Thành công của PVEP hôm nay là kết quả của tinh thần "dám nghĩ - dám làm"
Trong từng giai đoạn phát triển của ngành Dầu khí, từ những bước thăng trầm khó khăn, từ những điều kiện cụ thể, Đảng, Nhà nước, Chính phủ cũng như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) luôn coi trọng lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí và coi đây là một ngành kinh tế đặc biệt quan trọng, cốt lõi trong sự phát triển của ngành Dầu khí.
Trước yêu cầu cụ thể để phát triển lĩnh vực này, Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) được hình thành trên cơ sở sát nhập 2 đơn vị gồm Công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí (PVEP) và Công ty Đầu tư Phát triển Dầu khí (PIDC). Hai đơn vị này có các chức năng khác nhau. Công ty PVEP có chức năng thay mặt cho Petrovietnam trực tiếp đầu tư góp vốn cùng với các nhà thầu khác để tìm kiếm thăm dò khai thác các dự án Dầu khí ở Việt Nam. Còn Công ty PIDC có chức năng nhiệm vụ là giám sát các hoạt động dầu khí của các nhà thầu tại Việt Nam thay mặt cho Petrovietnam, cũng như thêm chức năng triển khai các dự án đầu tư tìm kiếm thăm dò Dầu khí ở nước ngoài. Cả 2 công ty này đều được hình thành trên cơ sở Công ty Petrovietnam-II (được thành lập vào ngày 20/5/1988) là đơn vị thành viên của Tổng cục Dầu khí Việt Nam trước đây được thành lập vào ngày 20/5/1988 và PIDC. Đây là tiền đề để hình thành PVEP ngày nay trước khi chính thức thành lập vào năm 2007.
Giàn khai thác tại mỏ Rạng Đông |
Đây cũng là dấu mốc quan trọng của ngành Dầu khí khi Petrovietnam đã có một đơn vị thực hiện hoàn chỉnh quá trình triển khai dự án dầu khí từ khâu quản lý, giám sát, trực tiếp đầu tư vào các dự án tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở Việt Nam cũng như ở nước ngoài. Từ quá trình hình thành và phát triển của PVEP, với sự đóng góp lớn lao cho đất nước, cho ngành Dầu khí, cùng nguyện vọng của những thế hệ “người đi tìm lửa” PVEP, Petrovietnam đã có quyết định công nhận ngày 20/5 - ngày thành lập Petrovietnam-II là ngày truyền thống của PVEP . Cũng từ đây, những người làm PVEP chính thức có ngày truyền thống của riêng mình.
Trải qua quá trình hình thành và phát triển trong suốt 35 năm qua, PVEP đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, lãnh đạo sát sao của các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho PVEP phát triển, cùng với sự nỗ lực của tập thể lãnh đạo, cán bộ, người lao động PVEP qua các thời kỳ, PVEP đã đạt được thành công như ngày hôm nay.
Hành trình 35 năm qua của PVEP là minh chứng đúng đắn cho quyết định sáp nhập 2 tổ chức tiền thân để hình thành được Tổng Công ty hoạt động trong lĩnh vực cốt lõi của Petrovietnam là tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí một cách hoàn chỉnh.
TS Trần Quốc Việt, Chủ tịch HĐTV PVEP và đoàn công tác kiểm tra dự án Bir Seba |
Từ năm 2007 tới nay, sau 15 năm hoạt động PVEP đã đóng góp cho NSNN xấp xỉ 15 tỷ USD, đã xây dựng được một đội ngũ CBNV đủ năng lực để thực hiện tất cả các khâu từ đầu đến cuối của quá trình tìm kiếm thăm dò mà trước đây chúng ta phụ thuộc hoàn toàn vào các chuyên gia nước ngoài.
Bên cạnh đó, sứ mệnh quan trọng khác của PVEP chính là việc trở thành đơn vị tiên phong trong hội nhập quốc tế. Không chỉ dừng lại ở việc hội nhập với các đối tác nước ngoài vào Việt Nam, mà PVEP còn là đơn vị đầu tiên đầu tư ra nước ngoài, tạo nên uy tín, bản sắc của PVEP, của Petrovietnam đồng thời đưa tên tuổi ngành Dầu khí Việt Nam ra với bạn bè quốc tế.
Đồng thời, thành công lớn nữa của PVEP là trở thành Tổng Công ty trụ cột trong Tập đoàn, là đơn vị đi đầu dẫn dắt nhiều đơn vị khác không những của trong ngành Dầu khí mà còn các doanh nghiệp Việt Nam cùng phát triển.
Từ những hoạt động của PVEP, những sản phẩm dầu và khí được PVEP đưa tới các khách hàng ở khắp mọi miền của đất nước, tạo tiền đề hình thành lên các khu công nghiệp, khu kinh tế, tạo động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của các địa phương trên cả nước, từ đó góp phần vào công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Từ các khu công nghiệp ở Vũng Tàu, Đồng Nai và TP HCM đến Cụm công nghiệp khí - điện - đạm Cà Mau và hướng tới tương lai khi mà đường ống dẫn khí Lô B đi vào hoạt động trong những năm 2026 tới đây sẽ kết nối cả khu vực miền Tây Nam Bộ giữa Kiên Giang, Đồng Nai và Cần Thơ.
PVEP và BSR ký kết thỏa thuận khung về hợp tác trong hoạt động mua bán dầu thô |
Ngoài ra, các sản phẩm từ các dự án/liên doanh của PVEP cũng góp phần quan trọng trong việc hình thành khu Công nghiệp Dung Quất ngày nay. Trong giai đoạn cao điểm nhất, Nhà máy Lọc dầu Bình Sơn đã sử dụng 90% dầu thô khai thác trong nước, trong đó 50% đến từ các dự án của PVEP.
Song song với những đóng góp hiệu quả trong việc phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, PVEP còn tích cực tham gia bảo vệ an ninh chủ quyền quốc gia. Các dự án của PVEP đang đầu tư cũng như tham gia cùng các đối tác đầu tư đều ở tuyến đầu trên thềm lục địa Việt Nam.
Những người công nhân, những kỹ sư, những cán bộ đang lao động ở ngoài các giàn khoan, giàn khai thác trên biển cả mênh mông, ở những nơi xa nhất, mực nước sâu nhất đều đang là những chiến sỹ ngày đêm thực hiện song song hai nhiệm vụ vừa đảm bảo khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên của đất nước, vừa bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.
Đây vẫn là một nhiệm vụ quan trọng mà PVEP luôn đặt lên hàng đầu trong tất cả các chỉ đạo triển khai hoạt động của mình.
Với tinh thần, trách nhiệm của mình, PVEP cũng luôn quan tâm, sẻ chia với cộng đồng, với các địa phương và nhân dân trên cả nước. Trong suốt hành trình 35 năm qua, PVEP cùng với Petrovietnam, các cấp lãnh đạo Chính phủ cùng các địa phương luôn quan tâm, chia sẻ công tác ASXH với cộng đồng nói chung cũng như với các địa phương nơi PVEP có dự án nói riêng. Và chúng tôi luôn nhận được sự đồng cảm, sự chia sẻ và sự ủng hộ giúp đỡ của nhân dân các địa phương trên mọi miền Tổ quốc.
***
Hiện nay, ngành Dầu khí nói chung và PVEP nói riêng đang chú trọng đẩy mạnh công tác Văn hóa doanh nghiệp.
Người lao động PVEP trên công trình ngoài khơi |
Đặc biệt, ở PVEP có một điểm đã trở thành nét văn hóa truyền thống chính là tinh thần "dám nghĩ - dám làm". Cũng có thể nói không quá là sự thành công của PVEP ngày hôm nay là kết quả của tinh thần "dám nghĩ - dám làm" trong các thế hệ “người đi tìm lửa” PVEP.
Những năm tới, tôi có thể khẳng định người PVEP vẫn giữ đúng nét văn hoá như thế. Chúng tôi vẫn quyết tâm "dám nghĩ - dám làm" ở ngay trong bối cảnh này, ngay trong điều kiện hiện nay.
Trong những năm vừa qua, PVEP nói riêng, ngành Dầu khí nói chung đã phải trải qua một giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử. Đã có thời điểm niềm tin của người PVEP bị giảm sút, luôn cảm thấy lo âu nhưng chúng tôi đã đặt ra câu hỏi: Sau này ai sẽ là người đánh giá chúng ta là người "dám nghĩ - dám làm". Chúng tôi nghĩ rằng lịch sử sẽ trả lời câu hỏi đấy và việc phải làm bây giờ là tiếp tục những điều đang còn dang dở. Và chính với sự “dám nghĩ – dám làm” đó chúng tôi đã chung sức để vượt qua những khó khăn, thách thức, giải quyết nhiều vấn đề tồn đọng, lấy lại uy tín, lòng tin cũng như sự tự trọng của “những người đi tìm lửa”.
Nếu không có tinh thần “dám nghĩ - dám làm” thì chắc chắn PVEP không thể thành công ở dự án Bir Seba tại sa mạc Sahara trên đất Angeria. Để thực hiện dự án đầu tư ra nước ngoài đầu tiên này, lãnh đạo PVEP và cán bộ công nhân viên ngay ấy đã phải trải qua “thiên nan, vạn nan” về khí hậu, tình hình an ninh, văn hóa và cả những vấn đề kỹ thuật nảy sinh ngoài dự kiến trong quá trình khoan, khai thác. Cho tới nay, mặc dù Bir Seba đang hoạt động có hiệu quả, nhưng anh em vẫn phải làm việc trong điều kiện còn nhiều khó khăn, gian khổ mà chưa nơi đâu có thể so sánh được.
Có thể chia sẻ thêm về tinh thần “dám nghĩ - dám làm” ở PVEP đó là việc ở mỏ Đại Hùng - mỏ có vị trí xa nhất thềm lục địa chúng ta. Trước đây, PVEP khai thác sử dụng công nghệ giếng khai thác ngầm, và đến khi hết tuổi thọ của giếng thì mức độ nguy hiểm đến mức báo động. Cán bộ trong ngành Dầu khí cũng như PVEP đã rất đau đầu tìm các giải pháp để thực hiện các giải pháp an toàn trong công tác huỷ giếng nhưng thời gian kéo dài và không đi đến giải pháp cuối cùng. Nhưng nhờ tinh thần "dám nghĩ - dám làm - dám chịu trách nhiệm", PVEP đã thực hiện thành công công tác huỷ giếng.
Hay như trường hợp Giàn Đại Hùng bảo dưỡng vào đúng mùa bão biển năm 2019. Đặc biệt, việc đưa giàn ra khơi cũng vào đúng trung tâm của trận bão cấp 17 lịch sử năm ấy. Nhưng bằng các giải pháp quyết liệt nhất của CBNV PVEP POC cũng như của các đồng chí lãnh đạo PVEP không quản ngày đêm trong quá trình chỉ đạo điều hành, chúng tôi đã thành công đưa giàn Đại Hùng vượt qua cơn bão, kết nối giàn vào đúng mùa biển động nhất mà trước đây chúng tôi chưa bao giờ nghĩ tới. Việc thành công này giúp cho PVEP xuất được chuyến dầu sớm, mang lại lợi nhuận xấp xỉ 1.200 tỷ đồng. Chúng tôi cũng hi vọng rằng với tấm gương “Đại Hùng”, giai đoạn tiếp theo, những người PVEP hôm nay và mai sau sẽ phát huy những điển hình này mạnh dạn hơn nữa, vững vàng hơn nữa, đủ bản lĩnh, đủ trí tuệ thì khó mấy chúng ta cũng vượt qua được.
Hiện tại, PVEP cũng đang thực hiện công tác tái tạo Văn hóa doanh nghiệp của PVEP. Song song với việc gìn giữ, phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của PVEP cũng cần phải tiếp thu những văn hoá mới, những tinh tuý phù hợp để hoàn thiện văn hoá PVEP. Trên cơ sở loại bỏ những cái văn hoá không tốt, văn hoá xấu, chúng tôi cũng xác định rõ 4 phương châm của văn hoá PVEP trong giai đoạn hiện nay cũng như là giai đoạn tiếp theo đó là “Đoàn kết – Chất lượng – An toàn – Nhân ái”.
Đây cũng chính là những nét đẹp mà PVEP sẽ tiếp tục duy trì tới những thế hệ sau để viết tiếp những trang sử hào hùng của PVEP./.
Nguyễn Như Phong