Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 4/10/2022

20:00 | 04/10/2022

6,795 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - EU kêu gọi thiết lập khoản vay chung để ứng phó khủng hoảng năng lượng; IEA nhận định thị trường khí đốt toàn cầu sẽ tiếp tục thắt chặt trong năm tới; Saudi Arabia có thể tăng giá bán dầu thô cho châu Á vào tháng 11… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 4/10/2022.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 3/10/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 3/10/2022
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 4/10/2022
Nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới Saudi Arabia có thể tăng giá đối với hầu hết các loại dầu thô mà họ bán cho châu Á trong tháng 11 tới. Ảnh: Oilprice

EU kêu gọi thiết lập khoản vay chung để ứng phó khủng hoảng năng lượng

Ngày 4/10, Ủy viên Liên minh châu Âu (EU) phụ trách vấn đề kinh tế Paolo Gentiloni và Ủy viên EU phụ trách vấn đề công nghiệp Thierry Breton đã kêu gọi thiết lập một khoản vay chung của 27 nước thành viên EU, nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng giá năng lượng hiện đang có nguy cơ đẩy nền kinh tế của khối vào suy thoái.

Hai quan chức hàng đầu trong EU nhận định một cơ chế dựa trên Chương trình hỗ trợ giảm nguy cơ thất nghiệp khẩn cấp (SURE) nhằm hỗ trợ các hệ sinh thái công nghiệp và các nước thành viên có thể là giải pháp ngắn hạn cho cuộc khủng hoảng. Điều này sẽ mở đường cho bước đi đầu tiên hướng tới việc cung cấp hàng hóa châu Âu trong lĩnh vực an ninh và năng lượng, cũng là cách thức duy nhất để thiết lập phản ứng một cách hệ thống đối với khủng hoảng hiện nay.

Các đề xuất trên được đưa ra trong bối cảnh Đức công bố gói hỗ trợ trị giá 200 tỷ euro (197,4 tỷ USD) cho các hộ gia đình và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của giá năng lượng tăng vọt. Mức hỗ trợ của Đức cao hơn hơn nhiều so với mức hỗ trợ 67 - 68 tỷ euro của Pháp và Italy, khiến một số nước thành viên EU quan ngại sẽ gây ảnh hưởng đến tính cạnh tranh công bằng ở thị trường chung.

IEA nhận định thị trường khí đốt toàn cầu sẽ tiếp tục thắt chặt trong năm tới

Trong báo cáo công bố ngày 3/10, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết thị trường khí đốt tự nhiên trên toàn thế giới đã thắt chặt kể từ năm 2021 và tiêu thụ khí đốt toàn cầu dự kiến giảm 0,8% trong năm nay do mức giảm kỷ lục 10% ở châu Âu cũng như nhu cầu không đổi ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong khi đó, tiêu thụ khí đốt toàn cầu được dự báo chỉ tăng 0,4% trong năm tới.

IEA dự báo nhập khẩu LNG của châu Âu sẽ tăng hơn 60 tỷ m3 trong năm nay, hoặc gấp hơn hai lần so với năng lực xuất khẩu bổ sung LNG trên toàn cầu. Nhập khẩu LNG của Trung Quốc có thể tăng vào năm tới. Thêm vào đó, khả năng mùa Đông năm nay lạnh hơn cũng sẽ dẫn đến nhu cầu bổ sung LNG từ khu vực Đông Bắc Á, khiến thị trường LNG càng trở nên eo hẹp.

Theo IEA, nếu nguồn cung khí đốt của Nga sang châu Âu ngừng hoàn toàn kể từ ngày 1/11 tới, kho dự trữ khí đốt của EU sẽ chỉ đạt 20% mức tối đa vào tháng 2/2023, trong trường hợp nguồn cung LNG vẫn dồi dào. Nhưng nếu nguồn cung LNG giảm xuống mức thấp, thì dự trữ khí đốt của EU có thể chỉ tương đương 5% mức tối đa vào cùng kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ và Libya ký kết thỏa thuận thăm dò dầu khí

Ngày 3/10, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu và người đồng cấp Libya Najla al-Mangoush đã ký thỏa thuận hợp tác năng lượng, cho phép Ankara thăm dò dầu mỏ và khí đốt tại vùng biển của Libya ở Địa Trung Hải.

Thỏa thuận này được ký kết sau khi Thổ Nhĩ Kỳ và Libya đã ký thỏa thuận phân định ranh giới trên biển ở khu vực phía Đông Địa Trung Hải hồi năm 2019. Thỏa thuận giữa Ankara và Tripoli mở ra hành lang cho việc xác định ranh giới trên biển giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Libya, có thể mở đường cho việc khai thác dầu khí tại đây. Tuy nhiên, động thái này lập tức vấp phải sự phản đối của nhiều nước, đặc biệt là Hy Lạp và CH Cyprus. Hai quốc gia này cho rằng thỏa thuận vi phạm luật pháp quốc tế về biển, có mục đích gây bất ổn cho các đối thủ ở khu vực và có ý phá hoại các dự án phát triển khai thác khí đốt ở Đông Địa Trung Hải.

Trong khi đó, Ai Cập và Israel, 2 nước có đầu tư lớn vào khai thác năng lượng ở khu vực cũng báo động trước động thái của Thổ Nhĩ Kỳ - Libya, bởi nó đe dọa khả năng xuất khẩu khí đốt của 2 nước sang châu Âu. Israel cho rằng, thỏa thuận trên biển giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Libya nhằm vạch ra hành lang đường biên giới trên biển, rõ ràng là động thái mở đường cho thăm dò dầu khí ở đây.

Saudi Arabia có thể tăng giá bán dầu thô cho châu Á vào tháng 11

Nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới Saudi Arabia có thể tăng giá đối với hầu hết các loại dầu thô mà họ bán cho châu Á trong tháng 11 tới, do kỳ vọng nhu cầu phục hồi và các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc sẽ tăng sản lượng sau khi ban hành hạn ngạch xuất khẩu mới.

Theo dự đoán trung bình của 5 nhà lọc dầu do Reuters khảo sát, giá bán chính thức tháng 11 đối với dầu thô Arab Light của Saudi Arabia có thể tăng 25 xu Mỹ/thùng. Sự chênh lệch chi phí theo thời hạn của hợp đồng hàng hóa tại thị trường Dubai đã nới rộng trong tháng trước, cho thấy nhu cầu dầu thô trong ngắn hạn đang tăng lên. Tại thị trường Dubai, phí bảo hiểm cho dầu giao tháng tới cho ba tháng tới trung bình là 5,36 USD/thùng trong tháng 9/2022, tăng từ mức tương ứng 5,07 USD/thùng trong tháng 8.

Những người tham gia khảo sát của Reuters đánh giá mức tăng giá của dầu Arab Medium và dầu Arab Heavy sẽ mạnh hơn dầu Arab Light, vì biên lợi nhuận lọc dầu (chênh lệch giữa giá sản phẩm tinh chế và giá dầu thô) đối với dầu nhiên liệu đang cao hơn so với các sản phẩm chưng cất.

Nga cảnh báo cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu sẽ kéo dài

Trong cuộc họp ngày 3/10, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev cho hay cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đang diễn ra có thể kéo dài khá lâu.

"Trong bối cảnh giá tài nguyên đang gia tăng, hệ quả của các lệnh trừng phạt chống lại đất nước chúng ta, mọi thứ đã quay ngược 180 độ. Về cơ bản, thế giới đang trải qua một cuộc khủng hoảng năng lượng", ông Medvedev cho biết.

Ông Medvedev nhấn mạnh cách tiếp cận của Nga trong lĩnh vực này “nên hướng tới tương lai, có tính đến tình hình hiện tại” bởi vì Nga hiểu rằng “sự bấp bênh về năng lượng có thể tồn tại trong một thời gian khá dài”.

Hungary đạt được thỏa thuận “mua chịu” khí đốt từ Gazprom Nga

Tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom PJSC của Nga sẽ cho phép Hungary trì hoãn việc thanh toán khí đốt tự nhiên nếu cần thiết, trong bối cảnh chi phí nhập khẩu tăng vọt đe dọa tiêu tốn ngân sách vốn đã căng thẳng của quốc gia Trung Âu. Hungary đã được hoãn thanh toán 3 năm đối với các hóa đơn khí đốt trong vòng 6 tháng tới, Bộ Phát triển Kinh tế Hungary cho biết hôm 3/10.

“Đồng Forint đang có được một sự bảo vệ với thỏa thuận này”, Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Hungary Marton Nagy nói với Bloomberg qua điện thoại. “Nó có thể giúp ổn định đồng Forint vì các khoản thanh toán sẽ đến hạn sau 3 năm”.

Hungary là một trong những quốc gia EU phụ thuộc nhiều nhất vào năng lượng của Nga và đã chứng kiến chi phí nhập khẩu dầu và khí đốt tăng lên ước tính 19 tỷ USD trong năm nay, từ 4 tỷ USD vào năm 2019, theo dữ liệu của chính phủ Hungary. Công ty năng lượng quốc doanh MVM Zrt của Hungary đã đạt được thỏa thuận với Gazprom của Nga ở mức 300 Euro (292 USD) mỗi mWh, tương đương 3,5-4,5 tỷ Euro.

Anh điều tàu khu trục bảo vệ đường ống dẫn khí sau sự cố Nord Stream

Bộ Quốc phòng Anh hôm 4/10 thông báo, tàu khu trục của hải quân Hoàng gia Anh đang tham gia cùng lực lượng hải quân Na Uy hoạt động ở biển Bắc để bảo vệ các đường ống dẫn khí đốt sau khi hai đường ống Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc) ở Baltic bị rò rỉ vào tuần trước.

The Telegraph đưa tin tàu chiến này có thể là HMS Somerset, đang tập trận với lực lượng hải quân Na Uy, ngoài khơi bờ biển của thành phố Stavanger (Na Uy). Tàu HMS Somerset trải qua thời gian đại tu, hiện đại hóa kéo dài 4 năm, kết thúc vào hồi tháng 3. Đây là một trong những tàu được cải tiến mạnh mẽ nhất của hải quân Hoàng gia Anh.

Thụy Điển hôm 3/10 cũng điều một tàu lặn tới địa điểm đường ống dẫn khí đốt Nord Stream của Nga bị rò rỉ ở biển Baltic vào tuần trước để thực hiện hoạt động thăm dò. Cũng theo lực lượng bảo vệ bờ biển Thụy Điển, đường ống Nord Stream 1 (Dòng chảy phương Bắc 1) đã ngừng rò rỉ, nhưng khí vẫn bị rò ở đường ống Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2) và sủi bọt lên bề mặt nước biển trong bán kính 30m.

Anh sẽ xây dựng nhà máy năng lượng nhiệt hạch đầu tiên vào năm 2040

Anh có kế hoạch xây dựng nhà máy năng lượng nhiệt hạch đầu tiên vào năm 2040. Thông tin trên được Bộ trưởng Kinh doanh Anh Jacob Rees-Mogg công bố ngày 4/10 tại hội nghị của đảng Bảo thủ Anh diễn ra ở Birmingha.

Theo Bộ trưởng Rees-Mogg tuyên bố, nhà máy nói trên sẽ được xây dựng ở Nottinghamshire, miền Trung nước Anh, thay thế một nhà máy điện than ở khu vực này. Ông nhấn mạnh: "Đây sẽ là nhà máy đầu tiên thuộc loại này, được xây dựng vào năm 2040, và có khả năng sản xuất điện năng hòa vào lưới điện. Điều này sẽ chứng minh với thế giới tính khả thi về mặt thương mại của năng lượng nhiệt hạch".

Không giống công nghệ phân hạch hạt nhân hiện nay, phản ứng nhiệt hạch mô phỏng quá trình ở lõi của các ngôi sao, tạo ra năng lượng sạch có thể tái tạo mà không xả chất thải độc hại. Nhiệt hạch không tạo ra khí nhà kính và có thể tạo ra năng lượng gấp bốn triệu lần so với than, dầu hoặc khí đốt mà không giải phóng khí độc hại.

T.H

DMCA.com Protection Status