PV Shipyard – Người lĩnh ấn tiên phong

12:02 | 06/12/2015

4,348 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Ngày 5/12/2015, Dự án Tam Đảo 05 – giàn khoan tự nâng 120m nước lớn nhất Việt Nam do Công ty Cổ phần Chế tạo giàn khoan Dầu khí (PV Shipyard) làm tổng thầu đang tiến hành những bước cuối cùng của công tác hạ thủy – một cột mốc quan trọng khẳng định dự án đã hoàn thành 75% tiến độ theo đúng kế hoạch đã đề ra. Và với việc chế tạo thành công giàn khoan tự nâng Tam Đảo 03, nay thêm Tam Đảo 05, PV Shipyard đã xứng đáng là người “lĩnh ấn tiên phong” trong việc xây dựng một ngành công nghiệp chế tạo giàn khoan dầu khí.

Ra đời vào năm 2007, nhằm thực hiện chủ trương phát triển lớn mạnh ngành cơ khí chế tạo giàn khoan dầu khí tại Việt Nam, PV Shipyard qua việc chế tạo thành công Dự án giàn khoan tự nâng 90m nước đầu tiên ở Việt Nam (Tam Đảo 03) đã bước đầu hoàn thành nhiệm vụ mà Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) giao phó. Đến nay, với Dự án Tam Đảo 05 đang dần về đích, PV Shipyard đã một lần nữa khẳng định chủ trương đúng đắn của PVN trong việc chú trọng đầu tư phát triển ngành công nghiệp cơ khí chế tạo giàn khoan và công nghiệp phụ trợ vốn còn rất non trẻ ở Việt Nam.

Tuy nhiên, ở đâu có thành công, thì ở đó cũng xuất hiện thêm những hoài nghi xung quanh thành công ấy. Nhất là khi ở thời điểm hiện tại, PV Shipyard đang phải đối mặt với một số khó khăn về mặt tài chính cũng như quá trình tái cơ cấu sắp tới. Vì thế, gần đây cũng xuất hiện những thông tin rất không chính xác, cho rằng PVN đã quá ưu ái đối với PV Shipyard khi thông qua Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) khi đưa ra những gói cứu trợ hào phóng cho đơn vị này mà không cần tài sản đảm bảo, hoặc thông tin cho rằng việc chế tạo giàn khoan Tam Đảo 05 là “phi kinh tế”, là “mang thêm gánh nặng nợ nần”.

pv shipyard nguoi linh an tien phong
Trên công trường chế tạo giàn khoan Tam Đảo 05

Điều đáng nói là phóng viên viết các loại bài này, đăng tải trên một tờ báo điện tử chuyên về an ninh tiền tệ không hề có làm việc chính thức với lãnh đạo PV Shipyard để có được thông tin chính xác mà chủ yếu cóp nhặt tài liệu rồi từ đó viết suy diễn, thiếu tinh thần xây dựng.

Đối mặt với khó khăn tài chính, quá trình tái cơ cấu cũng như những hoài nghi về “sự ưu ái đặc biệt” mà PVN dành cho PV Shipyard, ông Lê Hưng – Tổng giám đốc PV Shipyard đã có buổi trao đổi thẳng thắn với phóng viên Năng lượng Mới về vấn đề này.

Về mặt tài chính, PV Shipyard không thể phủ nhận tình trạng khó khăn hiện tại, bởi những con số dư nợ hàng năm đều đã được công bố công khai trong bản cáo bạch của công ty. Nhưng nói rằng PV Shipyard được PVN ưu tiên cho vay không tài sản đảm bảo là hoàn toàn không chính xác. 

Đối với các khoản vay phục vụ cho dự án “Xây dựng căn cứ đóng mới và sửa chữa giàn khoan dầu khí”, thì rõ ràng, tài sản đảm bảo của PV Shipyard đối với PVcombank ở đây là những cơ sở vật chất hạ tầng, bến bãi được đầu tư, xây dựng dựa trên khoản vay đó. Tương tự đó là khoản vay từ PVcombank, Vietinbank và SHB dùng để phục vụ dự án Tam Đảo 05, công ty cũng đã phải đáp ứng đầy đủ điều kiện của các ngân hàng nêu trên để có được các khoản vay ngắn hạn với lãi suất hiện hành.

Trong quá trình thực hiện một dự án “khổng lồ” như Tam Đảo 05, nhu cầu sử dụng nguồn vốn lưu động để đáp ứng dòng tiền cho dự án là không thể tránh khỏi, nhất là đối với một đơn vị trẻ, đặc biệt đang khó khăn về tài chính như PV Shipyard. Vì vậy, trong khi cơ sở vật chất hiện có đã đang nằm trong diện “thế chấp” cho PV Combank, thì việc PV Shipyard phải “tự thân vận động” vay thêm nguồn vốn từ Vietinbank, SHB dựa theo giá trị thanh toán từng đợt trong hợp đồng ký với Vietsovpetro là điều bắt buộc. 

Quay trở lại với câu hỏi “niềm tin của PVN đối với PV Shipyard”. Là một đơn vị mới hình thành, tuổi đời non trẻ, như PV Shipyard nhưng lại có thể đảm đương trọng trách thực hiện một dự án tầm cỡ quốc gia mà PVN giao phó, đó có thể coi là bước nền tảng khởi đầu để PVN có thể hoàn toàn tự tin về quyết sách của mình. 

pv shipyard nguoi linh an tien phong
Triển khai công tác hạ thủy giàn Tam Đảo 05

Sau Tam Đảo 03, không thể phủ nhận PV Shipyard bắt đầu trở nên chật vật về mặt tài chính. Đối với một doanh nghiệp vừa mới ra đờichắc chắn sẽ gặp ít nhiều khó khăn trong cuộc chiến cạnh tranh thị trường chế tạo giàn khoan đang rất khốc liệt. Sau khi chế tạo thành công gian Tam Đảo 03, PV Shipyard đã phải chững lại một năm khi không tìm về được bất cứ hợp đồng lớn nào đủ để trang trải cho số nợ ban đầu. Thời điểm này, rõ ràng PVN đã rất vững tâm, vững tin khi tiếp tục hỗ trợ giúp PV Shipyard có thể vững bước tiếp tục phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao của mình.

Rõ ràng, đây là một chiến lược đầu tư dài hạn mà PVN dám chấp nhận rủi ro, nếu xét về mặt tài chính. Nhưng, nếu  không chấp nhận rủi ro, không quyết tâm đầu tư cho ngành công nghiệp này, thì biết bao giờ chúng ta mới có thể chế tạo được giàn khoan, trong khi nhu cầu giàn tự nâng ở Việt Nam là rất lớn. Vậy chả lẽ cứ đi thuê, đi mua…

Nhìn tổng thể quá trình phát triển của PV Shipyard, những cái “được” mà hai dự án Tam Đảo 03, Tam Đảo 05 mang lại, có lẽ chính những người trong cuộc mới thấu hiểu được. Có thể khẳng định một điều, các dự án này đều là tích lũy của nguồn tri thức, trí tuệ, sự trau dồi kỹ năng, kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ, kỹ sư PVShipyard trong suốt 8 năm phát triển. Đặc biệt là thành công của Tam Đảo 03 đã đặt nền móng hình thành và xây dựng ngành công nghiệp về thiết kế, chế tạo giàn khoan của Việt Nam; tạo bước đột phá quan trọng đối với ngành công nghiệp cơ khí chế tạo trong nước, tạo sự tự chủ về công nghệ, nâng cao năng lực của ngành cơ khí Việt Nam trong việc thiết kế, chế tạo các loại thiết bị phức tạp và công nghệ cao. Bên cạnh đó, đây còn là tiền đề phát triển cho ngành công nghiệp phụ trợ, hưởng ứng chủ trương nâng cao tỷ lệ nội địa hóa công trình của nhà nước Việt Nam, khi Tam Đảo 05 đã đạt tỷ lệ nội địa hóa lên đến 50%.

Cách đây ít ngày có một đoàn phóng viên đến làm việc với PV Shipyard. Họ cũng đặt vấn đề về “nâng cao tỷ lệ nội địa hóa” trong chế tạo giàn khoan, và thậm chí hiểu là “Việt Nam mình chế tạo được sắt thép, được nhiều vật liệu tốt… sao không dùng cho  chế tạo giàn khoan”. Lãnh đạo PV Shipyard đã phải giải thích mãi, mọi người mới hiểu  rằng, chế tạo giàn khoan, được thực hiện bởi quy trình công nghệ và nguyên vât liệu phải đảm bảo như… chế tạo máy bay. Không một Trung tâm đăng kiểm quốc tế nào dám cấp chứng nhận cho một giàn khoan mà khi họ chưa biết xuất xứ của từng con… bu lông. Mà từng con bu lông, từng con vít phải được chế tạo theo tiêu chuẩn đặc biệt, và được kiểm định bởi các Trung tâm có uy tín trên thế giới.

Từ Tam Đảo 03, những người thợ của PV Shipyard đã hoàn toàn đủ sức đảm đương các dự án lớn hơn trong việc chế tạo giàn khoan tự nâng và làm chủ được công nghệ chế tạo giàn khoan, điển hình là Tam Đảo 05 đến nay đã hoàn thành 75% dự án theo đúng tiến độ đã đề ra. Với những nỗ lực của mình, PV Shipyard có quyền tự tin hơn trong công tác nghiên cứu, triển khai đóng mới loại giàn khoan di dộng nửa nổi nửa chìm phức tạp và hiện đại nhất hiện nay để sẵn sàng đón nhận những thách thức mới từ các thị trường lớn hơn trong khu vực. 

Nhìn thấy rõ những thành tựu và cả những vướng mắc mà PV Shipyard đang phải đương đầu, PVN đã đề ra chủ trương tái cơ cấu PV Shipyard với các đơn vị cùng ngành khác để tập trung và sử dụng tối đa nguồn lực, cơ sở vật chất hiện có, mở rộng thị trường, nâng cao sức cạnh tranh đối với các nhà thầu quốc tế khác.

Bằng những kiến thức, bài học kinh nghiệm đã tích lũy được qua Dự án Tam Đảo 03 đầu tay và hiện tại là Dự án Tam Đảo 05; cùng với đội ngũ nhân lực đã có kinh nghiệm, đã được đào tạo và hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư chuyên sâu cho lĩnh vực đóng giàn khoan, tin rằng sau quá trình tái cơ cấu, PV Shipyard sẽ ngày một vươn lên mạnh mẽ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đủ sức cạnh tranh trên cả thị trường trong nước và quốc tế.  

Nguyên Phương

DMCA.com Protection Status