Những mốc son của ngành Dầu khí Việt Nam:

Sự ra đời của Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam

07:00 | 01/09/2021

3,342 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Ngay từ những ngày đầu sau giải phóng miền Nam, Đảng và Chính phủ không những đã thành lập các tổ chức chuyên sâu về dầu khí, mà còn vạch phương hướng và chỉ đạo từng bước đi rất cụ thể, như một “Tổng công trình sư” của một đề án mang tầm vóc quyết định sự hưng thịnh của đất nước.

Ngày 20/7/1975, Bộ Chính trị họp lần thứ nhất tại Sài Gòn đã xác định đường lối phát triển ngành Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam, trong đó đã vạch ra chính sách hợp tác với nước ngoài (quy định những nguyên tắc cơ bản về lựa chọn đối tượng hợp tác, hình thức hợp tác và địa bàn hợp tác). Nội dung Hội nghị này đã được tổng kết thành Nghị quyết số 244-NQ/TW ngày 9/8/1975 của Bộ Chính trị về việc triển khai thăm dò dầu khí trên cả nước. Đây cũng là văn bản đầu tiên về dầu khí của Đảng ta, thể hiện sự sáng suốt, tầm nhìn chiến lược, là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt quá trình xây dựng và phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam.

Nghị quyết khẳng định: “Dầu hỏa trở thành một vấn đề kinh tế và chính trị có ý nghĩa chiến lược cần được Nhà nước coi làm một trọng điểm ưu tiên trong kế hoạch kinh tế tài chính và khoa học kỹ thuật...

Muốn phát triển nhanh chóng và vững chắc ngành dầu - khí, phải có chính sách hợp tác rộng rãi với bên ngoài. Trong quá trình hợp tác, chúng ta phải giữ vững chủ quyền quốc gia, giữ vững độc lập tự chủ, tranh thủ nhanh chóng tăng cường tiềm lực của mình, tiến tới tự lực ở mức cao nhất có thể được…”

Sự ra đời của Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam
Nghị quyết số 244-NQ/TW ngày 9/8/1975. (Ảnh tư liệu)

Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 244-NQ/TW về việc triển khai thăm dò dầu, khí trên cả nước, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã phê chuẩn Quyết nghị số 33-QN/QH/K5 thành lập Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam.

Căn cứ vào Nghị quyết và Quyết nghị trên, ngày 3/9/1975, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 170/CP về việc thành lập Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam - tổ chức nhà nước đầu tiên quản lý một ngành kinh tế kỹ thuật thống nhất trong cả nước (trừ phần hoá dầu do Tổng cục Hóa chất phụ trách). Sự kiện này đánh dấu ngành Dầu khí Việt Nam đã bước sang một trang sử mới, chấm dứt thời kỳ hoạt động của các tổ chức riêng rẽ thuộc Tổng cục Địa chất, Tổng cục Hóa chất…

Thực hiện Nghị quyết số 244-NQ/TW, Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam đã cử nhiều đoàn đi nước ngoài để học tập kinh nghiệm làm dầu khí ở biển và bàn quan hệ hợp tác.

Ông Phan Minh Bích, nguyên Vụ trưởng Vụ Kỹ thuật thuộc Tổng cục Dầu khí kể lại: “Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam từ lâu đã có định hướng khoan thăm dò dầu khí ở ngoài thềm lục địa. Năm 1976, Bộ trưởng Đinh Đức Thiện và Phó Tổng cục trưởng Lê Văn Cự đi thăm Nauy để bàn về hợp tác dầu khí. Đầu năm 1977, tôi và anh Mạnh cùng Phó Giám đốc và phiên dịch của Technoimport được cử đi Nauy, dự kiến ký 4 hợp đồng với Nauy. Kết quả cuối cùng ký được hợp đồng xây dựng Căn cứ dịch vụ dầu khí tại Vũng Tàu, kết hợp với công tác tự lực xây cầu cảng tại cơ sở này. Hợp đồng thứ hai về công tác địa chấn biển tại vùng cấu tạo Bạch Hổ. Hai hợp đồng này chuẩn bị cơ sở vật chất - kỹ thuật cho việc thúc đẩy công tác khoan sâu tìm kiếm ở thềm lục địa. Hợp đồng thứ ba là hỗ trợ xây dựng Trường công nhân kỹ thuật Bà Rịa, bao gồm cả thiết bị lặn sâu do Chính phủ Nauy tài trợ. Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam đã sớm chuẩn bị đào tạo công nhân kỹ thuật, đặc biệt công nhân khoan sâu. Số công nhân này là lực lượng nòng cốt cho công tác khoan, cơ khí tại Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro được thành lập về sau này, cũng như đi làm thuê tại các giàn khoan của các công ty hợp tác với ta...” (trích lời kể của ông Phan Minh Bích trong “Lịch sử ngành Dầu khí Việt Nam - tập 1”).

Sự ra đời của Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam
Trụ sở đầu tiên của Tổng cục Dầu khí tại nhà số 48 Nguyễn Thái Học, Hà Nội. (Ảnh tư liệu)

Trong năm 1976, Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam đã tiếp xúc vòng đầu với 17 công ty và Nhà nước Pháp, Australia, Canada, Nauy, Italia, Nhật Bản, Mexico, Anh. Đã chuẩn bị xong hợp đồng mẫu để làm cơ sở đàm phán. Chọn đối tác để hợp tác đã phức tạp, chọn hình thức hợp đồng cũng không kém. Nghị quyết số 244-NQ/TW đã loại bỏ hợp đồng đặc nhượng, chọn hợp đồng “chia sản phẩm” và “hợp đồng dịch vụ” để nghiên cứu.

Ông Đỗ Văn Hà, nguyên Trưởng ban Hợp tác quốc tế của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, kể lại: “Bộ Ngoại giao mời tiến sĩ kinh tế năng lượng Michael Tanzer (người Mỹ) trình bày vấn đề kinh tế năng lượng cho một số quan chức các bộ, ngành. Ông Tanzer đưa ra khái niệm “đôla dầu lửa - petrodollars”, đánh giá quá cao vị thế của chủ tài nguyên, các công ty dầu khí đã mất vị thế độc quyền kỹ thuật - công nghệ để thu lợi nhuận lớn, phải đi làm thuê để giữ lại lợi nhuận đã thu được. Từ quan điểm này dẫn đến nhận thức rằng, hợp đồng dịch vụ có lợi cho chủ tài nguyên. Cộng thêm ý kiến tư vấn của các chuyên gia ở Pháp, Bộ Ngoại giao nghiêng về hợp đồng dịch vụ…”

Sau cuộc khủng hoảng năng lượng thế giới, các nước Trung Đông, điển hình là Iran, Iraq áp dụng dạng hợp đồng dịch vụ. Chuyên gia tư vấn Irắc được Việt Nam mời, cũng khuyên ta chọn hình thức hợp đồng này. Phải mất khá nhiều thời gian và công sức tìm hiểu, tranh luận mới sáng tỏ những vấn đề căn bản là “hợp đồng dịch vụ” thích hợp với các nước Trung Đông, có tiềm năng và trữ lượng dầu khí rất lớn, đã có luật pháp về dầu khí và nhất là các sắc thuế đã được ban hành. Các công ty dầu khí nước ngoài chấp nhận hình thức hợp đồng này vì độ rủi ro thấp và lợi nhuận bảo đảm.

Còn Hợp đồng chia sản phẩm (PSC) được Indonesia đề xuất năm 1967 vì sự linh hoạt của nó đối với các thể chế chính trị và hệ thống luật pháp. Đối với các nước không mạnh về tiềm lực tài chính mà tiềm năng dầu khí không lớn hoặc chưa rõ, hợp đồng “chia sản phẩm” thích hợp với nước chủ nhà vì trong giai đoạn tìm kiếm, thăm dò (rủi ro cao) không phải bỏ tiền đầu tư. Còn nhà thầu nước ngoài phải bỏ tiền chịu rủi ro trong giai đoạn tìm kiếm, thăm dò (có thể mất trắng), nhưng khi thành công phát hiện ra mỏ và khai thác thì được thu hồi toàn bộ chi phí đã bỏ ra và còn được chia một phần “dầu lãi”. Xét tổng thể, hình thức hợp đồng không quyết định quyền lợi kinh tế, vì nhà đầu tư chú ý nhiều đến tiêu chí “tỷ suất doanh lợi đầu tư”, còn chủ tài nguyên quan tâm đến phần dầu thu được từ mỏ cho quốc gia.

Lúc đó chỉ có rất ít kỹ sư của Vụ Kinh tế - Kỹ thuật và Hợp tác quốc tế nắm được những khái niệm kinh tế mới mẻ đó, vì vậy, lãnh đạo và các chuyên gia của Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam đã rất “vất vả” để thuyết phục và bảo vệ quan điểm của mình. Cuối cùng, một giải pháp trung gian, dung hòa được Chính phủ chấp nhận là dạng hợp đồng hỗn hợp giữa “chia sản phẩm” và “dịch vụ” được áp dụng cho các hợp đồng dầu khí ký năm 1978.

Để tránh việc một cơ quan quản lý nhà nước đứng ra ký hợp đồng với các công ty nước ngoài, ngày 9/9/1977, Chính phủ ban hành Quyết định thành lập Công ty Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam (gọi tắt là Petrovietnam) trực thuộc Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam. Tổng cục trưởng Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam Nguyễn Văn Biên đã sớm xác lập biểu tượng (sau này gọi là Logo) của Công ty.

Sự ra đời của Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam
Logo đầu tiên của Petrovietnam. (Ảnh tư liệu)

Triển khai Chỉ thị của Bộ Chính trị và Quyết nghị của Chính phủ, năm 1978, Tổng cục Dầu khí đã đàm phán và tiến hành ký kết các hợp đồng thăm dò và khai thác dầu khí một số lô ở thềm lục địa phía Nam Việt Nam, với các đối tác Deminex (Cộng hòa Liên bang Đức), Agip (Italia) và Bow Valley (Canada).

Sự ra đời của Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam
Ký hợp đồng dầu khí với Công ty Deminex và Công ty Bow Valley.

Như vậy có thể thấy ngay từ những ngày đầu sau giải phóng miền Nam, Đảng và Chính phủ không những đã thành lập các tổ chức chuyên sâu về dầu khí, mà còn vạch phương hướng và chỉ đạo từng bước đi rất cụ thể, xây dựng những chủ trương về sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực dầu khí. Tuy nhiên, đến năm 1979, tình hình trong nước và trên thế giới có nhiều diễn biến phức tạp. Đường lối, chủ trương về phát triển ngành Dầu khí, nhất là trong lĩnh vực hợp tác dầu khí với các nước trên thế giới đòi hỏi phải có sự điều chỉnh phù hợp. Chủ trương hợp tác toàn diện với Liên Xô, trong đó có lĩnh vực dầu khí bắt đầu được định hình, cũng chính là tiền đề cho sự hình thành Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro sau này.

Lâm Anh

DMCA.com Protection Status