Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 22/10/2022

20:00 | 22/10/2022

8,166 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Khẩn trương xây dựng khung giá điện gió, mặt trời; EU tiến tới mua chung khí đốt và tạo ra chuẩn giá mới; Đức tăng đốt than để đảm bảo điện mùa đông… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 22/10/2022.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 22/10/2022
Đức có kế hoạch triển khai 3 GW công suất nhiệt điện than để đảm bảo có đủ nguồn cung cấp điện cho mùa đông. Ảnh: Reuters

Khẩn trương xây dựng khung giá điện gió, mặt trời

Tại cuộc họp của Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với các chủ đầu tư dự án năng lượng tái tạo về triển khai tính toán khung giá phát điện cho các nhà máy điện gió và mặt trời chuyển tiếp, EVN đề nghị các chủ đầu tư sớm cung cấp đủ thông tin dự án để EVN khẩn trương xây dựng khung giá phát điện, kịp thời báo cáo Bộ Công Thương.

Trước đó, ngày 12/10, Công ty Mua bán điện (EVNEPTC) thừa ủy quyền của EVN đã gửi văn bản khẩn đến gửi 293 đơn vị/dự án đã ký hợp đồng với EVN đề nghị cung cấp sớm các số liệu với mong muốn nhận được thông tin chậm nhất ngày vào 21/10. Tuy nhiên, tới sáng 21/10, EVNEPTC mới nhận được thông tin từ 59 đơn vị/dự án (chiếm hơn 20%). Qua đánh giá sơ bộ, một số đơn vị/dự án gửi vẫn thiếu, hoặc chưa đầy đủ thông tin theo đề nghị.

Theo thống kê của EVN, hiện có 62 dự án điện gió với tổng công suất 3.479 MW đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN nhưng do giá FIT (giá mua điện ưu đãi) hết hạn nên chưa có giá bán điện và 5 dự án/phần dự án điện mặt trời với tổng công suất 452,62 MW đang chờ xác định giá điện.

EU tiến tới mua chung khí đốt và tạo ra chuẩn giá mới

Tại Hội nghị thượng đỉnh từ ngày 20-21/10 ở Brussels (Bỉ), lãnh đạo các nước Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí về lộ trình nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay, với “quyết tâm mạnh mẽ, đồng lòng sẻ chia” để cùng hành động nhằm đạt được ba mục tiêu: hạ giá năng lượng, đảm bảo an ninh nguồn cung và giảm nhu cầu.

Thông tin cụ thể hơn về lộ trình này, trang Euronews cho biết lãnh đạo các nước EU đã nhất trí tiến tới việc mua chung khí đốt và tạo ra một chuẩn giá khí đốt mới vào đầu năm 2023 để phản ánh tốt hơn tình hình thị trường. Bên cạnh đó, các bên cũng tán thành mục tiêu áp giá trần tạm thời đối với giao dịch khí đốt và kêu gọi EC "khẩn trương đệ trình các quyết định cụ thể".

Ngoài ra, các nước EU sẽ tiếp tục thảo luận về “ngoại lệ Iberia” - trường hợp Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha giới hạn giá khí đốt được sử dụng để sản xuất điện, qua đó giảm giá năng lượng ở khu vực bán đảo Iberia. Đánh giá về thỏa thuận, nghị sĩ Nghị viện châu Âu (EP) Mikulas Peksa cho rằng đây “bước tiến” nhưng nhấn mạnh cần phải chờ đợi “các kế hoạch cụ thể”.

Azerbaijan phản ứng tích cực về đề xuất cấp thêm khí đốt cho châu Âu

Sau cuộc gặp với người đồng cấp Azerbaijan Ilham Aliyev tại Azerbaijan ngày 20/10, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết Azerbaijan đã phản ứng tích cực về việc cung cấp thêm khí đốt tự nhiên cho châu Âu qua lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ, sau đề xuất của Nga về việc đưa Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một trung tâm trung chuyển khí đốt và bỏ qua đường ống Dòng chảy phương Bắc.

Phát biểu trước báo giới về việc mở rộng nguồn cung khí đốt từ Azerbaijan thông qua Dự án Đường ống dẫn khí tự nhiên xuyên Anatolia (TANAP), Tổng thống Erdogan nhấn mạnh Tổng thống Ilham Aliyev "cũng có quan điểm tích cực về vấn đề này".

Theo nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, việc cung cấp thêm khí đốt thông qua TANAP có thể nằm trong chương trình nghị sự để đáp ứng nhu cầu khí đốt cho châu Âu. TANAP được đưa vào vận hành từ năm 2018 với vai trò là phần trung tâm của Hành lang khí đốt phía Nam do châu Âu đề xuất nhằm kết nối một mỏ khí đốt chính tại Azerbaijan với các thị trường châu Âu.

EU tuyên bố đáp trả mạnh mẽ hành vi phá hoại Nord Stream

"Hội đồng châu Âu lên án mạnh mẽ các hành động phá hoại cơ sở hạ tầng quan trọng như đường ống Nord Stream. Liên minh châu Âu (EU) sẽ đối phó với các hành động tương tự trong tương lai với phản ứng thống nhất và kiên quyết", tuyên bố của Hội đồng châu Âu sau hội nghị thượng đỉnh diễn ra từ ngày 20-21/10 ở Bỉ cho hay.

Hội đồng Châu Âu cũng kêu gọi tất cả các nước EU "thực hiện biện pháp khẩn cấp và hiệu quả nhằm tăng cường khả năng phục hồi của cơ sở hạ tầng quan trọng".

Phản ứng trước những hành động phá hoại đối với đường ống Nord Stream 1 (Dòng chảy phương Bắc 1) và Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2), Brussels đã chỉ trích mạnh mẽ những dự án này là công cụ gây ảnh hưởng năng lượng của Nga đối với châu Âu.

Đức tăng đốt than để đảm bảo điện mùa đông

Đức có kế hoạch triển khai 3 GW công suất nhiệt điện than để đảm bảo có đủ nguồn cung cấp điện cho mùa đông. Cụ thể, công ty năng lượng Utility Steag sẽ bổ sung thêm 4 nhà máy điện than với tổng công suất 2,5 GW vào thị trường trong vòng vài tuần tới. Trong khi đó, Uniper sẽ kéo dài hoạt động nhà máy điện than Scholven-C công suất 345 MW.

Các nhà máy được hồi sinh hoạt động hoặc mở rộng công suất là một phần trong kế hoạch của chính phủ Đức nhằm thúc đẩy sản xuất nhiệt điện bằng than để cố gắng tiết kiệm khí đốt. Theo nhà điều hành lưới điện của nước này, ngay cả khi kho dự trữ gần như đầy, Đức cần phải đảm bảo nhập khẩu nhiều khí đốt hơn để vượt qua mùa đông mà không bị thiếu hụt.

Giá điện hợp đồng tháng tới của Đức đã giảm 6,4% vào thứ sáu (21/10), do triển vọng tăng sản lượng điện và giá khí đốt tự nhiên giảm. Tuy nhiên, các hợp đồng điện vẫn cao hơn 3 lần so với mức trung bình 5 năm.

Ai Cập thúc đẩy đối thoại toàn cầu giữa các nước xuất khẩu khí đốt

Ai Cập dự kiến sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị bộ trưởng lần thứ 24 của Diễn đàn các nước xuất khẩu khí đốt (GECF) trong các ngày 23-25, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Dầu mỏ và Tài nguyên Khoáng sản Ai Cập Tarek El-Molla, nhằm đẩy mạnh hơn nữa hợp tác giữa các quốc gia thành viên.

Ông El-Molla cho biết sự kiện kéo dài 3 ngày là cơ hội để tăng cường hợp tác giữa các quốc gia thành viên GECF hiện chiếm tỷ trọng lớn trong tổng trữ lượng, sản lượng và xuất khẩu khí đốt toàn cầu, cũng như đảm bảo hoạt động sản xuất khí đốt được thực hiện một cách có trách nhiệm đối với môi trường.

GECF có 11 quốc gia thành viên, bao gồm Algeria, Bolivia, Ai Cập, Guinea Xích đạo, Iran, Libya, Nigeria, Qatar, Nga, Trinidad and Tobago, và Venezuela, cùng với 8 quan sát viên là Angola, Azerbaijan, Iraq, Malaysia, Mozambique, Na Uy, Peru và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất. Liên minh chiếm 72% tổng trữ lượng khí đốt tự nhiên được kiểm chứng của thế giới, 55% lượng khí đốt tự nhiên xuất khẩu qua đường ống và 50% khối lượng xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng của toàn cầu.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 21/10/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 21/10/2022
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 20/10/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 20/10/2022

T.H (t/h)

DMCA.com Protection Status