Quyết định cắt giảm của OPEC+ sẽ đẩy giá dầu tăng tới mức nào?

06:27 | 05/04/2023

6,339 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Các nhà phân tích và thương nhân cho biết quyết định bất ngờ cắt giảm thêm đối với các mục tiêu khai thác dầu của nhóm OPEC+ có thể đẩy giá dầu lên tới 100 USD/thùng, tạo tiền đề cho một cuộc đụng độ khác với phương Tây, khu vực đang vật lộn với lãi suất cao.
Quyết định cắt giảm của OPEC+ sẽ đẩy giá dầu tăng tới mức nào?

Động thái này thể hiện sự thống nhất của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh (OPEC+), bất chấp áp lực từ phía Washington đối với các đồng minh vùng Vịnh nhằm làm suy yếu mối quan hệ của nhóm này với Moscow, đồng thời làm suy yếu các nỗ lực của phương Tây nhằm hạn chế doanh thu từ dầu mỏ của Nga.

Giá dầu đã tăng hơn 6% vào thứ Hai (3/4) sau khi Nga và OPEC+ tuyên bố tiếp tục cắt giảm khoảng 1,16 triệu thùng mỗi ngày kể từ tháng 5 cho đến hết năm nay.

Các cam kết trên sẽ nâng tổng khối lượng cắt giảm của nhóm OPEC+ kể từ tháng 11/2022 lên 3,66 triệu thùng/ngày, theo tính toán của Reuters, tương đương 3,7% nhu cầu toàn cầu.

OPEC+ dự kiến sẽ duy trì sản lượng dầu ổn định trong năm nay, sau khi đã cắt giảm 2 triệu thùng/ngày vào tháng 11/2022.

Ả Rập Xê-út cho biết việc cắt giảm sản lượng tự nguyện là một biện pháp phòng ngừa nhằm hỗ trợ sự ổn định của thị trường.

Hôm thứ Hai vừa qua, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết sự can thiệp vào thị trường là một trong những lý do đằng sau dẫn đến quyết định cắt giảm.

“Đợt cắt giảm mới xác nhận rằng nhóm OPEC+ vẫn còn đông đủ và Nga vẫn là một phần không thể thiếu và quan trọng của nhóm”, nhà phân tích Bjarne Schieldrop của SEB cho biết.

Rystad Energy tin rằng việc cắt giảm sẽ góp phần thắt chặt thị trường dầu mỏ và nâng giá lên trên 100 USD/thùng trong thời gian còn lại của năm, điều này có thể đưa dầu Brent đạt tới ngưỡng 110 USD vào mùa hè này.

UBS cũng dự đoán giá dầu Brent sẽ đạt mức 100 USD/thùng vào tháng 6 tới, trong khi Goldman Sachs nâng dự báo tháng 12 thêm 5 USD, lên 95 USD/thùng.

Goldman Sachs cho biết các đợt xả kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (RSP) tại Mỹ và Pháp, do các cuộc đình công đang diễn ra, cũng như việc Washington từ chối bơm dầu trở lại kho RSP trong năm tài chính 2023, có thể đã thúc đẩy hành động của OPEC+.

Giá dầu tăng có thể sẽ khiến doanh thu của Moscow tăng để tài trợ cho cuộc chiến tốn kém ở Ukraine, điều làm mối quan hệ giữa Ả Rập Xê-út và Mỹ ngày càng xa cách, ông Schieldrop cho biết.

“Chính quyền Mỹ cũng có thể lập luận rằng giá dầu cao hơn sẽ cản trở nỗ lực dập tắt ngọn lửa lạm phát ở nước này”, ông nói thêm.

Một lãnh đạo tại nhà máy lọc dầu Hàn Quốc cho biết quyết định cắt giảm là “tin xấu” đối với những người mua dầu và OPEC đang tìm cách “bảo vệ lợi nhuận của họ” trước những lo ngại về nền kinh tế toàn cầu đang suy thoái.

Việc cắt giảm nguồn cung sẽ đẩy giá dầu lên cao khi các nền kinh tế suy yếu làm giảm nhu cầu và giá nhiên liệu, làm giảm lợi nhuận của các nhà máy lọc dầu, lãnh đạo nhà máy lọc dầu của Hàn Quốc và một thương nhân Trung Quốc cho biết. Cả hai đều từ chối tiết lộ danh tính.

Ông Takayuki Honma, nhà kinh tế trưởng tại công ty Sumitomo Corporation Global Research, cho biết nguồn cung của OPEC+ thắt chặt hơn cũng sẽ tác động tiêu cực đến Nhật Bản, vì nó có thể thúc đẩy lạm phát và làm suy yếu nền kinh tế nước này.

“Các nước khai thác rõ ràng muốn thấy giá dầu tăng lên 90-100 USD/thùng, nhưng giá dầu cao hơn cũng đồng nghĩa với nguy cơ suy thoái kinh tế cao hơn và khiến nhu cầu chậm lại”, ông cho biết thêm.

Tuy nhiên, lượng mua hàng của Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới, dự kiến sẽ đạt mức cao kỷ lục vào năm 2023 khi nước này phục hồi sau đại dịch Covid-19, trong khi mức tiêu thụ của Ấn Độ, nhà nhập khẩu lớn thứ 3 thế giới, vẫn tăng mạnh, các thương nhân cho biết.

Giá tăng và nguồn cung dầu thô từ Trung Đông giảm có thể thúc đẩy Trung Quốc và Ấn Độ mua thêm dầu của Nga, làm tăng doanh thu của Moscow, một lãnh đạo giấu tên tại nhà máy lọc dầu của Ấn Độ cho biết.

Giá dầu Brent tăng có thể đẩy Urals và các sản phẩm dầu mỏ khác của Nga lên mức giá cao hơn mức trần do Nhóm G7 đặt ra nhằm hạn chế doanh thu từ dầu mỏ của Moscow.

Nguồn cung thay thế

Các nhà máy lọc dầu ở Nhật Bản và Hàn Quốc cho biết họ không có kế hoạch mua dầu của Nga do những lo ngại về địa chính trị và có thể tìm kiếm các nguồn cung thay thế từ châu Phi và châu Mỹ Latinh.

“Nhật Bản có thể tìm cách nhận thêm nguồn cung từ Mỹ, nhưng việc vận chuyển dầu của Mỹ qua Kênh đào Panama rất tốn kém”, ông Honma của Tập đoàn Sumitomo cho biết.

Các nhà giao dịch cũng đang chờ phản hồi từ phía Mỹ, quốc gia cho rằng quyết định của OPEC+ là không đúng lúc.

“Về bản chất, mục đích của việc cắt giảm sản lượng lớn và bất ngờ này chủ yếu là để giành lại quyền định giá trên thị trường”, thương nhân Trung Quốc cho biết.

Giá dầu tăng bất ngờ do OPEC+ có tuyên bố gây sốc về sản lượngGiá dầu tăng bất ngờ do OPEC+ có tuyên bố gây sốc về sản lượng
Vì sao OPEC+ và Nga đồng loạt cắt giảm sản lượng dầu mỏ?Vì sao OPEC+ và Nga đồng loạt cắt giảm sản lượng dầu mỏ?
OPEC+ cắt giảm sản lượng tác động đến các công ty lọc dầu và nguồn cung cho châu ÁOPEC+ cắt giảm sản lượng tác động đến các công ty lọc dầu và nguồn cung cho châu Á

Nh.Thạch

AFP

DMCA.com Protection Status