Những huyền thoại và mốc son trong tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí

18:55 | 28/10/2019

913 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Đối với thành công của ngành Dầu khí Việt Nam, nhìn lại sau hơn 40 năm, có rất nhiều điều chúng ta phấn khởi và tự hào. 

Đất nước ta từ chỗ không có dầu đã trở thành một nước có dầu, đã phát hiện ra dầu, khai thác được dầu, xuất khẩu và chế biến được dầu.

Thứ hai là dầu khí đóng góp rất lớn cho ngân sách Nhà nước, trung bình từ 20%/năm, có những năm lên tới 30%/năm, giai đoạn hiện nay dù thấp hơn nhiều nhưng vẫn còn trên 10%. Các sản phẩm của dầu khí như dầu thô, xăng dầu, điện, đặc biệt là đạm, đều có đóng góp hết sức ý nghĩa cho nền kinh tế góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, bảo đảm cả an ninh lương thực Quốc gia.

nhung huyen thoai va moc son trong tim kiem tham do khai thac dau khi
Mỏ Bạch Hổ

Thành công tiếp theo là cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành Dầu khí đã được hình thành, tạo cơ sở vững chắc để phát triển ngành Dầu khí cả ở dưới biển, trên bờ, và thềm lục địa. Một điều đặc biệt quan trọng là đội ngũ cán bộ, nhân viên dầu khí sau hơn 40 năm xây dựng và trưởng thành, đã có thể gánh vác được trách nhiệm to lớn, không những hoạt động ở trong nước mà cả ở nước ngoài.

Một điều nữa, thành công đặc biệt lớn, là góp phần xứng đáng vào việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, ở đâu có giàn khoan thì ở đấy chủ quyền quốc gia được khẳng định và thế giới cũng thừa nhận điều đó.

Để tạo nên những thành công đó, ngành Dầu khí đã đặt những mốc son hết sức quan trọng, có những bước nhảy vọt lớn, tạo nên tên tuổi của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) ở trong nước cũng như quốc tế. Những mốc son đó là:

Tháng 4-1981: Đưa được mỏ khí Tiền Hải vào khai thác và sử dụng khí phát điện phục vụ sản xuất công nghiệp. Đây là mốc son quan trọng của ngành Dầu khí suốt từ năm 1959.

Ngày 26-6-1986: Đưa mỏ Bạch Hổ - mỏ lớn nhất Việt Nam - vào khai thác. Đây là bước phát triển nhảy vọt của ngành Dầu khí Việt Nam, là kết quả của một quá trình lao động miệt mài, chuẩn bị, xây dựng, hợp tác quốc tế trong bao nhiêu năm qua. Việt Nam từ nước không có dầu trở thành nước có dầu, nước sản xuất dầu, tạo ra cả một hệ thống liên hoàn tiếp theo.

Ngày 6-9-1988: Khai thác dầu từ tầng đá móng của mỏ Bạch Hổ, bước nhảy vọt lớn thứ hai của ngành Dầu khí. Từ tầng móng này, đến nay, chúng ta đã khai thác được trên 200 triệu tấn dầu và hàng trăm tỉ m3 khí, đưa Việt Nam trở thành nước khai thác và sản xuất dầu khí lớn thứ 3 khu vực Đông Nam Á. Việc phát triển tầng móng này tạo ra bước ngoặt làm thay đổi truyền thống là trước đây chỉ khai thác ở tầng trầm tích, làm thay đổi quan điểm về đối tượng tìm kiếm, thăm dò tại thềm lục địa Việt Nam, đã tạo động lực cho nhiều nhà đầu tư vào Việt Nam tìm dầu. Sự kiện đó cũng góp phần vào việc sáng tạo khoa học dầu khí thế giới. Cụm công trình “Tìm kiếm, phát hiện và khai thác có hiệu quả các thân dầu trong đá móng granitoid trước Đệ tam bể Cửu Long, thềm lục địa Việt Nam” đã đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về KHCN.

nhung huyen thoai va moc son trong tim kiem tham do khai thac dau khi
Mỏ Đại Hùng

Năm 1995: Bước nhảy vọt lớn thứ ba là lần đầu tiên chúng ta đưa được khí đồng hành từ mỏ Bạch Hổ vào bờ. Đến năm 2018, chúng ta đã thu gom, xử lý, cung cấp vào bờ hàng chục tỉ m3 khí đồng hành, toàn bộ khí này đang phục vụ cho việc phát điện, sản xuất đạm, sản xuất những sản phẩm hóa dầu và dân sinh.

Ngày 30-9-2010: Chúng ta khai thác được tấn dầu đầu tiên tại mỏ Cực Bắc của Nga; đưa vào khai thác hằng năm 3 triệu tấn, trong đó Việt Nam đều đặn là 1,5 triệu tấn. Hoạt động dầu khí ở nước ngoài đã mang lại những kết quả khả quan.

Nói đến dầu khí không chỉ có thành công, mà còn là ngành chứa đựng nhiều rủi ro, khó khăn, nguy hiểm.

Nói về rủi ro của ngành Dầu khí thì vô vàn, đơn giản như chúng ta tìm giữa biển khơi bao la như thế, trong số hàng trăm nghìn km2 chỉ tìm thấy dầu trong 5-7km2 ở độ sâu khoảng 100 đến vài trăm mét nước, ở chiều sâu dưới đáy biển khoảng 3.000-4.000m. Riêng việc đó đã thấy khó khăn như thế nào, chứ không đơn giản là đi ra thấy nước biển là lấy được dầu.

Nói đến dầu khí là nói đến sự nguy hiểm, rủi ro về cháy nổ, sự cố. Môi trường dầu khí rất nguy hiểm, không chỉ ở nước ta mà ngay cả trên thế giới, những nơi có nền khoa học kỹ thuật phát triển tiên tiến cũng vậy. Ví dụ, tại Mexico đã từng xảy ra một sự cố cháy nổ lớn, phải bồi thường rất nhiều tiền về sự cố môi trường.

Ở Việt Nam, tôi nhớ mãi thời điểm cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, một giàn khoan đang khoan nhưng gặp một luồng khí nông đã làm sập giàn. Những hình ảnh như thế đã làm cho những người dầu khí liên tục phải học hỏi, tìm hiểu, nâng cao hiểu biết, kỹ thuật, nhằm ứng phó và vượt qua được những nguy hiểm, rủi ro.

Có những lúc chứng kiến anh em bị cháy đen, đưa đến bệnh viện cũng không vượt qua được, hay có những anh em trong quá trình hàn, lúc leo trèo khi khoan giàn khoan gần mép nước, gặp sóng to, gió lớn đã rơi xuống biển, phải 7, 8 ngày sau mới tìm thấy thi thể, khi đón về đã không còn nguyên dạng. Những hình ảnh như thế ám ảnh mãi trong tôi.

Tôi nói những điều đó để thấy rằng, ngành Dầu khí không đơn giản là chỉ có thành công, không đơn giản cứ ra biển là có thể múc được dầu, mà nó còn có cả những khó khăn, vất vả, rủi ro và nguy hiểm. Nhưng cũng từ việc thấy được những nguy hiểm đó mà người dầu khí phải nỗ lực, rèn luyện thường xuyên, bảo đảm an toàn tuyệt đối, bởi hậu quả sẽ vô cùng lớn nếu xảy ra sự cố cháy nổ.

Do đó, trong an toàn đã quy định phải có 3 cái “thức”:

Một là, phải nhận thức được rằng, mất an toàn cháy nổ là sự cố cực kỳ nguy hiểm, không những ảnh hưởng cho cá nhân con người mà ảnh hưởng cho cả doanh nghiệp và đất nước.

Hai là, phải có kiến thức. Không thể làm trong ngành Dầu khí mà làm cái gì cũng run, cũng sợ, mà phải có kiến thức để tránh việc cháy nổ xảy ra trong môi trường dầu khí.

Ba là, ý thức. Có nhận thức, có kiến thức rồi mà không có ý thức thì cũng không được.

Ba cái “thức” này phải được tuyệt đối tuân thủ để hạn chế tối đa những nguy hiểm có thể xảy ra.

Trong suốt hơn 40 năm qua, rất may là không có sự cố lớn xảy ra. Đây là một cái may của ngành Dầu khí trên cơ sở sự nỗ lực, cố gắng của tập thể cán bộ, nhân viên, những người lao động trong ngành. Cái may này duy trì được trên cơ sở chúng ta đã hiểu, đã chú ý, đã cố gắng, đã nỗ lực của cả ngành, của những người dầu khí.

Nói đến dầu khí cần phải nói đến những sự nguy hiểm khác nữa, như tình hình hiện nay, khi hoạt động ở nước ngoài bị khủng bố, hay hoạt động ở Việt Nam thì phải đối mặt với sự phá hoại trên biển như bị tàu Trung Quốc cắt cáp, cản phá tàu bè... Hoặc môi trường làm việc đe dọa những người làm dầu khí mỏ Cực Bắc nước Nga, luôn sống trong môi trường -40oC hết tháng này đến tháng khác. Hay như biển Việt Nam trong mùa gió chướng, gió cấp 6, 7 liên tục, anh em làm việc ngoài biển luôn luôn phải căng mình để chống gió bão, bởi không phải gió bão là dừng việc mà vừa làm việc, vừa chống gió bão, tất cả công việc vẫn phải vận hành bình thường...

Một điều không thể không nhắc đến khi nói về sự thành công, trong 10 dự án không phải tất cả đều thành công, trong đó cũng có 1-2 dự án chưa thành công, nhưng tổng thể vẫn là thành công vì vẫn hiệu quả, đó là điều bình thường đối với dầu khí. Làm cả nghìn việc thì có thể có một vài việc gặp sai sót này sai sót kia, không cố ý, không có động cơ xấu, đó là điều bình thường. Tại sao cả nghìn việc mà chỉ một vài việc thiếu sót thì cho rằng đó là những sai phạm lớn? Sự quy kết đó sẽ làm ảnh hưởng đến động lực của người dầu khí.

(Xem tiếp kỳ sau)

Phương Nam

DMCA.com Protection Status