽ tiếp tục đi trong tương lai. Những quy trình của nhà máy đang được rút ngắn, trách nhiệm được quy định cụ thể cho từng cá nhân và gắn với quyền lợi thiết thực của người lao động. Chúng tôi khẳng định: Đơn giản hóa công tác quản lý, vận hành chính là con đường duy nhất để chúng tôi tăng hiệu quả, hiệu suất và duy trì sự ổn định của nhà máy. Những năm qua, mỗi kỹ sư, công nhân của NMLD Dung Quất đều hiểu rất rõ mình đang làm gì và sẽ phải làm gì như một người thủy thủ trên con tàu để con tàu đó có thể đi xa hơn, nhanh hơn, cùng nhau ra biển lớn.

Cùng nhau - đó là phương châm lớn của nhà máy. Chúng tôi thấu hiểu nếu đi một mình có thể sẽ đi nhanh hơn, nhưng muốn đi xa hơn chắc chắn chúng ta sẽ phải đi cùng nhau. Và điều đó đã trở thành phương châm xuyên suốt và là giá trị cốt lõi của BSR, thường trực trong suy nghĩ và hành động của các cấp lãnh đạo cũng như CBCNV NMLD Dung Quất. Cùng nhau chính là bài học đoàn kết mà Bác đã dạy chúng ta.

PV: NMLD Dung Quất là nơi phát động nhiều phong trào thi đua sâu rộng trong sản xuất kinh doanh, phát huy sáng kiến sáng tạo… Trong lúc này, chủ quyền biển đảo của đất nước đang bị đe dọa, BSR thể hiện thi đua yêu nước bằng những hành động cụ thể nào?

Ông Nguyễn Hoài Giang: Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”. Có lần, một công nhân đã chỉ tay vào ngọn đuốc đang rực sáng của nhà máy và nói với tôi rằng: “Tổ quốc luôn tỏa sáng và ấm áp trong trái tim chúng ta như ngọn đuốc này và chúng ta sẽ gìn giữ ngọn lửa đó không bao giờ tắt”. Giây phút đó tôi hiểu rằng, chúng tôi đã thành công từ những việc làm hết sức nhỏ bé, hết sức bình thường; một cách âm thầm, lặng lẽ và bền bỉ đã làm cho mỗi người công nhân bình thường nhất của nhà máy yêu nước mình một cách bình dị nhất, cụ thể nhất.

Chưa bao giờ BSR đứng trước một thách thức lớn như hiện nay và lòng yêu nước cần phải được tiếp tục khơi dậy qua các phong trào thi đua lao động sản xuất. Mỗi việc làm tốt, cách làm hay đang được tôn vinh, khích lệ và nhân rộng. Sức sống mãnh liệt của các phong trào thi đua trên đại công trường NMLD Dung Quất những năm trước đây hiện đang được nâng lên một tầm cao mới, với khí thế mới để ngày càng xứng đáng với biểu tượng của giai cấp công nhân thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh.

NMLD Dung Quất bước vào chiến dịch bảo dưỡng tổng thể lần thứ II trong tình hình Biển Đông có nhiều diễn biến hết sức phức tạp, chủ quyền của đất nước chúng ta bị xâm phạm nghiêm trọng. Hơn lúc nào hết, CBCNV BSR nhận thức rất rõ về trách nhiệm của mình đối với Tổ quốc, mà cụ thể chính là trách nhiệm của mình đối với việc hoàn thành kế hoạch bảo dưỡng đã đề ra. Đưa nhà máy vào vận hành sớm một ngày là làm lợi cho ngân sách trên 80 tỉ đồng. Trên công trình trọng điểm, nơi đầu sóng ngọn gió như NMLD Dung Quất, những ngày này khi đứng từ NMLD nhìn ra Biển Đông, chúng tôi hiểu đằng sau chúng tôi là Tổ quốc.

Gần 1.500 CBCNV của nhà máy lọc dầu đang ngày đêm trên công trường, làm những việc cụ thể nhất theo lời dạy của Bác là hãy làm từ những việc nhỏ nhất, đơn giản nhất để chứng minh rằng chúng ta yêu nước và yêu nước cũng là phẩm chất, đặc tính quý giá nhất trong con người Hồ Chí Minh. NMLD Dung Quất đã, đang và sẽ đứng vững trước những thử thách cho dù nó khó khăn đến thế nào.

…Gắn với nhiệm vụ chính trị

PV: Thưa Tổng giám đốc, từ tháng 7 đến 9/2011, NMLD Dung Quất đã tiến hành bảo dưỡng lần I thành công. Xin cho biết ý nghĩa của việc bảo dưỡng nhà máy?

Ông Đinh Văn Ngọc: Theo tính toán, NMLD Dung Quất dừng một ngày, chi phí phải tốn kém nhiều triệu USD, nhà máy mất đi doanh thu, lợi nhuận, đồng thời phải trả lãi vay, phí tài chính và các chi phí khác. Tuy nhiên, theo thông lệ đối với tất cả các NMLD trên thế giới, bảo dưỡng tổng thể là chiến dịch lớn cần phải đầu tư thời gian, tâm huyết, nguồn lực để hoàn thành sớm nhất, ngắn nhất có thể. Theo kế hoạch, sau 3 năm hoạt động, mỗi NMLD sẽ bảo dưỡng một lần để đảm bảo cho 3 năm tiếp theo hoạt động ổn định. Còn những việc không nhất thiết phải dừng nhà máy mà vẫn sửa chữa được thì sẽ không ưu tiên xử lý trong đợt bảo dưỡng.

Tổng giám đốc BSR Đinh Văn Ngọc (thứ 2 bên trái sang) đang chỉ đạo các kỹ sư tại Trung tâm điều khiển NMLD Dung Quất

NMLD Dung Quất như một cỗ máy kinh tế khổng lồ, hằng năm đóng góp ngân sách bằng nhiều tỉnh cộng lại, khiến tầm quan trọng của việc bảo dưỡng vượt ra khỏi phạm vi BSR, mang ý nghĩa lớn về an ninh năng lượng của quốc gia. Năm 2013, BSR có doanh thu là 154 nghìn tỉ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 28,4 nghìn tỉ. Nếu chia ra thì mỗi một ngày vận hành, NMLD Dung Quất đóng góp cho quốc gia trên 80 tỉ đồng. Phải thấy rằng, NMLD Dung Quất đóng góp 3,5% GDP của cả nước, trong khi nhà máy chỉ có 1.424 cán bộ, công nhân, kỹ sư - đó là một kỳ tích chưa từng có trong ngành công nghiệp Việt Nam.

Quan điểm của BSR là rút ngắn được một ngày bảo dưỡng sẽ làm lợi cho quốc gia nhiều triệu đôla. Đồng thời, nhà máy phải đảm bảo chất lượng, an toàn và sau bảo dưỡng tổng thể, nhà máy phải vận hành lâu bền, không có nhu cầu dừng để bảo dưỡng lớn.

PV: Qua đợt bảo dưỡng lần I, BSR đã rút ra những bài học kinh nghiệm gì để áp dụng cho đợt bảo dưỡng tổng thể lần II, thưa ông?

Ông Đinh Văn Ngọc: Bài học đầu tiên dễ nhận thấy là sự trưởng thành của CBCNV BSR. Khi tiến hành bảo dưỡng lần I năm 2011, BSR phải huy động hơn 170 chuyên gia của nhà thầu O&M Hàn Quốc với thời gian bảo dưỡng 62 ngày. Lần bảo dưỡng này, số lượng chuyên gia từ các nhà thầu ít hơn rất nhiều, NMLD Dung Quất chịu trách nhiệm điều hành và chỉ đạo công tác bảo dưỡng. Đây là một khó khăn thử thách cho bộ máy hiện tại của BSR nhưng với sự chuẩn bị kỹ càng, chuyên nghiệp, BSR hy vọng sẽ đảm đương được những phần việc phức tạp, giàu tính kỹ thuật.

Đợt bảo dưỡng 3 năm trước, tất cả số liệu, hình ảnh, báo cáo đều được ghi chép đầy đủ theo đúng quy trình. Sau đợt bảo dưỡng đó, BSR yêu cầu các nhà thầu, các chuyên gia và từng bộ phận của BSR phải có báo cáo chi tiết, rút ra bài học kinh nghiệm, phân tích đánh giá những mặt được, chưa được và những lưu ý về sau. Vì vậy, với những “tài sản” lưu trữ đó cộng với số liệu vận hành suốt 3 năm qua, BSR có đầy đủ dữ liệu, hồ sơ của từng thiết bị máy móc để cán bộ của BSR nắm rõ tình hình nhằm đưa ra các phương án sửa chữa, bảo dưỡng và nhiều phương án dự phòng. Đây là những kinh nghiệm quý báu được rút ra, khiến cho quá trình chuẩn bị của BSR được thực hiện dễ dàng, dựa trên cơ sở khoa học về số liệu. Đợt bảo dưỡng này cũng ghi nhận thời gian chuẩn bị của BSR khá dài, khoảng 18 tháng so với 12 tháng của đợt bảo dưỡng năm 2011.

Sửa chữa thiết bị của nhà máy

Thông thường các NMLD trên thế giới thường sử dụng quỹ thời gian 18-24 tháng cho quá trình chuẩn bị bảo dưỡng. Từ tháng 10/2012, BSR đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho đợt bảo dưỡng lần II với việc thành lập bộ máy, nhân sự, lập kế hoạch… Như vậy, BSR cũng đã bắt nhịp với các tiêu chuẩn quốc tế về bảo dưỡng. Do quá trình chuẩn bị hết sức chu đáo, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật nên BSR đã mạnh dạn rút thời gian bảo dưỡng từ 62 ngày (lần I) xuống 57 ngày (lần II) và chúng tôi đang phấn đấu hoàn thành trong 45 ngày đêm.

Bên cạnh đó, BSR đã được hỗ trợ cao nhất từ các ban chuyên môn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, từ chính quyền và nhân dân địa phương, đặc biệt từ Bộ Công an, Công an tỉnh Quảng Ngãi trong việc thực hiện chi tiết các quy chế phối hợp để đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho NMLD Dung Quất - công trình trọng điểm liên quan đến an ninh quốc gia.

PV: Với tầm quan trọng như vậy, Tổng giám đốc đánh giá như thế nào về tính chuyên nghiệp trong việc chuẩn bị cho đợt bảo dưỡng này?Những sáng kiến, sáng tạo nào đã được đưa ra?

Ông Đinh Văn Ngọc: Để chuẩn bị cho đợt bảo dưỡng này, BSR đã vận dụng tối đa những sáng kiến và kinh nghiệm về quản lý, kỹ thuật trong giai đoạn chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, phương tiện, phụ tùng thay thế, nhân sự, hậu cần và đặc biệt là công tác an ninh, an toàn. Các phương án của Ban Tổng giám đốc BSR được đánh giá có tầm chiến lược, chúng tôi đã trìnhlên Hội đồng Thành viên BSR, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam việc phân cấp, phân quyền triệt để, cụ thể hơn trong đợt bảo dưỡng để ra quyết định nhanh ngay trên công trường.

BSR rất chú tâm đến công tác lập kế hoạch với việc đào tạo cho đội ngũ kỹ thuật sử dụng hệ thống quản lý bảo dưỡng bằng máy tính (CMMS) dùng Maximo của IBM và hệ thống quản lý kế hoạch, tiến độ bằng phần mềm Primavera hiện đại, kết nối các đầu mục công việc, lập bản tiến độ chi tiết đến từng giờ. Phần mềm này giúp cho BSR quản lý được đầu công việc trong quá trình bảo dưỡng, đồng thời sẽ là cơ sở dữ liệu cho các lần bảo dưỡng tiếp theo.

BSR cũng áp dụng linh hoạt các hình thức mua sắm từ việc đấu thầu, chào hàng cạnh tranh, mua trực tiếp, ký hợp đồng khung và làm việc với các nhà cung cấp có sẵn hàng trong kho… để đảm bảo vừa tiết kiệm chi phí mua vật tư, vừa đảm bảo đưa vật tư về kho đúng thời hạn. Từ sự chuẩn bị khoa học và có nhiều sáng tạo đó, BSR tiên lượng chi phí bảo dưỡng lần II sẽ thấp hơn lần I.

BSR cũng hiểu rất rõ nội lực của mình, mặc dù các kỹ sư đã giàu kinh nghiệm vận hành nhưng về bảo dưỡng vẫn cần học hỏi nhiều, đặc biệt là từ các đồng nghiệp trong ngành. Nên BSR đã đưa nhiều cán bộ vào học hỏi kinh nghiệm bảo dưỡng của Nhà máy Đạm Phú Mỹ, Nhà máy Đạm Cà Mau và mời các chuyên gia từ các nhà máy này ra Dung Quất hỗ trợ BSR trong đợt bảo dưỡng. Đây cũng là sáng kiến của BSR, vừa tận dụng nguồn lực chuyên gia trong ngành, vừa tăng cường hợp tác nhân lực chất lượng cao.

PV: Được biết, khâu chọn thầu của BSR được xem là một trong những khâu thành công nhất trong đợt bảo dưỡng trước, ông nhìn nhận ra sao về các nhà thầu trong đợt này?

Ông Đinh Văn Ngọc: Đợt bảo dưỡng năm 2011 có 4 gói thầu, năm 2014 chỉ có 3 gói. Bên cạnh đó còn có các gói nhỏ như sửa chữa, nâng cấp cảng và phao rót dầu không bến do Công ty CP Dịch vụ lắp đặt, vận hành và bảo dưỡng công trình dầu khí biển (PTSC POS) và Trường cao đẳng Nghề Dầu khí đảm nhận. Ngoài ra, BSR còn có gói “Inhouse” do chính cán bộ, công nhân viên BSR phối hợp với các chuyên gia từ các nhà cung cấp thiết bị thực hiện với 3.700/6.700 đầu mục công việc.

3 nhà thầu trúng thầu là Heap Seng (Singapore), Dea Chang và Ubec từ Hàn Quốc. Heap Seng thực hiện gói thầu số 1, Dea Chang và Ubec thực hiện gói 2, 3. Heap Seng đã từng thực hiện bảo dưỡng NMLD Dung Quất năm 2011. Năm 2012, NMLD Dung Quất phải dừng máy do sự cố ở phân xưởng RFCC, Heap Seng cũng đã được BSR mời đến để xứ lý. Còn gì thuận lợi hơn khi chính những nhân sự đó, những người đã thông thạo thiết bị, máy móc, sơ đồ máy… phục vụ cho lần bảo dưỡng này. Heap Seng sẽ tối đa hóa công tác nhân sự, tức là thuê kỹ sư Việt Nam cho đợt bảo dưỡng, đây là việc làm có lợi lớn cho các nhà thầu Việt Nam trong khâu tự đào tạo, học hỏi kinh nghiệm nhà thầu chính.

Dea Chang và Ubec cũng là hai nhà thầu chuyên nghiệp, đẳng cấp quốc tế. Trước kia họ cũng đã bảo dưỡng NMLD Dung Quất lần I, lần này họ tiếp tục thực hiện công việc trước kia họ đã làm.

Các nhà thầu trong ngành Dầu khí tham gia rất sâu rộng và thực hiện các hạng mục công việc quan trọng của NMLD Dung Quất như PTSC Quảng Ngãi, PTSC POS, PVMTC, PV EIC, Công ty CP Bảo dưỡng Dầu khí (PMS), DMC là những nhà thầu trong nước cùng vào cuộc để cùng tham gia bảo dưỡng NMLD Dung Quất.

BSR đưa ra mục tiêu của đợt bảo dưỡng lần II: Thực hiện đúng quy trình theo thiết kế là bảo dưỡng tổng thể sau 3 năm hoạt động để đảm bảo cho nhà máy hoạt động ổn định, tin cậy và lâu dài; mục tiêu tối thượng là đảm bảo an ninh an toàn trong suốt quá trình bảo dưỡng và thời gian vận hành lại nhà máy; thu thập số liệu cho đợt bảo dưỡng lần sau.

Với sự chuẩn bị chu đáo đó BSR chắc chắc sẽ thực hiện đợt bảo dưỡng thành công, sớm đưa nhà máy vào hoạt động với trên 100% công suất để hướng tới mục tiêu tạo ra nhiều giá trị gia tăng, đóng góp nhiều hơn nữa cho nền kinh tế của đất nước.

PV: Trân trọng cảm ơn hai ông!

Tiến Dũng - Đức Chính (thực hiện)

DMCA.com Protection Status