Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 11/1/2023

19:55 | 11/01/2023

5,624 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - G7 lên kế hoạch thiết lập các mức giá trần khác nhau với dầu mỏ Nga; EIA dự báo dự trữ dầu toàn cầu sẽ tăng trong 2 năm tới; Mỹ xem xét hiệu quả của việc áp giá trần đối với dầu Nga… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 11/1/2023.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 11/1/2023
EIA dự báo dự trữ dầu toàn cầu sẽ tăng trong 2 năm tới với sản lượng dầu toàn cầu nhiều hơn mức tiêu thụ. Ảnh: Oilnow

G7 lên kế hoạch thiết lập các mức giá trần khác nhau với dầu mỏ Nga

Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đang có kế hoạch thiết lập các mức giá trần khác nhau đối với sản phẩm dầu mỏ của Nga. Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin cho biết G7 muốn áp dụng 2 mức giá trần cho các sản phẩm dầu mỏ của Nga kể từ tháng 2 tới, một cho các sản phẩm được giao dịch ở mức cao và một cho những sản phẩm được giảm giá.

Trước đó, hãng Bloomberg đưa tin dầu mỏ của Nga được bán với giá chỉ bằng một nửa giá hiện nay trên thị trường thế giới và rẻ hơn nhiều so với mức giá trần 60 USD/thùng do các nước G7 công bố. Vào ngày 6/1 vừa qua, giá dầu thô Urals tại cảng Primorsk được giao dịch ở mức 37,8 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent chuẩn thế giới là 78,57 USD/thùng.

Bộ Năng lượng Nga đang nghiên cứu các biện pháp bổ sung để hạn chế tình trạng giảm giá dầu của Nga so với giá quốc tế, sau khi phương Tây áp đặt giá trần với dầu mỏ nước này. Nga là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ hai thế giới sau Saudi Arabia, với doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt chiếm gần một nửa nguồn thu ngân sách.

EIA dự báo dự trữ dầu toàn cầu sẽ tăng trong 2 năm tới

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) ngày 10/1 dự báo dự trữ dầu toàn cầu sẽ tăng trong 2 năm tới với sản lượng dầu toàn cầu nhiều hơn mức tiêu thụ. Trong báo cáo Triển vọng Năng lượng Ngắn hạn (STEO) tháng 1, EIA cho biết giá dầu thô sẽ tiếp tục giảm.

Báo cáo dự báo lượng nhiên liệu lỏng toàn cầu sẽ đạt mức trung bình 102,8 triệu thùng/ngày vào năm 2024, tăng từ 100 triệu thùng/ngày vào năm 2022, do sản lượng ngoài Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tăng trưởng mạnh.

Tuy nhiên, báo cáo lưu ý về sự thiếu chắc chắn nguồn cung dầu của Nga, đặc biệt là vào đầu năm 2023. STEO dự kiến mức tiêu thụ nhiên liệu lỏng trên toàn cầu sẽ tăng từ mức trung bình 99,4 triệu thùng/ngày trong năm 2022 lên 102,2 triệu thùng/ngày trong năm 2024.

Đối với giá dầu thô, giá dầu Brent được dự báo sẽ ở mức trung bình 83 USD/thùng trong năm 2023, giảm 18% so với năm 2022 và tiếp tục giảm xuống 78 USD/thùng vào năm 2024 do tồn kho dầu toàn cầu tăng lên, gây áp lực giảm đối với giá dầu thô.

Mỹ xem xét hiệu quả của việc áp giá trần đối với dầu Nga

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen ngày 10/1 đánh giá chính sách áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga do các nước phương Tây áp đặt từ tháng 12/2022 đến nay dường như đang đạt mục tiêu giữ lại dầu của Nga trên thị trường, đồng thời hạn chế doanh thu của Nga từ mặt hàng chiến lược này.

Phát biểu tại buổi tiếp người đồng cấp Canada Chrystia Freeland đang ở thăm Washington, Bộ trưởng Yellen bày tỏ: “Mặc dù giá trần dầu thô chỉ mới có hiệu lực trong khoảng 1 tháng, nhưng chúng tôi đã sớm thấy tiến triển trong quá trình đạt được cả 2 mục tiêu đó, với việc giới chức cấp cao Nga đã thừa nhận rằng giá trần đang làm giảm doanh thu của nước này từ năng lượng”.

Cùng ngày 10/1, Bộ trưởng Yellen đã chủ trì một cuộc họp cùng với Bộ trưởng Tài chính các nước Australia, Canada, New Zealand và Vương quốc Anh. Trọng tâm các cuộc thảo luận nhấn mạnh tới sự cần thiết hợp tác chặt chẽ giữa các nước và xây dựng sức chống đỡ mạnh mẽ hơn để đối phó với tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng do ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Giá dầu châu Á giảm khi dự trữ năng lượng của Mỹ tăng

Giá dầu châu Á giảm vào chiều 11/1 do dự trữ dầu thô và nhiên liệu của Mỹ tăng bất ngờ, trong khi triển vọng bất ổn kinh tế làm dấy lên lo ngại về nhu cầu. Cụ thể, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 54 xu Mỹ (tương đương 0,72%) xuống 74,58 USD/thùng lúc 14 giờ (giờ Việt Nam). Giá dầu thô Brent kỳ hạn cũng giảm 50 xu Mỹ (0,62%) xuống 79,60 USD/ounce.

Các nguồn tin trích dẫn số liệu từ Viện Dầu khí Hoa Kỳ (API) cho biết, các kho dự trữ dầu thô của nước này đã tăng 14,9 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 6/1. Đồng thời, lượng dự trữ sản phẩm chưng cất, bao gồm dầu sưởi và nhiên liệu máy bay, tăng khoảng 1,1 triệu thùng. Ngoài thông tin về dự trữ dầu của Mỹ, thị trường năng lượng cũng chịu áp lực giảm bởi những lo ngại rằng việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát sẽ gây ra suy thoái kinh tế và cắt giảm nhu cầu nhiên liệu.

Trọng tâm chú ý của nhà đầu tư trong tuần này là số liệu lạm phát của Mỹ, dự kiến sẽ được công bố vào thứ Năm (12/1). Các nhà phân tích cho biết nếu lạm phát thấp hơn kỳ vọng sẽ khiến đồng USD giảm giá. Đồng USD yếu hơn có thể thúc đẩy nhu cầu dầu, do khi đó “vàng đen” sẽ rẻ hơn đối với người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 9/1/2023Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 9/1/2023
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 10/1/2023Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 10/1/2023

T.H (t/h)

DMCA.com Protection Status