Nhà máy Đạm Cà Mau: Mảnh ghép cuối cùng

09:14 | 22/07/2011

1,429 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Vào Nhà máy Đạm Cà Mau giữa lúc tiến độ thi công đang được đẩy lên đỉnh điểm, tôi có cảm giác hoa mắt, ngộp thở bởi sắt thép lừng lững cùng tiếng máy gầm gào khản đặc.

Ghi chép của Vũ Minh Tiến


Những nét vẽ cuối cùng trong bức tranh công phu, Cụm Khí – Điện – Đạm Cà Mau đang sắp sửa hoàn tất. Ở đây, so với những thiết bị siêu trường, siêu trọng cao tới gần 50m, nặng hơn 400 tấn thì thấy con người sao nhỏ bé quá. Những người công nhân mặc đồ bảo hộ, treo mình trên ấy chỉ như một chấm nhỏ xíu mà đứng từ xa, mắt thường không nhìn thấy được. Câu chuyện thần kỳ về một đại công trình giữa vùng đầm lầy, U Minh và câu chuyện lắp đặt những thiết bị siêu trường, siêu trọng trên nền đất bùn sụt lún ấy cứ làm tôi ngẩn ngơ mãi.

Nhà máy Đạm Cà Mau - "mảnh ghép" cuối cùng trong cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau

Điểm sáng ở vùng nước đen

Đã nhiều người lý giải, tên gọi Cà Mau có thể là do tiếng Khmer là Tuk-Kmâu, nghĩa là nước đen, gọi lái đi. Bởi trong rừng U Minh gồm Cán Gáo, Tân Bằng, Trèm Trẹm, Cái Tàu và phía bên hữu ngạn sông Ông Đốc, có nhiều đầm lớn, nước ngập quanh năm, chảy ngang qua rừng cấm đầy lá mục nên nước có màu vàng đậm như nước trà, nhiều khi đen, có mùi hôi và vị chua vì có phèn. Cũng có nhiều người, nhiều tài liệu biên ra những lý giải khác nhau nhưng theo tôi thấy, cách hiểu theo kiểu triết tự địa phương này là hợp lý nhất. Như kiểu người miền Nam Trung Bộ thì gọi từ gốc là Vũng Quýt, nhưng người nơi khác đến gọi lái đi là Dung Quất khi nói tới Nhà máy Lọc dầu Dung Quất của ta.

“Đất nước ta là một con tàu/ Mũi tàu ta đó mũi Cà Mau”, nhà thơ Xuân Diệu đã từng ví von như vậy về mảnh đất này. Và vì là “mũi tàu” nên mũi Cà Mau phải hứng gió, hứng mưa, chịu những cơn cựa mình của mẹ thiên nhiên. Ông Ba Đẹn – một ngư dân gốc ở đất này kể rằng, ở mũi Cà Mau ba mặt giáp biển thì mặt trước, mỗi năm đất bồi thêm đến cả trăm mét, còn mặt kia thì mỗi năm đất cũng “tụt” xuống biển chừng ấy.

Vì cái thế đất nay lở, mai bồi nên nơi đây vẫn cơ man chỉ có rừng đước và sú vẹt, nhà cửa, đường sá muốn xây dựng kiên cố cũng phải kỳ công lắm. Vậy nên, Quốc lộ 1A kéo vào Khu Du lịch Đất mũi, đã có dự án từ mấy năm trước, nay vẫn chưa thành hình. Ngay kể cả những con đường cũ ra đến mỏm đất mũi cũng bị sóng dập sệ xuống, cứ sửa chữa một thời gian là lại bở ra.

Hiện nay, Cà Mau còn có hơn 100ha rừng phòng hộ, 2 rừng quốc gia là U Minh và Đất Mũi vừa được thế giới công nhận là rừng sinh quyển vào ngày 30/4/2010. Nhưng những yếu tố đó cũng chỉ dừng lại ở tiềm năng mà thôi. Là bởi, đã từ lâu lắm rồi, Cà Mau vẫn bị xem là một trong những tỉnh nghèo nhất nước. Câu thành ngữ “nghèo như Cà Mau” được nhiều người dùng đến nỗi quen miệng.

Trước năm 2006, GDP của Cà Mau nhặt nhạnh lắm cũng chỉ đạt 200 tỉ đồng, hạ tầng giao thông vừa thiếu, vừa yếu. Hồi ấy, chỉ có hai huyện là Cái Nước và Tân Bình trong tổng số gần chục huyện có đường ôtô đến trung tâm huyện. Điện sinh hoạt lại càng “ngao ngán” hơn với con số khó tưởng tượng nổi: Toàn tỉnh chỉ có 14% hộ dân có điện. Cơ cấu kinh tế của Cà Mau tỉ lệ nông nghiệp chiếm 70-80%. Ngay cả thế mạnh về nuôi trồng thủy sản thì với 250 nghìn ha diện tích nuôi tôm cũng đa phần là quảng canh theo lối tự nhiên nên năng suất rất thấp, chỉ đạt xấp xỉ 1/3 năng suất nuôi trồng theo phương pháp hiện đại mà thôi.

Mặc dù du lịch Cà Mau mang sẵn thế mạnh, tiềm năng về biển đảo, về hai rừng sinh quyển nhưng hạ tầng giao thông cũng như hạ tầng cơ sở “ọp ẹp” quá nên không tài nào phát huy được. Tiềm năng vẫn chỉ là tiềm năng!

Ấy thế mà từ khi Cụm Công nghiệp Khí – Điện – Đạm Cà Mau của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam được xây dựng tại đây, mảnh đất sình lầy ấy đã cựa mình cất cánh.Vài ba năm trở lại đây, Cà Mau đã trở thành một tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế đột biến không chỉ so với trước đây mà so với mặt bằng chung của nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Thực hiện mục tiêu chiến lược sử dụng nguồn khí vùng biển Tây Nam được khai thác từ giàn BK-B thuộc vùng chồng lấn giữa Việt Nam và Malaysia ngoài khơi vịnh Thái Lan, từ các mỏ thuộc vùng Tây Nam Bộ bao gồm các mỏ khu vực PM3-CAA 46, 50, 51 để sản xuất điện và đạm. Tổ hợp của cụm dự án này bao gồm: đường ống dẫn khí, hai nhà máy điện và một nhà máy đạm có tổng mức đầu tư hơn 3 tỉ USD. Mục tiêu lớn nhất Cụm Khí – Điện – Đạm này là tạo ra một bàn đạp mạnh mẽ để thay đổi cơ cấu kinh tế Cà Mau, phát triển công nghiệp địa phương để từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế vùng Tây Nam Bộ. Bởi vì, sau khi các công trình này hoàn thành và đi vào hoạt động thì với những sản phẩm của Cụm Khí – Điện – Đạm sẽ làm thay đổi theo chiều hướng đi lên của kinh tế, đời sống Cà Mau và các tỉnh lân cận, tạo điều kiện cho các cơ sở công nghiệp khác sử dụng nguồn khí sản xuất các sản phẩm hóa học, nguyên liệu, phụ liệu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân.

Tới nay thì Dự án trọng điểm Quốc gia này đã hoàn thành đường dẫn khí dài 325km (bao gồm 298km đường ống dưới biển và 27km đường ống trên bờ) với công suất 2 tỉ m3 khí/năm. Tiêu thụ chính của nguồn khí này là Nhà máy Điện và Nhà máy Đạm Cà Mau. Ngày 10/5/2007, Nhà máy Điện Cà Mau 1, ngày 10/1/2008, Nhà máy Điện Cà Mau 2 lần lượt phát điện hòa vào lưới điện Quốc gia.

Phó chủ tịch UBND phụ trách kinh tế của tỉnh Cà Mau Dương Tiến Dũng từng khẳng định: “Dự án quan trọng này đã làm thay đổi bộ mặt tỉnh Cà Mau, đưa lịch sử phát triển kinh tế của Cà Mau sang một trang mới. Sản xuất công nghiệp trong hai năm qua của Cà Mau tăng vọt lên, đạt giá trị 10.000 tỉ đồng. Năm 2009, Cà Mau thu được 600 tỉ đồng, tính đến tháng 10/2010 là 631 tỉ đồng. Năm 2010, thu ngân sách đạt hơn 700 tỉ đồng (tăng 33% so với năm 2009).

Hồi hộp chờ đợi mảnh ghép cuối cùng

Mảnh ghép cuối cùng trong Cụm Khí – Điện – Đạm Cà Mau mà chúng tôi muốn nhắc đến ở đây chính là Nhà máy Đạm Cà Mau, từ còn thiếu trong chuỗi Khí – Điện – Đạm. Có lẽ rất nhiều người thấy lạ rằng, tại sao Khí – Điện – Đạm lại có thể đi cùng với nhau. Một cái thì hóa học, một cái thì công nghiệp và một cái thì thuần nông nghiệp. Và nhiều người thắc mắc một cách hài hước rằng, tại sao cái cụm công nghiệp nổi tiếng ở Đồng bằng sông Cửu Long ấy lại sản xuất… phân đạm.

Điều này được lý giải như sau: Trong quá trình đốt khí đồng hành, từ trong lò phản ứng thải ra một lượng khí CO2 rất lớn. Bình thường, lượng khí này không sử dụng vào việc gì, chỉ có thể bỏ đi và nó là tác nhân gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên chúng ta đã tiến hành thu hồi lượng khí CO2 nói trên, và lượng CO2 này sẽ kết hợp với lượng amoniac (NH3) dư thừa của nhà máy trong quá trình sản xuất để tổng hợp thành phân urea.

Sự “bén duyên” của những thứ dường như chẳng có gì liên quan đến nhau có nguyên do là vậy!

Theo anh Đào Văn Ngọc, Trưởng phòng Kỹ thuật công nghệ kiêm Giám đốc Công trường Nhà máy Đạm Cà Mau thì, quy trình sản xuất phân urea, nếu nói ngắn gọn thì chỉ trong một phương trình hóa học trong ống nghiệm nhưng để xây dựng nhà máy thì nó lại phức tạp vô cùng với vô vàn những công thức, giải pháp khác nhau.

Nhà máy Đạm Cà Mau được xây dựng ở xã Khánh An, huyện U Minh tỉnh Cà Mau với tổng diện tích 52,4ha. Một chút thông tin: Dự án Nhà máy Đạm Cà Mau – công trình cuối cùng của Dự án Cụm Khí – Điện – Đạm Cà Mau do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư có công suất thiết kế 800.000 tấn urea/năm, tổng mức đầu tư gần 900 triệu USD, được khởi công từ tháng 7/2008. Sản phẩm chính của Nhà máy sẽ là phân đạm chất lượng cao, dạng viên vê; khí CO2 tinh khiết phục vụ đời sống, sản xuất công nghiệp và công nghệ thực phẩm…

Dự kiến, sau khi hoàn thành, nhà máy sẽ đáp ứng nhu cầu phân đạm của thị trường tiêu thụ là địa bàn các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, vùng sản xuất lúa gạo và tiêu thụ phân bón lớn nhất trong cả nước; đồng thời cùng với Nhà máy Đạm Phú Mỹ, Nhà máy Đạm Cà Mau sẽ nâng sản lượng đạm do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam sản xuất đạt 1,5 triệu tấn/năm, đáp ứng khoảng 60% nhu cầu phân đạm trong nước, góp phần quan trọng trong việc bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn giá phân bón và an ninh lương thực của Quốc gia.

Vào những ngày này, hầu hết những hạng mục lớn của công trình như các công trình điều hành, cụm nhà kho, phân xưởng sản xuất amoniac, phân xưởng sản xuất urê, phân xưởng tạo hạt… gần như đã hoàn thành. Thế nên, chúng tôi đã bị ngợp trước những ngọn tháp bằng thép khổng lồ cao lừng lững mà phải ngửa ngật cổ ra mới nhìn thấy ngọn. Xin được đưa ra một vài thông số kỹ thuật: Tháp thiết bị hấp thu CO2 cao 43m, nặng 176 tấn; thùng bắt cháy áp suất cao nặng 160 tấn; tháp tạo hạt cao 49m, nặng 250 tấn và “khủng” nhất là lò phản ứng tổng hợp nặng 414 tấn.

Công nhân đang hăng say lao động trên công trường

Công nghệ và thiết bị để xây dựng và vận hành Nhà máy Đạm Cà Mau thuộc loại tiên tiến và đang được sử dụng rộng rãi trên thế giới. Anh Nguyên cho biết: “Những thiết bị để xây dựng nhà máy là tổng thể của rất nhiều các quốc gia. Nghĩa là, cứ nước nào có gì tốt thì ta ứng dụng. Ví dụ như phân xưởng sản xuất amoniac thì sử dụng công nghệ của Haldor Topsoe (Đan Mạch); Phân xưởng sản xuất urê thì sử dụng công nghệ của Snamprogetti (Italia); Phân xưởng tạo hạt thì sử dụng công nghệ của Toyo Engineering Copr.

Ngay ở trong một thiết bị nhỏ như đường ống gom khí thôi mà vỏ ngoài thì sản xuất ở Italia, ruột thì của Bồ Đào Nha và đưa về Việt Nam lắp đặt”.

Và đương nhiên, thiết bị ở nước nào thì sẽ có chuyên gia nước đó đến chịu trách nhiệm lắp, đặt bảo dưỡng. Vì thế, tập thể chuyên gia đến xây dựng nhà máy là tập thể đa quốc gia, đến từ khắp các nơi trên thế giới.

Công đoạn vận chuyển những thiết bị siêu trọng vào lắp đặt trong khu vực nhà máy thì quả là một kỳ công. Anh Lâm Vũ Nguyên, giám sát vật tư, thiết bị của Phòng Quản lý tổng hợp cho biết: “Thời gian vận chuyển thiết bị từ Trung Quốc về Việt Nam mất 3 tuần, từ TP Hồ Chí Minh về Cà Mau mất 1 tuần và công đoạn chuẩn bị mất nhiều ngày nữa. Tất cả mọi việc đều phải thận trọng”.

Để “dựng đứng” được những “gã khổng lồ” này rồi đặt vào đúng vị trí thì người ta phải dùng tới những chiếc “siêu máy cẩu”. Các chuyên gia huy động một máy cẩu 600 tấn, một máy cẩu 250 tấn rồi dùng phương pháp đấu cẩu. Nghĩa là, máy cẩu nhỏ có nhiệm vụ “giữ chặt đằng đuôi”, máy cẩu lớn thì dựa vào đó rồi cẩu đầu thiết bị lên. Cứ như thế, nhích từng gang tay một. Việc đấu cẩu cố định thiết bị này là công công việc đòi hỏi sự chi li, chính xác cao, sai lệch một chút là lại phải hạ xuống… làm lại từ đầu. Thế nên, chỉ cần khi đang nâng mà có cơn gió to hoặc mưa lớn thì tất cả đều phải dừng lại bởi ai cũng hiểu rằng, “gã khổng lồ” ấy mà sập xuống thì sẽ khủng khiếp như thế nào.

Vận chuyển thiết bị siêu nặng tháp hỗn hợp amoniac (NH3) đến vị trí lắp đặt.

Nghe anh Nguyên kể lại rằng, thời điểm vận chuyển thiết bị tạo hạt nặng 250 tấn về thì con đường vào công trường đã không chịu nổi sức nặng, lún xe xuống, không tài nào vào nổi. Không còn cách nào khác, anh em công nhân lại hò nhau làm lại nền đường, gia cố móng thật chắc cho xe nhích đi từng mét một.

Đất trời Nam Bộ thật lạ, thoắt nắng, thoắt mưa. Hơn 4.000 công nhân trên công trường Nhà máy Đạm Cà Mau đang chạy đua với thời gian, đảm bảo đúng tiến độ công trình: Tháng 9/2011 hoàn tất công tác lắp đặt toàn bộ nhà máy, cuối tháng 11/2011 sẽ cho ra lò mẻ phân đạm đầu tiên.

Mảnh ghép cuối cùng của Cụm Khí – Điện – Đạm Cà Mau sắp sửa hoàn thành. Mảnh đất tận cùng Tổ quốc với sình lầy và rừng rậm ấy đang dần sáng lên qua từng ngày, đưa con tàu Việt Nam ra biển lớn.

 

V.M.T

DMCA.com Protection Status