PVN tập trung nguồn lực sau tái cấu trúc (Kỳ 2)

07:19 | 19/02/2016

2,963 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Cơ sở quan trọng cho việc xây dựng các chính sách, định hướng phát triển, tái cơ cấu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các đơn vị thành viên trong giai đoạn 2016-2020 là Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 23-7-2015 về Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam và chiến lược phát triển của Tập đoàn đến năm 2025, định hướng đến năm 2035.  
PVN tập trung nguồn lực sau tái cấu trúc (Kỳ 1)

Định hướng tái cơ cấu

Ngày 14-10-2015 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam và chiến lược phát triển của Tập đoàn đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 (Quyết định số 1748/QĐ- TTg và Quyết định số 1749/QĐ- TTg). Căn cứ vào Nghị quyết, kết luận và các văn bản chỉ đạo về tái cơ cấu doanh nghiệp của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các hướng dẫn có liên quan của các bộ, ngành, PVN đã định hướng tái cơ cấu giai đoạn 2016-2020 dựa trên kết quả tái cơ cấu, đặc biệt kết quả tái cơ cấu giai đoạn 2012-2015 cũng như kế hoạch, nhiệm vụ sản xuất kinh doanh giai đoạn 2016-2020 với những mục tiêu cơ bản.

pvn ta p trung nguo n lu c sau ta i ca u tru c tiep theo va het

Theo đó, PVN sẽ tái cơ cấu, tiếp tục đổi mới mô hình quản lý và tổ chức hoạt động để phát triển thành doanh nghiệp nòng cốt trong ngành Dầu khí, tối ưu hóa mô hình tăng trưởng, đóng vai trò chủ đạo, định hướng, dẫn dắt các thành phần kinh tế khác phát triển phù hợp với định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam, Chiến lược phát triển PVN đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035, Đề án tái cơ cấu ngành Dầu khí Việt Nam phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Xây dựng, củng cố, phát triển PVN và các đơn vị thành viên (đặc biệt là các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực chủ đạo, tạo thành chuỗi giá trị gia tăng của ngành Dầu khí) có tiềm lực mạnh về tài chính và khoa học công nghệ, có sức cạnh tranh cao, hoạt động hiệu quả và bền vững, chủ động tích cực hội nhập quốc tế; huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển PVN và ngành Dầu khí Việt Nam.

Nhằm khắc phục các tồn tại trong giai đoạn 2012-2015 và tiếp tục tái cơ cấu để phù hợp với sự phát triển trong tình hình mới, PVN đề ra những nội dung định hướng chính trong công tác tái cơ cấu PVN giai đoạn 2016-2020 bao gồm:

Theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, người đại diện phần vốn của PVN tại các đơn vị thành viên xây dựng kế hoạch, giải pháp trình PVN phê duyệt và triển khai thực hiện tái cơ cấu phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật, quy định, hướng dẫn, chỉ đạo của PVN.

Nội dung cơ bản cần tái cơ cấu

PVN sẽ tập trung vào các nội dung tái cơ cấu về lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh, tập trung phát triển các lĩnh vực kinh doanh chính là tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí, công nghiệp khí, công nghiệp điện, chế biến dầu khí, tồn trữ và phân phối các sản phẩm dầu khí, dịch vụ dầu khí chất lượng cao. Đẩy mạnh phát triển hóa dầu, chế biến sâu dầu, khí nhằm tăng thêm giá trị gia tăng và các sản phẩm mới (nguyên, nhiên, vật liệu) phục vụ sản xuất công nghiệp, nông nghiệp trong nước và xuất khẩu.

Về tổ chức quản lý, hoạt động, sẽ tiếp tục cải cách hành chính, hoàn thiện mô hình tổ chức quản lý và hoạt động, tăng cường sự phối hợp giữa các phòng, ban của Tập đoàn và người đại diện phần vốn của Tập đoàn tại các đơn vị; ứng dụng công nghệ thông tin, rút ngắn và nâng cao chất lượng xử lý công việc, giảm tối đa chi phí quản lý, chi phí gián tiếp; nâng cao năng suất lao động và tối ưu hóa chi phí. Chủ động tiến hành việc phá sản đối với các doanh nghiệp thua lỗ kéo dài, không có khả năng tái cơ cấu phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.

Về công tác cổ phần hoá, đa dạng hóa sở hữu, sẽ thực hiện cổ phần hóa Tổng Công ty Điện lực Dầu khí (PV Power), Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) và Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) theo quyết định và tiến độ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan để Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt phương án xử lý tồn tại của Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) làm cơ sở xây dựng phương án cổ phần hóa, đa dạng hóa sở hữu DQS. Thực hiện các công tác chuẩn bị cho việc cổ phần hóa PVEP giai đoạn sau 2020.

Tập đoàn tiếp tục thực hiện thoái vốn tại các đơn vị chưa thoái được trong giai đoạn 2012-2015 và thực hiện thoái vốn tại các đơn vị thuộc diện thoái vốn giai đoạn 2016-2020 sau khi kế hoạch tái cơ cấu PVN được cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với Công ty Mẹ - PVN và các đơn vị thành viên. Đặc biệt, tập trung thoái vốn tại các đơn vị không thuộc lĩnh vực kinh doanh chính, thoái vốn, cắt lỗ tại các đơn vị khó khăn, thua lỗ kéo dài, đẩy mạnh rà soát, thoái vốn tại các doanh nghiệp cấp III, cấp IV Tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ không thuộc lĩnh vực dầu khí chủ đạo.

Để có thể thực hiện thành công các nội dung trên, PVN sẽ tiếp tục hoàn thiện các quy trình, quy chế nội bộ. Ban hành, sửa đổi, hoàn thiện các quy định, quy trình, quy chế nhằm quản lý, kiểm soát chặt chẽ công tác huy động vốn, đầu tư mua sắm tài sản cố định, nợ phải thu, nợ phải trả, đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp, đầu tư ra nước ngoài, công khai minh bạch thông tin, giám sát nội bộ tại PVN... và quản lý phần vốn góp, người đại diện phần vốn của PVN tại các đơn vị thành viên phù hợp với quy định mới tại Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý và sử dụng vốn Nhà nước, Luật Đầu tư và các văn bản pháp luật có liên quan. Chỉ đạo người đại diện phần vốn của PVN tại các đơn vị thành viên ban hành, sửa đổi, hoàn thiện các quy định, quy trình, quy chế nội bộ phù hợp nhằm bảo toàn và phát triển vốn, đảm bảo PVN phát triển bền vững, phù hợp với các quy định hiện hành.

Bên cạnh đó, những công tác được Tập đoàn đặc biệt quan tâm chỉ đạo thực hiện là: Tăng cường xúc tiến đầu tư để thu hút các nguồn lực từ các cổ đông chiến lược, đặc biệt là các cổ đông chiến lược nước ngoài về khoa học công nghệ, vốn, kinh nghiệm quản lý hoặc góp phần đảm bảo nguyên liệu đầu vào và thị trường đầu ra. Lĩnh vực sẽ được đẩy mạnh xúc tiến đầu tư là chế biến dầu khí, công nghiệp điện, dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao.

PVN sẽ tăng cường vai trò điều phối, kiểm tra, giám sát việc thực hiện thu gọn đầu mối quản lý, giảm tối đa các chi phí gián tiếp, trung gian; tăng cường hợp tác giữa các đơn vị trong ngành trong việc sử dụng các nguồn lực sẵn có về nhân lực, vật tư phụ tùng dự trữ, cơ sở vật chất trang thiết bị hiện có… nhằm tăng cường hiệu suất sử dụng tài sản, lao động, giảm đầu tư mới, giảm giá thành sản phẩm; hạn chế thấp nhất cạnh tranh nội bộ. Đồng thời rà soát, hoàn chỉnh quy trình sản xuất, các định mức chi phí, định mức kinh tế kỹ thuật, tiêu hao vật tư… nhằm hạn chế lãng phí, tối ưu hóa chi phí, nâng cao hiệu quả; gắn việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ với các giải pháp tăng năng suất lao động và giảm chi phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh; ưu tiên đào tạo, bổ sung cho những khâu còn thiếu, xây dựng được đội ngũ chuyên gia trong các lĩnh vực mũi nhọn như xử lý, minh giải địa chấn, mô hình mỏ, khoan phi truyền thống, chế biến dầu khí, công nghiệp điện, dịch vụ dầu khí chất lượng cao; tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động sản xuất kinh doanh; nâng cao chất lượng công tác dự báo, ngăn ngừa và hạn chế rủi ro, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm bảo toàn, phát triển vốn và phát triển bền vững.

Nguyễn Tiến Dũng

Năng lượng Mới 498

DMCA.com Protection Status