Phân bón không chịu thuế VAT: Thiệt hại đủ bề!

05:40 | 10/08/2023

4,845 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Khi phân bón không chịu thuế VAT như Luật 71/2014/QH13 hiện tại, doanh nghiệp thì bị “bóp nghẹt” ngay trên sân nhà, ngành phân bón trong nước có nguy cơ “đi thụt lùi” vì mất sức cạnh tranh với phân bón ngoại; nông dân thì phải mua phân bón với giá cao hơn... Nhìn chung, thiệt hại đủ bề!

Người nông dân phải mua phân bón với giá cao hơn 5-8%

Luật 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) đã đưa phân bón từ diện chịu thuế VAT 5% sang diện không chịu thuế VAT với mong muốn giảm giá hỗ trợ người nông dân sản xuất.

Về mặt lý thuyết, khi bỏ 5% VAT thì giá phân bón sẽ giảm tương ứng do đây là phần thuế đánh trực tiếp vào người tiêu dùng cuối, người nông dân. Tuy nhiên, một vấn đề khác phát sinh là khi không có VAT phân bón đầu ra thì phần VAT đầu vào (thiết bị máy móc, nguyên liệu sản xuất...) của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón sẽ không được khấu trừ. Để đảm bảo hiệu quả hoạt động, doanh nghiệp phải đưa phần thuế không được khấu trừ này vào phần chi phí sản xuất, từ đó khiến giá sản phẩm tăng lên, ước khoảng 5-8% so với thông thường.

Phân bón không chịu thuế VAT: Thiệt hại đủ bề!
Khi không chịu thuế VAT, giá phân bón không giảm mà còn tăng, ảnh hưởng trục tiếp đến người nông dân: Ảnh minh họa

Như vậy, thực tế khi không chịu thuế VAT, giá phân bón không giảm mà còn tăng! Mức tăng lên này càng ảnh hưởng mạnh mẽ đến người nông dân vào những đợt thị trường sốt giá, điển hình như năm 2022 vừa qua, đến mức khiến người nông dân phải thu hẹp diện tích sản xuất hoặc bỏ vụ!

Cộng thêm với giai đoạn gần đây, các phần chi phí khác trong sản xuất nông nghiệp như nhân công, thuốc bảo vệ thực vật... đều tăng cao so với thời điểm vài năm trước; giá nông sản thì “nhảy múa” liên hồi, thường xuyên trong tình trạng được mùa thì mất giá... khiến người nông dân càng thêm khó khăn.

Do đó có thể thấy, chính sách thuế VAT phân bón trong Luật 71 hiện hành đang đi ngược lại mục tiêu ban đầu.

Ngành sản xuất phân bón trong nước bị... “bóp nghẹt”

Chính sách không đánh thuế VAT đối với mặt hàng phân bón ở tất cả các khâu: nhập khẩu, sản xuất, bán buôn, bán lẻ đến tay người tiêu dùng như Luật 71 hiện tại đã và đang trở thành… "ngược đãi" với doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước.

Thứ nhất, họ gặp khó khăn do không được khấu trừ thuế VAT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho hoạt động sản xuất phân bón, cũng như đầu tư mở rộng sản xuất, trang bị công nghệ, máy móc thiết bị mới. Và đối với phần thuế VAT đầu vào này, doanh nghiệp phải tính vào chi phí sản xuất, khiến giá thành tăng, tiêu thụ giảm, tồn kho tăng dẫn đến lợi nhuận giảm.

Phân bón không chịu thuế VAT: Thiệt hại đủ bề!
Không áp thuế VAT phân bón, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong nước mất lợi thế cạnh tranh về giá so với hàng nhập ngoại

Thứ hai, chính sách thuế VAT phân bón như Luật 71 gây bất bình đẳng trong cạnh tranh giữa hàng sản xuất trong nước với hàng hóa nhập khẩu, mà phần thua thiệt ở về phía hàng nội địa. Lý do là khi xuất khẩu, doanh nghiệp nước ngoài được hoàn toàn bộ thuế VAT đầu vào, đồng thời khi nhập khẩu vào Việt Nam cũng không phải nộp thuế VAT, do vậy họ có thể hạ giá bán để cạnh tranh trực tiếp với phân bón nội địa.

Rõ ràng trong cuộc cạnh tranh này, phân bón Việt không có lợi thế do chính sách thuế VAT bất hợp lý nêu trên!

Các doanh nghiệp sản xuất phân bón đang trong tình trạng bị “bóp nghẹt”, lâu dần chính sách thuế bất cập có nguy cơ khiến họ phải thu hẹp quy mô sản xuất, đẩy ngành phân bón Việt “đi thụt lùi”. Bởi về dài hạn, nếu không có sự thay đổi về chính sách thuế, các doanh nghiệp buộc phải thay đổi chiến lược kinh doanh. Để tồn tại, một cách đơn giản nhất là họ nhập khẩu phân bón về bán dựa trên thế mạnh của mình về hệ thống phân phối!

Thật ra đây đã là tình trạng báo động từ sau khi chính sách thuế VAT theo Luật 71 có hiệu lực. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, lượng phân bón nhập khẩu các loại năm 2014, tức thời điểm trước khi Luật 71/2014/QH13 được áp dụng chỉ là 3,7 triệu tấn, nhưng đến năm 2017 đã lên tới hơn 5,6 triệu tấn, tăng gần 2 triệu tấn, riêng urê tăng gần 2,5 lần. Trong những năm gần đây, con số này liên tục tăng cao.

Phân bón không chịu thuế VAT: Thiệt hại đủ bề!
Lượng phân bón nhập khẩu ngày càng tăng mạnh, có lợi thế cạnh tranh về giá hơn do không chịu thuế VAT. Ảnh minh hoạ

Nguyên nhân là ở hầu hết các nước sản xuất phân bón lớn có lợi thế về nguồn nguyên liệu giá rẻ, có các chính sách ưu đãi, nên giá phân bón thấp. Do vậy khi được nhập khẩu, phân bón này có giá cạnh tranh hơn hàng chất lượng cao sản xuất trong nước.

Song đáng lo ngại hơn hết là có cả các doanh nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu cũng đều được hậu thuẫn để chen chân vào thị trường Việt Nam. Và cuối cùng thì nông nghiệp và môi trường đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng do các loại phân bón này.

Nông nghiệp, nông dân được lợi gì khi phân bón chịu thuế VAT 5%?

Khi đưa phân bón vào diện chịu thuế 5% như trước thời điểm Luật 71 thì giá phân bón liệu có giảm? Nông dân có được hưởng lợi hay không? Đây cũng là câu hỏi còn nhiều băn khoăn trước các đề xuất, kiến nghị sửa đổi Luật 71?

Câu trả lời được các chuyên gia, doanh nghiệp đưa ra rằng, khi phân bón chịu thuế VAT 5%, người nông dân chắc chắn sẽ được hưởng lợi lâu dài.

Phân bón không chịu thuế VAT: Thiệt hại đủ bề!
Khi phân bón chịu thuế VAT 5%, người nông dân chắc chắn sẽ được hưởng lợi lâu dài. Ảnh: Mô hình trình diễn sử dụng Phân bón Phú Mỹ

Thứ nhất, khi áp thuế VAT phân bón với thuế suất 5%, thì khoản thuế VAT đầu ra này thấp hơn khoản thuế VAT đầu vào với thuế suất 10%, tức là doanh nghiệp sẽ được hoàn một phần thuế VAT đầu vào đã nộp, nhờ đó giảm giá thành sản xuất, từ đó giảm giá bán tới nông dân so với hiện nay.

Thứ hai, khi sản xuất kinh doanh hiệu quả và khi thuế VAT đầu vào được khấu trừ, thậm chí được hoàn thuế, thì doanh nghiệp sẽ mạnh dạn đầu tư công nghệ hiện đại, mở rộng sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Tất cả những điều này đều giúp phục vụ cho nông nghiệp, nông dân tốt hơn.

Những năm qua, Chính phủ có chủ trương khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất phân bón chất lượng cao trong nước nhằm mục tiêu chủ động nguồn phân bón phục vụ nông nghiệp, giảm dần phân bón nhập khẩu. Đây là một trong những chủ trương quan trọng giúp Chính phủ điều tiết cung cầu khi thị trường phân bón có biến động. Tuy nhiên, chính sách thuế VAT theo Luật 71/2014/QH13 đã và đang cho thấy những bất cập, gây ra những thiệt hại và đi ngược lại với chủ trương ban đầu.

Do đó hơn lúc nào hết, những bất cập đó rất cần nhanh chóng được sửa đổi để tạo điều kiện cho nền nông nghiệp, nông dân và ngành sản xuất phân bón trong nước phát triển bền vững!

Doanh nghiệp phân bón mong chờ Doanh nghiệp phân bón mong chờ "gánh thuế VAT", thay đổi Luật thuế 71
Bao giờ sửa Luật thuế GTGT về phân bón để nông dân và doanh nghiệp được nhờ? Bao giờ sửa Luật thuế GTGT về phân bón để nông dân và doanh nghiệp được nhờ?
Đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT:  Ích nước, lợi dân! Đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT: Ích nước, lợi dân!
Kỳ lạ chuyện một doanh nghiệp chỉ mong được... tăng thuế! Kỳ lạ chuyện một doanh nghiệp chỉ mong được... tăng thuế!
Phân bón Việt lao đao vì chịu “tác động kép” Phân bón Việt lao đao vì chịu “tác động kép”
Phân bón Dầu khí tiếp tục kiến nghị xin được chịu thuế VAT Phân bón Dầu khí tiếp tục kiến nghị xin được chịu thuế VAT

Lê Trúc

DMCA.com Protection Status