Quy hoạch phát triển tổng thể các mỏ bể Cửu Long

08:17 | 21/10/2015

1,621 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Một đề tài nghiên cứu khoa học dầu khí quy mô lớn đã được các nhà quản lý, chuyên gia của Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) triển khai thực hiện trong suốt 4 năm qua, đến nay đã xuất sắc hoàn thành và có giá trị rất cao về khoa học, đó là đề tài“Nghiên cứu quy hoạch phát triển tổng thể các mỏ dầu khí bể Cửu Long trên cơ sở tối ưu hóa hệ thống công nghệ và thiết bị khai thác hiện hữu”.

Mục tiêu nhiệm vụ của đề tài

Hoạt động phát triển và khai thác các mỏ dầu khí tại bể Cửu Long đã được bắt đầu từ những năm 80 của thế kỷ trước bằng việc Liên doanh Dầu khí Vietsovpetro đưa mỏ Bạch Hổ vào khai thác.

Tiếp theo đó là những thành công từ các mỏ Rồng, Rạng Đông, Ruby, Sư Tử Đen, Sư Tử Vàng và gần đây là mỏ Tê Giác Trắng. Đến nay, tại bể Cửu Long hiện đang có một hệ thống cơ sở hạ tầng công trình biển và thiết bị xử lý dầu khí phục vụ khai thác đồ sộ. Tuy nhiên, phần lớn các mỏ đang khai thác hiện đã trải qua giai đoạn khai thác đỉnh và ở giai đoạn suy thoái sản lượng.

Bể Cửu Long hiện có một hệ thống cơ sở hạ tầng công trình biển và thiết bị xử lý dầu khí phục vụ khai thác bị dư thừa công suất trong khi còn nhiều phát hiện và cấu tạo tiềm năng trữ lượng thu hồi tương đối thấp hoặc không có hiệu quả kinh tế khi đầu tư phát triển độc lập.

Trên cơ sở các kết quả đã đạt được trong thực tế thăm dò và phát triển khai thác bể Cửu Long thời gian qua, PVEP đã nghiên cứu khả năng sử dụng công nghệ và hệ thống thiết bị sẵn có để kết nối các mỏ mới vào nhằm gia tăng hiệu quả sử dụng thiết bị và giảm chi phí, góp phần tối ưu hóa chi phí đầu tư và vận hành, gia tăng hiệu quả khai thác nhằm tận thu tối đa tài nguyên dầu khí trong bể Cửu Long.

Giải pháp phát triển kết nối các mỏ nhỏ vào hệ thống thiết bị sẵn có ở lân cận đã được triển khai áp dụng với mức độ an toàn và hiệu quả cao như: Giàn đầu giếng Cá Ngừ Vàng kết nối về giàn công nghệ trung tâm số 3 (CPP-3) mỏ Bạch Hổ năm 2008; các giàn nhẹ RC-04 và RC-DM thuộc mỏ Nam Rồng - Đồi Mồi kết nối về giàn RC-1 thuộc hệ thống thiết bị mỏ Rồng năm 2009; và các giàn đầu giếng mỏ Hải Sư Đen, Hải Sư Trắng kết nối về giàn H4-TGT thuộc hệ thống thiết bị khai thác mỏ Tê Giác Trắng năm 2013.

Các kết quả này là minh chứng rõ nét cho việc phương án phát triển kết nối phù hợp áp dụng cho các mỏ và cấu tạo tiềm năng dầu khí thuộc loại nhỏ, cận biên với mục tiêu mang lại hiệu quả kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh giá dầu thấp.

Nhiệm vụ nghiên cứu được đặt ra là: Đánh giá trữ lượng tại chỗ tiềm năng đã phát hiện, ước tính trữ lượng thu hồi của các tiềm năng và xây dựng biểu đồ sản lượng khai thác, đánh giá tình trạng hệ thống công nghệ và thiết bị hiện có; tính toán công suất còn dư và khả năng cho phép kết nối, xây dựng các phương án phát triển cho các mỏ và tiềm năng phù hợp với công nghệ hiện tại và công nghệ mới, khả thi với điều kiện bể Cửu Long; ước tính các loại chi phí đầu tư thiết bị, vận hành dự án, khoan giếng và thu dọn mỏ; xây dựng mô hình kinh tế, đánh giá hiệu quả kinh tế; phân tích, đánh giá và đề xuất quy hoạch phát triển và đề xuất, kiến nghị thay đổi điều khoản, điều kiện hợp đồng dầu khí đối với các cấu tạo cận biên và chưa khả thi về kinh tế.

Phạm vi nghiên cứu của đề tài đề cập đến các phát hiện chưa được đưa vào phát triển và các cấu tạo tiềm năng trong các lô, hợp đồng Dầu khí có sự tham gia của PVEP tại bể Cửu Long. Nghiên cứu ban đầu bao gồm 9 lô được lựa chọn là những lô dầu khí đã có hợp đồng nhưng chưa có hoạt động phát triển hoặc các lô chưa có hợp đồng. Tổng số đã có 42 cấu tạo được đưa vào nghiên cứu đánh giá.

Dựa trên kết quả đánh giá tổng thể về cơ sở hạ tầng hiện tại và tương lai gần, dự báo về sản lượng khai thác cũng như ước tính công suất xử lý dư của toàn bể Cửu Long hay từng cụm trung tâm xử lý chính, nhận thấy việc đưa các cấu tạo tiềm năng vào phát triển bằng cách kết nối về hệ thống thiết bị, trung tâm xử lý là hoàn toàn phù hợp và được đánh giá là phương án khả thi về kỹ thuật và triển vọng về hiệu quả kinh tế.

quy hoach phat trien tong the cac mo be cuu long
Mỏ Bạch Hổ trên bể Cửu Long

Ý nghĩa to lớn của đề án

Trên cơ sở các tiêu chí, công trình đã đưa ra phương án phát triển đề xuất cho từng trường hợp các cấu tạo, lô cụ thể. Một khối lượng công việc đánh giá rất lớn đã được thực hiện với kết quả là xác định được 65 phương án phát triển, trong đó có 32 phương án phát triển độc lập và 33 phương án phát triển kết nối cho 12 lô dầu khí với 47 cấu tạo thuộc bể Cửu Long.

Các đề xuất đều có hướng mở, đảm bảo khả năng hiệu chỉnh khi có số liệu hoặc yêu cầu mới (các phát hiện mới, trữ lượng cập nhật, thiết bị hoặc công nghệ mới) và phù hợp với thực tế. Công trình nghiên cứu đã thử nghiệm và đề xuất được quy trình đánh giá các dự án phát triển và khai thác mỏ dầu khí trên cơ sở định lượng từ trữ lượng dầu khí tại chỗ, lượng dầu thu hồi, lựa chọn phương án thiết bị, cho tới hiệu quả đầu tư tổng thể của dự án khi kết nối cũng như phát triển độc lập.

Công trình đã đề cập một cách toàn diện cả về nội dung và các vấn đề đặt ra đối với công tác quy hoạch phát triển mỏ trong giai đoạn 2014 - 2030. Cách giải quyết vấn đề mang tính khoa học, logic và đồng bộ góp phần cho định hướng phát triển khai thác các mỏ không chỉ ở bể Cửu Long mà trên toàn thềm lục địa Việt Nam.

Công trình nghiên cứu đã đạt được kết quả mang tính chiến lược, có thể sử dụng như cẩm nang áp dụng cũng như đào tạo cho lĩnh vực phát triển chung của công nghiệp khai thác dầu khí do nội dung đã bao trùm hầu hết các lĩnh vực từ tìm kiếm thăm dò, đánh giá trữ lượng, đánh giá hiện trạng thiết bị cho tới sửa đổi điều khoản hợp đồng, đánh giá đầu tư cũng như hiệu quả kinh tế từ dự án.

Đánh giá hiệu quả về khoa học và công nghệ, việc sử dụng công cụ toán ứng dụng và phần mềm máy tính chuyên dụng trong việc thống nhất một khối lượng lớn dữ liệu, thông tin đã làm cho kết quả nghiên cứu có độ tin cậy cao và rất có giá trị. Đặc biệt, phương pháp quy hoạch tuyến tính đã liên kết chặt chẽ với lý thuyết tối ưu hóa khi phân tích đánh giá thứ tự ưu tiên cũng như lộ trình thăm dò hoặc đưa các mỏ vào phát triển trên cơ sở lấy hệ thống thiết bị sẵn có. Nghiên cứu thủy lực dòng chảy nhiều pha (hỗn hợp dầu - khí - nước) lần đầu tiên được nhóm chuyên gia và kỹ sư người Việt Nam làm chủ kỹ thuật-công nghệ, sử dụng trong phân tích cũng như đánh giá một cách đồng bộ, đầy đủ nhằm lựa chọn phương án phát triển kết nối an toàn, hiệu quả cho toàn bộ thời gian của các dự án với lưu lượng không cao, tỷ lệ hỗn hợp thay đổi mạnh, đặc biệt là khí đồng hành và nước.

Một số công nghệ mới thuộc lĩnh vực phát triển và khai thác dầu khí đã được nghiên cứu đánh giá chi tiết về khả năng áp dụng có hiệu quả cho bể Cửu Long như: Giàn MOPU (Mobile offshore Production Unit) với mục đích chuyên sử dụng cho các mỏ cận biên - khai thác sớm; Wellhead Support Frame sử dụng với MOPU được thiết kế tối giản với chỉ hệ thống đầu giếng, sản phẩm từ các đầu giếng được chuyển trực tiếp lên trung tâm công nghệ tại MOPU để xử lý; Giàn khai thác và xử lý kết cấu nhẹ (Lightweight Wellhead Production Platform) được thiết kế về cơ bản tương tự như giàn khai thác không người thông thường, tuy nhiên có thêm các module xử lý dầu khí.

Kết quả của đề tài đã cho thấy thực trạng hệ thống thiết bị công trình biển ở bể Cửu Long và đánh giá tính khả thi của việc đưa các mỏ, các cấu tạo cận biên vào khai thác với những định hướng rõ ràng cả về kỹ thuật và tính kinh tế theo một sơ đồ và lộ trình tổng thể.

Ý nghĩa to lớn về kinh tế - xã hội của đề tài là khuyến khích đầu tư phát triển hầu hết các mỏ dầu khí ở bể Cửu Long, mang lại nguồn thu từ tài nguyên dầu khí cho đất nước.

 

Nguyễn Tiến Dũng

Năng lượng Mới 467

DMCA.com Protection Status