Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 29/1/2023

20:31 | 29/01/2023

13,228 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Yêu cầu khẩn trương trình Nghị định kinh doanh xăng dầu, Quy hoạch điện VIII; Italy và Libya ký thỏa thuận phát triển khí đốt trị giá 8 tỷ USD; Xuất khẩu lọc dầu của Hàn Quốc đạt mức cao kỷ lục trong năm 2022… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 29/1/2023.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 29/1/2023
Tập đoàn Dầu mỏ quốc gia của Libya và Tập đoàn Eni của Italy cho biết sẽ đầu tư 8 tỷ USD vào phát triển khí đốt, cũng như năng lượng mặt trời và thu hồi carbon. Ảnh: Share-talk

Yêu cầu khẩn trương trình Nghị định kinh doanh xăng dầu, Quy hoạch điện VIII

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu; Khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch điện VIII trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Thủ tướng cũng yêu cầu bảo đảm đủ điện cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng; thúc đẩy và bảo đảm tiến độ đầu tư, xây dựng các công trình nguồn điện, lưới điện trọng điểm. Tập trung tháo gỡ khó khăn để các dự án nguồn điện lớn có vai trò quan trọng đi vào vận hành; rà soát, kiểm tra, đôn đốc, tham mưu việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án trọng điểm về điện, năng lượng tái tạo.

Chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam vận hành hệ thống truyền tải điện an toàn, hiệu quả; chỉ đạo ưu tiên cung cấp điện lưới tới những thôn, bản lõm sóng viễn thông do chưa có điện, phối hợp đồng bộ với các doanh nghiệp viễn thông đảm bảo thực hiện nhiệm vụ "điện đi tới đâu, viễn thông đi tới đó"; phấn đấu ở đâu cũng có điện, có viễn thông.

Italy và Libya ký thỏa thuận phát triển khí đốt trị giá 8 tỷ USD

Ngày 28/1, Italy đã ký một thỏa thuận khí đốt trị giá 8 tỷ USD với Libya trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng Giorgia Meloni tới quốc gia Bắc Phi này. Thỏa thuận về khí đốt tự nhiên này là khoản đầu tư lớn nhất vào lĩnh vực năng lượng của Libya trong hơn 2 thập niên. Tập đoàn Dầu mỏ quốc gia của Libya và Tập đoàn Eni của Italy cho biết sẽ đầu tư 8 tỷ USD vào phát triển khí đốt, cũng như năng lượng mặt trời và thu hồi carbon.

Theo tập đoàn Eni, dự án liên quan đến việc phát triển hai mỏ khí đốt ngoài khơi. Hoạt động khai thác khí đốt tại hai mỏ này dự kiến bắt đầu từ năm 2026 và đạt tổng sản lượng hơn 21 triệu m3/ngày. Dự án cũng bao gồm việc xây dựng một cơ sở thu hồi và lưu trữ carbon tại khu Mellitah, cách thủ đô Tripoli 80km về phía Tây, giúp giảm đáng kể lượng khí thải carbon.

Đầu tuần này, Italy và Algeria cũng đã ký một thỏa thuận hợp tác mới nhằm củng cố an ninh năng lượng. Năm 2022, Algeria đã trở thành nhà cung cấp năng lượng lớn nhất của Rome. Hiện, Italy là nước ủng hộ mạnh mẽ việc châu Âu quay sang châu Phi để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng.

Xuất khẩu lọc dầu của Hàn Quốc đạt mức cao kỷ lục trong năm 2022

Hiệp hội Dầu khí Hàn Quốc cho hay xuất khẩu của các nhà máy lọc dầu của nước này đạt mức cao kỷ lục trong năm 2022, do giá năng lượng toàn cầu tăng vọt trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Nga và Ukraine kéo dài.

Theo Hiệp hội, tổng kim ngạch xuất khẩu của các nhà máy lọc dầu trong nước đạt 57 tỷ USD trong năm 2022, tăng 71,2% so với năm trước đó, ghi dấu mức cao nhất kể từ khi đạt 53,2 tỷ USD vào năm 2012.

Hàn Quốc đã xuất khẩu các sản phẩm xăng dầu đến 64 quốc gia trong năm 2022, tăng so với mức 58 quốc gia vào năm 2021. Australia chiếm 18,3% tổng số xuất khẩu, theo sau là Singapore và Mỹ tương ứng với 12,1% và 8,3%.

Trung Quốc xem xét cấm xuất khẩu công nghệ pin mặt trời

Bộ Thương mại cùng Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc đang lấy ý kiến công chúng về việc bổ sung một số phương pháp quan trọng để sản xuất các tấm nền wafer của pin mặt trời cao cấp vào danh sách các công nghệ mà nước này cấm xuất khẩu.

Tấm wafer là những ô vuông silicon siêu mỏng được ghép lại với nhau thành các tấm pin mặt trời. Hiện nay, Trung Quốc chiếm 97% sản lượng tấm wafer toàn cầu.

Động thái này của Bắc Kinh cho thấy các chính phủ ngày càng chú ý đến tầm quan trọng chiến lược của hoạt động sản xuất tấm pin mặt trời khi công nghệ này trở thành nguồn năng lượng mới lớn nhất hành tinh. Các nước từ Mỹ đến Ấn Độ đang chạy đua phát triển chuỗi cung ứng trong nước để hạn chế lợi thế của Trung Quốc trong lĩnh vực tấm pin mặt trời.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 27/1/2023Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 27/1/2023
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 28/1/2023Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 28/1/2023

T.H (t/h)

DMCA.com Protection Status