Những “giọt dầu chảy lên” Tây Bắc

09:00 | 23/01/2016

1,229 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Như đã thành lệ, kể từ khi thành lập Báo Năng lượng Mới tới nay, cứ vào dịp tháng 10 hằng năm là Ban Biên tập bắt đầu đi vận động các đơn vị trong và ngoài Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đóng góp, tặng quà tết cho bà con ở hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên.

Trừ năm đầu tiên là vào 2011, còn đây là năm thứ 4, Báo Năng lượng Mới tổ chức hành trình hướng về Tây Bắc, trao quà tết cho cán bộ, chiến sĩ (CBCS), bà con dân tộc những vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn, thể hiện tinh thần “tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, chia ngọt sẻ bùi”. Sở dĩ, Báo Năng lượng Mới tập trung đi Lai Châu, Điện Biên là bởi đây là hai tỉnh nghèo nhất Việt Nam và có đường sá khó khăn nhất.

nhung giot dau chay len tay bac

Cái nghèo ở hai tỉnh này không chỉ thể hiện ở con số mấy chục phần trăm hộ nghèo, mà còn ở chỗ, như Điện Biên, không tìm ra lỗi thoát để phát triển kinh tế.

Nói một cách hơi hình tượng và văn vẻ thì là dịp những người Dầu khí “gửi những giọt dầu tiết kiệm lên Tây Bắc”.

Năm nay, Báo Năng lượng Mới vận động được một lượng hàng và tiền khoảng hơn 900 triệu, trong đó, một số đơn vị của Tập đoàn như PVI, PVD, PVEP, PVFCCo; PV Gas, Công đoàn Tập đoàn đã đóng góp gần 400 triệu, còn là của các đơn vị ngoài như Vingroup, Du lịch Đại Nam và một doanh nghiệp đóng góp 150 triệu, nhưng yêu cầu không được nêu tên.

Trong những đơn vị của Tập đoàn gửi quà lên Tây Bắc, có những đơn vị đang ở trong tình trạng “đặc biệt khó khăn” chưa từng thấy như PVD, PVEP… do giá dầu giảm quá tiêu cực. Không ít công nhân đã phải nghỉ chờ việc; không hiếm những giàn khoan đang nằm phơi nắng phơi mưa và không hiếm những giếng dầu đã bị đóng. Đã có những đơn vị, lãnh đạo phải hạn chế dùng xe con, thậm chí đã phải nghĩ tới việc vận động cán bộ, công nhân viên cho “vay một tháng lương”. Nhưng khó thì khó, người dầu khí vẫn luôn nghĩ tới những người còn khó hơn mình - Đó chính là nét đẹp của Văn hóa Dầu khí.

nhung giot dau chay len tay bac
Chủ tịch HĐQT PVI Nguyễn Anh Tuấn trao quà cho chiến sĩ CSCĐ huyện Mường Nhé

Hành trình năm nay có một điều đặc biệt, đó là lần đầu tiên lãnh đạo của một đơn vị trực thuộc Tập đoàn Dầu khí tham gia đồng hành trên suốt chuyến đi - Ấy là Chủ tịch HĐQT Nguyễn Anh Tuấn và Phó tổng giám đốc Phạm Khắc Dũng của Công ty Cổ phần Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI Holdings).

Chuyến đi kéo dài 6 ngày, với hành trình lên tới hơn 1.800 cây số với 12 điểm đến. Mặc dù đường sá vài năm trở lại đây đã được cải thiện nhiều, nhưng việc đi lại vẫn vô cùng khó khăn, vất vả. May mắn, đoàn có sự hỗ trợ, hộ tống, dẫn đường của công an các tỉnh Lai Châu, Điện Biên. Sở dĩ có chuyện “cậy nhờ” này là vì cán CBCS công an, bộ đội biên phòng là những người gần dân, hiểu dân và hiểu địa bàn, địa hình những xã, huyện miền núi nhất. Đặc biệt, quan trọng đó là các anh hiểu được đối tượng nào thực sự khó khăn, cần sự hỗ trợ giúp đỡ của các nhà tài trợ; những già làng, trưởng bản nào thực sự uy tín, có công giúp sức cùng chính quyền đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ an ninh trật tự cho những vùng đất nhạy cảm, gần sát biên giới.

nhung giot dau chay len tay bac
Phó tổng giám đốc PVI Phạm Khắc Dũng trao quà tết cho già làng trường bản có uy tín tại huyện Điện Biên Đông

Cũng phải nói thêm là muốn đi trao quà tết đến tận tay bà con ở những vùng sâu, vùng xa của hai tỉnh này, thì cách tốt nhất là nhờ lực lượng công an giúp đỡ. Vì anh em công an cắm bản, cắm xã hiểu rõ gia cảnh của từng hộ gia đình hơn ai hết. Và khi đã có công an tham gia, thì không ai có thể xà xẻo đồng quà, tấm bánh.

Trên đường đi, nếu không có xe đặc chủng của công an chở quà và hộ tống, thì chưa biết chừng, chỉ một cơn mưa nhỏ, cũng có thể khiến cả đoàn xe ngủ lại rừng. Thời tiết Tây Bắc như cô gái đỏng đảnh, đang nắng chang chang đấy, mà thoắt mưa ngay, quả đồi bên này suối nắng vàng rực, thì có khi quả đồi bên kia lại mịt mù sương khói….

Đường lên Tây Bắc bây giờ tốt lắm. Nếu ngày xưa, vào những năm 80 của thế kỷ trước, lên Lai Châu, Điện Biên phải đi 3 ngày, thì bây giờ, chỉ còn trên dưới 10 tiếng đồng hồ. Và đường ôtô cũng đã có tới từng xã. Nhưng từ xã đi xuống bản thì… đừng đùa. Ở hai tỉnh này, có những huyện diện tích rộng gần bằng một tỉnh Bắc Ninh, có những xã mà muốn đi xuống bản xa nhất thì cuốc bộ hơn một ngày…

nhung giot dau chay len tay bac
Phó trưởng ban Chính sách Pháp luật CĐ DKVN Đỗ Thị Nhung trao quà cho các em học sinh Trường PT Dân tộc bán trú Tiểu học Sín Thầu, tỉnh Điện Biên

Bốn chiếc xe của đoàn công tác từ thiện Báo Năng lượng Mới lăn bánh từ 5 giờ sáng ngày 12-1. Điểm dừng chân đầu tiên là huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Đơn vị đồng hành cùng báo là TCT CP Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo). Đoàn đã trao 117 suất quà cho Trường THCS xã Tà Mít, một xã đặc biệt khó khăn của huyện Tam Đường. Đoàn cũng trao 50 bộ máy in và bàn ghế, 1 máy photocopy và 2 máy tính CBCS Công an tỉnh Lai Châu; trao 20 suất quà cho các chiến sĩ công an có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và có thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.

Phó giám đốc Công an tỉnh Lai Châu, Đại tá Bùi Gia Lượt đã cung cấp cho đoàn một số thông tin vắn tắt về tình hình phát triển kinh tế và trật tự an toàn xã hội của tỉnh. Lai Châu, mặc dù mới có Nhà máy Thủy điện Nậm Nhùn đi vào hoạt động và hằng năm sẽ đóng góp cho tỉnh một khoản tiền không nhỏ, góp phần quan trọng vào nền kinh tế của tỉnh, nhưng đó là “thì tương lai”. Còn bây giờ, Lai Châu vẫn là tỉnh nghèo, với huyện nào cũng có từ 35 tới 70% hộ nghèo. Nghèo về kinh tế, nhưng lại “giàu” về số người nghiện, với hơn chục ngàn con nghiện, chiếm tỷ lệ cao nhất nước. Là một trong những tỉnh có tình hình tội phạm khá phức tạp với 2 cửa khẩu và biên giới giáp 3 huyện của Trung Quốc. Nhưng năm 2015, lực lượng Công an Lai Châu đã phá được 100% các vụ trọng án. Đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm trong đó nổi bật nhất là tội phạm buôn bán người; tội phạm ma túy và tội phạm gây rối trật tự công cộng... Đây là thành tích xuất sắc của CBCS Công an tỉnh Lai Châu trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Lai Châu còn được chọn là Cụm trưởng Cụm thi đua 7 tỉnh biên giới phía bắc.

nhung giot dau chay len tay bac
Đại diện nhà tài trợ PVEP và PETROSETCO trao quà cho các em học sinh Trường PT Dân tộc bán trú Tiểu học Sín Thầu

Nói về nỗi cơ cực của bà con Lai Châu, Điện Biên thì không bao giờ hết chuyện. Vùng Tây Bắc này khổ đến nỗi từ xưa người ta đã có câu “Thằng khôn nó đã chuyển vùng/ Lai Châu còn lại thằng khùng, thằng điên”.

Câu này cho đến bây giờ ngẫm lại xem ra vẫn đúng. Bởi lẽ, cả tỉnh Lai Châu và Điện Biên đều vẫn nghèo đến khốn khổ.

Tại tỉnh Điện Biên, chúng tôi được nghe Đại tá Lò Văn Khụt - Phó giám đốc Công an tỉnh chia sẻ: “Điện Biên chúng tôi là một tỉnh nghèo. Còn cũng chẳng hiểu rằng đã đến mức nghèo nhất Việt Nam chưa. Chỉ biết rằng Trung ương phải hỗ trợ tỉnh 98% ngân sách. Người ta cứ tưởng Điện Biên là nơi dễ sống và vẽ ra rằng nào là có tiềm năng du lịch, có phong cảnh đẹp; có hạt gạo Mường Thanh nổi tiếng… Nhưng tất cả những cái đó chưa thể làm ra được của cải vật chất đáng kể. Có huyện 70% số dân là nghèo. Còn huyện nào cũng từ 35-40% hộ nghèo”.

nhung giot dau chay len tay bac
Đại diện nhà tài trợ PVEP và PETROSETCO trao quà cho các em học sinh Trường PT Dân tộc bán trú Tiểu học Sín Thầu

Những điều ông Khụt nói với người mới đến Điện Biên như chúng tôi, lúc đầu quả thật là chưa thể cảm nhận được. Nhưng khi đến các bản, các trường học thì mới thấy rằng, những điều ông nói không có chút gì gọi là “than vãn”.

Nếu nói một cách tổng thể thì cả Điện Biên và Lai Châu đều là những nơi khó sống.

Thứ nhất, khí hậu 2 tỉnh này rất khắc nghiệt. Cùng trong một tỉnh, thậm chí cùng một huyện nhưng chỗ này thì rét chết cò, còn cách đó chỉ vài chục cây số lại nóng chảy mỡ. Trong khi ở dưới xuôi rét mướt có mùa xuân, thì ở đây gió lào thổi như ném lửa vào mặt. Ngày thì nóng, đêm thì lạnh, nghe cái thời tiết mỗi ngày có 4 mùa xuân - hạ - thu - đông thật là thi vị. Nhưng nếu ai sống ở đây lâu thì mới thấy hết sự “tai quái”, khắc nghiệt của thời tiết nơi đây. Khí hậu khắc nghiệt đến nỗi, người mới tới thì thấy có vẻ trong lành, nhưng ở vài ngày là  thấy hậu quả. Đó là những giấc ngủ cứ như kéo người ta chìm xuống; đó là những cơn đau đầu bỗng nhiên ập tới; là những đêm vật vã vì đau xương cốt, và ở vùng có mỏ đất hiếm thì đó là những căn bệnh quái ác mà không thuốc chữa…

Đất đai ở Điện Biên và Lai Châu thì cũng đều cằn cỗi như nhau. Cũng còn một vài cánh rừng nguyên sinh ở Mường Nhé nhưng chẳng đáng kể gì. Đồi trọc, núi trọc; những con suối cạn kiệt là cảnh ở đâu cũng thấy.

Lai Châu bây giờ thì khá hơn. Bởi có một số cơ sở công nghiệp lớn như các nhà máy thủy điện, đóng góp cho tỉnh mỗi năm hàng trăm tỉ đồng. Thị xã Lai Châu bây giờ rất đẹp, khang trang, được quy hoạch cực kỳ bài bản, đâu ra đấy, và có lẽ là một đô thị đẹp nhất cả nước hiện nay. Công bằng mà nói, Lai Châu thì còn nhìn thấy tia sáng trong phát triển kinh tế, nhưng Điện Biên thì không.

Tỉnh Điện Biên tiềm năng du lịch nghe là vậy, nhưng cũng chỉ để cho vui và một số người có thêm thu nhập chút đỉnh, còn để trở thành ngành công nghiệp không khói có đóng góp cho địa phương thì chẳng đáng gì.

Hạt gạo Mường Thanh rất ngon, nhưng cũng chỉ đủ cho người dưới xuôi lên đây mang về làm quà. Cả tỉnh có vài cái mỏ than cò con - không đáng kể. Tiềm năng thủy điện - không; công nghiệp - không; lâm nghiệp - cũng không nốt. Chả thế mà nhiều cán bộ than vãn, có lẽ nên đặt Điện Biên thành một quận của Hà Nội cho xong. Bởi vì Điện Biên sẽ không bao giờ có thể phát triển được kinh tế với các điều kiện địa lý và tự nhiên như thế này.

nhung giot dau chay len tay bac
Đại diện nhà tài trợ PV Drilling trao quà cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại tỉnh Điện Biên

Đoàn ở lại Lai Châu khá ngắn  bởi phải dồn thời gian cho chuyến đi tới vùng ngã ba biên giới và lên mốc số 0. Tuy nhiên, những lời chia sẻ của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Anh Tuấn cũng khiến lãnh đạo, CBCS Lai Châu thấy ấm lòng: “Dù là lần đầu tiên đặt chân lên mảnh đất Lai Châu, nhưng chắc chắn sau chuyến đi này, Lai Châu đã có một vị trí nhất định trong trái tim tôi, và tới đây tôi sẽ có những vận động để tiếp tục đóng góp, giúp đỡ cho CBCS, bà con đồng bào trên mảnh đất biên giới này”.

Ngày thứ hai của hành trình, đoàn tiếp tục lên đường tới huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên. Tại đây, đoàn đã trao 25 suất quà cho các già làng trưởng bản và những người có công trong công tác bảo vệ an ninh trật tự ở huyện.

Vượt hơn 200km đường đèo dốc khó đi, đoàn công tác tới huyện Mường Nhé, một trong những huyện xa nhất của tỉnh Điện Biên. Đoàn tiếp tục gặp gỡ và trao quà cho CBCS Đại đội Cảnh sát cơ động huyện Mường Nhé; thăm hỏi và trao quà cho học sinh, giáo viên của Trường Mầm non Mường Nhé.

Tiếp tục di chuyển tới Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Sín Thầu, đón đoàn là các em học sinh trong trang phục dân tộc đẹp mắt. Các em đã xếp hàng ngay ngắn và chờ đoàn trước cả vài tiếng đồng hồ trong niềm hân hoan, phấn khởi. Những ánh mắt, nụ cười rạng rỡ và cả e dè khi những ống kính máy quay, máy ảnh lia tới. Nhìn từng nụ cười, từng ánh mắt rạng rỡ của những em bé vùng cao với món quà tết, mới thấy thật ấm lòng. Món quà tuy không lớn nhưng các em đã nhận được đủ cả tình thương mến của  người dầu khí.

Chúng tôi đến một số trường ở xã Sín Thầu, xã Chà Cang và Phì Như ở Điện Biên. Phải công nhận rằng, trong mấy năm gần đây, nhiều trường đã được xây dựng khá khang trang. So với cách đây chục năm, quả là một trời một vực, nhưng cuộc sống của các cháu vẫn hết sức khốn khó, đặc biệt là ở bán trú và nội trú. Bán trú được Nhà nước chi cho 120.000 đồng tiền ăn. Với số tiền này, quả thật ước mơ được một bữa cơm có chút thịt thật là khó. Ấy là các cháu còn tự phải đi lấy củi, tự tăng gia sản xuất để có thêm lá rau, còn nếu như cái gì cũng phải đi chợ thì chỉ có nước mà ăn muối.

Chúng tôi có hỏi một thầy giáo ở Trường THCS Sín Thầu, ở đây các cháu ăn dầu hay mỡ lợn thì anh cười buồn và bảo: “Người dưới xuôi mới sợ ăn mỡ, chứ còn ở trên này có mỡ lợn mà ăn đã là may mắn lắm rồi. Mà cũng làm gì có mỡ. Vài ngày may ra các cháu mới được miếng thịt. Các anh chị ở dưới đó nếu xin được cho các cháu cái gì, chúng tôi nhận hết. Từ sách vở, giấy bút, giầy dép, quần áo cũ; thực phẩm, mỡ lợn, dầu ăn, nước mắm, bột canh, mì chính… Cái gì đối với chúng tôi cũng quý, bởi các cháu quá thiếu”.

Rồi anh kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện, có cháu học sinh bán trú mang cơm đi ăn. Trời mưa, cháu bị ngã. Hộp cơm đổ ra đường. Cháu phải vét lên, và cơm lẫn cả bùn đất. Rồi buổi trưa, đến lúc ăn cơm thấy cháu đổ nước lã vào bát cơm, gạn cho bùn đất lắng xuống, rồi vớt lấy hạt cơm ở trên ăn. Thật lòng không cầm được nước mắt. Nhưng trường ở đây còn là khá lắm. Có không thiếu những trường ở bản làm bằng vách, bằng cỏ tranh, hoặc thưng gỗ. Trời rét thầy trò phải đốt lửa trong lớp mà học.

Nghe thầy nói mà chúng tôi thấy trong lòng buồn vô hạn. Thật ra, mấy năm trước, Báo Năng lượng Mới cũng có lần vận động cán bộ, người lao động một số đơn vị trong ngành quyên góp quần áo đã qua sử dụng. Anh em ở Báo Năng lượng Mới phải ngồi chọn lựa lại cái tốt nhất, thuê giặt ủi, rồi đóng gói chia ra từng loại, sau đó chở cả một xe tải lên. Nhưng khi biết chuyện này, đã có đồng chí lãnh đạo tỉnh không vui rồi nói: “Quần áo bây giờ bà con thiếu gì đâu, mang quần áo lên người ta vứt cho chó nằm đấy”. Nghe ông nói mà chúng tôi choáng, nhưng lúc đấy chúng tôi tin là ông nói thật. Sau này mới biết vị lãnh đạo đó chỉ thích ở dưới xuôi, cứu trợ cho bà con bằng tiền. Mà than ôi, đối với bà con dân tộc, đồng tiền là quý thật, nhưng nhiều khi họ cũng có biết tiêu đâu. Có đồng nào vội vàng mua rượu về uống, còn con cái có khi bị bỏ đói, bị đứt bữa thì cũng mặc kệ.

Lên đến Mường Nhé, nghe Bí thư Huyện đoàn Pờ Hùng San kể chúng tôi mới hay rằng, huyện vẫn phải đi vận động quyên góp quần áo cũ cho các cháu từ 4-15 tuổi.

Ngày 15-1, là ngày đáng nhớ nhất trong chuyến đi khi đoàn từ thiện lên cột mốc số 0 tại bản A Pa Chải thuộc xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé. Ở Việt Nam thì ngoài ngã ba biên giới Việt - Trung - Lào tại A Pa Chải thì còn một ngã ba biên giới Việt - Lào - Campuchia nữa tại huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kontum.

Được một lần trong đời đến cột mốc số 0 - nơi con gà gáy ba nước nghe tiếng - là ước mơ của bất cứ ai dưới xuôi lên. Nhưng không phải ai cũng đủ dũng cảm, đủ ý chí và dũng khí để leo lên đây.

Cột mốc số 0 A Pa Chải là điểm cực Tây Bắc của Việt Nam, và là nơi bất cứ ai vẽ bản đồ cũng đặt bút đầu tiên. Nơi đây là ngã ba biên giới đặc biệt của ba nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc.

(Xem tiếp kỳ sau)

Thanh Huyền (ghi)

Năng lượng Mới 493

DMCA.com Protection Status