SARS-CoV-2 biến chủng liên tục, cuộc chiến chống dịch toàn cầu gặp khó

14:16 | 09/08/2021

7,769 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Thế giới đang gồng mình đối phó biến chủng Delta giữa những lo ngại các biến chủng mới có thể nguy hiểm hơn sẽ xuất hiện nếu người dân chần chừ tiêm chủng.
SARS-CoV-2 biến chủng liên tục, cuộc chiến chống dịch toàn cầu gặp khó - 1
Biến chủng Delta hiện đã lan ra ít nhất 132 quốc gia, vùng lãnh thổ (Ảnh minh họa: Reuters).

Lãnh đạo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 8/8 cho biết đang xem xét đặt tên các biến chủng của virus SARS-CoV-2 theo tên các chòm sao vì sắp tới có thể xuất hiện thêm nhiều biến chủng nữa vượt ra ngoài 24 chữ cái alphabet đang sử dụng. Giới chuyên gia cảnh báo, virus SARS-CoV-2 liên tục biến chủng, trong đó có những đột biến làm tăng khả năng lây lan hoặc phá vỡ miễn dịch có được nhờ vắc xin.

Hiện nay các nhà khoa học chủ yếu quan tâm đến biến chủng Delta, nhưng cũng thận trọng theo dõi các biến chủng khác của SARS-CoV-2.

Delta và Delta Plus

Delta được phát hiện lần đầu tại Ấn Độ hồi đầu năm nay và là một trong 4 biến chủng thuộc nhóm "đáng lo ngại" theo đánh giá của WHO cùng với Alpha, Beta, Gamma do có thể dễ lây lan hơn, dễ gây bệnh nặng hơn và giảm hiệu quả của vắc xin hoặc các phương pháp điều trị.

Delta có thể coi là biến chủng đáng lo ngại nhất từ trước đến nay của virus SARS-CoV-2. Nó tấn công mạnh vào nhóm dân số chưa tiêm chủng và được chứng minh là có khả năng lây nhiễm cho người đã tiêm chủng cao hơn so với các chủng trước đó.

Theo chuyên gia về virus Shane Crotty tại Viện miễn dịch La Jolla ở San Diego, Mỹ, đặc tính đáng lo ngại nhất của Delta là khả năng lây lan. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc chỉ ra, một người nhiễm Delta mang tải lượng virus ở mũi gấp 1.260 lần so với ở người nhiễm chủng gốc SARS-CoV-2. Một số nghiên cứu của Mỹ cũng cho thấy, lượng virus ở người đã tiêm chủng nhưng nhiễm Delta cũng tương đương ở người chưa tiêm chủng. Tuy nhiên, vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu nữa để xác định mức độ đáng lo ngại thực sự của Delta.

Trong khi chủng ban đầu của SARS-CoV-2 có thời gian ủ bệnh khoảng 7 ngày và sau đó người bệnh mới xuất hiện triệu chứng thì Delta có thể gây ra triệu chứng nhanh hơn 2-3 ngày, khiến hệ thống miễn dịch có ít thời gian để phản ứng và thiết lập bảo vệ cho cơ thể người bệnh.

Delta dường như cũng biến chủng nhanh hơn, minh chứng là biến chủng Delta Plus mang thêm đột biến cho phép virus né miễn dịch đã xuất hiện ở ít nhất 32 nước.

Ấn Độ đã liệt kê Delta Plus vào nhóm "đáng lo ngại" hồi tháng 6, nhưng Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ và WHO đều chưa có đánh giá tương tự. Giới chuyên gia nói rằng, hiện chưa thể xác định Delta Plus có nguy hiểm hơn hay không.

"Các biến thể trong tương lai thậm chí có thể dễ lây truyền hơn biến thể Delta. Điều này sẽ thật tồi tệ. Đến nay, Delta được xem là biến thể mạnh nhất. Virus SARS-CoV-2 vẫn sẽ tiếp tục biến đổi. Cuộc chiến chống đại dịch của chúng ta vẫn chưa thể kết thúc", Giáo sư Eric Topol, Giám đốc Viện Nghiên cứu Scripps ở La Jolla, California, Mỹ, cảnh báo.

Biến chủng Lambda

SARS-CoV-2 biến chủng liên tục, cuộc chiến chống dịch toàn cầu gặp khó - 2
Nhật Bản đã phát hiện ca nhiễm biến chủng Lambda đầu tiên (Ảnh minh họa: Reuters).

WHO xếp Lambda vào nhóm biến chủng đáng quan tâm, nghĩa là nó mang các đột biến có thể làm thay đổi khả năng lây nhiễm và gây bệnh nặng, nhưng vẫn đang được nghiên cứu.

Không nằm trong nhóm biến chủng "đáng lo ngại", nhưng Lambda gây sự chú ý của giới khoa học. Lambda được phát hiện đầu tiên ở Lima (Peru) vào tháng 8/2020, sau đó lây lan nhanh ở các khu vực Nam Mỹ (Chile, Ecuador, Argentina, Brazil) và hiện nay đã xuất hiện ở ít nhất 41 quốc gia.

Theo một số nghiên cứu ban đầu trong ống nghiệm, biến thể Lambda mang 2 đột biến T76I và L452Q, có khả năng làm tăng khả năng lây nhiễm so với chủng gốc SARS-CoV-2. Biến thể Lambda còn mang 3 đột biến RSYLTPGD246-253N, 260 L452Q và F490S có thể thoát khỏi kháng thể trung hòa sau khi nhiễm và sau khi tiêm các loại vắc xin.

Tuy vậy, giáo sư Topol cho biết, tỷ lệ ca nhiễm Lambda mới báo cáo trong cơ sở dữ liệu GISAID, đang giảm xuống - một dấu hiệu có thể cho thấy biến chủng này đang suy yếu.

Trong một cuộc họp gần đây với CDC Mỹ, các chuyên gia dịch tễ nói rằng, Lambda dường như không làm tăng khả năng lây lan của virus và các vắc xin hiện thời vẫn có hiệu quả cao đối với biến chủng này, William Schaffner, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt cho biết.

B.1.621 - biến chủng cần theo dõi

Biến chủng B.1.621 phát hiện lần đầu ở Colombia hồi tháng 1 năm nay và kéo theo một đợt bùng phát mạnh tại đây. Hiện biến chủng này chưa được gắn tên theo chữ cái Hy Lạp.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh EU đã liệt kê B.1.621 vào nhóm biến chủng cần theo dõi, trong khi Cơ quan y tế Anh coi B.1.621 là biến chủng đang điều tra nghiên cứu.

B.1.621 mang một số đột biến chính, trong đó có E484K, N501Y và D614G, là những đột biến có thể làm tăng khả năng lây nhiễm, giảm hiệu quả của hệ thống miễn dịch. Đến nay, B.1.621 được ghi nhận trong ít nhất 37 ca nhiễm ở Anh và một số ca ở Florida (Mỹ).

Không được chần chừ tiêm chủng

SARS-CoV-2 biến chủng liên tục, cuộc chiến chống dịch toàn cầu gặp khó - 3
Thế giới có thể cần nghiên cứu thêm các vắc xin thế hệ mới để ứng phó với nguy cơ xuất hiện các biến chủng mạnh hơn của SARS-CoV-2 (Ảnh: Getty).

Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Mỹ và là thành viên ban ứng phó Covid-19 của Nhà Trắng, mới đây cảnh báo, cuộc chiến chống dịch của Mỹ sẽ còn phức tạp hơn nữa nếu vẫn còn nhiều người chần chừ tiêm vắc xin, tạo cơ hội cho các biến chủng mới xuất hiện.

Theo ông, Delta có thể đột biến thành một biến chủng mới nguy hiểm hơn và lúc đó nó thể tấn công cả những người đã tiêm chủng đầy đủ.

"Chúng ta rất may mắn vì vắc xin đối phó với Delta khá tốt, đặc biệt trong việc bảo vệ chúng ta khỏi bệnh nặng. Tuy nhiên, nếu chúng ta trao cho virus này cơ hội biến đổi, nó có thể tạo ra một biến chủng mạnh hơn. Lúc đó, không chỉ người chưa tiêm vắc xin, mà cả người đã tiêm vắc xin cũng sẽ bị ảnh hưởng. Lúc đó, không chỉ người chưa tiêm vắc xin, mà cả người đã tiêm vắc xin cũng sẽ bị ảnh hưởng vì virus có thể né miễn dịch do vắc xin tạo ra", ông Fauci nói. Do vậy, ông cũng như các chuyên gia kêu gọi mọi người không nên chần chừ tiêm vắc xin để ngăn virus lây lan và đột biến.

Ở một khía cạnh khác, Tiến sĩ Gregory Poland, nhà khoa học về vắc xin tại Mayo Clinic (Mỹ), cho biết vấn đề mấu chốt là các vắc xin hiện thời có thể ngăn được nguy cơ bệnh nặng nhưng hiệu quả trong việc ngăn chặn lây nhiễm thấp hơn. Điều này là bởi, virus vẫn có thể sinh sôi trong mũi, kể cả ở người đã tiêm vắc xin, và sau đó truyền bệnh thông qua giọt bắn, hạt khí dung. Vì vậy, theo ông, để đánh bại SARS-CoV-2, thế giới cần các vắc xin thế hệ mới.

Theo Dân trí

TP HCM: Những lưu ý về việc tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho nhóm cần thận trọngTP HCM: Những lưu ý về việc tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho nhóm cần thận trọng
Phải lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thành công chiến lược vắc xinPhải lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thành công chiến lược vắc xin
Bệnh nhân Covid-19 Mỹ thừa nhận Bệnh nhân Covid-19 Mỹ thừa nhận "sai lầm" đau đớn vì không tiêm vắc xin
Thêm nhiều công ty Mỹ yêu cầu nhân viên tiêm vắc xin Covid-19Thêm nhiều công ty Mỹ yêu cầu nhân viên tiêm vắc xin Covid-19
Hơn 80% người lao động NT2 được tiêm vắc- xin phòng Covid-19Hơn 80% người lao động NT2 được tiêm vắc- xin phòng Covid-19
Cảnh báo biến thể Lambda có nguy cơ kháng vắc xin Covid-19Cảnh báo biến thể Lambda có nguy cơ kháng vắc xin Covid-19
"Vũ khí" giúp Đông Nam Á chống chọi "quái vật" Delta

DMCA.com Protection Status