Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 27/10/2022

19:45 | 27/10/2022

8,319 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - WB dự báo giá năng lượng giảm 11% trong năm tới; Mỹ buộc phải tính lại kế hoạch áp trần giá dầu Nga; EU công bố gói hỗ trợ 500 triệu euro cho Tây Balkan… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 27/10/2022.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 27/10/2022
WB dự báo giá năng lượng giảm 11% vào năm 2023 sau khi tăng 60% trong năm nay. Ảnh minh họa: Mint

WB dự báo giá năng lượng giảm 11% trong năm tới

Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 26/10 dự báo trung bình giá dầu Brent sẽ ở mức 92 USD/thùng trong năm 2023, giảm xuống 80 USD/thùng năm 2024 nhưng vẫn cao hơn đáng kể so với mức trung bình 5 năm là 60 USD/thùng. Như vậy giá năng lượng có thể giảm 11% vào năm 2023 sau khi tăng 60% trong năm nay.

Tuy nhiên, WB cũng không loại trừ khả năng giá năng lượng còn giảm sâu hơn trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại và nền kinh tế thứ 2 thế giới là Trung Quốc có thể tiếp tục chịu ảnh hưởng của các biện pháp hạn chế phòng dịch Covid-19.

Theo báo cáo, xuất khẩu dầu mỏ của Nga có thể giảm khoảng 2 triệu thùng/ngày do ảnh hưởng từ lệnh cấm của Liên minh châu Âu (EU) với các sản phẩm dầu mỏ và khí đốt của nước này, cộng với những hạn chế về bảo hiểm và vận tải, sẽ có hiệu lực từ ngày 5/12. Ngoài ra, báo cáo của WB cũng nêu rõ đồng USD tăng giá trong khi các đồng nội tệ của hầu hết các nước đang phát triển đều giảm giá đã khiến giá lương thực và nhiên liệu tăng.

Mỹ buộc phải tính lại kế hoạch áp trần giá dầu Nga

Theo Bloomberg, thay vì bóp nghẹt doanh thu từ dầu mỏ của Nga bằng mức giá thấp, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) có khả năng sẽ phải áp một mức giá cao hơn so với tính toán ban đầu. Hiện nay chỉ có Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Australia cam kết thực hiện biện pháp áp giá trần.

Hàn Quốc cũng đã nói riêng với các quốc gia G7 rằng họ có kế hoạch thực hiện biện pháp trên. Các quan chức G7 đang tìm cách thuyết New Zealand và Na Uy cùng tham gia. Nhưng rõ ràng là Ấn Độ và Trung Quốc - các đối tác thương mại quan trọng nhất của Nga - sẽ không tham gia.

Theo kế hoạch ban đầu, giá trần sẽ ở mức từ 40 đến 60 USD/thùng. Một số quan chức muốn áp đặt giá trần dầu Nga ở mức gần với 40 USD để giảm nguồn thu của Nga. Nhưng hiện tại, các quan chức liên quan đến kế hoạch đang thảo luận về mức giá trần quanh 60 USD/thùng, thậm chí cao hơn, cho dù điều này sẽ giúp Nga tiếp tục thu lợi lớn từ bán dầu.

Liên minh châu Âu công bố gói hỗ trợ 500 triệu euro cho Tây Balkan

Ngày 26/10, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen thông báo Liên minh châu Âu (EU) cam kết cung cấp 500 triệu euro (504 triệu USD) để cải thiện cơ sở hạ tầng năng lượng ở Tây Balkan.

Chủ tịch Von der Leyen một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giảm sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu của Nga. Bà cho biết khoản tiền trên sẽ được giải ngân để hỗ trợ các nước thành viên tại Balkan đầu tư vào kết nối năng lượng, sử dụng năng lượng hiệu quả, đặc biệt là khuyến khích năng lượng tái tạo.

Bà cho biết thêm Bắc Macedonia sẽ nhận được khoản giải ngân đầu tiên 80 triệu euro. Khu vực Tây Balkan có các quốc gia không phải là thành viên của EU gồm Albania, Bosnia, Montenegro, Bắc Macedonia và Serbia. Hầu hết các nước đang trong các giai đoạn đàm phán khác nhau về khả năng gia nhập EU.

Ông Putin kêu gọi tăng cường an ninh sau vụ đường ống Nord Stream bị tấn công

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 26/10 kêu gọi Cộng đồng các quốc gia độc lập gồm các nước Đông Âu và châu Á, được thành lập sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991 (CIS) tăng cường bảo vệ các cơ sở hạ tầng quan trọng sau sự cố rò rỉ tại các đường ống dẫn khí Nord Stream 1 và 2 trên biển Baltic. "Đây là những khu vực cần bảo vệ nhiều nhất” - nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh.

Ông Putin lưu ý rằng vụ rò rỉ đường ống Nord Stream chứng tỏ những hành vi phá hoại đang đe dọa toàn bộ mạng lưới năng lượng châu Âu. “Họ không ngần ngại phá hoại trực tiếp. Tôi đang đề cập việc tấn công các đường ống dẫn khí đốt Nord Stream. Trên thực tế, đó có thể sẽ là sự phá hủy cơ sở hạ tầng năng lượng của toàn châu Âu” - ông nói.

Theo nhà lãnh đạo Nga, những hành vi như vậy được thực hiện bất chấp những thiệt hại to lớn cho nền kinh tế châu Âu và ảnh hưởng đáng kể đến điều kiện sống của hàng triệu người. “Họ giữ im lặng về việc ai đã làm điều này cũng như việc phá hoại này phục vụ cho lợi ích của ai” - Tổng thống Nga nói thêm.

Chuyên gia nhận định TurkStream không thể thay thế Dòng chảy phương Bắc 1

Ông Samuel Furfari, chuyên gia địa chính trị năng lượng, Giáo sư trường Đại học Tự do Brussels (ULB) nhận định, sau vụ rò rỉ khí đốt tại đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 và 2, nhu cầu tiềm năng của châu Âu về khí đốt cung cấp qua Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ (TurkStream) là rất lớn.

Ông Furfari phân tích: "Từ trước khi xảy ra vụ phá hoại, đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 vẫn cung cấp 110 tỷ m³ khí đốt cho Đức, không tính (khối lượng) khí đốt cung cấp cho khu vực Tây Âu thông qua Belarus và Ukraine". Chuyên gia lưu ý rằng, TurkStream có công suất ít hơn Dòng chảy phương Bắc 1. Vì lý do này nên bất kể là quốc gia nào cung cấp khí đốt qua TurkStream cũng sẽ không thể thay thế được hoàn toàn dòng chảy này.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan trước đó đã chỉ thị giải quyết cặn kẽ và nhanh chóng việc thành lập một trung tâm khí đốt ở Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện nay, khí đốt được chuyển đến Thổ Nhĩ Kỳ thông qua đường ống TurkStream với công suất thiết kế 31,5 tỷ m3 mỗi năm. Thư ký Báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho biết có khả năng mở rộng hệ thống này nếu cần thiết.

Na Uy phản đối áp trần giá khí đốt của Nga

Bộ Năng lượng và Dầu mỏ Na Uy phản đối đề xuất của Liên minh châu Âu (EU) về việc thiết lập mức trần giá đối với khí đốt tự nhiên của Nga. "Điều này có thể làm trầm trọng thêm vấn đề mà châu Âu đang phải đối mặt, đó là tình trạng thiếu khí đốt", tờ Izvestia dẫn lời phát ngôn viên của Bộ Năng lượng và Dầu mỏ Na Uy Stein Grimsrud cho hay.

Na Uy từng là nhà cung cấp khí đốt lớn thứ hai của EU, với khoảng 20% ​​nhu cầu nhập khẩu từ nước này. Trong mùa hè, Oslo đã phê duyệt giấy phép khai thác khí đốt tại 7 mỏ mới ngoài khơi Na Uy để tăng sản lượng khí đốt vào năm 2022 lên 8% so với năm 2021.

Bộ Năng lượng và Dầu mỏ Na Uy cũng xác nhận, họ có kế hoạch cung cấp khoảng 122 tỷ m3 khí đốt cho EU trong năm nay. Trước tháng 2/2022, Nga từng cung cấp khoảng 130 tỷ m3 bằng đường ống và 20 tỷ m3 dưới dạng khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) cho EU. Tuy nhiên, một số nhà phân tích lưu ý rằng Na Uy không có khả năng cung cấp đủ khí đốt cho EU để bù đắp cho lưu lượng thiếu hụt khí đốt từ Nga sang châu Âu.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 26/10/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 26/10/2022
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 25/10/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 25/10/2022

DMCA.com Protection Status