Petrovietnam: Tập đoàn kinh tế mạnh và hiệu quả 1

09:01 | 03/06/2011

486 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc tổng kết 10 năm công tác đổi mới, sắp xếp Doanh nghiệp Nhà nước, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang tích cực chuẩn bị hoàn thiện các nội dung báo cáo, đánh giá quá trình tái cấu trúc và phân tích hiệu quả hoạt động đổi mới doanh nghiệp trong toàn Tập đoàn.

Nhân dịp này phóng viên Báo Năng lượng Mới có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

PV: Trước thềm Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp; 5 năm mô hình Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và 3 năm mô hình Đảng bộ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, xin ông cho biết những ý nghĩa chính trị – kinh tế quan trọng của đợt tổng kết này?

Ông Nguyễn Tiến Dũng: Bản thân công tác cổ phần hóa (CPH), sắp xếp, đổi mới, phát triển doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), xây dựng mô hình Tập đoàn kinh tế (TĐKT) Nhà nước là những vấn đề rất mới ở Việt Nam. Đây là việc vừa mới, vừa là lần đầu tiên làm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, hiện nay chưa ai tổng kết. Dầu khí là đơn vị đầu tiên đứng ra tổng kết toàn bộ quá trình 10 năm Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) đã thực hiện công tác CPH, sắp xếp, đổi mới, phát triển doanh nghiệp, xây dựng mô hình Tập đoàn.

Petrovietnam là TĐKT đầu tàu, tiến trình CPH, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp thời gian qua của Tập đoàn được đánh giá là thành công. Vì vậy, việc Petrovietnam đứng ra tổng kết sớm mang một ý nghĩa quan trọng là đơn vị đi đầu trong việc rút ra những bài học kinh nghiệm chung để có những kiến nghị, đề xuất kịp thời với Chính phủ, Nhà nước nhằm hoàn thiện mô hình, giúp thực hiện tốt hơn công tác này trong thời gian tới.

Trong thời gian vừa qua, vấn đề DNNN là vấn đề khá nổi cộm, bức xúc. Hàng loạt những câu hỏi được đặt ra về hiệu quả của DNNN, việc đầu tư đa ngành, đa nghề, vấn đề mô hình Tập đoàn… có rất nhiều dư luận trái chiều. Thông qua Hội nghị này, bằng thực tiễn của Petrovietnam, bằng những lý luận trong quá trình tổng kết rút kinh nghiệm sẽ tạo ra những cơ sở để khẳng định lại vị trí vai trò của DNNN, tác dụng của việc xây dựng mô hình TĐKT mạnh, làm trụ cột cho nền kinh tế quốc dân. Điều này cũng sẽ có tác dụng tạo sự đồng thuận chung trong toàn xã hội đối với vai trò của DNNN.

Hiện nay, khi Petrovietnam đang thực hiện Chiến lược tăng tốc phát triển, tình hình thị trường, bối cảnh kinh tế thế giới đã có nhiều biến động khác so với 10 năm vừa qua. Cho nên, công tác sắp xếp, tái cấu trúc, tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện mô hình TĐKT để đảm bảo cho Petrovietnam hoạt động hiệu quả là việc làm bắt buộc, giúp cho Tập đoàn ngày càng thích ứng hơn với sự thay đổi của thị trường, thực hiện tốt nhất chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước.

PV: Xin ông cho biết những kết quả cơ bản của công tác tái cấu trúc, cổ phần hóa doanh nghiệp của Tập đoàn đến thời điểm này?

Ông Nguyễn Tiến Dũng: Có thể nói Petrovietnam được đánh giá là một trong những TĐKT thành công nhất trong quá trình CPH, tái cấu trúc, sắp xếp đổi mới DNNN. Thành công nổi bật của Petrovietnam là đã hoàn thành một cách trọn vẹn công tác CPH 18 doanh nghiệp trong Tập đoàn, những doanh nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho CPH. Kết quả CPH đã mang lại lợi ích rất lớn, Tập đoàn đã thu về giá trị thặng dư trong việc CPH hơn 23.000 tỉ đồng, giá bán đấu giá mà Tập đoàn thu được so với mệnh giá ban đầu tăng thêm gần 5 lần. Về mặt kinh tế mà nói, như vậy là đã thành công. Dù rằng công tác tìm cổ đông chiến lược nước ngoài trong quá trình CPH lần đầu, chúng ta chỉ tìm được duy nhất một cổ đông chiến lược cho PVFC (đó là Công ty MSIHI – Công ty 100% trực thuộc Tập đoàn Tài chính Morgan Stanley) với giá bán bình quân. Tuy nhiên, đó cũng là thành công duy nhất của Việt Nam cho đến nay. Đây cũng là thành công đáng ghi nhận trong quá trình CPH các doanh nghiệp thuộc Petrovietnam.

Quá trình tái cấu trúc, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp trong Tập đoàn đã được làm từ rất sớm, làm từ trước khi có chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ. Năm 2008, khi khủng hoảng kinh tế diễn ra, Tập đoàn đã nhìn thấy vấn đề và thực hiện ngay việc tái cấu trúc với định hướng chủ yếu là Petrovietnam thoái vốn ở hầu hết các đơn vị, các doanh nghiệp, các dự án không thuộc lĩnh vực chính, hoạt động không hiệu quả, thu vốn về để tập trung đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh chính. Trên cơ sở đó, Petrovietnam đã tái cấu trúc và hình thành được các Tổng Công ty mạnh. Hiện nay, ngoài Công ty mẹ – Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Petrovietnam đã hình thành 5 Tổng Công ty TNHH MTV, 100% vốn của Tập đoàn ở những lĩnh vực mũi nhọn và xây dựng được 12 Tổng Công ty chuyên ngành, hỗ trợ các hoạt động của Tập đoàn. Chuyển Công ty mẹ thành Công ty TNHH MTV theo đúng Điều lệ. Đó là những thành công lớn trong quá trình đổi mới, tái cấu trúc và sắp xếp lại của Petrovietnam.

Cần phải nhấn mạnh rằng, thành tựu nổi bật của Petrovietnam trong 10 năm qua là thực sự đã trở thành TĐKT đầu tàu với tốc độ tăng trưởng trung bình 5 năm gần đây đạt gần 20%/năm, chiếm bình quân 18%-20% GDP cả nước, đóng góp trung bình 28%-30% tổng thu ngân sách. Ngoài ra, Tập đoàn còn làm tốt công tác an sinh xã hội, làm tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia trên biển, xây dựng và củng cố hệ thống tổ chức Đảng, Công đoàn, Đoàn Thanh niên vững mạnh, khẳng định được vị trí, vai trò của các tổ chức chính trị xã hội trong hoạt động sản xuất kinh doanh, xây dựng được văn hóa doanh nghiệp dầu khí. Quy mô hoạt động, quy mô về vốn, về tài sản tăng rất cao so với 5 năm trước đây. Đây là những thành tựu nổi bật để khẳng định kết quả của quá trình CPH, tái cấu trúc, sắp xếp lại doanh nghiệp kể cả về ý nghĩa, về chất lượng quản trị doanh nghiệp, về khả năng cạnh tranh. Khả năng cạnh tranh thể hiện ở chỗ trình độ khoa học công nghệ của Tập đoàn thay đổi hẳn về mức độ hiện đại tiên tiến và khi Tập đoàn đã vươn ra nước ngoài thành công thì điều đầu tiên được khẳng định là chất lượng nhân sự của Tập đoàn rất cao. Thành tựu nổi bật của Petrovietnam trong 10 năm đổi mới doanh nghiệp là xây dựng thành công một cách đồng bộ cả về hiệu quả kinh tế, văn hóa và hệ thống chính trị.

Giàn khoan của Petrovietnam trên thềm lục địa Việt Nam.

PV: Mô hình Đảng bộ cơ sở được thí điểm giao một số quyền cấp trên cơ sở và chủ trương nhất thể hóa cán bộ có ý nghĩa như thế nào với thành công của công cuộc đổi mới doanh nghiệp trong Tập đoàn thưa ông?

Ông Nguyễn Tiến Dũng: Công cuộc đổi mới DNNN là việc rất mới ở Việt Nam. Vào giai đoạn đầu, nhận thức cũng như sự quán triệt chủ trương về vấn đề đổi mới của cán bộ mình còn kém, các tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp chưa thể hiện được vai trò và chưa tạo được sự đồng thuận trong đội ngũ nên tiến độ còn chậm và chệch choạc. Chỉ khi yếu tố quán triệt và nhận thức đúng đắn, tạo nên sự đồng thuận chung được bảo đảm thì đó là yếu tố quyết định. Đây là bài học kinh nghiệm lớn nhất được rút ra trong Hội nghị tổng kết này. Yếu tố quyết định chính là sự chỉ đạo của Đảng và yếu tố con người. Sự đổi mới thành công khẳng định vai trò chỉ đạo của các tổ chức Đảng và lãnh đạo cấp ủy các cấp trong công tác đổi mới doang nghiệp. Chính vì thế, việc thành lập tổ chức Đảng, Công đoàn, Đoàn Thanh niên toàn Tập đoàn, việc tăng quyền chủ động cho các cấp ủy Đảng cơ sở, nhất thể hóa sự lãnh đạo của Đảng tại các đơn vị đã tạo ra sức mạnh của Đảng, tạo nên sự đồng thuận chung. Đây là những đánh giá rất quan trọng sẽ được tổng kết và đúc rút ở Hội nghị lần này.

PV: Hiện nay, có nhiều ý kiến lo ngại và đánh giá DNNN hoạt động kém hiệu quả, sự thành công bước đầu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có minh chứng cho điều ngược lại?

Ông Nguyễn Tiến Dũng: Tôi cho rằng có hai luồng ý kiến trái chiều chủ yếu, một là về vị trí, ý nghĩa của các DNNN, các TĐKT Nhà nước, thứ hai là về hiệu quả hoạt động của các DNNN. Một số người cho rằng DNNN có sự độc quyền, được Nhà nước bảo hộ. Qua tổng kết 10 năm của ngành Dầu khí, thì thấy vấn đề không phải như vậy. Petrovietnam chứng minh được là TĐKT Nhà nước mạnh nhất, là trụ cột của nền kinh tế, là công cụ điều tiết vĩ mô, đóng góp rất lớn cho ngân sách Nhà nước. Tốc độ tăng trưởng về quy mô vốn, về công nghệ, về nhân sự, về giải quyết công ăn việc làm, thực hiện an sinh xã hội, bảo vệ an ninh quốc gia trên biển của Petrovietnam đã minh chứng cho sức mạnh to lớn và ý nghĩa, vai trò của một TĐKT Nhà nước. Nếu không có những DNNN mạnh thì nền kinh tế của Việt Nam sẽ ra sao khi khủng hoảng kinh tế diễn ra. Thành công của Petrovietnam chứng minh được điều đó và nhiều TĐKT khác cũng đóng góp thành công và rất có ý nghĩa trong những lĩnh vực của mình.

Theo tôi, đánh giá hiệu quả của DNNN phải nhìn một cách tổng thể, nếu như các doanh nghiệp tư nhân và các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác (không phải DNNN) thì hoạt động của họ chủ yếu vì lợi nhuận, họ không phải thực hiện các nhiệm vụ chính trị xã hội khác thì đương nhiên phải đánh giá khác. Việc đánh giá hiệu quả của DNNN, TĐKT Nhà nước cần phải đánh giá tổng thể, đồng bộ trên tất cả các mặt.

Riêng về Petrovietnam, tôi khẳng định Petrovietnam là Tập đoàn hoạt động có hiệu quả. Doanh thu, quy mô vốn tăng rất nhiều lần, việc bảo toàn vốn và phát triển vốn rất tốt sau 10 năm hoạt động và phát triển theo mô hình Tập đoàn. Tỉ suất lợi nhuận là đảm bảo mặc dù đầu tư rất lớn, tốc độ tăng vốn cao, tỉ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu vẫn cao trên 10%, đóng góp tỉ lệ lớn cho ngân sách Nhà nước. Hệ số tỉ lệ vay nợ/vốn chủ sở hữu của Tập đoàn cho đến hết 2010 vẫn chưa vượt trên 50%, như vậy vẫn là rất an toàn, trong khi Bộ Tài chính quy định đối với DNNN, hệ số vay nợ/vốn chủ sở hữu không vượt quá 300%. Như vậy, nhìn vào Petrovietnam dù là đơn thuần về các chỉ tiêu kinh tế, hay tổng thể đều có thể thấy sự hoạt động hiệu quả. Petrovietnam là TĐKT đa ngành, đa sở hữu, là đầu tàu dẫn dắt các doanh nghiệp khác cùng phát triển, không có gì là độc quyền.

PV: Tuy nhiên khó có thể phủ nhận một thực tế là khá nhiều DNNN không oan ức gì khi bị dư luận xã hội chỉ trích, thưa ông?

Ông Nguyễn Tiến Dũng: Một số DNNN hoạt động còn chưa hiệu quả bởi họ còn nặng về mô hình quản lý hành chính bao cấp, ỷ lại vào Nhà nước. Chất lượng lao động kém, năng suất thấp. Một số doanh nghiệp tái cấu trúc chậm, không kịp thời. Yếu tố thứ hai là sự kiểm soát, quản lý của Nhà nước với các DNNN, các TĐKT còn nhiều bất cập, chưa chặt chẽ nên chỗ nọ chỗ kia còn có vấn đề. Chính điều đó tạo ra dư luận xã hội. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, suy thoái, lạm phát cao, không chỉ DNNN mà một loạt các công ty cổ phần phá sản hoặc thua lỗ, chúng ta lại không nói, lại coi đó là do khách quan. Như vậy là thiếu công bằng trong đánh giá, là cái nhìn một chiều về các hiện tượng kinh tế. Trong bối cảnh doanh nghiệp đang đầu tư, đang phát triển, đang làm rất nhiều các nghĩa vụ xã hội khác mà chưa tách bạch được thì việc chỉ xem xét một vài chỉ tiêu cụ thể về hiệu quả kinh tế nào đó để đánh giá, đó là đánh giá phiến diện. Cần phải nhìn nhận và đánh giá đối với DNNN và các TĐKT một cách khách quan và công bằng hơn.

PV: Được biết, Petrovietnam có khá nhiều doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán. Giai đoạn hiện nay, thị trường chứng khoán đang đi xuống, theo ông điều này sẽ ảnh hưởng thế nào đến tiến trình CPH và khả năng huy động vốn của các doanh nghiệp dầu khí? Ông cho rằng đây là thách thức hay cơ hội?

Ông Nguyễn Tiến Dũng: Hiện nay, thị trường chứng khoán rơi vào tình trạng rất khó khăn, cổ phiếu của các doanh nghiệp xuống rất thấp, không hoàn toàn thể hiện kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của họ. Ví dụ như rất nhiều doanh nghiệp dầu khí hoạt động tốt, cổ tức rất cao…, nhưng cổ phiếu vẫn xuống. Thị trường chứng khoán như vậy đương nhiên là ảnh hưởng rất lớn tới mọi mặt hoạt động của Tập đoàn liên quan đến vấn đề vốn, tài chính, giá nhân công, đến vấn đề tìm cổ đông chiến lược nước ngoài. Bối cảnh thị trường như vậy thì không ai dám đầu tư, tái cơ cấu cũng khó khăn, bán không ai mua, vì vậy ảnh hưởng lớn là chuyện đương nhiên. Chỉ có điều, vấn đề thị trường chứng khoán không phải là vấn đề của riêng dầu khí mà là của cả nền kinh tế. Theo tôi, doanh nghiệp lúc này phải biết chủ động đề ra những giải pháp vượt qua khó khăn, không được quá nóng lòng, vội vã và có những dự đoán hấp tấp, nếu không sẽ rất nguy hiểm… Đây là thời kỳ đòi hỏi sự bình tĩnh. Song song với đó vẫn tập trung tái cấu trúc, tận dụng thời cơ lắng đọng của thị trường để sửa chữa những thiếu sót, nâng chất lượng của mình lên để khi thị trường phục hồi lại thì mình là người bật lên đầu tiên. Ai biết tái cơ cấu lúc này, biết chuẩn bị lực lượng cho thời gian sau thì người đó sẽ thắng cuộc. Tuyệt đối không nên loay hoay nghĩ cách chống đỡ.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

Ngân Hà (thực hiện)

DMCA.com Protection Status