Những suy nghĩ thiển cận về Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ

14:11 | 20/10/2015

4,375 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Ngành dệt may Việt Nam có giá trị xuất khẩu 25 tỉ USD/năm. Trong khi chúng ta đang phải nhập khẩu hầu hết nguyên phụ liệu từ nước ngoài thì hiển nhiên để nâng cao giá trị các sản phẩm dệt may, thu nhập của hàng vạn công nhân cần có nhiều nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu. Vậy tại sao lại hô hào bán nhà máy đầu tiên sản xuất xơ sợi tổng hợp. Phải chăng đây là sự bỏ gốc lấy ngọn hay sự thiển cận nhất thời?

Để hiểu về sự ra đời của một công trình có giá trị đầu tư 7.000 tỉ đồng như Nhà máy Xơ sợi (NMXS) Đình Vũ cần phải đặt vào bối cảnh ngành dệt may Việt Nam trong vài chục năm qua. Tại sao một ngành kinh tế mũi nhọn có giá trị xuất khẩu hàng tỉ USD mà đóng góp cho sự phát triển của kinh tế nước nhà vẫn thấp, lương công nhân vẫn tậm tịt ở khoảng tối thiểu 200 USD/tháng…? Nguyên nhân là dệt may của chúng ta vẫn chủ yếu làm công đoạn gia công. Các doanh nghiệp nước ngoài họ đặt hàng vì chúng ta có nguồn lao động rẻ mạt. Thậm chí một số ông lớn về dệt may có “vỗ ngực” tuyên bố biến Việt Nam thành sân sau của họ.

nhung suy nghi thien can ve nha may xo soi dinh vu
Nhà máy Xơ sợi Polyester Đình Vũ

Để ngành dệt may thực sự trở thành nền kinh tế mũi nhọn Chiến lược quy hoạch ngành hóa chất của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã chỉ ra việc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) phải hợp tác đầu tư xây dựng NMXS Đình Vũ để cung cấp xơ sợi nhằm thay thế nguồn nguyên liệu nhập khẩu (khoảng 1,6 tỉ USD/năm) phục vụ cho ngành công nghiệp dệt may Việt Nam. Khi chủ động về nguyên liệu sẽ giảm thiểu lượng ngoại tệ phải nhập khẩu, đồng thời tạo việc làm trực tiếp và gián tiếp cho hàng ngàn người lao động, góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Từ đó, giá trị các sản phẩm dệt may Việt Nam mới có thể tăng giá trị, lợi nhuận.

Hơn thế nữa, với việc ký kết Hiệp định Thương mại Tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì NMXS Đình Vũ cung cấp nguyên liệu sẽ mở ra một cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam thoát khỏi sự lệ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài. Thực tế hơn 1 năm vừa qua, với nhiều lợi thế như chủ động nguồn hàng, giảm chi phí kho bãi, giao nhận hải quan, hạn chế biến động tỉ giá ngoại tệ… so với hàng nhập khẩu, các đối tác, bạn hàng của NMXS Đình Vũ đều đánh giá tốt và hiệu quả, đem lại lợi nhuận khả quan cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Đặc biệt là các doanh  nghiệp dệt may Việt Nam sẽ được thuận lợi khi phải chứng minh nguồn gốc, chất lượng xơ sợi cấu thành sản phẩm với các đối tác đặt hàng.

Ngay trong Lễ ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm giữa Vinatex và PVN, lãnh đạo Tập đoàn Dệt may đã tuyên bố thẳng thừng rằng: “Sản phẩm xơ sợi của PVN đáp ứng nhu cầu, chất lượng của các doanh nghiệp dệt may. Chúng tôi vui mừng khi giới thiệu sản phẩm với khách hàng và được khách hàng xác nhận, đồng ý sử dụng sản phẩm xơ của PVTEX cho sản phẩm của họ”. Ngay trong lễ ký kết này, trước rất nhiều phóng viên, nhà báo, ông Lê Tiến Trường Tổng giám đốc Vinatex đã nhắc rất nhiều lần và khẳng định kinh doanh giữa PVTEX và các doanh nghiệp dệt may là “sòng phẳng, công bằng”. 

Khi nhìn nhận về NMXS Đình Vũ cần có một cái nhìn có tính tổng quát và dài hạn. Bởi đây không phải chỉ là một nhà máy đơn lẻ mà nó đang đại diện cho cả một ngành công nghiệp phụ trợ quan trọng của nền kinh tế nước ta đang bước những bước đầu tiên trên con đường hiện đại hóa. Từ khi NMXS Đình Vũ đi vào vận hành thương mại, các doanh nghiệp kéo sợi trong nước đã được hưởng nhiều lợi thế, cụ thể giá xơ sợi đã giảm nhiều so với thời gian trước (khoảng 10 cent/kg), nếu NMXS Đình Vũ dừng không vận hành thì không ai dám đảm bảo rằng giá xơ sợi lại không tăng cao như thời gian trước đây và khi đó thì thiệt hại như thế nào thì chắc hẳn các doanh nghiệp kéo sợi trong nước sẽ rõ nhất. 

nhung suy nghi thien can ve nha may xo soi dinh vu
Kiểm tra chất lượng kéo sợi tại phân xưởng Filament NMXS Đình Vũ

Nực cười hơn nữa khi một ý kiến cho rằng nên mời gọi tư nhân vào quản lý, mua nhà máy. Xin thưa rằng, biện pháp này đã được PVTEX và PVN thực hiện từ cách đây… 3 năm. Rất nhiều “ông lớn” đến từ Đài Loan, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ đến thăm quan, tìm hiểu đặt vấn đề hợp tác hoặc mua lại. Nhưng khi biết NMXS Đình Vũ chưa có các chế độ hỗ trợ về thuế, miễn phí đầu tư quản lý… Thì đều bỏ chạy không hẹn ngày quay lại. 

Chúng ta tham gia vào các hiệp định thương mại để làm cho dân giàu nước mạnh. Để có thể chơi “sòng phẳng” thì phải có sức, có lực từ nội tại. Không có một ai, đất nước nào lại đi tự trói tay, trói chân mình và chỉ dùng miệng hô hào tham gia các trò chơi vận động có tính nguy hiểm sống còn với nền kinh tế. Trong trường hợp nên bán hay duy trì Nhà máy xơ sợi Polyester Đình Vũ (NMXS Đình Vũ), cần có cái nhìn xa hơn, thái độ khách quan hơn chứ không phải ngồi một chỗ hô hào bán tống bán tháo đi rồi ngồi “điểm mặt”, “đếm” trách nhiệm. Thái độ như vậy chỉ thể hiện một sự thiển cận, hẹp hòi.

 

Tùng Phong

DMCA.com Protection Status