Nhịp đập lớn (Kỳ II)

10:50 | 16/08/2011

390 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Không có sự hy sinh, không có những người đầu trần chân đất vác máy đi khoan, đi nhặt từng mẫu quặng, lặn lội lên rừng, xuống biển trong bom đạn, muỗi vắt, bệnh tật… thì làm sao có ngành Dầu khí như bây giờ. Không thể có được. >> Nhịp đập lớn (Kỳ I)

Đồng chí Đinh La Thăng (thứ 2 từ trái sang) kiểm tra xây dựng ở Nhà máy Nhơn Trạch 2

Nhưng những việc mà tôi còn chưa làm được trước khi chuyển công tác, thì lại không bình thường chút nào – ông Chủ tịch bỗng thở dài – Nó khiến tôi day dứt ông ạ. Mọi người cứ thấy ngành Dầu khí hút tài nguyên lên rồi bán lấy tiền. Nhưng họ đâu biết còn nhiều người lao động của chúng tôi chưa thực sự được trả công xứng đáng với những gì họ cống hiến. Rồi cuộc sống hiện tại của hàng ngàn cán bộ, công nhân viên Dầu khí đã nghỉ hưu cũng chưa thể khiến tôi thanh thản. Tôi sẽ còn cảm thấy có lỗi với họ. Không có sự hy sinh của họ, không có những người đầu trần chân đất vác máy đi khoan, đi nhặt từng mẫu quặng, lặn lội lên rừng, xuống biển trong bom đạn, muỗi vắt, bệnh tật… thì làm sao có ngành Dầu khí như bây giờ. Không thể có được. Rồi còn biết bao nhiêu là rủi ro nghề nghiệp chẳng thể nào lường trước. Nhiều rủi ro lắm. Nhưng những gì họ nhận được, so với lớp trẻ hậu sinh là quá chênh lệch. Nhiều người trong số họ vẫn sống một cuộc sống nghèo khó, trong những căn nhà cũ nát. Tôi áy náy vì mình biết như vậy nhưng chưa tìm ra giải pháp tổng thể để khắc phục một cách thực sự hữu hiệu.

- Nghe nói anh và tập thể lãnh đạo đã rất nỗ lực để thành lập Hội Dầu khí… – Tôi hỏi

- Việc thành lập Hội Dầu khí chỉ là một việc trong số nhiều việc cần phải làm, nếu muốn thực sự đền ơn đáp nghĩa thế hệ đi trước nay đã nghỉ hưu. Hơn nữa, các bác, các anh dù đã nghỉ hưu nhưng đó là nguồn “chất xám” rất quý giá cho sự phát triển của ngành Dầu khí. Và thực sự từ khi thành lập, Hội đã có nhiều đóng góp quan trọng cho ngành.

Tôi rất muốn nói điều gì đó với hy vọng giúp ông vơi bớt những trăn trở, nhưng nhìn vẻ mặt ông, tôi biết là mình không nên nói gì, mà hãy lắng nghe ông nói.

- Ông biết không, khi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động, nó mang lại cho tỉnh Quảng Ngãi một khoản ngân sách hàng năm khoảng 20 nghìn tỉ đồng. Trước kia Quảng Ngãi là tỉnh nghèo, Trung ương phải cấp ngân sách hàng năm, thì giờ đây họ đã có tiền để nộp lại cho Nhà nước. Nhờ có dự án mà an ninh năng lượng quốc gia được đảm bảo, góp phần giảm nhập siêu và tăng tỉ suất chất xám và công nghệ trong sản phẩm dầu mỏ. Ai cũng dễ dàng nói như vậy.

Trên thực tế, thứ có thể nhìn thấy là cả dải miền Trung nghèo khó đang thay đổi từng ngày. Nhưng còn có một sự thật khác khuất phía sau, ít người chú ý là, hiện Quảng Ngãi vẫn còn tới 6 huyện nghèo. Hàng chục ngàn bà con ở 6 huyện đó vẫn phải ngày ngày đánh vật với việc kiếm từng bữa cơm.

Dừng lại giây lát, ông nói tiếp:

- Không chỉ riêng ở Quảng Ngãi, ở Cà Mau, Hà Tĩnh, Thanh Hóa và nhiều nơi khác cũng xảy ra hiện tượng tương tự. Hàng triệu người được hưởng lợi từ những dự án của chúng tôi, nhưng vẫn còn hàng trăm ngàn người vì thế mà vất vả, thiệt thòi. Mà toàn là những người không đáng phải chịu khổ. Những người cả trong chiến tranh và trong thời bình đều hy sinh nhiều nhất cho cộng đồng. Họ đáng được cộng đồng bù đắp lại. Nhưng bao nhiêu năm rồi chúng ta vẫn chưa có cách nào khắc phục hiện tượng đáng buồn này. Tôi cũng chưa góp được gì nhiều về giải pháp. Từ hàng chục năm trước, khi còn ở Sông Đà, tôi đã từng chứng kiến nghịch cảnh: Cứ điện đến đâu, dân khổ đến đó! Thật là bất công và đau lòng. Nhưng hiện tượng đó vẫn tiếp tục tái diễn, như một điều vô lý cứ được phép tồn tại, làm sao mà có thể không trăn trở được.

Tôi biết là mục đích của mình không còn cơ hội để thực hiện, ngoại trừ tôi là kẻ vô cảm và vô duyên. Tôi bèn gỡ lại bằng việc hướng câu chuyện sang một hướng khác mà tôi và chắc chắn nhiều người quan tâm. Tôi hỏi ông rằng, trước khi rời khỏi chức Chủ tịch Hội đồng thành viên, thật lòng ông nghĩ gì về tương lai của ngành Dầu khí. Ông trả lời tôi giống như nói ra điều ông vẫn nung nấu hàng ngày:

- Chúng ta phải xây dựng ngành Công nghiệp Dầu khí mạnh không chỉ vì mục tiêu kinh tế, mà còn vì mục tiêu bảo vệ chủ quyền. Trên thực tế, nhiều cán bộ, công nhân viên của ngành Dầu khí đang kiêm luôn cả vai trò người chiến sĩ. Có hai cơ sở chắc chắn để tôi tin ngành Dầu khí sẽ tiếp tục phát triển.

Thứ nhất, ngành Dầu khí có một đội ngũ chuyên gia, kỹ sư, công nhân lành nghề được chọn lựa, đào tạo cực kỳ kỹ lưỡng và bài bản, rất giỏi về chuyên môn. Nhiều người bên ngoài không thể hình dung được thực tế này đâu. Có thể coi đó là thứ vốn liếng quý hơn vàng của cả dân tộc chứ không chỉ của riêng Dầu khí.

Thứ hai, đó là một tập thể gắn kết, thân thiện, đáng tin cậy và quan trọng hơn là có khát vọng lớn. Hầu như các đơn vị đều khao khát vươn lên để có vị trí quan trọng trong mắt đối tác. Tôi cho đó là một thái độ yêu nước rất thiết thực, một phẩm chất rất quý. Hiện tại đường đi đã rõ, định hướng rất tốt. Vấn đề là phương pháp phải hợp lý và thông minh. Theo tôi, tới đây ngành Dầu khí phải hướng mạnh ra bên ngoài.

Chúng ta có nhiều lợi thế ngoại giao, được xây đắp bằng những hình ảnh của quá khứ. Đó là công sức, xương máu của cha anh mà chúng ta không được lãng phí. Nhờ thế mà nhiều nơi trên thế giới rất quý trọng Việt Nam. Nước khác vào chưa chắc đã được, nhưng Việt Nam thì họ hoan nghênh. Phải tận dụng lợi thế này thật tốt. Cuối cùng, phải chuyên nghiệp và bền vững. Đại học Dầu khí đang xây dựng, cùng với Viện Dầu khí sau khi thống nhất, sẽ thành Học viện Dầu khí và là cơ sở đảm bảo cho những mục tiêu tăng tốc và hiện đại của ngành.

Những lời này ông Đinh La Thăng nói một cách rành rõ, khúc triết và có thể thấy nó cũng rất da diết, nỗi da diết của người đam mê hành động và sự phát triển. Bỗng dưng tôi thấy những dự định ban đầu của mình thật bé nhỏ, lạc lõng. Lạc lõng vì lỗi nhịp với điều ông quan tâm. Thay vì ghi chép, tôi cũng bị cuốn theo những gì ông triền miên suy nghĩ và thể hiện một phần thành lời trong suốt cuộc chuyện, để cảm nhận từ đó tiếng vọng mạnh mẽ của một nhịp đập lớn. Đó là nhịp đập được cộng hưởng từ khát vọng của rất nhiều cuộc đời. Chỉ những trái tim lớn, luôn hướng về người lao động, hướng về cộng đồng bằng những ưu tư thường trực mang tính sứ mệnh, mới có khả năng tạo ra nhịp đập như vậy.

Hà Nội, tháng 7/2011

{lang: 'vi'}

C.Q

DMCA.com Protection Status