Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực

08:13 | 22/08/2013

1,645 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(Petrotimes) - Ngày 21/8/2013, tại trường Cao đẳng nghề Dầu khí – TP Vũng Tàu, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã tổ chức “Hội nghị công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực” nhằm sơ kết kết quả tổ chức thực hiện Chiến lược đào tạo và phát triển nhân lực Tập đoàn giai đoạn 2009-2015, định hướng đến năm 2025 và các giải pháp đột phá trong việc phát triển nguồn nhân lực.

Về dự hội nghị có đồng chí Phùng Đình Thực – Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn; đồng chí Đỗ Văn Hậu - Tổng giám đốc Tập đoàn; đồng chí Đinh Văn Sơn – Thành viên HĐTV; đồng chí Phạm Xuân Cảnh – Phó Bí thư trường trực Đảng ủy Tập đoàn, đồng chí Lê Minh Hồng – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn, đồng chí Nguyễn Quốc Khánh - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn, đồng chí Trần Ngọc Dũng - Phó Chủ tịch Công đoàn Dầu khí cùng lãnh đạo các phòng ban trong Tập đoàn; các đồng chí là Tổng giám đốc, giám đốc các đơn vị, lãnh đạo phụ trách công tác đào tạo nguồn nhân lực tại các đơn vị và gần 200 đại biểu về tham dự.

Tổng giám đốc Đỗ Văn Hậu và Phó Tổng giám đốc Lê Minh Hồng điều hành Hội nghị

Đồng chí Lê Minh Hồng báo cáo kết quả thực hiện chiến lược đào tạo và phát triển nhân lực của Tập đoàn giai đoạn năm 2009-2012; nhấn mạnh đến kết quả tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực cho các dự án; đồng thời nêu ra mục tiêu, kế hoạch, nhiệm vụ thực hiện chiến lược đào tạo nguồn nhân lực của Tập đoàn giai đoạn 2013-2015. Bên cạnh đó, hội nghị cũng bàn, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến công tác quản lý đào tạo và phát triển nhân lực, công tác đào tạo chuyên sâu/chuyên gia, công tác đào tạo nội bộ, công tác tuyển dụng và đào tạo nhân lực cho các dự án và công tác xây dựng hệ thống quản trị nhân lực theo năng lực.

Trong giai đoạn 2009-2012, Công ty Mẹ – Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đơn vị thành viên đã tổ chức cho 277.544 lượt CBCNV tham gia các khoá đào tạo ở nhiều loại hình. Với tổng chi phí thực hiện công tác đào tạo & phát triển nhân lực là 1.627 tỉ đồng. Bình quân mỗi CBCNV của Tập đoàn được tham gia đào tạo 1,36 lần/năm.

Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Phùng Đình Thực phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Tuy nhiên, khi so sánh tổng chi phí đào tạo với tổng doanh thu của toàn Tập đoàn trong bốn năm (năm 2009: 272,47 nghìn tỉ đồng; năm 2010: 478,4 nghìn tỉ đồng; năm 2011: 675,3 nghìn tỉ đồng; năm 2012: 773,7 nghìn tỉ đồng) thì chi phí bình quân được sử dụng để đào tạo cho mỗi CBCNV trong một năm còn khá khiêm tốn. Bình quân chi phí đào tạo cho mỗi CBCNV trong Tập đoàn đạt 7,98 triệu đồng/năm trong khi năng suất lao động bình quân của một CBCNV đạt 10,79 tỉ đồng/năm.

Hai đơn vị có đóng góp chính nguồn nhân lực cho ngành dầu khí nước nhà là Trường Cao đẳng nghề Dầu khí (PVMTC) và đại học dầu khí (PVU). Trong đó, PVMTC đã tổ chức đào tạo được 2.375 khoá với 49.993 lượt học viên, trong đó, đào tạo theo kế hoạch Tập đoàn giao là 322 khoá với 12.992 lượt học viên tham dự, đạt vượt mức kế hoạch được giao; tổng kinh phí phục vụ cho công tác đào tạo theo kế hoạch Tập đoàn giao là 192.976 triệu đồng. Cung cấp dịch vụ đào tạo cho các đơn vị ở trong và ngoài ngành được 2.028 khoá với 36.953 lượt học viên, đạt doanh thu từ dịch vụ đào tạo trên 250 tỷ đồng.

Trường Đại học Dầu khí Việt Nam tuy mới thành lập từ cuối năm 2010, nhưng từ năm 2011 và 2012, PVU đã hoàn thành công tác tuyển sinh 2 khóa sinh viên đại học với 270 sinh viên cho 4 chuyên ngành Địa chất dầu khí, Địa vật lý dầu khí, Khoan khai thác và Lọc hóa dầu. Toàn Trường đã tổ chức đào tạo được 42 lớp với 2.923 lượt học viên.

Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (PVFCCo) chia sẻ kinh nghiệm trong công tác đào tạo chuyên sâu, đào tạo chuyên gia và tự đào tạo. Viện Dầu khí Việt Nam thì nhấn mạnh đến việc phát triển nguồn nhân lực ngành dầu khí nên gắn liền 3 công tác là nghiên cứu khoa học, đào tạo và ứng dụng nghiên cứu khoa học vào thực tế sản xuất; đặc biệt là công tác đào tạo chuyên sâu của ngành. Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro, một trong những đơn vị chủ lực của Tập đoàn dầu khí Việt Nam cũng thực hiện rất tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực và đạt nhiều kết quả quan trọng. Từ công tác tự đào tạo, phát huy sáng kiến – sáng chế, phát triển khoa học công nghệ đến việc đưa người đi đào tạo ở nước ngoài đạt kết quả tốt, cung cấp đủ nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thực tế sản xuất của đơn vị.

Các đại biểu tham gia trao đổi, thảo luận về công tác đào tạo nguồn nhân lực ngành Dầu khí

Tổng công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling) chia sẻ kinh nghiệm xây dựng mô hình nâng cao năng lực lãnh đạo. Nhấn mạnh mô hình lãnh đạo của PVD phải phù hợp với nhiều tiêu chí: phù hợp với chuẩn chung của của thế giới, văn hóa Việt Nam, văn hóa doanh nghiệp PVD. Tổng công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí (PVEP) là một trong những đơn vị đi đầu trong việc xây dựng hệ thống chức danh lãnh đạo. Tại Hội nghị đã cho thấy những thành công của đơn vị trong quá trình xây dựng và áp dụng Hệ thống quản trị nhân sự theo năng lực tiêu chuẩn chức danh và chia sẻ kinh nghiệm đào tạo trực tuyến rất hiệu quả.

Tổng giám đốc PVN Đỗ Văn Hậu cho biết: Thực tế cho thấy kinh phí dành cho công tác đào tạo nguồn nhân lực của Tập đoàn Dầu khí là cao nhất trong các Tập đoàn kinh tế nhà nước. Riêng Viện Dầu khí Việt Nam, Cao đẳng Nghề Dầu khí và Đại học Dầu khí mỗi năm Tập đoàn đầu tư không dưới 500 tỉ đồng… Và trong các đơn vị của Tập đoàn đứng số một về kinh phí đào tạo là Vietsovpetro, tiếp sau là PV Gas, PVEP, PVD, PTSC…

Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì đồng chí Tổng giám đốc cũng cho rằng mỗi đơn vị phải nghiêm khắc nhìn nhận những việc chưa làm được, những hạn chế để có biện pháp khắc phục sớm. “Mong rằng trong thời gian sắp tới, lãnh đạo các đơn vị phải nhìn nhận đúng vai trò, vị trí trong việc sử dụng nhân lực ở đơn vị mình sao cho có hiệu quả nhất. Bên cạnh việc đào tạo chuyên sâu, tự đào tạo thì mỗi đơn vị phải không ngừng phổ cập kiến thức cho người lao động, nhất là ngoại ngữ. Trong đó đội ngũ cán bộ quản lí, lãnh đạo đơn vị phải đặc biệt làm gương và không ngừng học tập để nâng cao trình độ và năng lực lãnh đạo.

Có thể khẳng định một trong những thành công của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thời gian qua là bài học về công tác đào tạo nguồn nhân lực cho các dự án. Do đó tại Hội nghị, Trường Cao đẳng Nghề dầu khí, Công ty điều hành chung Biển Đông 1 (Biển Đông POC), Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn (BSR) và Nhà máy Đạm Cà Mau đã chia sẻ những kinh nghiệm thành công trong công tác đào tạo trước tuyển dụng cho các dự án.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Chủ tịch HĐTV PVN Phùng Đình Thực đã nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của công tác đào tạo nguồn nhân lực cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Trong thời gian sắp tới hoạt động đào tạo của ngành tiếp tục  hướng đến tính hiện đại và chuyên nghiệp, hướng đến hội nhập quốc tế, hướng đến tương lai.

Đồng chí Phùng Đình Thực cũng đánh giá công tác đào tạo cho các dự án trong thời gian qua là xuất sắc, điển hình là công tác đào tạo và chuẩn bị nguồn nhân lực tốt nhất để sẵn sàng  cho giai đoạn vận hành Dự án Biển Đông 1; công tác đào tạo cho các dịch vụ khâu sau như Lọc hóa dầu, nhà máy đạm, nhà máy điện… cũng rất hiệu quả mà công lớn là Trường Cao đẳng Nghề dầu khí.

Đồng chí Phùng Đình Thực và đồng Lê Minh Hồng trao Bằng khen của Tập đoàn cho 8 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác đào tạo nguồn nhân lực giai đoạn 2009-2012

Trong thời gian sắp tới phải hướng đến 6 nội dung quan trọng là tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống quản trị nhân lực (HRM) của Tập đoàn theo chuẩn mực quốc tế, trong đó trọng tâm là xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn chức danh, hệ thống đánh giá kết quả thực hiện công việc, hệ thống trả lương theo năng lực; Tiếp tục xây dựng đội ngũ quản lí, thực hiện các chương trình đào tạo về quản lý cho cán bộ có chức danh lãnh đạo, cán bộ nguồn trước khi bổ nhiệm; Tiếp tục xây dựng đội ngũ chuyên gia kỹ thuật cho 5 lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh chính của Tập đoàn, đặc biệt là các chương trình đào tạo chuyên sâu; Xây dựng và phát triển hệ thống đào tạo - nghiên cứu khoa học nhằm đảm bảo Tập đoàn luôn chủ động trong công tác đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao, đạt trình độ khu vực và quốc tế trên cơ sở 3 đơn vị chủ lực là Viện Dầu khí Việt Nam, Trường Cao đẳng Nghề Dầu khí và Đại học Dầu khí; Chú trọng xây dựng đội ngũ làm công tác thiết kế các công trình dầu khí trên biển và bờ; Tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nội bộ, đào tạo kèm cặp, tạo dựng mạng lưới đào tạo nội bộ trong Tập đoàn, với trọng tâm đẩy mạnh đào tạo bồi dưỡng thường xuyên, cập nhật, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức chuyên ngành…

Đây là 6 nội dung chính trong chiến lược đào tạo và phát triển nhân lực và các giải pháp đột phá triển nguồn nhân lực ngành Dầu khí giai đoạn 2013-2015 được Chủ tịch HĐTV Phùng Đình Thực đặc biệt nhấn mạnh tại Hội nghị lần này.

Đồng chí Lê Minh Hồng cho biết, đây là hội nghị đầu tiên về công tác đào tạo mang tính chuyên sâu, 9 báo cáo tham luận của các đơn vị đã đi sâu vào 4 lĩnh vực đào tạo cơ bản hiện nay rất sâu sắc. Thời gian đến, đề nghị Công ty Mẹ và các công ty thành viên điều chỉnh bổ sung đề án phát triển nguồn nhân lực trên cơ sở tái cấu trúc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, tái cấu trúc doanh nghiệp.

Cũng dịp này, đồng chí Lê Minh Hồng thông qua 11 chương trình hành động của Hội nghị. “Mong rằng tất cả đồng chí lãnh đạo tại các đơn vị, các đồng chí làm công tác đào tạo triển khai kết luận của Chủ tịch Hội đồng Thành viên Phùng Đình Thực tại Hội nghị này một cách thiết thực, hiệu quả nhất…” - đồng chí Lê Minh Hồng nhấn mạnh.

Như vậy, “Hội nghị công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực” của Tập đoàn giai đoạn 2009-2015, định hướng đến năm 2025 đã thành công tốt đẹp. Nhiều giải pháp đột phá trong việc phát triển nguồn nhân lực ngành dầu khí được đưa ra sẽ triển khai, thực hiện trong thời gian tới. Để ngành dầu khí tiếp tục là đầu tàu của nền kinh tế nước nhà mà lực lượng người lao động dầu khí là mạnh nhất trong các Tập đoàn kinh tế nhà nước.

Thiên Thanh

DMCA.com Protection Status