Thanh niên học tập lịch sử truyền thống ngành Dầu khí

09:23 | 30/10/2013

683 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Chiều 29/10, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm lịch sử truyền thống ngành Dầu khí và định hướng phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Buổi tọa đàm trực tuyến tại 4 điểm cầu: Hà Nội, TP HCM, Vũng Tàu, Cà Mau.

Đồng chí Nguyễn Hiệp, nguyên Phó tổng giám đốc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) truyền đạt lịch sử của ngành tới tuổi trẻ Dầu khí. Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Đinh Văn Sơn – Thành viên HĐTV Tập đoàn; đồng chí Nguyễn Tiến Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn dự và trao đổi về các định hướng phát triển Tập đoàn từ nay đến 2025, định hướng 2035.

Đồng chí Nguyễn Hiệp đã khái quát lịch sử phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam với nhiều mốc quan trọng. Giai đoạn Thực dân Pháp đô hộ, kết quả tìm kiếm dầu khí ở Việt Nam của người Pháp giai đoạn 1910 – 1954 rất hạn chế.

Buổi tọa đàm nằm trong các sự kiện chào mừng Ngày Truyền thống ngành Dầu khí Việt Nam 27/11

Những năm 50 của thế kỷ trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm có tầm nhìn chiến lược về xây dựng và phát triển ngành Dầu khí Việt Nam. Ngày 23/7/1959 trong chuyến thăm Liên Xô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm khu công nghiệp dầu khí Bacu của nước Cộng hòa Adecbaigian. Người đã nói: “Sau khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi, Liên Xô nói chung, Adecbaigian nói riêng phải giúp đỡ Việt Nam khai thác và chế biến dầu khí, xây dựng được các khu công nghiệp dầu khí mạnh như Bacu”.

Miền võng Hà Nội là nơi mở đầu và là trường học đào tạo đội ngũ Dầu khí Việt Nam. Ngày 27/11/1961, Tổng cục Địa chất ra Quyết định số 271/ĐC thành lập Đoàn Thăm dò Dầu lửa, số hiệu của Đoàn là: Đoàn 36 dầu lửa. Ngày 27/11 trở thành Ngày Truyền thống của ngành Dầu khí Việt Nam.

Ngày 3/9/1975, Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam ra đời, đánh dấu ngày thành lập ngành Dầu khí Việt Nam. Trong thời gian 15 năm (1975 – 1990), Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, đã định hình trong lĩnh vực chủ chốt của ngành công nghiệp dầu khí, chuẩn bị ra đời một tổ chức mới phù hợp với sự phát triển của đất nước.

Năm 2006, Chính phủ ra quyết định thành lập Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Từ đó đến nay, với sự phát triển mạnh mẽ, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam phát triển trở thành tập đoàn công nghiệp năng lượng hàng đầu đất nước.

Lãnh đạo Tập đoàn trao đổi với tuổi trẻ Dầu khí về định hướng phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

Phần hai của buổi tọa đàm, đồng chí Nguyễn Tiến Dũng, Phó tổng giám đốc PVN trao đổi với tuổi trẻ Dầu khí định hướng phát triển Tập đoàn trong thời gian tới.

Đầu năm 2013, Chính phủ phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giai đoạn 2012 – 2015”. Sắp tới, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết Bộ Chính trị về phát triển ngành Dầu khí đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2035.

Thực tế trong những năm qua, PVN luôn phát triển với tốc độ cao, doanh thu hàng năm tăng 25 – 30%; tỷ suất lợi nhuận trên vốn đạt khoảng 14%. Bên cạnh đó, Phó tổng giám đốc PVN Nguyễn Tiến Dũng cũng nêu lên những vấn đề khó khăn thách thức đặt ra cho Tập đoàn là: Quy mô của Tập đoàn tuy lớn nhất nước nhưng vẫn nhỏ so với các tập đoàn dầu khí mạnh trong khu vực, nhất là so với Petronas của Malaysia. Một số đơn vị hoạt động khó khăn.

Trong định hướng phát triển Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đến 2035, quan điểm không thay đổi nhưng mục tiêu của chiến lược có thay đổi. PVN sẽ phát triển trở thành tập đoàn công nghiệp, thương mại mạnh trong khu vực và tập trung vào 5 lĩnh vực: Thăm dò khai thác dầu khí, công nghiệp khí, công nghiệp điện, chế biến dầu khí, dịch vụ dầu khí chất lượng cao. Trước mắt, từ nay đến 2015, PVN sẽ tái cơ cấu như sau: chỉ giữ lại 100% vốn Nhà nước tại Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí, các Tổng công ty còn lại cổ phần hóa. Thu gọn còn khoảng 100 công ty cháu và không còn công ty chắt.

“Thế hệ chúng tôi đã làm chiến lược, thanh niên Dầu khí là những người thực thi chiến lược đó. Chúng ta không thể đạt được mục tiêu nếu chúng ta không biết các thách thức. Các bạn phải có khát vọng. Nên chăng các sinh hoạt thanh niên cần đưa các vấn đề này vào bàn thảo” – Phó tổng giám đốc PVN Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh.

Đồng chí Nguyễn Hiệp trao đổi về lịch sử ngành Dầu khí Việt Nam

Ở phần giao lưu với tuổi trẻ Dầu khí, các đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Đinh Văn Sơn, Nguyễn Tiến Dũng đã trả lời các câu hỏi như: Vì sao không sáp nhập Nhà máy Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ làm một; Tái cấu trúc doanh nghiệp ảnh hưởng đến tâm lý, công ăn việc làm của cán bộ công nhân viên như thế nào; Thanh niên phải làm gì để thực hiện chiến lược tăng tốc phát triển của Tập đoàn…

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho biết, sở dĩ vẫn giữ không sáp nhập hai nhà máy đạm vì cổ đông Đạm Phú Mỹ không đồng ý mua lại cổ phần của Đạm Cà Mau; ngoài ra giữ lại Đạm Cà Mau là để đóng thuế tại tỉnh Cà Mau giúp tỉnh này phát triển hơn trong thời gian tới. Tuy tồn tại hai nhà máy đạm nhưng sự lãnh đạo của Tập đoàn vẫn rất chặt chẽ. Hàng từ Đạm Cà Mau vẫn thường xuyên được dự trữ trong kho của Đạm Phú Mỹ để chờ vụ mùa thì tung ra – đây là một sự phối hợp thống nhất trong khâu phân phối sản phẩm này.

Riêng về tái cấu trúc doanh nghiệp và việc làm, đồng chí Nguyễn Tiến Dũng cho rằng: Tuổi trẻ mà có khát vọng thì việc tái cấu trúc lại là cơ hội việc làm mới.

Đồng chí Đinh Văn Sơn cũng chia sẻ với tuổi trẻ Dầu khí: “Trước đây, chúng ta nghĩ rằng nguồn lực để phát triển Tập đoàn là nguồn tài nguyên nhưng giờ thì khác, nguồn lực chính là con người. Tuổi trẻ là nguồn lực chính yếu để giúp Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tăng tốc trong thời gian tới”.

Đức Chính

DMCA.com Protection Status