Nguyên nhân nào đã dẫn đến cuộc khủng hoảng năng lượng tại Trung Quốc?

15:13 | 15/10/2021

3,546 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Financial Times mới đây đã có bài viết phân tích về cuộc khủng hoảng năng lượng mới đây tại Trung Quốc với nhận định, những tham vọng “xanh” của chính quyền Trung Quốc và sự gián đoạn nguồn cung được cho là những nguyên nhân chính dẫn đến sự thiếu hụt năng lượng.
Nguyên nhân nào đã dẫn đến cuộc khủng hoảng năng lượng tại Trung Quốc?
Ảnh: AFP/Getty Image.

Tình cảnh công nhân, nhân viên buộc phải đi thang bộ thay cho thang máy, nhiều nhà sản xuất buộc phải cắt giảm công suất trước mùa giáng sinh và nhiều hộ gia đình bị cắt hộ luân phiên là những gì đang diễn ra tại Trung Quốc gần đây. Tình trạng cắt điện luân phiên khiến các địa phương và doanh nghiệp rơi vào tình trạng hoảng sợ. Financial Times mới đây đã có bài viết phân tích về cuộc khủng hoảng năng lượng mới đây tại Trung Quốc với nhận định, những tham vọng “xanh” của chính quyền Trung Quốc và sự gián đoạn nguồn cung được cho là những nguyên nhân chính dẫn đến sự thiếu hụt năng lượng.

Mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng đánh dấu bằng việc Hội đồng nhà nước mới đây đã cho phép tăng trần giá điện lên 20%, gấp đôi so với trước đây để khuyến khích sản xuất điện. Chính quyền trung ương cũng lệnh cho các công ty khai thác than mở rộng sản xuất đáng kể, làm dấy lên nghi ngờ về những cam kết của Trung Quốc trong tiến trình chuyển đổi sang năng lượng xanh và đạt đỉnh phát thải carbon vào năm 2030. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, những chính sách chống biến đổi khí hậu lại không phải là nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu hụt, thay vào đó là sai lầm trong chính sách, trong đó có chính sách về quản lý nguồn cung nhiên liệu than.

Điều gì gây ra sự thiếu hụt năng lượng?

Mặc dù nhiệt điện than vẫn đóng góp khoảng 70% sản lượng điện của Trung Quốc, song việc đầu tư vào loại hình sản xuất điện này bị suy giảm. Các địa phương Trung Quốc đã đóng cửa dần các mỏ than và nhà máy nhiệt điện than trong những năm trở lại đây vì cả lý do an toàn và môi trường.

Thời gian gần đây cũng có những sự gián đoạn khác. Phần lớn nguồn cung than nội địa đến từ các tỉnh Sơn Tây, Thiểm Tây và Khu tự trị Nội Mông. Một chiến dịch chống tham nhũng trong ngành than ở Nội Mông đã làm gián đoạn nguồn cung ở địa phương này từ năm 2020. Trong khi đó tại tỉnh Thiểm Tây, nhiều mỏ than bị đóng cửa để cải thiện môi trường không khí, phục vụ các sự kiện như Kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng như một số sự kiện thể thao quốc gia.

Những lo ngại về an toàn của nhiệt điện than đã làm nổi bật một nguyên nhân khác của cuộc khủng hoảng, đó là hoạch định chính sách chồng chéo. Trong năm 2021, Trung Quốc đã tăng hình phạt đối với các cơ sở sản xuất than không tuân thủ các nguyên tắc sản xuất an toàn. Điều này khiến các chủ mỏ hạn chế mở rộng sản xuất, bất chấp yêu cầu của hội đồng nhà nước về tăng cường sản lượng than từ tháng 5 vừa qua. Yêu cầu này của chính quyền trung ương nhằm thực hiện mục tiêu kép: một mặt giảm tiêu thụ than và cường độ năng lượng, mặt khác tăng cường tỷ trọng điện năng được sử dụng trong cơ cấu tổng sản phẩm quốc nội. Chính sách này vốn được giới lãnh đạo Trung Quốc áp dụng trong nhiều năm qua, song có ý nghĩa hơn sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố những cam kết về khí hậu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Các tỉnh, thành Trung Quốc đã và đang “chạy đua” để đáp ứng các mục tiêu tiêu thụ năng lượng nghiêm ngặt theo chỉ đạo của trung ương và trong một số trường hợp đã hạn chế tín dụng cho các dự án sản xuất điện có mức tiêu thụ năng lượng cao. Một số tỉnh thành không đạt chỉ tiêu trong nửa đầu năm 2021 đã phản ứng bằng cách cắt giảm sử dụng điện. Giá than cao, cũng như các biện pháp kiểm soát của chính phủ trong việc định giá điện khiến nguồn cung điện bị thắt chặt hơn nữa.

Bên cạnh đó, mặc dù nguồn cung than trong nước chiếm tới 90% sản lượng tiêu thụ của Trung Quốc, nhưng sự gián đoạn đối với nhập khẩu than vẫn có ảnh hưởng đáng kể. Theo IHS Markit, Trung Quốc đã cấm vận đối với nguồn than từ Úc vào năm 2020 sau khi phía Úc kêu gọi một cuộc điều tra về nguồn gốc coronavirus tại Trung Quốc. Lệnh cấm vận đó cùng với tình trạng lũ lụt ở Indonesia và bùng phát đợt dịch Covid-19 mới ở Mông Cổ đã khiến việc nhập khẩu than của Trung Quốc bị hạn chế đáng kể. Ngoài ra, sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc sau đại dịch cũng góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt năng lượng ở các trung tâm sản xuất phía nam nước này.

Các chuyên gia quốc tế nhận định, các nguồn NLTT tại Trung Quốc vẫn chưa đạt quy mô để thay thế điện than, cộng thêm tình trạng thiếu hụt nguồn nước cho sản xuất thủy điện khiến tình hình nguồn cung điện cho các tỉnh phía nam Trung Quốc gặp nhiều khó khăn.

Tác động là gì?

Với hơn 20 tỉnh, thành bị ảnh hưởng nghiêm trọng, cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay ở Trung Quốc gây áp lực lớn đến tăng trưởng GDP của nước này do nhiều nhà máy quan trọng đối với chuỗi cung ứng toàn cầu phải cắt giảm sản lượng, cũng như nhiều ngành phụ trợ liên quan. Các lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng nhất như kim loại và sản xuất xi măng dự kiến bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Các nhà máy sản xuất đang lo ngại về khả năng hoàn thành các đơn hàng cuối năm nay. Theo Phòng thương mại EU ở Trung Quốc, một số doanh nghiệp tại miền nam Trung Quốc đang phải dựa vào các máy phát điện chạy dầu để đảm bảo hoạt động. Giới doanh nghiệp cũng lo ngại việc nhiều đơn hàng bị chuyển sang các khu vực khác hoặc bên ngoài Trung Quốc.

Việc cắt điện luân phiên cũng đã ảnh hưởng đến người tiêu dùng theo hộ gia đình, khiến nhiều địa phương lo lắng về nguy cơ bất ổn xã hội, nhất là khi mùa đông đang đến gần. Việc cắt điện luân phiên có thể trở thành vấn đề chính trị, điều mà các nhà hoạch định chính sách không mong muốn.

Giải pháp là gì?

Chính phủ Trung Quốc đã lệnh cho các công ty năng lượng quốc doanh phải đảm bảo nguồn điện cung cấp cho mùa đông và yêu cầu các mỏ than tăng sản lượng khai thác. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý ngân hàng và bảo hiểm Trung Quốc cũng đã kêu gọi các tổ chức tài chính tăng khoản vay cho các cơ sở sản xuất than và điện than. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang nỗ lực gia tăng nhập khẩu. Tuy nhiên, các nhà vận động môi trường vẫn lo ngại rằng, sự gia tăng sản lượng than và nhiệt điện than sẽ đe dọa các mục tiêu “xanh” của nước này. Chính quyền Trung Quốc đang ưu tiên hỗ trợ các ngành công nghiệp gây ô nhiễm này để đảm bảo các hộ gia đình, nhất là tại miền Bắc đủ nguồn nhiệt sưởi ấm qua mùa đông.

Giới phân tích cho rằng, hầu như không có giải pháp thay thế trong ngắn hạn. IHS Market nhận định, giới lãnh đạo Trung Quốc phải cân bằng mối quan tâm giữa môi trường và đảm bảo an ninh năng lượng. Và thực tế cho thấy rằng, khó có thể đạt cùng lúc cả hai mục tiêu này. Có thể nói, Trung Quốc đang ở trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan về năng lượng.

Tiến Thắng

DMCA.com Protection Status