Tài nguyên năng lượng địa nhiệt Việt Nam

07:00 | 06/05/2013

2,568 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(Petrotimes) - Gặp một người mà đến hôm nay đã có tới 36 năm gắn bó với ngành Dầu khí, lại vẫn còn vẹn nguyên nhiệt huyết và trăn trở với nghề, câu chuyện của ông khiến cho người "ngoại đạo" cũng khó thể nào thờ ơ mà không cảm nhận được tràn đầy nơi ông một nguồn năng lượng sống. Ông là Trần Huyên, kỹ sư địa vật lý dầu khí, một chuyên gia về địa nhiệt, nguyên cán bộ nghiên cứu thuộc Viện Dầu khí Việt Nam (VPI).

PV: Bất cứ nhà báo nào cũng mong muốn những gì mình mất công sức viết ra sẽ được người ta đón đọc. Thật vui khi biết rằng, ông rất quan tâm và là độc giả thường xuyên của Báo Năng lượng Mới.

Ông Trần Huyên: Tôi là độc giả tích cực của Báo Năng lượng Mới. Từ ngày ra số đầu tiên (14/3/2011) tới nay, tôi mua gần đủ và giữ gần đủ 213 số báo, cho đến số ra ngày hôm nay. Tôi thấy rằng, Năng lượng Mới đã đăng tải nhiều lần về năng lượng thủy điện, dầu khí, than, năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng hạt nhân và năng lượng sinh học. Nhưng năng lượng địa nhiệt Việt Nam chưa được đề cập lần nào, nhất là tài nguyên năng lượng địa nhiệt của các bể trầm tích chứa dầu khí thềm lục địa Việt Nam thì chưa bao giờ xuất hiện trên Năng lượng Mới dù chỉ là một lần.

PV: Thật tiếc! Mong rằng ông không vì những vấn đề báo chưa có điều kiện đề cập mà thất vọng.

Ông Trần Huyên: Tất nhiên rồi, tôi hiểu rằng, tờ báo còn quá “trẻ” và chưa đủ thời gian để đề cập đến mọi khía cạnh, phục vụ mọi độc giả. Cũng vì vậy tôi mới có điều kiện để cùng Năng lượng Mới trao đổi về sự giàu có của Biển Đông. Thềm lục địa Việt Nam không chỉ là kho báu chứa dầu khí và than mà còn là kho báu về năng lượng địa nhiệt mà thiên nhiên đã ban tặng cho Việt Nam. Nếu được khai thác sẽ góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng kinh tế và góp phần tích cực vào chương trình an ninh năng lượng quốc gia.

Ông Trần Huyên trong khuôn viên Nhà máy Điện địa nhiệt hạt nhân New Zealand năm 1996

PV: Quả thật, người ta thường để ý nhiều đến các dạng năng lượng tái tạo như sinh học, thủy điện, phong điện, năng lượng mặt trời, thủy triều..., nhưng địa nhiệt thì rất ít được nói đến. Phải chăng nguồn năng lượng này không dễ khai thác, thưa ông?

Ông Trần Huyên: Năng lượng địa nhiệt là năng lượng được sinh ra từ nhiệt trong lòng trái đất. Hiện nay, đối với chúng ta, đây còn là vấn đề mới, nhưng đã có khoảng 30 quốc gia trên thế giới đang sản xuất và khoảng 70 nước sử dụng dạng năng lượng này. Cho dù chưa thật phổ biến và sản lượng chưa cao, chỉ khoảng 0,3% sản lượng điện toàn cầu, nhưng xu thế thời đại và sự cạn kiệt của năng lượng hóa thạch đã và đang khiến người ta không thể thờ ơ với nguồn tài nguyên quý giá này. Tuy nhiên, cũng vì chưa phổ dụng nên chi phí đầu tư cho sản xuất năng lượng địa nhiệt còn khá cao.

PV: Được biết, suốt cả cuộc đời ông từng làm việc chỉ duy nhất ở một nơi, đó là cái nôi về khoa học công nghệ của ngành Dầu khí - Viện Dầu khí Việt Nam (VPI), công tác mà ông gắn bó nhất hay còn gọi là duyên nghiệp của ông?

Ông Trần Huyên: Tôi là kỹ sư Địa Vật lý Dầu khí, sinh năm 1949 tại tỉnh Bắc Ninh, cựu lưu học sinh Việt Nam tại Anbani năm 1967-1973. Tôi tốt nghiệp đại học về ngành dầu mỏ và về công tác tại VPI từ năm 1973 tới khi nghỉ hưu năm 2009. Trong suốt thời gian công tác đó, ngoài thời gian tham gia công tác đoàn thể, công tác Đảng và công tác quản lý cấp phòng, tôi đã đi sâu nghiên cứu khoa học về chuyên đề địa nhiệt. Đó là đánh giá tiềm năng dầu khí của các bể trầm tích theo chỉ tiêu địa nhiệt và xác định tài nguyên năng lượng địa nhiệt thềm lục địa Việt Nam.

Trong thời gian công tác, tôi có may mắn được VPI giao nhiệm vụ nghiên cứu chuyên đề địa nhiệt cấp ngành, cấp Nhà nước. Do vậy tôi có cơ hội tham gia chương trình hợp tác quốc tế giữa Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) với Hiệp hội thăm dò khoáng sản ngoài khơi Đông Nam châu Á (CCOP) và Chương trình hợp tác trao đổi giữa VPI với Sở Địa chất Anh, Sở Địa chất Nhật Bản, Viện Khoa học Địa chất và Hạt nhân Newzealand.

Truyền thống của VPI là hội nhập quốc tế rất sớm, cho nên ngay từ năm 1992, tức là hơn 20 năm về trước, VPI đã tiếp nhận phần mềm nghiên cứu cổ địa nhiệt HOTPOT từ Sở Địa chất Anh, phần mềm mô phỏng bể trầm tích BASSIM từ New Zealand. Đồng thời VPI còn hợp tác với Giáo sư Đàm Trung Đồn, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội để thiết kế máy đo nhanh độ dẫn nhiệt Thercon 2/1992 made in Vietnam và đưa vào sử dụng.

PV: Vì vậy, ông cho rằng Việt Nam rất có tiềm năng về địa nhiệt và sẽ là sai lầm nếu chúng ta không quan tâm thích đáng đến nguồn năng lượng này?

Ông Trần Huyên: Theo tính toán và dự báo của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, hiện nay công suất điện của toàn hệ thống mới chỉ đạt 27.000MWh. Trong phê duyệt quy hoạch điện VII, Chính phủ lấy mục tiêu phấn đấu tới năm 2020 tổng công suất điện cả nước phải đạt được 75.000MWh (như vậy còn thiếu 48.000 MWh). Một trong những công việc trọng yếu từ nay tới 2020 của ngành điện là cần phải xây dựng 52 nhà máy nhiệt điện chạy than. Cho dù vậy, tới năm 2020 công suất điện cả nước chỉ đáp ứng được 2/3 nhu cầu sử dụng, nghĩa là thiếu hụt 1/3 điện năng tiêu thụ hằng ngày. Hay nói rõ hơn đến khi đó cứ 3 ngày phải ngừng sử dụng điện 1 ngày. Cho nên để chuẩn bị cho sự bù đắp và thiếu hụt đó, trong chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ của Chính phủ đã phê duyệt về kế hoạch tìm kiếm nguồn năng lượng mới (năng lượng tái tạo). Đó là năng lượng gió, năng lượng mặt trời, địa nhiệt, sóng biển, sinh học v.v… (mã số KC-05/11/15, Quyết định số 1244 ngày 27/11/2011).

Kết quả nghiên cứu của đề tài KHCN 09-01 cấp Nhà nước giai đoạn 1995-2000 đã xác định năng lượng điện chuyển đổi tương đương của 4 bể trầm tích: Sông Hồng, Cửu Long, Nam Côn Sơn và Mã Lay - Thổ Chu là 6.030 tỉ MWh. Trữ năng này mới chỉ tính cho chừng 10% của khoảng hơn 1 triệu km2 tổng diện tích toàn thềm.

Theo tôi, đề xuất việc nghiên cứu tiếp năng lượng địa nhiệt của các bể trầm tích chứa dầu khí thềm lục địa Việt Nam là việc làm cần thiết và cấp thiết. Các phương tiện truyền thông, trong đó có Báo Năng lượng Mới rất nên tuyên truyền về vấn đề này.

PV: Xin ông cho biết một vài số liệu tổng thể về nguồn địa nhiệt của nước ta và một số đánh giá chung?

Ông Trần Huyên: Cho đến nay, sau một thời gian nghiên cứu, chúng ta đã thiết lập được bản đồ về gradient nhiệt độ, độ dẫn nhiệt và dòng nhiệt của toàn thềm và bể Sông Hồng, Cửu Long, Nam Côn Sơn và Malay - Thổ Chu.

Nhìn chung, chế độ địa nhiệt thềm lục địa Việt Nam là cao, giá trị trung bình dòng nhiệt lớn hơn giá trị trung bình trái đất 85 so với 65mw/m2 . Riêng ở bể sông Hồng, khu vực Đà Nẵng dòng nhiệt đạt tới 110, 120, 150mw/m2. Dòng nhiệt thềm lục địa Việt Nam cũng lớn hơn giá trị dòng nhiệt ở các khu vực Biển Đông, Philippines và Thái Bình Dương. So với các bể dầu khí khác ở Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia, Thái Lan thì dòng nhiệt ở các bể trầm tích thềm lục địa Việt Nam có giá trị tương đương. Đặc biệt là các đường đẳng trị về dòng nhiệt, độ dẫn nhiệt và gradient nhiệt độ có thể ghép nối một cách tương hợp trên quy mô khu vực. Đặc điểm nổi bật nhất về sự phân bố của chế độ địa nhiệt thềm lục địa Việt Nam là mang tính phân vùng rõ rệt. Phía bắc cao hơn phía nam. Nghĩa là theo phương Bắc - Nam, dòng nhiệt giảm dần.

Hai vùng có tiềm năng địa nhiệt cao hơn cả là vùng duyên hải trũng Hà Nội và Nam Đèo Ngang, cần được nghiên cứu chi tiết trong thời gian tới.

Có thể nhận xét rằng, chế độ địa nhiệt cao ở thềm lục địa Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong công tác tìm kiếm, thăm dò tài nguyên dầu khí bởi ở nước ta cũng như các nước Đông Nam Á, dầu khí sinh thành trong các trầm tích trẻ. Trong những trầm tích đó, nhiệt độ trở nên nhân tố quan trọng, hoặc ảnh hưởng tích cực hoặc ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình trưởng thành của nguồn đá mẹ hydrocarbon.

Chế độ địa nhiệt cao là tiền đề, là căn cứ khoa học để nghiên cứu năng lượng địa nhiệt thềm lục địa Việt Nam. Ngoài ra, những thông số vật lý địa nhiệt ngoài thềm lục địa còn được ứng dụng để nghiên cứu, dự báo tai biến địa chất, dự báo sạt lở, động đất, hoạt động núi lửa, sóng thần, biến đổi khí hậu… Nhiệt độ ở độ sâu 5m còn liên quan tới sức khỏe con người (Dự án do Liên Hiệp Quốc UNDP đang thực hiện trên toàn cầu trong đó có Việt Nam).

PV: Ông đã từng làm việc với nhiều chuyên gia và tổ chức quốc tế, họ có nhìn nhận lạc quan như ông hay không và đã có công trình khoa học nào đủ sức thuyết phục, thưa ông?

Ông Trần Huyên: Nhóm chuyên gia và nhà đầu tư nước ngoài từ các nước Pháp, Mỹ, New Zealand, Nhật Bản và Đức... qua khảo sát thực tế đều nhận định có thể khai thác địa nhiệt Việt Nam cho phát triển năng lượng. Trên thực tế Chính phủ đã cấp giấy phép cho Công ty Năng lượng Omart của Hoa Kỳ đầu tư 6 địa điểm ở Nam Trung Bộ để xây dựng Nhà máy Điện địa nhiệt Việt Nam.

Nhà máy Điện địa nhiệt Nesjavellir ở Iceland

Theo kết quả khảo sát của Cục Địa chất và Khoáng sản, trên toàn lãnh thổ Việt Nam có khoảng 300 điểm lộ nước nóng địa nhiệt, nằm rải rác từ miền Bắc tới miền Nam, nhiều nhất là ở miền Trung, nhiệt độ trung bình từ khoảng 400C-1050C. Ví dụ, ở suối Vang, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, nước nóng trên 1000C có thể luộc gà và luộc trứng. Hiện nay Bộ Y tế có 3 trạm điều dưỡng ở Mỹ Lâm, Tuyên Quang; Hội Vân, Bình Định và Bình Châu, Vũng Tàu. Ở những địa điểm này nước nóng đều cao từ
60-800C.

Về phương diện địa chất, chắc chắn sẽ  có mối liên quan giữa những điểm lộ nước nóng trên đất liền với nước nóng địa nhiệt dưới sâu thềm lục địa và hoạt động núi lửa trẻ Việt Nam. Song cho đến nay chưa có công trình khoa học nào giải thích một cách tường tận, đầy đủ và thuyết phục.

PV: Hiện nay ông đã nghỉ hưu, động lực nào khiến ông vẫn say sưa nghiên cứu khoa học đến vậy?

Ông Trần Huyên: Mặc dù tôi đã nghỉ hưu được mấy năm, nhưng vẫn còn trăn trở với địa nhiệt của Petrovietnam vì ngành không tiếp tục nghiên cứu chuyên đề này nữa. Năm ngoái, tôi đã có đơn kiến nghị về nghiên cứu lĩnh vực này và gửi tới các vị có trách nhiệm cao trong và ngoài ngành liên quan. Tháng 10/2012 tôi đã có bài viết bằng tiếng Anh đăng trên Tạp chí Dầu khí, với tiêu đề “Heat flow study results and geothermal Energy distribution in the Vietnam offshore sedimentary basins - Kết quả nghiên cứu dòng nhiệt và sự phân bố năng lượng địa nhiệt của các bể trầm tích thềm lục địa Việt Nam”.

Đầu tháng 4 vừa rồi, tôi đã hoàn thành báo cáo khoa học tham gia hội nghị khoa học và công nghệ nhân dịp kỷ niệm 35 năm thành lập Viện Dầu khí Việt Nam 22/5/1978 - 22/5/2013 với nội dung: “Kết quả nghiên cứu dòng nhiệt và năng lượng địa nhiệt của bể trầm tích đệ tam Sông Hồng. Một vài giải pháp sử dụng”. Bài báo đã được ban biên tập đồng ý và chấp thuận đăng trong tuyển tập của hội nghị.

PV: Theo ông, liệu những mong muốn và đề xuất của những nhà khoa học “cấp Hội” có được quan tâm đúng mức và ông nghĩ thế nào về chặng đường dài từ chỗ được phê duyệt đến lúc thành hiện thực?

Ông Trần Huyên: Hiện tại tôi và Tiến sĩ khoa học Trương Minh cũng đang khẩn trương hoàn thành báo cáo cũng về chuyên đề năng lượng địa nhiệt Việt Nam để tham gia hội thảo khoa học “Địa Vật lý Việt Nam với nhiệm vụ bảo vệ môi trường và phát triển bền vững” do Hội Địa Vật lý Việt Nam tổ chức tại Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa vào tháng 8-2013. Đồng thời tôi cũng đang ráo riết hoàn thành đề cương đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước về nghiên cứu tổng thể toàn bộ tài nguyên năng lượng địa nhiệt thềm lục địa Việt Nam để trình Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét và phê duyệt.

Tôi cũng biết rằng, để đi tới đích cuối cùng là rất khó khăn. Để chinh phục được Hội đồng quốc gia là không dễ dàng gì. Mặc dù vậy, tôi và 9 tác giả khác sẽ cố gắng đến mức cao nhất.

Hiện nay Nhà nước không phân biệt người đang làm việc hay đã về hưu, ai có đề xuất gì và có đủ căn cứ thì sẽ được chấp thuận.

PV: Nghị quyết số 20-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương khóa XI được đánh giá là bước đột phá các “điểm nghẽn” cản trở sự phát triển, đưa khoa học công nghệ thực sự trở thành quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH đất nước. Hẳn Nghị quyết này cũng khiến những nhà khoa học tâm huyết như ông có thêm nhiều động lực mới?

Ông Trần Huyên: Tôi cho rằng, đây sự kiện mà cộng đồng các nhà khoa học của Việt Nam đang rất mong chờ với kỳ vọng chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước bắt kịp nhịp đập và hơi thở thực tiễn hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) trong giai đoạn tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng phát triển chiều sâu, phát triển bền vững và bối cảnh quốc tế về toàn cầu hóa và phát triển kinh tế tri thức. Đó là những kỳ vọng về sự đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ về tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động, công tác xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển KH&CN; đổi mới phương thức đầu tư, cơ chế tài chính, chính sách cán bộ, cơ chế tự chủ của các tổ chức KH&CN...

Năng lượng địa nhiệt là một dạng tài nguyên. Đã là tài nguyên thì phải quy hoạch tài nguyên. Muốn quy hoạch tài nguyên thì phải nghiên cứu, điều tra, khảo sát. Tài nguyên, nhất là tài nguyên năng lượng, trước hết phải quy hoạch. Còn sử dụng tài nguyên đó như thế nào lại là chuyện khác.

Những kết quả nghiên cứu của chúng ta đến thời điểm này cho phép nhận xét rằng nguồn tài nguyên năng lượng địa nhiệt thềm lục địa Việt Nam là rất lớn. Nếu được khai thác cho phát triển năng lượng, có thể được xem như những nguồn tài nguyên năng lượng khác mà nước ta đã, đang và sẽ sử dụng như thủy điện, nhiệt điện, dầu khí, than, năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh học, năng lượng hạt nhân… chắc chắn sẽ góp phần quan trọng vào chiến lược an ninh năng lượng quốc gia.

PV: Như ông đã biết, trong chiến lược tăng tốc phát triển của Petrovietnam, KH&CN là 1 trong 3 giải pháp đột phá quan trọng nhất, được coi là động lực thúc đẩy ngành Dầu khí Việt Nam phát triển. Để có thể đưa Nghị quyết Trung ương 6 vào thực tiễn, Petrovietnam xác định KH&CN phải được nhận thức là trách nhiệm và nghĩa vụ của các cấp lãnh đạo và mọi thành viên trong Tập đoàn, đặc biệt khuyến khích giải phóng sức sáng tạo, khát vọng cống hiến khoa học của đội ngũ cán bộ KH&CN để có được những nghiên cứu ứng dụng thật sự giá trị và mang lại ý nghĩa thực tiễn. Với những điều này, liệu ông đã có thể tin tưởng khả năng sinh dưỡng những “đứa con tinh thần”?

Ông Trần Huyên: Đối với Petrovietnam, trên đường “đi tìm” tài nguyên dầu khí, trên cùng “một loại” tài liệu, không những chúng ta “tìm thấy” dầu khí mà còn cả năng lượng địa nhiệt. Không có lý do gì lại bỏ qua, không có lý do gì lại không đầu tư , nghiên cứu tiếp.

Ở Việt Nam, ngoài VPI, không có cơ quan khoa học nào có đầy đủ điều kiện thuận lợi như VPI để tiến hành tổ chức nghiên cứu năng lượng địa nhiệt. Vấn để là ở chỗ VPI có đề xuất ý kiến với Petrovietnam và với Nhà nước về việc tổ chức nghiên cứu năng lượng địa nhiệt thềm lục địa Việt Nam hay không bởi tất cả các đề tài nghiên cứu đều bắt đầu từ cơ sở.

Tôi hy vọng và tin tưởng rằng những ý tưởng và đề xuất của chúng tôi trong thời gian tới sẽ được các cấp có thẩm quyền quan tâm để vấn đề nghiên cứu địa nhiệt trong các bể trầm tích chứa dầu khí thềm lục địa Việt Nam sẽ sớm được đầu tư xứng đáng, được tổ chức lại, tiếp tục triển khai ở cả hai mảng địa nhiệt với dầu khí và địa nhiệt với năng lượng địa nhiệt.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi thú vị này.

Nguyễn Tiến Dũng(thực hiện)

DMCA.com Protection Status