PVFCCo - Tiếp tục đổi mới để phát triển bền vững
PetroTimes: Ông đánh giá thế nào về kết quả sản xuất kinh doanh năm 2021 của PVFCCo trong một năm đầy biến động của thị trường phân bón do tác động của đại dịch Covid-19?
Ông Hoàng Trọng Dũng - Chủ tịch HĐQT PVFCCo |
Ông Hoàng Trọng Dũng: Năm 2021 là một năm biến động đặc biệt trên thị trường phân bón thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Sự đứt gãy chuỗi cung ứng, chi phí sản xuất, vận chuyển phân bón tăng cao, nguồn cung khan hiếm trong khi nhu cầu tăng nên giá phân bón thế giới tăng đột biến, điển hình như giá FOB urê từ khoảng 250 USD/tấn vào cuối năm 2020, có lúc đã tăng lên đến 1.000 USD/tấn.
Giá phân bón thế giới tăng mạnh kéo theo giá phân bón trong nước cũng tăng cao, tác động tích cực đến doanh thu, lợi nhuận của PVFCCo. Tuy nhiên, điều quan trọng là PVFCCo đã lên kịch bản, có sự chuẩn bị phòng, chống dịch rất tốt trước khi dịch Covid-19 bùng phát nghiêm trọng, chuẩn bị lực lượng làm việc “3 tại chỗ” để bảo đảm an toàn trong khu vực sản xuất, bảo đảm lực lượng làm việc tại các đơn vị phân phối... Do đó, Nhà máy Đạm Phú Mỹ đã thực hiện thành công bảo dưỡng tổng thể định kỳ, sản xuất an toàn, liên tục, đạt công suất tối đa; mức tiêu hao nguyên vật liệu, năng lượng cũng tốt hơn so với trước.
Một thuận lợi, hay đúng hơn là điểm mạnh nữa, là hệ thống phân phối, kho bãi của PVFCCo bao phủ khắp mọi miền đất nước, cùng với sự nỗ lực của toàn hệ thống nên việc đưa hàng hóa tới nơi tiêu thụ không bị gián đoạn trong đại dịch Covid-19. Ngoài ra, uy tín thương hiệu của Phân bón Phú Mỹ và việc tận dụng tốt cơ hội thị trường cũng đem đến lợi thế trong tiêu thụ sản phẩm.
Nhìn lại, yếu tố quan trọng nhất giúp PVFCCo đạt kết quả sản xuất kinh doanh năm 2021 vượt xa so với kế hoạch ban đầu là sự chuẩn bị tốt và nỗ lực rất lớn của CBCNV, đặc biệt là đội ngũ “3 tại chỗ” nhiều tháng ròng bám trụ, cống hiến cho PVFCCo.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công, PVFCCo vẫn còn đối mặt những khó khăn, thách thức và một số hạn chế cần phải tiếp tục khắc phục trong thời gian tới.
PVFCCo cán mốc sản xuất 150.000 tấn NPK Phú Mỹ năm 2021 trước 35 ngày |
PetroTimes: Theo ông, đâu là bài học kinh nghiệm của PVFCCo trong công tác quản trị để vượt qua khó khăn trong năm 2021?
Ông Hoàng Trọng Dũng: Trước tiên, cần nhấn mạnh rằng, tại PVFCCo, việc nhận định đúng đắn tình hình để vượt qua các khó khăn, thách thức không phải chỉ mới thực hiện trong năm 2021, mà PVFCCo đã có cả một quá trình phân tích, đánh giá từ nhiều năm trước.
Trong những năm gần đây, PVFCCo đối mặt với thách thức lớn nhất là nguồn khí, giá khí giá rẻ không còn nữa, kéo theo chi phí đầu vào sản xuất tăng. Ban lãnh đạo PVFCCo nhận định, Nhà máy Đạm Phú Mỹ đã bước sang giai đoạn “già cỗi” sau 18 năm vận hành, máy móc, thiết bị, hệ thống đến thời kỳ cần thay thế lớn để có thể vận hành an toàn, ổn định.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, PVFCCo cũng có những thuận lợi và cơ hội. Đó là nguồn nhân lực giàu kinh nghiệm, hệ thống quản trị hiệu quả, cơ sở vật chất, tài sản tốt có thể phát huy, tận dụng. Khả năng mở rộng thị trường kinh doanh và dịch vụ của PVFCCo còn khá lớn. PVFCCo có địa bàn hoạt động trải dài khắp cả nước, có quá trình lâu dài đầu tư nghiên cứu sản phẩm và dịch vụ mới, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp, hóa chất; có khả năng tiếp cận kịp thời với chuyển đổi số...
Do đó theo tôi, điểm nhấn về quản trị của PVFCCo là trong bối cảnh đặc thù của năm 2021, PVFCCo đã nhận diện kịp thời và chính xác về những thuận lợi và khó khăn, những cơ hội và thách thức, điểm mạnh và điểm yếu, mục tiêu và định hướng... Nhận diện như vậy, Đảng ủy PVFCCo tiếp tục lãnh đạo toàn PVFCCo quản trị biến động, thích ứng linh hoạt, an toàn trong tình hình mới và tiếp tục thực hiện phương châm “Đổi mới để phát triển bền vững”.
Trong thời gian tới, PVFCCo sẽ tiếp tục bồi đắp, làm sâu sắc, rõ nét hơn bản sắc văn hóa của mình |
Hệ thống phân phối, kho bãi của PVFCCo bao phủ khắp mọi miền đất nước, nên việc đưa hàng hóa tới nơi tiêu thụ không bị gián đoạn trong đại dịch Covid-19. Ngoài ra, uy tín thương hiệu của Phân bón Phú Mỹ và việc tận dụng tốt cơ hội thị trường cũng đem đến lợi thế trong tiêu thụ sản phẩm. |
PetroTimes: Giá phân bón tăng cao là cơ hội của PVFCCo, nhưng đằng sau đó là những thách thức rất lớn. Đơn cử như xu hướng sử dụng phân bón của nông dân đã có sự chuyển dịch từ phân vô cơ sang hữu cơ, nay sự chuyển dịch đó đang và sẽ tăng lên trước áp lực giá cả để giảm chi phí sản xuất. Ông nghĩ sao về điều này và phương hướng, giải pháp nào để PVFCCo phát triển bền vững trong tương lai?
Ông Hoàng Trọng Dũng: PVFCCo nhận diện rõ các khó khăn liên quan đến các biến động khách quan, đó là chuyển đổi năng lượng, thị trường cạnh tranh, kinh tế xanh, một số nhà sản xuất bên ngoài khu vực chuyển đổi mô hình nên sản phẩm có giá tốt hơn, cạnh tranh hơn... Tất cả những yếu tố đó đều sẽ tác động tới thị trường phân bón.
Để tồn tại và phát triển bền vững trong bối cảnh đó, PVFCCo đang cập nhật Chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035. Theo đó, chúng tôi định hướng phát triển PVFCCo theo 3 “trục sản phẩm” chính là phân bón; chuỗi các sản phẩm/dịch vụ liên quan đến phân bón/nông nghiệp và hóa chất. Chúng tôi đang hợp tác cùng đơn vị tư vấn và dự kiến sẽ sớm trình Chiến lược phát triển này tới Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và Đại hội đồng cổ đông trong phiên họp thường niên năm 2022.
Ngoài ra, PVFCCo cũng đã hoàn thiện đề án thành lập trung tâm nghiên cứu ứng dụng. Hy vọng vài năm nữa PVFCCo sẽ có trung tâm nghiên cứu ứng dụng phục vụ cho công tác nghiên cứu sản phẩm mới, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất, kinh doanh...
PVFCCo trao gần 20.000 phần quà “Xuân yêu thương - Tết sẻ chia” |
PetroTimes: Vấn đề tái cấu trúc đã và đang được các doanh nghiệp đặt ra như là giải pháp cơ bản để có thể phát triển bền vững trong giai đoạn nhiều khó khăn đan xen như hiện nay. Ông có thể cho biết việc tái cấu trúc được đặt ra thế nào và triển khai ra sao tại PVFCCo?
Ông Hoàng Trọng Dũng: Trên cơ sở nhận diện những khó khăn trong giai đoạn tới, PVFCCo có những giải pháp trong việc điều chỉnh hoạt động liên quan tới quản trị doanh nghiệp, như tăng cường phân cấp, phân quyền, giám sát, kiểm soát để tăng năng lực cạnh tranh, tiết giảm chi phí, nâng cao năng suất lao động, tạo tính chủ động cho các công ty con, cũng như quản lý, kiểm soát được việc đầu tư vốn. Ngoài ra, PVFCCo cũng xác định, trong những năm tới, do một số lợi thế không còn nên việc xây dựng chiến lược cạnh tranh, mở rộng các sản phẩm mới có tính đột phá cũng là một yêu cầu cấp bách đối với PVFCCo.
Thời gian qua, PVFCCo bám sát phương án tái cơ cấu được Petrovietnam thông qua để triển khai thực hiện và đã có được kết quả bước đầu, như sắp xếp, điều chỉnh, điều chuyển chức năng, nhiệm vụ và nhân sự các ban/văn phòng/đơn vị; chuyển địa điểm làm việc của 2 ban/bộ phận khối cơ quan tổng công ty từ TP HCM tới Nhà máy Đạm Phú Mỹ cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ...
PVFCCo đang triển khai rà soát, cải tiến chính sách tiền lương, lên phương án tái cấu trúc, thoái vốn tại công ty vùng miền, đổi mới mô hình kinh doanh...
PVFCCo đang cập nhật Chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035. Theo đó, PVFCCo định hướng phát triển theo 3 “trục sản phẩm” chính: Phân bón; chuỗi các sản phẩm/dịch vụ liên quan đến phân bón/nông nghiệp và hóa chất. |
PetroTimes: Sắp tới, văn hóa PVFCCo sẽ có những thay đổi như thế nào cho phù hợp với tình hình mới và làm gì để văn hóa PVFCCo thực sự đi vào thực tiễn hoạt động của PVFCCo, thưa ông?
Ông Hoàng Trọng Dũng: Trải qua 18 năm phát triển, văn hóa PVFCCo được vun đắp qua nhiều thời kỳ, có sự giao thoa, ảnh hưởng của văn hóa xã hội bên ngoài, của văn hóa nông nghiệp, nông thôn Việt Nam và đặc biệt là văn hóa Dầu khí - văn hóa “Người đi tìm lửa”. Do đó, PVFCCo hình thành được một nền tảng văn hóa cho riêng mình và phát triển mạnh từ năm 2010-2011. Các hệ giá trị, tầm nhìn, sứ mệnh từ đó đến nay được duy trì và phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là hệ giá trị cốt lõi “Chuyên nghiệp - Hiệu quả, Năng động - Sáng tạo, Trách nhiệm - Sẻ chia, Khát vọng - Vươn xa”. Dù quá trình hoạt động có lúc thăng lúc trầm nhưng PVFCCo đều đã vượt qua được những trở ngại nhờ duy trì và phát huy hệ thống giá trị văn hóa doanh nghiệp.
Trong năm qua, PVFCCo cũng triển khai rất tốt nhiều nội dung như văn hóa an toàn, mô hình 5S..., đặc biệt là văn hóa sẻ chia với rất nhiều chương trình an sinh xã hội ý nghĩa.
Trong thời gian tới, PVFCCo sẽ tiếp tục rà soát, bồi đắp những thành quả mà văn hóa PVFCCo đã đạt được thời gian qua, đồng thời làm sâu sắc, rõ nét hơn bản sắc văn hóa của mình; rà soát, cập nhật lại hệ giá trị cốt lõi cho phù hợp với tình hình mới và quá trình điều chỉnh chiến lược phát triển của PVFCCo; đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa, đặc biệt là văn hóa ứng xử, văn hóa làm việc trong môi trường chuyển đổi số, văn hóa chịu trách nhiệm và tự chủ hơn.
Theo quan điểm của tôi, văn hóa của mỗi cá nhân, đặc biệt là những người đứng đầu, từ quản lý cấp cao tới quản lý cấp trung, có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Họ phải gương mẫu, có tâm, có trí. “Tâm” là ý thức trong công việc, là tâm trong sáng trong mọi hoạt động, tâm vì mục tiêu xây dựng chung của tập thể. Có “trí” để cập nhật những kiến thức mới, phương thức quản lý, quản trị mới, cùng với nâng cao năng lực chuyên môn, năng lực quản lý, điều hành...
Trong năm 2022, PVFCCo sẽ tập trung mọi nguồn lực để vừa triển khai hiệu quả nhiệm vụ chính trị, vừa đưa văn hóa doanh nghiệp đi vào thực chất hơn nữa, mang lại hiệu quả cao trong hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó đưa PVFCCo tiếp tục phát triển ổn định, bền vững.
PetroTimes: Cảm ơn ông đã chia sẻ!
Trải qua 18 năm phát triển, văn hóa PVFCCo được vun đắp qua nhiều thời kỳ, có sự giao thoa, ảnh hưởng của văn hóa xã hội bên ngoài, của văn hóa nông nghiệp, nông thôn Việt Nam và đặc biệt là văn hóa Dầu khí - văn hóa “Người đi tìm lửa”. Do đó, PVFCCo hình thành được một nền tảng văn hóa cho riêng mình và phát triển mạnh từ năm 2010-2011. Các hệ giá trị, tầm nhìn, sứ mệnh từ đó đến nay được duy trì và phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là hệ giá trị cốt lõi “Chuyên nghiệp - Hiệu quả, Năng động - Sáng tạo, Trách nhiệm - Sẻ chia, Khát vọng - Vươn xa”. Dù quá trình hoạt động có lúc thăng lúc trầm nhưng PVFCCo đều đã vượt qua được những trở ngại nhờ duy trì và phát huy hệ thống giá trị văn hóa doanh nghiệp. |
Lê Trúc