Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 14/1/2023

20:45 | 14/01/2023

8,821 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Giá dầu thế giới tăng hơn 8% trong tuần qua; Nhiều tàu Trung Quốc đang chở dầu Nga sang châu Á; Đức đàm phán nhập khẩu khí đốt của Iraq để đa dạng hóa nguồn cung… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng ngày 14/1/2023.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 14/1/2023
Ít nhất 4 siêu tàu chở dầu (VLCC) thuộc sở hữu của Bắc Kinh đang vận chuyển dầu thô Ural của Nga đến Trung Quốc. Ảnh minh họa: Marinelink

Giá dầu thế giới tăng hơn 8% trong tuần qua

Theo Dow Jones Market Data, giá dầu ngọt nhẹ West Texas Intermediate (WTI) giao tháng 2/2023 tăng 1,47 USD, hay 1,9%, lên chốt phiên 13/1 ở mức 79,86 USD/thùng tại Sàn giao dịch hàng hóa New York và tăng 8,3% trong cả tuần.

Giá dầu Brent giao tháng 3/2023 tăng 1,25 USD, hay 1,5%, lên 85,28 USD/thùng tại sàn ICE Futures Europe khi chốt phiên 13/1 và tăng 8,5% trong cả tuần. Cả hai loại dầu đều chốt phiên ở mức cao nhất kể từ ngày 30/12.

Theo Chủ tịch Strategic Energy & Economic Research, Michael Lynch, việc Trung Quốc mở cửa nền kinh tế là động lực chính của giá dầu trong tuần qua, trong khi số liệu lạm phát khả quan hơn cũng làm gia tăng sự lạc quan về kinh tế Mỹ hoặc hạ cánh mềm hoặc suy thoái nhẹ. Việc đồng USD xuống giá cũng có thể là yếu tố góp phần đưa giá dầu tăng.

Nhiều tàu Trung Quốc đang chở dầu Nga sang châu Á

Báo cáo độc quyền của hãng Reuters ngày 13/1 dẫn các nguồn thạo tin và dữ liệu theo dõi tàu thuyền cho biết ít nhất 4 siêu tàu chở dầu (VLCC) thuộc sở hữu của Bắc Kinh đang vận chuyển dầu thô Ural của Nga đến Trung Quốc.

Bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây, Trung Quốc và Ấn Độ - 2 nước nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới vẫn duy trì việc mua dầu từ Nga. Theo Reuters, việc sử dụng tàu Trung Quốc để chở dầu là một trong những giải pháp của Moscow nhằm né lệnh trừng phạt của phương Tây.

Các nguồn tin cho biết siêu tàu chở dầu thứ 5 đang vận chuyển dầu thô đến Ấn Độ. Tất cả 5 chuyến hàng đã được lên kế hoạch từ ngày 22/12 đến ngày 23/1, theo các nguồn tin và dữ liệu từ hệ thống theo dõi tàu thuyền Eikon.

Đức đàm phán nhập khẩu khí đốt của Iraq để đa dạng hóa nguồn cung

Đức đang đàm phán với Iraq về khả năng nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ quốc gia giàu dầu mỏ này nhằm đa dạng hóa nguồn cung năng lượng vốn đang trong tình trạng thiếu hụt sau khi Nga cắt giảm khí đốt liên quan đến cuộc xung đột với Ukraine.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Iraq Mohammed Shia al-Sudani đang ở thăm Berlin, ngày 13/1, Thủ tướng Olaf Scholz khẳng định: “Chúng tôi cũng đã thảo luận về khả năng cung cấp khí đốt cho Đức và đồng ý giữ liên lạc chặt chẽ với nhau”. Tuy nhiên, ông Scholz không cho biết chi tiết về khối lượng khí đốt mà Berlin hy vọng sẽ nhập khẩu từ Baghdad.

Về phần mình, ông al-Sudani cho rằng, Iraq đã tạo cơ hội cho các công ty Đức đầu tư vào lĩnh vực khí đốt tự nhiên của quốc gia vùng Vịnh cũng như khí đốt được tạo ra như một sản phẩm phụ từ quá trình sản xuất dầu mỏ. Cũng theo ông al-Sudani, Baghdad muốn vận chuyển khí đốt thông qua một đường ống chạy qua Thổ Nhĩ Kỳ tới châu Âu.

Venezuela sẵn sàng ký hợp đồng giao thương với tất cả các công ty năng lượng trên thế giới

Ngày 13/1, tại Hội nghị thượng đỉnh “Tiếng nói Nam bán cầu”, được tổ chức theo hình thức trực tuyến dưới sự chủ trì của Ấn Độ, Bộ trưởng Dầu mỏ Venezuela Tareck El Aissami đề xuất lập một ngân hàng phát triển năng lượng quốc tế nhằm tạo điều kiện cho các nước tiếp cận với các nguồn lực để đa dạng hóa năng lượng trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng toàn cầu hiện nay.

Ông Aissami cho biết một ngân hàng như vậy có thể “tạo lực đẩy và duy trì các dự án đa dạng hóa năng lượng”. Theo quan chức trên, ngân hàng này sẽ hoạt động theo nguyên tắc đoàn kết trong khuôn khổ hợp tác Nam-Nam.

Bộ trưởng Aissami hoan nghênh việc các nhà đầu tư nước ngoài tăng đầu tư vào Venezuela, đồng thời khẳng định: “Venezuela sẵn sàng sản xuất, xuất khẩu và ký các hợp đồng và thỏa thuận với tất cả các công ty năng lượng trên thế giới”.

Anh bắt tay hợp tác với UAE nhằm tăng cường an ninh năng lượng

Ngày 13/1, hãng thông tấn WAM đưa tin, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Anh đã ký một biên bản ghi nhớ (MoU) nhằm thúc đẩy hợp tác năng lượng và hành động chống biến đổi khí hậu. Thỏa thuận này được k‎ý trong khuôn khổ chuyến thăm của Bộ trưởng Kinh doanh, năng lượng và chiến lược công nghiệp Anh Grant Shapps tới UAE.

Bộ Kinh doanh, năng lượng và chiến lược công nghiệp Anh cho biết, MoU sẽ tạo điều kiện chia sẻ kiến thức kỹ thuật, tư vấn kỹ năng và chuyên môn, mở đường hợp tác mới giữa hai nước trong lĩnh vực năng lượng và khí hậu, đồng thời thúc đẩy việc làm và đầu tư vào quốc gia châu Âu này.

Anh - nước chủ nhà của COP26, đang tìm cách tăng cường an ninh năng lượng sau khi lĩnh vực này trở thành một vấn đề chính trị cấp bách hơn bao giờ hết do các mối đe dọa đối với nguồn cung cấp khí đốt dài hạn trên khắp châu Âu, sau cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 12/1/2023Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 12/1/2023
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 13/1/2023Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 13/1/2023

T.H (t/h)

DMCA.com Protection Status