Nợ vay tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang giảm

14:52 | 17/07/2023

4,754 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Năm 2022, mặc dù lỗ gần 1 tỷ USD do mua điện với giá cao, nhưng nợ vay tài chính tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có dấu hiệu giảm.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được kiểm toán bởi Công ty TNHH Kiểm toán Deloitte Việt Nam, trong năm 2022 EVN lỗ sau thuế 20.747 tỷ đồng trong khi năm 2021 vẫn ghi lãi lớn hơn 14.700 tỷ đồng. Lỗ ghi nhận về cho cổ đông công ty mẹ 22.256 tỷ đồng, tương ứng 1 tỷ USD.

EVN lỗ gần 1 tỷ USD năm 2022, nợ tài chính hơn 324.000 tỷ đồng chủ yếu vay từ công ty con
Một trong những lý do khiến Tập đoàn Điện lực Việt Nam lỗ gần 1 tỷ USD chính là do giá vốn tăng cao

Cụ thể, doanh thu thuần cả năm đạt 463.000 tỷ đồng, tăng 8,65% so với doanh thu 426.147 tỷ đồng đạt được năm 2021. Trong cơ cấu doanh thu của EVN, doanh thu bán điện chiếm đến gần 98,6%, tăng 9% so với năm trước, đạt 456.445 tỷ đồng. Còn lại là doanh thu các mảng hoạt động khác.

Tuy vậy do chi phí vốn tăng cao, tỷ lệ tăng chi phí vốn đến 16,6% so với cùng kỳ, lên 452.420 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ chỉ còn 10.580 tỷ đồng, giảm 62% so với cùng kỳ. Chi phí giá vốn của công ty chủ yếu cấu thành từ giá mua điện. Năm 2022, chi phí mua điện của EVN ghi nhận hơn 5.272 tỷ đồng.

Doanh thu tài chính đạt 7.382 tỷ đồng, giảm 51% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 7.660 tỷ đồng chủ yếu do giảm lãi chênh lệch tỷ giá. Chi phí tài chính 18.192 tỷ đồng, tăng 23,9% tương ứng tăng hơn 3.500 tỷ đồng so với cùng kỳ cũng chủ yếu do lỗ chênh lệch tỷ giá.

Điểm sáng duy nhất là các công ty liên doanh liên kết mang về khoản lãi 1.268 tỷ đồng, tăng 72,5% tương ứng tăng 533 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Vì những lý do trên khiến khiến EVN lỗ thuần hơn 19.500 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh, trong khi năm 2021 vẫn lãi thuần 17.835 tỷ đồng. Kết quả, năm 2022 EVN lỗ sau thuế 20.747 tỷ đồng.

Trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội hồi tháng 5/2023, EVN cũng giải trình rõ lý do năm ngoái tập đoàn này thua lỗ. Năm 2022, giá thành khâu phát điện chiếm tỷ trọng 83,6%; các khâu truyền tải, phân phối - bán lẻ và phụ trợ chỉ chiếm tỷ trọng 16,4%. Do các thông số đầu vào khâu phát điện năm 2022 tăng đột biến làm giá thành khâu phát điện tăng mạnh, từ 1.506,4 đồng/kWh năm 2021 lên 1.698,45 đồng/kWh.

Các nhà máy điện hạch toán phụ thuộc EVN sản xuất với sản lượng chỉ chiếm 20% tổng sản lượng điện năng của hệ thống, với giá điện bình quân là 859,9 đồng/kWh.

Với vai trò là người mua duy nhất, để đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, EVN cho biết đã phải mua 80% sản lượng điện năng còn lại từ các nhà máy điện độc lập theo các hợp đồng mua bán điện.

Như vậy, EVN cho rằng Tập đoàn đang phải mua điện với giá cao là nguyên nhân chính dẫn tới việc thua lỗ hiện nay.

Theo BCTC kiểm toán năm 2022 của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), tính đến cuối năm, tổng tài sản ghi nhận hơn 666.165 tỷ đồng, giảm nhẹ 6% so với đầu năm. Tổng nợ phải trả của EVN hơn 440.814 tỷ đồng, cũng giảm 4%, chiếm 66% tổng tài sản. Trong đó, tổng nợ vay tài chính là 324.266 tỷ đồng, giảm 8% so với đầu năm, gồm hơn 47.587 tỷ đồng nợ ngắn hạn và 276.678 tỷ đồng nợ dài hạn, giảm 9% so với đầu năm.

Theo thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022, các khoản vay tài chính dài hạn 276.678 tỷ đồng phần lớn là vay từ các công ty con như khoản vay của Tổng công ty điện lực miền Bắc cho vay hơn 36.400 tỷ đồng; Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia vay gần 38.900 tỷ đồng; Tổng Công ty phát điện 2 – CTCP vay hơn 10.900 tỷ đồng, Tổng công ty điện lực miền Nam hơn 12.708 tỷ đồng; Tổng công ty điện lực miền Trung cho vay hơn 14.000 tỷ đồng, Tổng công ty điện lực TP Hà Nội cho vay gần 15.000 tỷ đồng,…

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng - Lê Thanh

DMCA.com Protection Status